Đau lắm Huế ơi!

Lưu Trọng Văn

clip_image002

Phóng viên Tuổi trẻ:

– Quá trình công tác của cô Hồ Thị Tâm ở trường những năm gần đây là như thế nào, thưa ông?

Hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng, Huế:

– Câu hỏi này không liên quan đến vụ việc nên tôi xin không trả lời.

Pv Tuổi trẻ:

– Có thông tin cho rằng nguyên nhân xảy ra vụ việc trên là do trù dập, tấn công cá nhân cô giáo Hồ Thị Tâm, bởi trước đó cô Tâm có lên tiếng về chuyện khuất tất trong thu chi, không dân chủ ở nhà trường. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Hiệu trưởng:

– Như đã nói, hiện tại tôi chỉ có thể trả lời về những gì liên quan đến clip trên mạng đó thôi.

Pv Tuổi trẻ đã hỏi hai câu hỏi để từ đó người đọc tự suy luận hiểu cái lõi sự thật. Rất tiếc ông hiệu trưởng đã từ chối trả lời. Tại sao ông lại từ chối trả lời? Điều ngạc nhiên là, câu hỏi về đánh giá cô giáo Tâm rất cần thiết để hiểu rõ hành động của cô, liên quan đến việc cô bị xua ra ngoài lớp trước mặt học trò của cô, lại bị ông hiệu trưởng coi là không liên quan đến sự việc.

Tại sao lại không liên quan khi cô bị đơn của học sinh chê cô giảng kém, đòi đổi giáo viên khác dạy? Và mọi nguồn cơn đều từ đơn thư này. Nếu cô dạy giỏi và đối xử tử tế với học trò thì tại sao lại có đơn thư ấy? Còn nếu cô xưa nay dạy kém thì tại sao Hội đồng giáo viên và Tổ chuyên môn lại không phê phán cô hoặc kiến nghị ban giám hiệu điều chuyển cô?

Có thể mọi việc bắt đầu từ cô Tâm muốn tìm ra sự thật của việc ai đó chống đối cô, do cô có phản ứng về một số tiêu cực nào đó của trường, đằng sau lá đơn của học trò nào đó chứ không phải truy tìm học trò nào đã ký đơn chê cô giảng kém.

Mọi việc sẽ đơn giản khi ngành Giáo dục Huế cho điều tra bức thư đòi thay cô Tâm giảng văn ở lớp 10A9. Ai viết? Ai ký? Nếu chỉ có học trò nào đó ký, không phải hầu hết học trò ký mà nhân danh cả lớp thì quá rõ đây là trò ném đá giấu tay nhằm công kích cô Tâm.

Việc cô Tâm cố gắng tìm sự thật này là chính đáng để bảo vệ danh dự cho cô đồng thời bảo vệ danh dự cho các học trò của cô nếu các học trò đó không ký. Và quan trọng hơn cả, việc tìm ra sự thật này để bóc trần những ai đó trong môi trường giáo dục đã làm điều tệ hại không thể tha thứ đó là xúi bẩy học trò non trẻ, trong trắng thực hiện ý đồ không trong sáng của mình.

1.

Cô Tâm kể rằng vào sáng 22-10, cô có hai tiết văn liên tiếp ở lớp 10A9. Đây cũng là hai tiết văn cuối cùng cô Tâm được đứng lớp trước khi bàn giao cho giáo viên mới. Sau khi hoàn thành hai tiết học, cô Tâm đã dành một chút thời gian ít ỏi còn lại của tiết học và 5 phút nghỉ giải lao giữa giờ để tạm biệt học sinh.

Trong thời gian này, cô có đề nghị toàn lớp 10A9 làm khảo sát trên giấy về việc các bạn có ký tên vào đơn đề nghị đổi giáo viên dạy văn khác hay không?

"Thời gian làm khảo sát đúng là có rơi vào thời gian đầu của tiết sinh hoạt. Tuy nhiên thời gian này cô giáo chủ nhiệm của lớp vẫn chưa đến nên tôi có xin các bạn học sinh tranh thủ làm khảo sát thật nhanh", cô Tâm nói.

Sau khi cô giáo chủ nhiệm lớp 10A9, thầy Phong và các thầy khác xuất hiện ở lớp, cô Tâm cho biết là đã giải thích mình chỉ ở lại chia tay học trò, chứ không có chuyện làm loạn. Cô cũng trình bày, giải thích việc mình cho học sinh làm khảo sát để biết được sự thật về mình và sẽ rời đi ngay, chứ không có chuyện "cướp" giờ sinh hoạt của lớp.

"Tôi chỉ đang chia tay lớp học và không làm bất cứ điều gì trái với quy định của trường. Lúc cô giáo chủ nhiệm vào lớp, tôi có giải thích với cô là do cô chưa vào lớp tôi mới nán lại để chia tay học trò", cô Tâm nói.

2.

Gã nhận được từ Huế một cô giáo giấu tên viết về sự kiện trên:

"Sự thật là cô giáo này định làm rõ chuyện tiền nong thu chi của học sinh, nhà trường phủ đầu cô bằng cách đánh vào chuyên môn. Trường bố trí một đơn xin đổi giáo viên của lớp 10A9 (tên như lớp mình ngày xưa), lý do là cô vào lớp thường dành thời gian để chê bai xã hội nhiều hơn dạy. Và trường hạ nhục cô bằng cách đổi giáo viên khác, phê bình cô về chuyên môn. Nhưng thực ra cái đơn kiến nghị đó là không rõ ràng, vì đa số học sinh khẳng định là không ký đơn. Cô giáo vào lớp để lấy bằng chứng, khảo sát ý kiến xem có đúng là học sinh không ký đơn không. Ban giám hiệu nghe cô đang làm việc đó thì phát hoảng, một hiệu phó, một giáo viên thể dục và một bảo vệ xông vào đuổi cô ra. Trong clip chỉ có đoạn thầy thể dục bẻ tay cô, thầy hiệu phó đã chạy ra trước đó rồi nên không có mặt.

Clip trên là một vụ gậy ông đập lưng ông. Bởi vì trường bí mật dặn học sinh khi nào cô vào lớp thì quay clip để có bằng chứng cô nói xấu xã hội. Không ngờ học sinh nó quay chỉ được đoạn này.

Về chuyên môn, cô này không kém cỏi gì cả. Nhưng về tính cách là hơi có vấn đề, vì cô luôn chống tiêu cực trong suốt lịch sử đi dạy của mình, vì thế luôn bị cô lập, đến dạy ở trường nào cũng cô độc cả. Đồng nghiệp sợ sếp nên thường tránh những người phản đối, phản biện sếp.

Khi sự việc xảy ra, trường cho soạn sẵn một kịch bản chống lại cô giáo, bao biện cho hành vi thô bạo bằng cách cho phụ huynh, học sinh và dư luận viên, các nickname ảo vào comment và đưa tin về lỗi của cô giáo. Cư dân mạng đếm ra có đến cả ngàn tài khoản chỉ comment chung một nội dung, như kiểu sao chép của nhau, của cùng một giọng văn (đến mức họ biết là văn của cô thầy nào soạn ra comment nó cho học sinh chép).

Điều tồi tệ là nhà trường đã sai học sinh làm theo ý mình, hỏng cả sự trong sáng của các em. Hơn nữa học sinh cấp ba mà không viết nổi cái comment, phải coppy của người khác cũng là điều đáng suy nghĩ.

Sự thật là như thế đó các bạn. Làm người tốt không dễ, lại dễ bị chụp mũ này nọ…".

3.

Gã cũng nhận được từ Huế hình chụp facebook của một người tên là Ngô Hoàng Long, hình như là thầy giáo phụ trách công tác đoàn của Trường Hai Bà Trưng. Để khách quan, gã đưa nguyên văn mà không bình luận.

Sự việc xảy ra ở một trong hai ngôi trường lớn nhất, nổi tiếng nhất ở Huế không hề là chuyện vặt nếu nhìn ở bức tranh toàn cục nền giáo dục nước nhà. Ở đây bộc lộ tại chính ngôi trường Đồng Khánh xưa, Hai Bà Trưng nay vốn có bề dày truyền thống đáng tự hào với lớp lớp nữ sinh Đồng Khánh làm nên vẻ đẹp Huế. Một thực trạng: những nguyên tắc mối quan hệ thầy trò bị các mối quan hệ ngoài xã hội chi phối và làm vẩn đục.

clip_image004clip_image006

clip_image008

Riêng đối với Huế thì sự vẩn đục này không khác gì sự vẩn đục tà áo dài – đẹp và thơ của Huế.

Đau lắm Huế ơi!

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.