Nhiệm kỳ 3 của Tập Cận Bình tác động ra sao với Việt Nam?

VOA Tiếng Việt

clip_image002

Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình lên nắm quyền gần như cùng thời điểm, ông Trọng vào năm 2011 còn ông Tập một năm sau đó

Trong nhiệm kỳ 5 năm tới của Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép với Việt Nam trên Biển Đông và mặc dù hai Đảng Cộng sản sẽ cố gắng duy trì quan hệ tốt, Nguyễn Phú Trọng sẽ không tìm cách tập trung quyền lực vào tay mình như Tập Cận Bình, một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với VOA.

Ngay sau khi đắc cử Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba hôm 23/10, ông Tập Cận Bình đã mời người tương nhiệm ở Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 2/11. Ông Trọng sẽ là vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên ông Tập gặp sau Đại hội Đảng và đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trọng kể từ khi ông dược tái bầu, cũng nhiệm kỳ thứ 3, hồi đầu năm ngoái.

‘Sắp xếp từ trước’

Trao đổi với VOA từ Úc, ông Carlyle Thayer, giáo sư tại Học viện Quốc phòng Úc, nhận định việc chuyến thăm của ông Trọng diễn ra sớm như vậy sau khi Đại hội Đảng Trung Quốc bế mạc cho thấy chuyến thăm này đã được hai bên phê chuẩn và bàn bạc từ trước.

“Có thể phỏng đoán rằng phía Việt Nam đã đề xuất cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo,” ông Thayer, người theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều năm, cho biết nhưng không nói rõ phỏng đoán này dựa vào đâu.

Về nghị trình của cuộc gặp Trọng-Tập sắp tới, Giáo sư Thayer dự đoán hai bên sẽ phải đảm bảo lập trường của họ với bên kia về một số vấn đề quốc tế cấp bách như cuộc chiến của Nga ở Ukraine, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về Đài Loan, các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, tình hình kinh tế thế giới đi xuống và chính trị Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

“Hai nhà lãnh đạo sẽ đối chiếu tư tưởng của họ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và mối đe dọa chế độ bị lật đổ thông qua diễn biến hòa bình với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh vào sự đối đầu giữa chế độ dân chủ và chế độ toàn trị,” ông nói và giải thích cuộc gặp Trọng-Tập trước hết là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Đảng nên sẽ tập trung vào các vấn đề giữa hai Đảng cầm quyền.

Nhận định về mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, ông Thayer nhấn mạnh đến vai trò của Ban chỉ đạo hợp tác song phương vốn luân phiên họp ở từng nước mỗi năm là cơ chế giúp hai nước ổn định và phát triển mối quan hệ. “Cấu trúc quan hệ song phương đã được thiết lập từ lâu và đã được thử thách,” nhà nghiên cứu này nói.

Theo ông Thayer, ông Trọng và ông Tập sẽ tiếp tục ủng hộ các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng, hai Chính phủ và hai quân đội. “Chẳng hạn các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng sẽ được tiếp tục. Ngoài ra, có một số đường dây nóng mà hai bên sẽ nói chuyện nếu tình hình đòi hỏi,” ông cho biết.

‘Mỗi nước một hoàn cảnh’

Khi được hỏi về sự tương đồng của ông Tập và ông Trọng, khi cả hai ông đều phá giới hạn tuổi tác để làm nhiệm kỳ thứ ba và đều triển khai cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở từng nước, ông Thayer nói mỗi nước đều có hoàn cảnh riêng chứ không phải Hà Nội học theo Bắc Kinh.

Trong khi ở Trung Quốc, ông Tập đã phải vận động sửa đổi luật lệ để bãi bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ thì ở Việt Nam, Đảng Cộng sản nước này đã có quy định đặc cách về độ tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp đặc biệt.

“Mặc dù việc ông Trọng được bầu vào nhiệm kỳ ba là chưa từng có, quy định của Đảng không cho phép cán bộ làm quá hai nhiệm kỳ vẫn còn đó,” ông nhấn mạnh và chỉ ra rằng tại Đại hội 13, ông Trọng đã sẵn sàng xuống để cho người ông ủng hộ là Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng lên nhưng vì Ban chấp hành Trung ương không ủng hộ ông Vượng nên ông Trọng phải ở lại ‘để duy trì ổn định trong Đảng’.

Về công cuộc ‘đả hổ diệt ruồi’ ở Trung Quốc và ‘đốt lò’ ở Việt Nam, ông Thayer cho rằng ‘chắc chắn hai Đảng có nghiên cứu cách làm của nhau nhưng hành động của mỗi Đảng là độc lập’ và cả ông Tập vả ông Trọng đều là người chủ trương xây dựng Đảng mạnh nên họ đều quyết định chống tham nhũng dựa trên tình hình mỗi nước,

Vị giáo sư này cũng chỉ ra những khác biệt giữa ông Trọng và ông Tập để cho rằng ông Trọng không thể học theo mô hình tập trung quyền lực và xây dựng mình thành ‘lãnh đạo hạt nhân’ như ông Tập.

Trong khi ông Tập thể hiện sự kiểm soát hoàn toàn đối với Đảng ở Đại hội 20 thì ông Trọng tập trung vào xây dựng Đảng ‘để đảm bảo có nguồn cán bộ đủ tiêu chuẩn và trong sạch để kế thừa trong quy trình chuyển giao thế hệ có trật tự’.

“Nếu ông Trọng có thể học được bài học gì từ ông Tập, thì đó là Việt Nam không thể học theo mô hình ông Tập để tập trung quyền lực vào một cá nhân. Ở Việt Nam, tổng bí thư là người đứng đầu giữa những người ngang nhau chứ không phải là nhà độc tài. Nếu không phải vậy thì giải thích thế nào việc ông Trọng thất bại trong việc đề cử ông Vượng lên thay ông? Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động theo phương thức lãnh đạo tập thể (khác với cách lãnh đạo hạt nhân của Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc –tất cả xoay quanh Tập Cận Bình). Tổng bí thư Việt Nam không thể tự mình quyết định danh sách Bộ Chính trị (như ông Tập)”, ông phân tích.

Ông cho rằng việc tập trung quyền lực như ông Tập sẽ không xảy ra ở Việt Nam vì ông Trọng ‘biết rằng quyền lực trong tay một người sẽ dẫn đến bất ổn trong tương lai’.

Tình hình Biển Đông

Khi được hỏi tình hình Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào trong nhiệm kỳ ba của ông Tập, Giáo sư Carlyle Thayer nhận định ‘sẽ không có sự bất định trong đường hướng của ông Tập trong năm năm tới’.

“Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp ngoại giao, chính trị, kinh tế và cả cưỡng ép để thúc đẩy chủ quyền đối với ba quần đảo ‘Tam Sa’, bao gồm Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa, và vùng biển xung quanh chúng,” ông nói.

Dưới thời ông Tập đã xảy ra những vụ va chạm nguy hiểm trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, điển hình là vụ giàn khoan Hải Dương-981 được đưa vào thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014 và vụ tàu Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò Việt Nam ở Bãi Tư Chính hồi năm 2019.

“Đối với Việt Nam, tình hình Biển Đông trở nên hoàn toàn yên ắng kể từ năm 2019 khi vụ đối đầu ở Bãi Tư Chính kết thúc. Việt Nam đã đơn phương hủy các hợp đồng thăm dò với các đối tác nước ngoài ký vào năm 2017 và 2018. Sau đó là tình trạng tương đối yên bình giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông nếu so với sức ép liên tục của Bắc Kinh lên Philippines, Indonesia và Malaysia”, ông phân tích.

“Việt Nam sẽ tìm cách tránh đối đầu với Trung Quốc trong tương lai bằng cách duy trì nguyên trạng và sẽ tiếp tục thảo luận trong các nhóm công tác chuyên trách về các vấn đề trên biển,” ông nói thêm.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

This entry was posted in Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Bookmark the permalink.