Nước Nga tại sao phải gây chiến? Siloviki là ai?

A. Illarionov / https://www.journalofdemocracy.org/…/reading-russia…/

Kim Van Chinh dịch và giới thiệu

Để hiểu cấu trúc quyền lực và thể chế chính trị của nước Nga đương đại, cần phải hiểu rõ các tầng lớp nắm quyền lực thực sự ở Nga hiện nay và hệ tư tưởng của họ.

Bài viết sau của tác giả Nga A. ILLARIONOV khái quát rất đúng về xã hội thượng tầng hiện nay của Nga.

Bài viết đã được viết cách nay 12 năm nhưng còn nguyên tính khoa học và thời sự. Nó rất hữu ích trong việc hiểu được động cơ của chiến tranh về phía Nga cũng như các dự báo ai sẽ thay Putin hoặc phương án chính trị nào cho nước Nga nếu như Nga sẽ phải sụp đổ sau cuộc chiến này.

Tôi trân trọng dịch và giới thiệu cùng bạn đọc.

Nước Nga là gì? Siloviki là ai?

Bài viết của Andrei Illarionov là thành viên cấp cao tại Trung tâm Tự do và Thịnh vượng Toàn cầu của Viện Cato, đồng thời là Chủ tịch của Viện Phân tích Kinh tế ở Moscow. Từ năm 2000 đến năm 2005, ông là cố vấn kinh tế chính cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Illarionov nhận bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học St.Petersburg năm 1987.

Ai là người nắm giữ quyền lực chính trị ở Nga ngày nay? Mối quan hệ giữa họ với phần còn lại của người dân Nga là gì? Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên là nhóm siloviki (đôi khi được các nhà khoa học chính trị gọi là "securocrats").

Đây là những người làm việc cho hoặc từng làm việc cho các bộ silovye — nghĩa đen là “các bộ quyền lực kiểu chính phủ trong chính phủ” — nhân danh nhà nước. Tất cả có 22 cơ quan như vậy ở Nga ngày nay. Được biết đến nhiều nhất là Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), cơ quan kế thừa của cơ quan KGB từ thời Liên Xô. Các cơ quan quyền lực khác là Bộ Nội vụ, các chi nhánh khác nhau của quân đội, văn phòng công tố nhà nước, các cơ quan tình báo v.v. Dù là cơ quan trực thuộc thể chế cụ thể nào, tất cả các siloviki đều có điểm chung là họ được đào tạo đặc biệt giúp họ khác biệt với thường dân. Khóa đào tạo này cung cấp các kỹ năng, động lực và thái độ tinh thần cần thiết để sử dụng vũ lực chống lại người khác. Đặc điểm nổi bật của việc thực thi các siloviki ở Nga ngày nay là nó không nhất thiết có nghĩa là thực thi pháp luật. Nó có nghĩa là thực thi quyền lực và vũ lực, bất chấp luật pháp và khá thường xuyên trái luật. Nhân sự của mỗi cơ quan thực thi này, dù còn tại ngũ hay đã nghỉ hưu, đều tạo thành các nhóm thống nhất — thường không chính thức nhưng họ tồn tại thực sự và mạnh mẽ — có thể được gọi là kiểu hội anh em hoặc băng nhóm tập đoàn. Có một hệ thống thứ bậc cũng như nguyên tắc về lòng trung thành trong nhóm phải cao trong họ. Hầu hết các thành viên hiện tại và cựu thành viên của các cơ quan thực thi siloviki hình thành giai cấp siloviki như một phần đặc biệt của xã hội. Ở đỉnh cao của giai cấp đẳng cấp này là cảnh sát mật đang tại chức và cựu cảnh sát.

Theo một nghiên cứu thì đứng đầu tiên trong số các đặc vụ là các đặc vụ FSB, tiếp theo là các đặc vụ của Cơ quan Bảo vệ Liên bang (FSO) do KGB phụ trách và Văn phòng Tổng Công tố. Mặc dù các thành viên của tình báo quân sự (GRU) và Cục Tình báo Nước ngoài (SVR) đóng một vai trò lớn trong giai cấp này, nhưng họ chiếm một vị trí thấp hơn một chút trong hệ thống phân cấp quyền lực. Khó có thể tìm thấy ai trong số những người ra quyết định chính trị lớn ở Nga hiện nay có nền tảng xuất thân trong Bộ Nội vụ hoặc Bộ Quốc phòng (ngoài GRU): Vị trí của các bộ này và nhân sự của họ rõ ràng là cấp dưới. Thay vào đó, quyền lực thực sự thuộc về các đặc vụ và cựu chiến binh của các cơ quan mật vụ, tình báo chính trị và nội bộ. Điều này rất quan trọng vì việc đào tạo chuyên môn, các nguyên tắc đạo đức, sở thích và giả định (liên quan đến bạn bè, đồng nghiệp và đồng minh, cũng như kẻ thù) của tập hợp các nhân vật quan trọng của siloviki phải tạo thành một đối tượng nghiên cứu chính cho những người muốn hiểu biết về nền chính trị Nga ngày nay. Các thành viên của “Siloviki Incorporated” (SI) chia sẻ ý thức trung thành mạnh mẽ với nhóm; thái độ tương đối linh hoạt đối với các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn; và các quy tắc ứng xử và danh dự khá nghiêm ngặt, bao gồm các ý tưởng “luôn chăm sóc bản thân” và không vi phạm luật omerta (luật im lặng).

Các thành viên rất chú trọng vào việc tuân theo cấp trên, thể hiện lòng trung thành mạnh mẽ với nhau và giữ gìn kỷ luật nghiêm ngặt. Có cả các phương tiện chính thức và không chính thức để thực thi các nguyên tắc này. Những người vi phạm quy tắc phải chịu những hình thức trừng phạt khắc nghiệt nhất, bao gồm cả cái chết. Những người thuộc SI tự xem mình là người ưu tú. Việc đào tạo truyền cho họ cảm giác họ thuộc tầng lớp vượt trội hơn phần dân chúng còn lại, trở thành "ông chủ" hợp pháp của những người khác. Đối với những người vẫn đang tại ngũ, điều kiện đương nhiệm của họ bao gồm hai điều mang lại quyền lực thực sự cho họ ở nước Nga ngày nay: 1) quyền mang và sử dụng vũ khí và 2) bằng chứng xác thực là người của FSB (được gọi là vezdehod). Họ có quyền vào bất kỳ địa điểm, văn phòng, tòa nhà hoặc địa điểm nào, công cộng hay tư nhân.

Các thành viên có cả lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm không nhất thiết phải trùng khớp. Ví dụ, khi nói đến ai là người sở hữu tài sản mà SI đã thu giữ — một trường hợp liên quan đến việc tịch thu tài sản của Công ty dầu khí Sibneft vào năm 2005 — các thành viên đã tranh cãi dữ dội với nhau. Tuy nhiên, bất kỳ rạn nứt nào có thể có trong nội bộ SI, thì nó cũng dễ giải quyết vì hố sâu ngăn cách giữa SI và phần còn lại của xã hội Nga vẫn còn rộng hơn rất nhiều.

Kể từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền vào cuối những năm 1990, siloviki đã hình thành và lan rộng đến các vị trí trên khắp các nhánh quyền lực ở Nga. Theo một nghiên cứu năm 2006 của Olga Kryshtanovskaya, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu về Người ưu tú tại Học viện Khoa học Nga, những người có nền tảng an ninh chiếm 77% trong số 1.016 vị trí chính phủ hàng đầu của Nga.

Với nhà nước là cơ sở và phương tiện cho họ tồn tại, siloviki cũng đã tiếp quản các tổ chức kinh doanh và truyền thông quan trọng. Hiện nay, có rất ít lĩnh vực trong cuộc sống của người Nga mà cánh tay dài của SI không tiếp cận được.

Bây giờ là câu hỏi thứ hai của chúng tôi, về mối quan hệ giữa những người nắm quyền và những người khác, và về cơ bản nước Nga hiện nay là chế độ gì?

Có nhiều cách phân loại chế độ chính trị khác nhau. Tôi muốn chia chúng thành ba loại chính dựa trên mức độ quyền chính trị và các quyền tự do khác mà công dân được hưởng.

Loại chế độ tự do nhất là dân chủ, loại ít tự do nhất là chế độ độc tài, và chế độ nằm giữa chúng có thể được gọi là chủ nghĩa độc tài. Trong một nền dân chủ, phe đối lập không chỉ có quyền tồn tại chính thức, mà sẽ hoạt động mà không có sự cản trở nghiêm trọng nào từ chính quyền, và sẽ có cơ hội thường xuyên để cạnh tranh một cách hòa bình để giành quyền lực và thay thế những người đương nhiệm một cách có trật tự, thường xuyên được quy định bởi các quy tắc đã phổ biến và được chế định trong hệ thống pháp luật. Một chế độ độc tài không có những điều này. Thay vào đó, sự chống đối bị ngăn cấm và đàn áp gay gắt; nếu độc tài khác lên nắm quyền, đó là do một số đổ vỡ bạo lực chẳng hạn như một cuộc đảo chính hoặc xâm lược. Trong một chế độ độc tài, cuối cùng, đối lập chính trị có tổ chức có thể có khả năng tồn tại, nhưng nó sẽ phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng trên thực tế và không có con đường hiện thực nào có thể dẫn đến một kịch bản giành được quyền lực một cách hòa bình. Vì vậy, trong một chế độ độc tài cũng như một chế độ độc tài toàn trị, những thay đổi chính trị cơ bản chỉ có thể là bạo lực.

Dựa trên sơ đồ này, tôi phân loại chế độ hiện tại ở Nga như một ví dụ điển hình về một chế độ độc tài “cứng” (được xây dựng đầy đủ) đang hướng tới việc trở thành một chế độ độc tài “mềm” (có các yếu tố đối lập giả hiệu). Đối với những công dân Nga bình thường, điều này có nghĩa là có sự hiện diện của một số quyền tự do cá nhân hữu hình về kinh tế, văn hóa, nhưng gần như hoàn toàn không có bất kỳ quyền tự do chính trị đáng kể nào, phạm vi thực hiện các quyền tự do dân sự bị giảm nghiêm trọng và các giới hạn đáng kể đối với an ninh cá nhân của một người. Sự phản đối có tổ chức đối với chế độ gần như không tồn tại, và không có cơ hội để các chính trị gia đối lập lên nắm quyền một cách hòa bình. Không chỉ các nhà hoạt động chính trị, mà cả các nhà báo độc lập, luật sư và những người khác có thể hình thành các quan điểm khác chính thống vì sự bất bình, phải chịu đựng sự khủng bố đủ mọi dạng hình khiến họ phải thu mình lại và sống trong sợ hãi. Đặc điểm quan trọng nhất của chế độ hiện tại ở Nga là quyền lực thực sự không thuộc về một cá nhân, gia đình, đảng phái hay nhóm sắc tộc nào, mà thuộc về một tập đoàn Siloviki (cảnh sát bí mật trên thực tế).

Tạp chí Dân chủ thì cho rằng: Các cơ sở mật vụ mạnh mẽ và quyền lực đã thống trị nước Nga và nó đã từng tồn tại trong lịch sử. Nga kế thừa cái riêng của mình từ Liên Xô cũ, cộng với học theo mô hình SS và Gestapo ở Đức Quốc xã, kết quả là đã hình thành một cái gì đó giống như một nhà nước trong nhà nước. SAVAK ở Shah’s Iran vài thập kỷ trước cũng vậy. Tuy nhiên, không một tổ chức cảnh sát bí mật nào sở hữu quyền lực chính trị tối cao, và tất cả đều có những bậc thầy chính trị ở bên ngoài hàng ngũ của họ. Đó có thể là các nhà tư tưởng hoặc linh mục nhà thờ? Do đó, chế độ ở Nga ngày nay là độc đáo duy nhất trên thế giới, vì cho đến nay chưa có quốc gia nào tương đối phát triển mà ở đó tổ chức cảnh sát bí mật nắm quyền lực tối cao như nước Nga. Đặc điểm độc đáo này làm cho nhiệm vụ dự báo chính trị luôn luôn khó khăn.

Sự ổn định của bất kỳ chế độ nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả việc chính quyền của nó sẵn sàng sử dụng vũ lực để trấn áp phe đối lập và bất đồng chính kiến. Ngay cả những lúc không cần thiết sử dụng các biện pháp đó, chế độ siloviki vẫn tỏ ra sẵn sàng sử dụng và lạm dụng chúng, thường nghiêng về phía hà khắc. Điều này sẽ cung cấp cho chúng ta một số gợi ý về những gì sẽ xảy ra nếu chế độ này phải đối mặt với một thách thức thực sự dưới dạng các biến động lớn về kinh tế, xã hội, chính trị hoặc chiến tranh, từ bên ngoài.

Kể từ khi bắt đầu hình thành, chế độ siloviki đã có tính tích cực rất cao. Lúc đầu, nó tập trung vào việc tích cực phá hủy các quyền lực của đời sống chính trị, dân sự và kinh tế độc lập bên trong nước Nga. Khi đạt được những mục tiêu đó, hành vi gây hấn của chế độ đã vượt ra ngoài biên giới của Nga. Ít nhất kể từ vụ ám sát cựu tổng thống Chechnya Zelimkhan Yandarbiyev ở Doha, Qatar, vào ngày 14 tháng 2 năm 2004, hành vi gây hấn của SI trên trường quốc tế đã trở thành quy luật chứ không phải là ngoại lệ. Trong 5 năm qua, chế độ này đã tiến hành mười (10) cuộc “chiến tranh” khác nhau (hầu hết trong số đó liên quan đến tuyên truyền, hoạt động tình báo và cưỡng bức kinh tế chứ không phải dùng lực lượng quân sự công khai) chống lại các nước láng giềng và các quốc gia nước ngoài khác. Các mục tiêu gần đây nhất là Ukraine, Hoa Kỳ (chịu một chiến dịch kéo dài nhiều năm để khơi dậy tình cảm chống Mỹ và chiến tranh lợi dụng bầu cử tự do), và nổi tiếng nhất là Gruzia (thực sự bị ném bom và xâm lược vào năm 2008). Ngoài tâm lý bên trong họ cần tiến hành các cuộc chiến tranh gây hấn, một động cơ hợp lý cũng đang khiến siloviki phải dùng đến xung đột. Chiến tranh tạo ra những cơ hội tốt nhất để đánh lạc hướng dư luận trong nước và tiêu diệt tàn dư của các phe đối lập chính trị và trí thức trong chính nước Nga. Một chế độ phi dân chủ lo lắng về viễn cảnh các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị trong nước – chẳng hạn như những cuộc khủng hoảng hiện đang ám ảnh nước Nga trong bối cảnh suy thoái và giá dầu giảm – có thể đang cân nhắc thêm các hành động xâm lược.

Do đó, lưu ý mà tôi kết thúc là một điều u ám: Đối với tôi, khả năng Siloviki Incorporated sẽ phát động các cuộc chiến mới có vẻ cao một cách đáng báo động.

K.V.C.

Nguồn: Fb Kim Van Chinh

This entry was posted in Chiến sự Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.