Hải Triều
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ – ông Jonh Kerry và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính trong cuộc gặp ở Hà Nội hôm 5/9/2022. AFP
Ngày 20/10/2022, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry trở lại Hà Nội lần thứ ba trong năm nay. Kế tiếp, Chủ tịch Thượng viện Patrick Leahy sẽ dẫn một phái đoàn hùng hậu thăm Việt Nam từ 27/10 đến 2/11. Mỹ và Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại trong năm 2023. Trợ lý Ngoại trưởng Kritenbrink cho biết, dịp ấy sẽ có đoàn cấp cao giữa hai nước. Vậy, Mỹ còn kiên nhẫn chiến lược đến bao giờ để nâng cấp các mối quan hệ “Đối tác Toàn diện”?
________
Câu chuyện đã đến lúc nâng quan hệ “Đối tác Toàn diện” (CP) lên thành “Đối tấc Chiến lược” (SP) dần dà trở thành một sự nghịch biện trong bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Sự nghịch biện ấy thể hiện ở chỗ, cả Mỹ lẫn Việt Nam đều nhận thức được tầm quan trọng cũng như tính tất yếu của việc nâng cấp mối quan hệ song phương, nhưng rồi vì những nhân tố khách quan lẫn chủ quan, tiến trình này luôn luôn bị đẩy lùi, bới những lý cớ khó được thuyết phục. Bao lâu nay, nhân tố Trung Quốc luôn được viện dẫn như sự cản phá liên tục đối với việc nâng cấp quan hệ lên SP (1). Mà nhân tố này thì gắn với vị thế địa-chính trị Việt Nam – Trung Hoa ngàn đời nay và nó còn tồn tại dài dài. Thế chả nhẽ cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ từ nay chỉ quan tâm và hành động hướng đến thực chất của mối quan hệ song phương, còn tên gọi của mối quan hệ ấy sẽ được đôi bên “ignore” (lờ đi). Mà nếu đôi bên cùng nhất trí “bỏ qua” thì liệu cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ có làm cho “ngoại giao chiến lang” của Bắc Kinh bớt hung hăng trên Biển Đông hay tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung hay không?
Tăng tốc từ phía Hoa Kỳ
Trước lúc kết thúc nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam, Đại sứ Daniel Kritenbrink từng phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 2/7/2020: “Mỹ quan tâm hơn đến việc xây dựng lòng tin giữa hai nước, đến việc làm sao để quan hệ kinh tế thương mại song phương cân bằng, tự do và có đi có lại. Mỹ cũng quan tâm đến hợp tác quốc phòng và các ưu tiên của hai nước trên biển Đông và sông Mekong”. Và ông kết luận: “Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt – Mỹ đang ở mức tốt nhất và mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Sự hợp tác này sẽ ngày càng sâu sắc hơn nữa bất kể chúng ta gọi tên mối quan hệ đó là gì” (2).
Vâng, đúng là quan hệ đối tác Mỹ – Việt ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc, bất kể sau một mùa hè đứt gãy do COVID-19, cùng với các ảnh hưởng tiêu cực do cục diện “hậu-Ukraine” mang lại. Còn nhớ hồi đầu năm nay, từ 22 – 25/2/2022, sau chuyến “thị sát” tại đồng bằng sông Cửu Long, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã gặp gỡ các quan chức Chính phủ, đại diện các tổ chức xã hội và các lãnh đạo doanh nghiệp nhằm xây dựng sự đồng thuận để giải quyết khủng hoảng khí hậu và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch.
Ông Kerry đã tiếp kiến các quan chức chủ nhà, trong đó có Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc hôm 23/2, để trao đổi về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Trong buổi tiếp ấy, ông Phúc nhấn mạnh Việt Nam coi vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước… Đặt vấn đề như thế, tức ông Phúc đã gián tiếp nhấn mạnh chiều kích “chiến lược” trong quan hệ đối tác. Chủ tịch nước còn nói rõ, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ tài chính, kỹ thuật giúp Việt Nam thực hiện cam kết tại COP-26, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với một số đối tác, trong đó có Hoa Kỳ. Sau dịp ấy, ông Kerry sang Việt Nam lần thứ hai, từ 2 – 6/9/2022. Trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 5/9, ông Kerry tái khẳng định, Hoa Kỳ nhất quán coi trọng quan hệ “Đối tác Toàn diện” (CP) với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam đóng vai trò chủ động, thực chất tại khu vực và trong ứng phó với các vấn đề quốc tế, trong đó có biến đổi khí hậu (3).
Từ 20 đến 22 tuần này, Đặc phái viên Kerry trở lại Việt Nam lần thứ ba trong vòng chưa đầy một năm. Chuyến thăm của Đặc phái viên Tổng thống diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa trình làng vào ngày 12/10 vừa qua về Chiến lược An ninh quốc gia. Qua chiến lược này, Hoa Kỳ sẽ tìm cách kiềm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khi tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác với đồng minh và đối tác để giải quyết các thách thức mà các nước dân chủ phải đối mặt. Điều này có gây thêm khó khăn cho quá trình nâng cấp SP? Hy vọng, ông Kerry sẽ thành công, đưa việc đối phó với biến đổi khí hậu vào khuôn khổ quan hệ song – đa phương. Và bên cạnh các vấn đề biển đổi khí hậu, liệu ông Kerry có thể góp phần đáp ứng mong mỏi của Việt Nam, muốn được đón Tổng thống Biden nhân những dịp kỷ niệm các sự kiện lớn trong quan hệ hai nước? Được biết, ông Kerry là “chiến hữu” của Tổng thống Biden và là “đàn anh” của Ngoại trưởng Blinken. Dư luận từ giới quan sát chính trị cho rằng, dịp này, Việt Nam mong muốn Đặc phái viên Kerry giúp “dàn xếp” với Tổng thống Biden, góp phần thúc đẩy trao đổi tiếp xúc cấp cao Mỹ – Việt, bất kể chuyện “nâng cấp SP” có xảy ra hay không.
Phó đô đốc Phillip G. Sawuer (phải), chỉ huy Hạm đội 7 Hải quân Mỹ, cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink tiếp đón các quan chức Việt Nam lên thăm tàu sân bay USS Carl Vinson ở Đà Nẵng hôm 5/3/2018. AFP
Hoa Kỳ tiếp tục kiên nhẫn chiến lược
Tại sao trước khi về hưu, Chủ tịch Thượng viện Patrick Leahy lại dẫn một phái đoàn hùng hậu thăm Việt Nam từ 27/10 đến 2/11/2022? Nên nhớ, TNS Leahy là một trong “Tứ trụ” của nước Mỹ, người cùng thời với TNS John MacCain, là những chính khách từng “đau đáu” về các mối liên hệ chiến lược Mỹ – Việt. Ở đây, có thể Quốc hội Hoa Kỳ vẫn tính đến hai khả năng. Thứ nhất, khả năng nâng cấp SP thành công, thì TNS này chính là người cầm đầu “Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách” sẽ tiếp nối và có thể bàn giao cho người kế nhiệm để giúp thêm các khoản viện trợ cho Việt Nam. Thứ hai, nếu SP chưa diễn ra, ông Leahy vẫn chuẩn bị sẵn một đội ngũ các TNS cả Dân chủ lẫn Cộng hòa thăm Việt Nam để ra mắt “Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Mỹ – Việt” (nhằm “đối ứng” với “Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt – Mỹ” ở Việt Nam). Nhóm này sẽ bao gồm những người có tầm nhìn và quyết tâm cao trong việc phát triển quan hệ hai Quốc hội như cố Nghị sỹ John McCain, cựu TNS John Kerry và cá nhân ông Patrick Leahy, là những người từng có nhiều tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam (4).
Hoa Kỳ tiếp tục tăng tốc trong việc cử các giới chức cấp cao liên tục sang thăm, làm việc với Việt Nam là một cách để khẳng định sự kiên nhẫn chiến lược của nước này. Bất luận cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 tới đây kết quả như thế nào, việc khuyến khích Việt Nam giữ vài trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) là một chính sách được cả Dân chủ lẫn Cộng hòa ủng hộ. Sự kiên nhẫn chiến lược này tồn tại cho đến chừng nào Việt Nam và Hoa Kỳ xây dựng được lòng tin, cùng thúc đẩy cho quan hệ kinh tế thương mại cân bằng, tự do và có đi có lại, sao cho hợp tác quốc phòng cũng như các ưu tiên của hai nước trên Biển Đông và sông Mekong đạt được kết quả bền vững, như phát biểu trên đây của Đại sứ Kritenbrink, nay là đương kim Trở lý cho Ngoại trưởng Mỹ về tất cả mọi vấn đề thuộc khu vực IP. Trong lần trở lại thăm Lào và Việt Nam từ 9 – 14/10 vừa qua, ông Kritenbrink đã làm Việt Nam yên tâm với tuyên bố: “Chúng tôi muốn gửi đi tín hiệu không đòi hỏi bất kỳ quốc gia nào phải chọn bên, mà chúng tôi nỗ lực để bảo đảm các quốc gia có thể đưa ra quyết định của mình mà không phải chịu bất kỳ sự cưỡng ép nào”.
Dịp này, Việt Nam có thể nhìn lại bài học cay đắng trong việc để chậm tiến trình bình thường hóa với Hoa Kỳ sau khi chiến tranh kết thúc. Trong nhiều năm, Hà Nội vẫn nhất mực đòi Mỹ bồi thường chiến tranh, khiến cho Tổng thống thời bấy giờ là Jimmy Carter (1977 – 1981) phải rút lại quyết định thương thuyết tiếp với Việt Nam. Hẳn nhiên, ở đây có sự “chọc gậy bánh xe” của Trung Quốc. Thế rồi Mỹ đặt ra một lộ trình dài, buộc Việt Nam phải giải quyết một số vấn đề trước khi tháo bỏ cấm vận. Ngày nay, nhìn lại quá trình bình thường hóa ấy, theo Giáo sư Tạ Văn Tài, giảng dạy tại Đại học Harvard, chính sách của Mỹ đúng ra không thay đổi nhiều. Về vấn đề Biển Đông chẳng hạn, những cuộc tuần tra để khẳng dịnh tự do hàng hải (FONOB) ngày càng mạnh mẽ hơn cả thời Obama, tiến sát dưới 12 hải lý cạnh những đảo đá mà Trung Quốc đã chiếm của các nước ở Đông Nam Á, kể cả của Việt Nam. Về vấn đề hợp tác quân sự với Việt Nam, hàng không mẫu hạm tới Cam Ranh, rồi tiếp đến những thương lượng về mua khí giới, Việt Nam chưa đủ tiền hay chưa muốn mua của Mỹ nhiều, nhưng Mỹ không thay đổi gì về ý đồ chiến lược (5).
Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” với hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Trung Quốc và Nga, quan hệ “Đối tác chiến lược” (SP) với hai nước Anh và Pháp. Ngoài ra, còn có quan hệ “SP” với 17 quốc gia khác. Trong khi đó, Việt Nam và Hoa Kỳ có mối quan hệ sâu sắc hơn, đa diện hơn so với một số quốc gia ở cấp cao hơn trong hệ thống thứ bậc quan hệ ngoại giao của Hà Nội. Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 của Việt Nam với gần 10 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ quốc phòng cũng tiến triển đáng kể gần đây… Trong khi đó, lập trường ngày càng vững chắc của Washington về các tranh chấp ở Biển Đông đã mang lại lợi ích cho Hà Nội và các bên tranh chấp khác ở Đông Nam Á. Phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước và lương thực do các đập lớn trên sông Mekong gây ra, Việt Nam được hưởng lợi từ các sáng kiến của Washington về sông Mekong nhằm giúp thúc đẩy nghề cá bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học. Tất cả những điều này, đến lượt nó, sẽ giảm tối thiểu “tính nghịch biện” trong bang giao Việt – Mỹ, khiến cho “tính kiên nhẫn chiến lược” từ phía Mỹ phát triển tối đa (6).
H.T.
Tham khảo:
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210826-tro-ngai-cho-doi-tac-chien-luoc-viet-my
https://tienphong.vn/viet-my-noi-ve-kha-nang-nang-cap-quan-he-song-phuong-post1253253.tpo
https://quochoi.vn/tintuc/Pages/danh-sach-tin-tuc.aspx?ItemID=67804&CategoryId=0
https://www.voatiengviet.com/a/quan-he-viet-my-bai-hoc-rut-ra-tu-nhung-co-hoi-bo-lo/4481581.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Nguồn: rfa.org/vietnamese