Tiền lẻ, sự xúc phạm hay công cụ quyền lực?

Thái Hạo

5-10-2022

Lâm Bằng

Cuối cùng, anh có quyền gì mà xỉ vả, từ chối tiền lẻ của chủ quán. Tiền, lẻ hay chẵn cũng là tiền. Nó là tiền thì tôi trao đổi với anh là bình thường. Anh có quyền gì để từ chối, hạch họe tôi. Anh nhận lại hay không là quyền của anh. Nhưng anh ném đi hay hủy hoại thì anh vượt quá giới hạn mất rồi. Vượt sang phạm pháp rồi.

Quan ấy, nên cho về vườn. Biến báo, lươn lẹo… gì nữa.

Tuan le Thuc

Tiền lẻ (45k) là rác, đưa rác cho quan chức là xúc phạm là coi khinh lãnh đạo! Dân như mình chỉ xin "mỗi ngày hãy cho tôi rác". Rác nhà quan là cơm áo, gạo tiền của bao người!

Xuan Vu

Bài viết sâu sắc.

Đó cũng chính là sự khác nhau giữa một ông quan quản trị và ông quan cai trị. Với tâm lý “cai trị” họ muốn dân đen phải phục tùng, cung kính, sợ sệt…

Một hệ thống mà đẻ ra vô số ông quan với tâm lý cai trị thật đáng sợ.

Vụ việc một ông Phó phòng thuộc Sở ở Đà Nẵng chỉ vì con ông được trả lại tiền lẻ sau khi ăn bún mà đã nổi giận, coi đó là một sự xúc phạm đến tư cách, danh dự, phẩm giá thì phải hiểu rằng hoặc tiền ấy là rác thật, hoặc đối với ông ta nó đích thị là một thứ rác?

Vế đầu không đúng, vì tiền ấy được nhà nước phát hành, bảo đảm về mặt pháp lý và vẫn tiêu được bình thường; vậy chỉ có thể là vế thứ hai: ông ta thấy mình bị làm nhục vì tiền lẻ? Lương cán bộ bao nhiêu mà đến nỗi 45 nghìn tiền lẻ mà bị coi là rác và hành động trả lại bằng tiền lẻ là không thể tha thứ được?

Một cử nhân sư phạm ra trường, trầy trật xin xỏ chạy chọt mãi, nếu “may mắn” vào được nghề giáo, trừ bảo hiểm, lương chưa tới 3 triệu/tháng (chính xác là 2.884.000), tính trung bình thu nhập mỗi ngày của giáo viên ấy chỉ có 96 nghìn đồng, chỉ gấp đôi số tiền mà ông quan Đà Nẵng gọi là rác. Vậy ông ta thu nhập bao nhiêu để đến nỗi coi một nửa ngày công của một “nhà giáo” là rác?

Chỉ khi người ta có quá nhiều tiền vì kiếm tiền quá dễ, tiêu tiền như nước cộng với một nhân cách tồi thì một nửa ngày công của người khác mới bị coi là rác. Tôi đã thấy những giáo viên đồng nghiệp ở nhà tập thể với hình ảnh không khác gì sinh viên ở trọ thủa trước, lèo tèo vài thứ vật dụng trong một căn phòng tồi tàn, bữa ăn chỉ rau với vài quả trứng chiên, họ sống kham khổ, và nhục nữa. Số tiền 45 nghìn ấy với những người đó là phải đổi bằng biết bao mồ hôi, sự khổ nhọc, và cả những đè nén, tủi hổ trong môi trường giáo dục; nhưng họ không bỏ, vì yêu nghề, và vì cũng chẳng biết đi đâu về đâu. Một công nhân mỗi ngày ngồi suốt hơn 10 tiếng đồng hồ trong nhà máy cũng chỉ để đổi lại mỗi ngày vài bữa ăn nuôi sống cái thân mình, ấy thế mà đối với những “công bộc” của dân, số tiền có thể ví như máu huyết của dân đen lại chỉ đáng là rác, và làm thành sự sỉ nhục không thể tha thứ. Từ bao giờ cán bộ nhà nước đã coi việc chạm vào những đồng tiền như mồ hôi và nước mắt mặn chát ấy là một sự vấy bẩn khiến ông ta ghê tởm và nổi giận đòi trị tội?

Tuy nhiên, nhìn sâu hơn sẽ thấy hành vi của vị quan là rất kỳ quái. Nếu ông ta nhiều tiền đến thế, kiếm tiền dễ đến thế thì sao lại phải để hai đứa con (trong đó có một cháu mắc chứng tự kỷ) ở lại để nhận 45 nghìn tiền thừa mà không hào hiệp bo luôn cho nhân viên của quán? Không bố thí nhưng cũng quyết không tha thứ nếu bị nhận lại tiền lẻ! Rốt cuộc thì điều mà quan muốn là gì? Tiền thừa ư? Không, vì ông ta đã coi nó là rác và thẳng tay vứt đi.

– Sự phục tùng tuyệt đối của dân, dân phải xưng “tiểu nhân” và hết sức làm đẹp lòng quan, không được mảy may gây phật ý.

Quan không cần tiền mà là cần được biết tới như một ông vua. Hành động ném tiền, chửi bới, hành hung, đe dọa dẹp tiệm chỉ có thể giải thích được với động cơ “mày có biết bố mày là ai không”. Khi mà tiền bạc đã không thành vấn đề nữa thì sự khao khát và nhu cầu thể hiện quyền lực trở thành đòi hỏi lớn nhất. Quyền lực phải được thể hiện ra và dân đen phải cảm thấy, nhìn thấy, nếm thấy cái quyền lực ấy. Đó là một thứ bệnh hoạn mang tính xã hội.

Với căn bệnh ấy, người ta sẽ coi việc hành hạ người khác là phương tiện để đạt được khoái cảm và thỏa mãn khoái cảm. Nếu chỉ vì tiền mà làm điều ác thì còn dễ chữa và không đến nỗi quá đáng sợ, vì con hổ sẽ nằm liếm lông một cách hiền từ khi cái bụng đã được làm đầy. Nhưng làm điều ác chỉ để thỏa mãn nỗi khao khát quyền lực thì người ta có thể gây ra mọi chuyện, ví như cách tìm và thỏa mãn khoái cảm bằng việc gây ra để được chứng kiến nỗi đau khổ của người khác. Đó là cái ác cùng tận, cái ác bệnh hoạn.

Rốt cuộc, tiền lẻ có thật sự là một sự xúc phạm với cán bộ, hay nó mới chính là phương tiện để tìm kiếm và thỏa mãn quyền lực của quan? Đến đây, tự trong sâu thẳm tâm trí quan, tiền lẻ không phải là rác mà là một công cụ hữu dụng được dùng một cách tinh vi và mang lại hiệu quả to lớn cho quan. Đang có bao nhiêu thứ “tiền lẻ” như thế? Là bất cứ thứ gì, một lời nói không đẹp lòng, một ánh mắt không thưa bẩm, một cái cụng ly thiếu cung kính, một dáng ngồi không khiêm hạ, một dáng đi không vừa mắt, v.v., tất cả đều có thể là “tiền lẻ” của quan và sẻ được sử dụng ngay khi cần.

T.H.

Nguồn:

This entry was posted in Quan chức cộng sản. Bookmark the permalink.