Thanh Tâm (Theo WSJ, FT, CNN)
Khi áp lực trên chiến trường và mặt trận kinh tế – xã hội bủa vây, ông Putin chọn leo thang căng thẳng để đạt được mục tiêu đề ra.
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia sáng 21/9, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố lệnh động viên quân một phần, theo đó sẽ triệu tập 300.000 lính dự bị để củng cố chiến dịch ở Ukraine. Ông ám chỉ rằng sẽ xem xét về cuộc tấn công hạt nhân, nói rằng sẽ sử dụng "tất cả các công cụ có sẵn" để chiếm ưu thế.
Trong những tuần gần đây, lực lượng Nga đã phải từ bỏ hàng nghìn km vuông lãnh thổ kiểm soát ở đông bắc Ukraine sau cuộc phản công mạnh mẽ từ Kiev. Các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát ở Donbass, trung tâm công nghiệp miền đông mà ông Putin xác định là mục tiêu chính của cuộc chiến, cũng bị đe dọa.
"Nếu họ bắt đầu mất các lãnh thổ mới giành được ở đó, nhiều nghi vấn sẽ được đặt ra và họ không thể dễ dàng gạt bỏ chúng. Sẽ là một thất bại cả về quân sự và chính trị nếu điều đó xảy ra", Rob Lee, thành viên Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại, cho hay.
Tổng thống Nga đang đối mặt với thử thách được cho là lớn nhất trong cuộc chiến mà ông tìm cách định hình vị thế tương lai của Nga. Như đã làm trong suốt 22 năm lãnh đạo Nga, ông Putin đã phản ứng bằng cách mô tả bản thân là người chấp nhận rủi ro, đánh bại đối thủ bằng cách giành ưu thế trong các cuộc đối đầu.
"Leo thang là một quy tắc trong hệ thống của chúng tôi", Gleb Pavlovsky, nhà tư vấn chính trị người Nga và từng là cố vấn cho Điện Kremlin, nói. "Điện Kremlin cũng không biết điều gì sẽ xảy ra. Họ đang ứng biến và chờ đợi phản ứng".
Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp tại thành phố Veliky Novgorod, Nga, hôm 21/9. Ảnh: Reuters.
Những khó khăn của ông Putin không chỉ giới hạn ở chiến trường. Chiến dịch kinh tế của ông, trong đó Nga cắt khí đốt để làm suy yếu ủng hộ của châu Âu với Kiev, đã không gây ra những rạn nứt trong liên minh như ông mong đợi. Thay vào đó, những áp lực quốc tế với Nga ngày càng tăng.
Tuần trước, lãnh đạo Nga công khai thừa nhận Trung Quốc, quốc gia hồi đầu tháng 2 tuyên bố quan hệ đối tác của họ với Moskva "không có giới hạn", đã có những câu hỏi và lo ngại về xung đột. Thủ tướng Ấn Độ, quốc gia thân thiện với Nga, nói với ông Putin rằng "giờ không phải là thời đại của chiến tranh".
Lệnh động viên quân đội của ông Putin, lần đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến II, là thước đo cho những thiệt hại mà nước này phải chịu sau 7 tháng chiến sự, theo giới quan sát.
Ngay cả trước cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine ở Kharkov, các cuộc tấn công nhắm vào cơ sở quân sự trên bán đảo Crimea, nơi Nga sáp nhập từ năm 2014, đã làm dấy lên nhiều câu hỏi trong giới ủng hộ Nga.
Lệnh động viên một phần và kế hoạch sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, dường như nhằm mục đích cảnh báo các nước phương Tây về quyết tâm chiếm ưu thế của Nga, cũng như vạch lằn ranh đỏ với Ukraine và phương Tây.
Bằng cách sáp nhập phần lớn miền nam và miền đông Ukraine, ông Putin muốn ngăn Kiev và đồng minh phương Tây tấn công "lãnh thổ Nga", đặt nền móng cho lệnh tổng động viên hoặc xung đột hạt nhân nếu họ vẫn tiếp tục.
"Cả thế giới nên cầu nguyện Nga chiến thắng, bởi vì chỉ có hai cách để xung đột kết thúc: Nga thắng hoặc cuộc chiến hạt nhân", Konstantin Malofeyev, doanh nhân nổi tiếng ở Nga, nói. "Nếu không chiến thắng, chúng tôi sẽ phải sử dụng vũ khí hạt nhân vì chúng tôi không thể thua. Có ai nghĩ rằng Nga sẽ chấp nhận thất bại mà không sử dụng kho vũ khí hạt nhân hay không?".
Phản ứng trước những động thái của Nga, các chính phủ phương Tây phần lớn tái cam kết ủng hộ với Kiev, nói họ sẽ tiếp tục gửi vũ khí cho người Ukraine và duy trì các biện pháp trừng phạt với Moskva.
"Phương Tây sẽ không lùi bước và Mỹ cũng chắc chắn như vậy", John Kirby, thư ký báo chí Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.
Kể từ khi Nga cắt nguồn cung qua Nord Stream 1 vào tháng trước, giá khí đốt và giá dầu đã giảm, kéo theo suy giảm nguồn doanh thu của Nga. Đó là dấu hiệu cho thấy dù canh bạc kinh tế của ông Putin có thể gây khó khăn cho châu Âu và mang về lợi thế cho Nga, đặc biệt nếu mùa đông khắc nghiệt, châu Âu ngày càng lạc quan rằng họ có thể vượt qua khủng hoảng.
Các chiến lược gia không nghĩ rằng những động thái mới của ông Putin có thể khiến phương Tây thay đổi ủng hộ dành cho Ukraine. Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Andrews ở Scotland, nói phương Tây sẽ không lùi bước và tiếp tục tăng cường ủng hộ Ukraine. "Ukraine đang làm tốt nên tiếp tục giúp Kiev theo tiến độ hiện tại là lựa chọn hợp lý", ông nói.
Xe tăng Nga bị bỏ lại ở ngoại ô Izyum, tỉnh Kharkov, miền đông Ukraine, hôm 11/9. Ảnh: AFP.
Không chỉ đối mặt khó khăn từ bên ngoài, chính quyền ông Putin cũng chịu những áp lực từ trong nước. Nhiều người đã chỉ trích ông Putin không đủ mạnh tay với chiến dịch. Do đó, một lệnh động viên lực lượng có thể phần nào xoa dịu những bất bình này. Cựu sĩ quan tình báo Nga Igor Girkin nói trên Telegram rằng Nga cuối cùng đã sẵn sàng "chiến đấu thực sự".
Tuy nhiên, con đường này cũng đầy rủi ro.
"Ông ấy biết rằng tổng động viên không phải một giải pháp vì nó sẽ gây ra bất mãn. Vì vậy, ông thay thế bằng lệnh huy động một phần. Nhưng nó cũng khá nguy hiểm vì sẽ tạo ra sự bất mãn trong một nhóm nhất định của xã hội", Andrei Kolesnikov, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho hay.
Giới phân tích không cho rằng lệnh động viên mới của ông Putin có thể tác động ngay tới chiến trường, bởi Nga có thể phải mất vài tháng để huấn luyện quân dự bị và tạo ra các đơn vị mới.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết Nga có 2 triệu lính dự bị, nhưng rất ít người được huấn luyện bài bản để sẵn sàng chiến đấu. Một nghiên cứu của tổ chức RAND năm 2019 ước tính Nga chỉ có 4.000 – 5.000 quân dự bị được đào tạo thường xuyên hàng tháng và hàng năm.
Các nhà quan sát nhận định những động thái leo thang căng thẳng gần đây là một canh bạc khi những lựa chọn của ông Putin bị thu hẹp dần, cả trên chiến trường Ukraine và trong chính nước Nga.
Anatol Lieven, giám đốc Chương trình Á – Âu tại Viện Quincy ở Mỹ, nói lãnh đạo Nga muốn "thuyết phục Mỹ và châu Âu nghiêm túc nghĩ về đàm phán một thỏa hiệp để chấm dứt xung đột. Nếu không, Nga sẽ tiến hành các bước leo thang triệt để, không chỉ buộc phương Tây phải leo thang theo, mà còn loại trừ mọi triển vọng hòa bình trong một thời gian dài sắp tới".
Alexander Baunov, thành viên Quỹ Carnegie, viết rằng thông điệp Nga gửi tới các đồng minh của Ukraine là "các anh đã chọn chiến đấu với chúng tôi ở Ukraine, bây giờ hãy chiến đấu với chúng tôi ở Nga, hay nói chính xác là nơi chúng tôi gọi là Nga".
T.T.
Nguồn: vnexpress.net