Giáo dục: Không thể đứng im hay quay lại

Thái Hạo

Một chủ trương đúng nhưng cách thức thực hiện thì vô cùng cẩu thả và hời hợt khiến nhiều thứ đều rơi vào tình trạng nhì nhằng, bết bát, thiếu hẳn sinh khí.

clip_image002

Giáo dục: Không thể đứng im hay quay lại. Nguồn ảnh: suckhoedoisong.vn.

Tôi vừa tình cờ đọc được bức “Tâm thư của một tập thể hội đồng giáo viên trường THCS ở tỉnh Thái Bình” nói về những bất cập của Chương trình giáo dục phổ thông mới, và đề xuất hướng giải quyết. Tâm trạng thật lẫn lộn.

Đầu tiên, phải lấy làm vui mừng vì rất hiếm khi thấy giáo viên mạnh dạn nêu ý kiến công khai như thế, nhất lại là ý kiến mang tính phê phán rất thẳng thắn về cả một chương trình giáo dục vốn là “chủ trương lớn”.

Đọc bức Tâm thư, thấy hiện ra một bức tranh giáo dục lộn xộn, rối mù, một mớ tơ vò. Cảm giác mệt mỏi, bức bí và cả giận dữ. Nhưng sau tất cả những điều ấy là một nỗi lo lắng, không chỉ lo lắng cho trẻ em, lo lắng cho nền giáo dục, mà còn lo lắng về chính đội ngũ giáo viên ấy nữa.

Trước khi nói sâu hơn, xin trích ý kiến của tập thể giáo viên này:

“Một chương trình nhiều bộ sách: (1) Khiến giáo dục trở thành cái chợ, xuất hiện cuộc chiến thương mại giữa các nhà sách; (2) Các bộ sách có nhiều sự khác biệt về nội dung, cấu trúc. Ví dụ: khái niệm, định nghĩa không đồng nhất, môn Toán 7, có nội dung sách Cánh Diều dạy ở kì 1, nhưng sách Kết Nối Tri Thức lại thiết kế ở kì 2, vậy nếu học sinh chuyển trường sẽ có nội dung không được học; (3) Cùng một địa phương nhưng các trường sử dụng các bộ sách khác nhau sẽ khó cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường lại phải mua lại sách giáo khoa”.

Và họ đề xuất: “Thống nhất sử dụng chung một bộ sách, nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, lắng nghe và cập nhật chỉnh sửa”.

Một chương trình nhiều bộ sách là chủ trương đúng, nó tương tự như ở các nền giáo dục tiến bộ trên thế giới. Nay tập thể giáo viên này đề xuất quay lại chỉ dùng một bộ sách như cũ là đi ngược lại chiều tiến hóa, là một thái độ bảo thủ và lạc hậu. Nhóm giáo viên này dường như đã quên mất rằng trong Chương trình 2018 thì Chương trình mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ đóng vai trò như một tài liệu tham khảo.

Chương trình mới cũng giao quyền chủ động thiết kế kế hoạch cho giáo viên, trao quyền chủ động trong đa dạng các phương thức dạy học và đánh giá học sinh. Nghĩa là vị trí người thầy được nâng cao rõ rệt, so với trước kia vốn chỉ gần như “cái loa” của sách giáo khoa.

Quá nhiều bất cập, quá nhiều hạn chế về gần như mọi mặt trong sự triển khai của đợt cải cách này. Chính bản thân tôi cũng nhiều lần nêu ý kiến công khai trên báo rằng, với cung cách chuẩn bị cho một cuộc đổi mới như thế này thì nó khó có thể thành công được. Tập huấn thì hình thức, qua loa đại khái, không thực chất; sắp bước vào năm học mới nhưng sách giáo khoa thì đang nằm ở nhà xuất bản, vì các hội đồng còn mải cãi nhau; đi tập huấn về sách giáo khoa mới nhưng sách thì chưa in được!

Các nhà trường, nơi quyết định sự thành bại của đổi mới thì án binh bất động, gần như không có một sự chủ động đáng kể nào cho việc bắt tay vào một công việc hệ trọng và khó khăn trước mắt. Nước đến chân mới nhảy; nhiều giáo viên không hề đọc Chương trình (Tổng thể và Bộ môn), dù nó đã được ban ra từ 2018… Còn nhiều, nhiều nữa những “hạn chế”, nhưng chỉ chừng này thôi đã đủ làm cho một cuộc đổi mới thất bại.

Một chủ trương đúng nhưng cách thức thực hiện thì vô cùng cẩu thả và hời hợt, vì thế mà các khâu từ biên soạn sách giáo khoa, đến tập huấn, chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, v.v, đều rơi vào tình trạng nhì nhằng, bết bát, thiếu hẳn sinh khí và sự hành động nghiêm túc. Kết quả bây giờ là bức Tâm thư này đây!

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm chính về hạn chế lớn này.

Quay trở lại với giáo viên. Bức tâm thư không những toát lên tinh thần dám nói, toát lên trách nhiệm và sự tâm huyết của giáo viên mà còn gián tiếp cho thấy những hạn chế lớn trong nhận thức về Chương trình và tính cách “bảo hoàng hơn vua” của họ. Giáo viên phải nhận thức rằng chương trình này là tiến bộ, nếu thực hiện đúng và nghiêm túc thì sẽ giúp khởi động bước đầu cho một nền giáo dục khai phóng.

Từ cái nhận thức ấy, soi vào những bất cập trong triển khai thực hiện, giáo viên cần lên tiếng phê phán những hạn chế và đòi hỏi một sự làm việc nghiêm túc từ các hội đồng biên soạn, nhà xuất bản, UBND các tỉnh, đến hội đồng các nhà trường – chứ không phải là khi thấy những vướng mắc ấy thì liền muốn quay lại chỗ cũ cho an toàn.

Giáo viên, nếu thật sự hiểu chương trình thì phải lên tiếng phê phán và đòi hỏi quyết liệt trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Một chương trình nhiều bộ sách là đúng, là tốt, nhưng sách phải được soạn tốt và nhất là phải được từng học sinh, từng giáo viên tự chọn, chứ không phải là mỗi tỉnh chọn 1 bộ! Mỗi tỉnh 1 bộ thì đó là một sự triển khai nửa vời, về bản chất vẫn không khác gì Chương trình 2000.

Để phá thế đầu cơ sách của các đầu nậu thì giáo viên phải đòi cho bằng được quyền lựa chọn sách giáo khoa về tay mình, ai muốn dạy bộ nào thì dạy, chứ không phải là đòi quay lại với những thứ lạc hậu xưa cũ khi mình không đủ dũng khí để đấu tranh giành lấy cái chính đáng.

Nỗi khổ của giáo viên là chồng chất, điều ấy không những đáng được cảm thông và chia sẻ mà còn cần hết lòng đồng hành. Nhưng vì sự tiến bộ chung, “vì tương lai con em chúng ta” và cũng chính là vì vị thế của mình trong môi trường giáo dục, tất cả chúng ta nên dồn nỗ lực cho những đòi hỏi và tranh đấu để Chương trình được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng đắn, khoa học và hiệu quả.

Một khi những vướng mắc, những bất cập, những sai trái được giải quyết từ chính quyết tâm của đội ngũ nhà giáo thì có nghĩa rằng người thầy sẽ tìm lại được vị trí xứng đáng của mình. Lúc này, những nặng nhọc vô lý và vô bổ sẽ được trút xuống, dạy học trở thành hành động tự chủ kiến tạo.

Không thể nhắm mắt mà đi tới, nhưng trên bước hành trình đầy khó khăn này, chúng ta phải vừa đi vừa dọn dẹp và phát quang. Chỉ có đi tới thì mới ra khỏi được đầm lầy. Đứng im hay quay lại đều không hứa hẹn điều gì tươi sáng.

Cuối cùng, bức Tâm thư khá dài, nêu lên được nhiều mặt về một thực trạng nhức nhối đối với việc thực hiện Chương trình mới. Nó là một mô tả hữu ích cho các nhà quản lý giáo dục mà đứng đầu là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó cần được đọc nghiêm túc để kịp thời sửa chữa cũng như định hướng một cách rõ ràng, tránh tình trạng coi nhẹ ý kiến của nhà giáo để rồi đến khi không còn gỡ ra nổi nữa, vì quá rối.

T.H.

Nguồn: nongnghiep.vn

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.