Nguyễn Ngọc Chu
I. QUỐC HỘI CHỈ THẢO LUẬN CÁC VẤN ĐỀ QUỐC GIA ĐẠI SỰ THUỘC THẨM QUYỀN QUỐC HỘI
Nghe các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu trong hai ngày qua tại hội trường Diên Hồng, tự hỏi đây có tương xứng với kỳ họp nghị viện của một quốc gia 100 triệu dân hay không?
Từ phân bón đến gang thép, từ giá sách đến giá đất; từ trái phiếu doanh nghiệp đến làm đường…, thập cẩm các vấn đề.
Gần trăm đại biểu Quốc hội (QH), người nào nói về vấn đề của người đó, ngành nào nói về ngành đó, địa phương nào nói về địa phương đó.
Khi đến một cái chợ, ngàn người bán vạn người mua, thượng vàng hạ cám, ồn ào náo động, tưởng là hỗn loạn, không có kết quả; Nhưng thực chất thì người nói có người nghe, người bán có người mua, hàng ngàn thương vụ được kết thúc. Người nói có mục đích, người nghe có mục đích. Cả người nói lẫn người nghe đều đạt được mục đích của “tham luận”.
Trong khi đó thì, tham luận của gần trăm ĐBQH tại hội trường Diên Hồng – cả hội trường chăm chú lắng nghe, hàng vạn cử tri theo dõi trên TV – nhưng người tham luận không biết được kết quả của tham luận, người nghe tham luận cũng không biết được kết quả của tham luận, tuyệt nhiên không có một “thương vụ” nào được kết thúc.
Các vấn đề tham luận nhỏ lẻ, nên không thể kết luận chung, mà lại chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền chờ giải quyết. Sau họp, không kết luận được, không đưa ra được các quyết định cụ thể.
ĐỀ XUẤT
1. Tại kỳ họp QH chỉ thảo luận những vấn đề quốc gia đại sự thuộc thẩm quyền QH, kết luận ngay tại kỳ họp. Tại kỳ họp QH không thảo luận sang các vấn đề tác nghiệp của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
2. Các vấn đề mà các ĐBQH đang tham luận hiện nay tại kỳ họp QH thuộc phạm trù tác nghiệp. Đó là những vấn đề mà các ĐBQH có trách nhiệm gửi đến các cơ quan chức năng trong suốt thời gian đảm nhận trách nhiệm ĐBQH để thúc ép các cơ quan chức năng thực thi cho đến khi đạt được kết quả. Đó là trách nhiệm thường nhật của các ĐBQH, chứ không phải đến hội trường Diên Hồng, một năm hai lần, để đọc tham luận cho mọi người nghe mà không thể biết được kết quả cuối cùng.
3. Tại kỳ họp QH, các ĐBQH chỉ đóng góp ý kiến cho các vấn đề đại sự quốc gia thuộc thẩm quyền QH mà phải đưa ra quyết định tại các kỳ họp của QH. Lúc đó mới thấy được giá trị tham luận của ĐBQH.
II. KHÔNG THỂ CỨ ĐBQH LÀ THAM GIA SOẠN THẢO CÁC ĐẠO LUẬT
ĐBQH ở nước ta mang tính đại diện các thành phần trong xã hội, giới tính, dân tộc, vùng miền… lại không phải tranh cử tự do, nên mặt bằng trình độ rất khác nhau. Trong khi QH lại là cơ quan lập pháp, ban bố các đạo luật. Từ đó dẫn đến mức độ nhận thức về luật của các BĐQH không giống nhau.
Thế mà, 499 ĐBQH của nước ta, đạo luật nào đưa ra thông qua cũng tham gia soạn thảo, sửa đổi luật. Nên mới dẫn đến những phát biểu bi hài, chẳng hạn như vấn đề bạo hành mà dư luận hiện nay đang xôn xao. Vấn đề không ở chỗ mỉa mai, mà ở chỗ lo lắng. Vì đạo luật được những người không chuyên nghiệp với mặt bằng hiểu biết về luật chênh lệch, nhưng lại tham gia soạn thảo, sửa đổi và thông qua.
Các thuật ngữ trong các đạo luật rất chặt chẽ, cô đọng. Các đạo luật chứa đựng các đặc tính: tiên đề, suy diễn logic và không mâu thuẫn. Không phải ai hiểu luật cũng viết được luật. Không phải ai giỏi tiếng Việt cũng có thể hình thức hoá tốt lời văn các đạo luật. Huống chi là mặt bằng hiểu biết luật và ngữ văn của các ĐBQH cũng rất không tương đương. ĐBQH là cử tri. 499 cử tri tham gia soạn luật thì không khác gì đẽo cày giữa đường. Nghe các ĐBQH tham gia sửa chữa câu chữ và lý giải nội dung các đạo luật trên hội trường Diên Hồng mà lo lắng cho các đối tượng phải chấp hành đạo luật.
Soạn thảo các đạo luật phải là những luật gia chuyên nghiệp giỏi. Các ĐBQH có quyền thông qua hay không thông qua. Nếu QH không thông qua thì ban soạn thảo phải sửa chữa bằng được để QH thông qua, chứ không phải sửa theo câu chữ và nội dung kiến nghị của 499 vị ĐBQH. Cũng như Hiến pháp (HP), nếu phúc quyết HP thì cử tri có quyền phúc quyết hay không phúc quyết HP, chứ không phải 70 triệu cử tri cả nước tham gia soạn thảo HP.
ĐỀ XUẤT
1. Các đạo luật phải được các luật gia chuyên nghiệp giỏi soạn thảo và chuyển cho các ĐBQH tự nghiên cứu trước. Nếu có ý kiến thì gửi cho ban soạ thảo để tiếp thu.
2. Các đoàn ĐBQH địa phương cũng có thể thảo luận để có chung quan điểm của địa phương, qua trao đổi thư từ hay thảo luận trực tuyến, mà không tổ chức hội họp bằng tiền bạc công.
3. Tại các kỳ họp của QH chỉ bỏ phiếu thông qua các đạo luật. Có tham luận về ủng hộ hay bác bỏ đạo luật. Nhưng không có tham luận về sửa chữa câu chữ đạo luật. Như vậy sẽ không tốn chi phí và thời gian cho họp QH. Và cử tri cả nước cũng không phải nghe những diễn giải luật của các ĐBQH. Vừa không mất thời gian, giảm được chi phí, lại không để lộ nhược điểm.
4. Mỗi kỳ họp QH chỉ nên kéo dài trong 1 tuần. Một năm có 2 kỳ họp. Nếu tổ chức họp QH như vậy, hiệu quả làm việc của QH chắc chắn sẽ được cải thiện. Thay vì một năm có 2 kỳ họp, tổng cộng từ 6- 8 tuần, thì nay rút xuống cả năm QH chỉ họp 2 tuần, mỗi kỳ họp 1 tuần. Tiết kiệm được thời gian tiền bạc của nhân dân.
III. TIẾP THU PHẢN BIỆN
Góp ý về thể chế, với ai đó là “vùng cấm”, nên khó tiếp thu, là điều có thể hiểu được. Nhưng góp ý để cho QH làm việc hiệu quả hơn, lại không thuộc “vùng cấm”, thì không có lý do gì mà không tiếp thu.
Việt Nam là quốc gia có dân số đứng thứ 15 trên thế giới. Người Việt Nam nào cũng mong muốn có một QH xứng với 100 triệu dân.
N.N.C.
Tác giả gửi BVN