(Trao đổi với ông Trương Quang Đệ)
Nguyễn Đình Cống
Gần đây có bài “Tham nhũng, bệnh thành tích, hư danh do đâu mà ra” của tác giả Trương Quang Đệ (xin xem tại đây). Đó là một bài khá hay, cho rằng nguyên nhân là yếu kém về quản lý, việc này do “Nền giáo dục không đủ tầm nhân văn, do thiếu vắng tầng lớp tinh hoa”.
Trình bày như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Hỏi tiếp, từ đâu sinh ra nền giáo dục ấy, tại sao lại thiếu vắng tinh hoa. Tôi nghĩ rằng ông Đệ và nhiều người biết rõ nhưng chưa viết ra vì một lý do nào đó. Phải chăng là vì sợ. Xin thông cảm với nỗi sợ ấy. Nhưng biết sợ để rồi vượt qua nó, để không sợ, chứ không nên sợ thêm.
Nguyên nhân (NN) dẫn đến kết quả có nhiều. NN gần, trực tiếp, NN xa, gián tiếp, NN chính, NN phụ, NN quan trọng, NN gốc rễ v.v…Thường một kết quả không phải chỉ do một mà có sự kết hợp nhiều NN. Theo Đạo Phật thì đó là kết hợp giữa Nhân và Duyên.
Khi tìm nhân và duyên, chỉ để biết thì có thể nêu ra một vài nhân duyên nào đó. Nhưng tìm nhân duyên để khắc phục được một cách cơ bản các tai họa thì cần tìm đến gốc gác của chúng, việc này là khó và dễ bị nhầm.
Giữa nhân và quả là một dãy dài gần như vô tận. A sinh ra B, B sinh ra C, C sinh ra D…, cứ thế cho đến U, V, X, Y. Tìm NN là quá trình truy ngược. Có Y vì X, có X vì V…Vậy gốc đầu tiên ở đâu? Là D, là C hay B.
Không có cách gì truy đến được tận cùng, cái gốc đầu tiên. Truy mãi thì đến lúc phải công nhận “Trời sinh ra như thế”. Vậy phải dừng lại ở một bước nào đó đủ rõ ràng. Bằng cách đặt câu hỏi: Cái này do cái gì trước đó sinh ra. Nếu thấy đã tạm sáng tỏ, không cần hỏi tiếp nữa thì dừng, còn nếu cần hỏi và có thể trả lời thì đó chưa thể xem là NN gôc, chưa phải là NN cơ bản.
Việc tìm NN còn cần phân biệt, NN nào là do hoàn cảnh, NN nào là do con người, cụ thể là ai. Có tìm được vai trò của con người mới có cách khắc phục triệt để.
Lòng tham, thích có thành tích, thói hư danh thì phần đông nhân loại mắc phải và đó là một trong những nhược điểm của tính cách người Việt được lưu giữ trong truyền thống văn hóa, chúng sẵn sàng phát tác khi gặp môi trường và điều kiện thuận lợi (Duyên khởi).
Có người đã truy tiếp NN những tai họa mà dân tộc phải chịu. Họ truy đến tận Vua Hùng và viết:
Chung quy bởi tại Vua Hùng.
Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên.
Người khôn thì đã vượt biên.
Còn người ở lại không điên cũng khùng.
Tôi không truy đến Vua Hùng mà dừng lại ở thời gian gần hơn. Đó là khi Chủ nghĩa Mác Lê được đưa vào, nền vô sản chuyên chính được dựng lên với sự độc quyền toàn trị.
Ai chịu trách nhiệm về “kém về quản lý”. Có một phần là do phẩm chất của những người đang làm trong bộ máy, nhưng chủ yếu không phải tại họ. Nền giáo dục không đủ nhân văn, một phần bởi yếu kém của Bộ Giáo dục và các thầy cô, nhưng chủ yếu không phải vì họ. Thế cần quy trách nhiệm cho ai. Quy cho những người lãnh đạo cao nhất đã thực thi Chủ nghĩa Mác Lê, thực hành độc tài toàn trị với vô sản chuyên chính.
Tại sao Việt nam thiếu vắng tầng lớp tinh hoa. Chủ yếu là lãnh đạo mắc mưu Thâm độc của Trung Cộng cố tìm diệt cho hết tinh hoa của dân tộc chỉ vì họ dám phản biện, không chịu cúi đầu, không biết khom lưng hoặc quỳ gối. Chỉ cần một điều luật “Lợi dụng dân chủ để chống phá chế độ” là có thể trừ khử nhiều người thuộc tầng lớp tinh hoa. Có trừ khử được tinh hoa thì Trung Cộng mới dễ thao túng, thì độc tài mới dễ thống trị.
Còn bệnh thành tích. Nó là biến tướng của phong trào thi đua. Phong trào đó đã phát huy tác dụng tốt vào những năm 1948- 1975. Nhưng rồi nó trở thành một thứ độc hại vào thế kỷ 21. Lãnh đạo, vì kém trí tuệ mà vẫn cố duy trì, mang lại lợi ít hại nhiều. Rồi Quốc hội còn bày ra việc sửa đổi Luật thi đua, cố giữ lại bông hoa đã tàn úa và đang chứa đầy sâu bọ.
Về nguyên nhân của những tai họa, trước đây tôi đã viết một số bài. Nay nhân bài của trương Quang Đệ nên viết thêm vài dòng như trên để rộng đường dư luận chứ cũng chưa có gì mới. Mong được độc giả thông cảm.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN