Tình trạng của Nhà nước ta hiện nay là “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” mà Bộ Y tế là một trong những điển hình của cung cách ấy. Cứ đến các bệnh viện mà xem, có lẽ người bệnh chỉ còn xếp trên súc vật nữa thôi chứ có đâu đau ốm mà một giường đơn lèn đến 5, 6 người! Thế mà còn đòi tăng viện phí. Vay tiền làm tàu cao tốc sao không thay bằng cũng vay một số tiền chỉ một phần ba thôi để xây thêm bệnh viện? Tăng viện phí liệu ngành y tế có bớt quan liêu, cửa quyền chút ít nào không? Giường bệnh, phòng bệnh có đỡ nhếch nhác như hiện nay ai nhìn cũng tủi hay không? Cách phục vụ của BS, y tá có chu đáo hơn không? Liệu có xóa được khoản tiền lót tay hàng ngày cho y tá và BS làm gia đình bệnh nhân lúc nào cũng méo mặt không? Hay là càng tăng viện phí thì lót tay lại càng tăng lên?
Bauxite Việt Nam
Ngày 20.7, Bộ Y tế đã công bố một số nội dung về dự thảo điều chỉnh giá viện phí sau một thời gian dài soạn thảo, lấy ý kiến. Phía Bộ Y tế và các bệnh viện luôn muốn tăng. Tuy nhiên, việc tăng thế nào để không ảnh hưởng đến người bệnh đang là điều mà nhiều người quan tâm.
Đưa ra một ví dụ để chứng minh giá viện phí đang hiện hành đã quá cũ. Tiền điện năm 1995 giá 640 đồng/kwh nay là 1.170 đồng/kwh; xăng dầu từ 4.700 đồng/lít hay khoảng 16.000 đồng/lít… trong khi đó giá viện phí hiện nay vẫn là mức đóng từ năm 1995.
Cũng theo ý kiến của Bộ này, hiện nay ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện thấp, hầu hết các bệnh viện chỉ được cấp từ 30 – 40 triệu đồng/giường bệnh/năm. Số tiền Nhà nước cấp chỉ đảm bảo chi tiêu tiền lương, đóng góp bảo hiểm. Hiện nhiều dịch vụ, kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở thực hiện theo phương pháp thủ công nay thực hiện bằng các thiết bị hiện đại nếu thu với mức giá như hiện nay thì không thực hiện được dịch vụ…
Theo đánh giá của Bộ Y tế, nguồn thu từ viện phí và bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm trên 50% tổng thu của các bệnh viện, nhiều bệnh viện chiếm tới 90%. Thực tế cho thấy nếu không có viện phí thì các bệnh viện không thể tồn tại triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng khẳng định việc điều chỉnh giá lần này bám sát quan điểm về chính sách viện phí tại Nghị quyết đại hội X của đảng: “Sửa đổi chế độ viện phí theo nguyên tắc xác định đầy đủ chi phí khám, chữa bệnh và chia sẻ hợp lý trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người bệnh. Nhà nước trợ giúp một lần hoặc toàn bộ viện phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách chủ yếu thông qua BHYT”.
Để người dân không quá “sốc” khi công bố bảng giá viện phí mới, Bộ Y tế trấn an bằng việc giải thích rằng chỉ có 350 dịch vụ trong tổng số 3.000 dịch vụ hiện các bệnh viện đang thực hiện được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay. Việc điều chỉnh vẫn tuân thủ nguyên tắc là thu một phần, các khoản được ngân sách Nhà nước chi không tính và thu viện phí như khấu hao tài sản cố định, lương của cán bộ, chi phí đào tạo…
Chỉ người bệnh lo
Năm qua người bệnh đã phải nâng mức đóng BHYT và phải đồng chi trả từ 5 – 20%. Việc đồng chi trả đang là nỗi lo của nhiều người nhất là người nghèo và người mắc bệnh mãn tính thì nay lại lo giá viện phí tăng. Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) thì việc điều chỉnh viện phí lần này cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến khoản 53 triệu người (chiếm 62% dân số) đã có thẻ BHYT. Người nghèo, cận nghèo thì đã có Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT 50%; học sinh, sinh viên cũng được hỗ trợ 30 – 50%.
Tuy nhiên, bà Hương cũng khẳng định: khi mức đóng viện phí điều chỉnh thì mức đồng chi trả cũng phải tăng theo. Việc cùng chi trả cũng như điều chỉnh viện phí sẽ giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh. Bệnh viện thì có kinh phí nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Với những đối tượng nghèo, mắc bệnh mãn tính rất cần có sự hỗ trợ của địa phương, một số địa phương đã và đang làm rất hiệu quả.
Luật BHYT mới đi vào cuộc sống nên phải sau một thời gian mới xem xét lại điểm gì được và chưa được. Tuy nhiên, khi điều chỉnh viện phí cần làm rõ giá viện phí một phần là bao nhiêu, các hoạt động đầu ra như thế nào: ví như một bệnh viện hoạt động, chi phí khám chữa bệnh bao nhiêu; ngân sách cấp ra sao thì mới tính được tăng bao nhiêu là đủ và phù hợp.
Về phía bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc bày tỏ quan điểm của mình: “Cơ cấu giá phải được tính toán một cách khoa học, công khai đồng thời cũng phải có lộ trình tăng phù hợp… để không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Khi giải bài toán viện phí, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng cần xem xét tổng thể các chính sách liên quan.
Ví dụ như khi giá viện phí đã được tính đúng, tính đủ thì ngân sách Nhà nước đang cấp chi thường xuyên cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập mỗi năm cần chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân; mức phí BHYT hiện đang được tính trên nền của một phần viện phí cũng phải được tính lại khi viện phí đã tính đúng, tính đủ; có thể tính toán lại tỷ lệ cùng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT để không làm tăng gánh nặng cho người bệnh…
Tóm lại, đứng trước bài toán điều chỉnh viện phí cũng như các vấn đề liên quan như điều chỉnh mức phí BHYT, mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…, bên cạnh việc tính toán dựa trên cơ sở kỹ thuật, chúng ta phải xem xét một cách tổng thể và hài hòa, hướng tới việc phục vụ người dân một cách hiệu quả và công bằng.
LH
http://sgtt.vn/Thoi-su/126106/Bo-Y-te-tim-du-cach-de-tang-vien-phi.html