Tham nhũng trong mua sắm vũ khí ảnh hưởng tới uy tín của quân đội nếu bị phanh phui

Trường Sơn

Tàu ngầm Kilo có tên Hà Nội do Việt Nam mua của Nga đậu tại cảng Cam Ranh hôm 3/1/2014. AFP

Bộ Công an Việt Nam hôm 29 tháng 4 thông báo về việc cơ quan này ra lệnh bắt đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Lý do được đưa ra là công ty của bà Nhàn có liên quan đến những sai phạm trong việc mua sắm thiết bị y tế trong dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng nai, khiến nhà nước bị thiệt hại 152 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo một bài viết trên báo Haaretz ở Israel do tác giả Yossi Melman thực hiện được đăng tải hôm mùng 1 tháng 5, thì nguyên do chính dẫn đến việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố, là vì các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam mà bà này giữ vai trò trung gian.

Tập đoàn AIC do bà Nhàn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, được cho là đóng vai trò tích cực trong việc làm cầu nối giữa các hãng sản xuất vũ khí ở Israel với Chính phủ Việt Nam trong những năm qua.

Thương vụ đáng chú ý do công ty này làm trung gian phải kể đến hợp đồng mua vệ tinh do thám trị giá 550 triệu USD của quân đội Việt Nam với công ty AIA của Israel.

Trong bài báo nói về thương vụ này trên trang Israel Defense, bà Nhàn được mô tả là “doanh nhân có nhiều ảnh hưởng”.

Từ khi bắt đầu tiến trình hiện đại quá quân đội, Việt Nam đã đẩy mạnh mua sắm vũ khí mới nhằm thay thế cho kho vũ khí đã lạc hậu của mình. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu Hoà bình Stockholm thì từ năm 1995 tới năm 2021, Việt Nam đã chi hơn chín tỷ USD để mua vũ khí.

Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính của Việt Nam, chiếm hơn 80 phần trăm tỉ trọng vũ khí mà Việt Nam nhập khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quốc gia Đông Nam Á đã có những nỗ lực nhằm đa dạng hoá nguồn cung vũ khí, trong đó có Israel, Belarus, và Ukraine.

Ở Việt Nam, tham nhũng trong quân đội không còn là vấn đề mới mẻ. Mới đây nhất, quốc gia cộng sản này đã tiến hành bắt giữ cùng lúc bảy vị tướng trong lực lượng Cảnh sát biển, vì các cáo buộc tham ô tài sản.

Sự việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố là lần hiếm hoi vấn đề tham nhũng trong việc mua sắm vũ khí được chú ý tới.

Trao đổi với đài Á châu Tự do, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực quốc phòng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết nếu thông tin tham nhũng trong các hợp đồng mua sắm vũ khí được phanh phui, thì uy tín của quân đội Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề:

“Quân đội Việt Nam là tổ chức được coi trọng nhất ở Việt Nam. Trong quá khứ, thống kê của tôi cho thấy trong các kỳ bầu cử Quốc hội, nếu nhìn vào sự phân bổ phiếu bầu, thì quân đội luôn là một trong những nhóm nhận được nhiều phiếu nhất, ngoài ra thì nhiều chỉ báo khoa học khác cũng cho thấy sự nổi tiếng của lực lượng này.

Nếu điều này thực sự xảy ra, thì nó sẽ tác động tiêu cực đến uy danh của lực lượng vũ trang.”

Hồi năm 2017, hãng tin tin tình báo quốc phòng của Anh, Shephard Media, đưa tin một vài quan chức của quân đội Việt Nam đã vòi vĩnh các đối tác phía Mỹ trả 25% hoa hồng cho các hợp đồng mua vũ khí, động thái này đã khiến cho cuộc họp giữa các giới chức Quốc phòng Mỹ và Việt Nam bị huỷ giữa chừng. Một nguồn tin khác ở Singapore cho Shephard Media biết các quan chức Chính phủ Việt Nam đã rửa tiền qua các bà vợ của họ ở Singapore.

Không có thông tin gì về việc liệu phía Việt Nam có tổ chức điều tra nhắm vào các quan chức quân đội bị cáo buộc hay không.

Giáo sư Thayer cũng cho rằng các công ty buôn bán vũ khí của Nga được biết đến là có mức độ tham nhũng cao, thông qua các hoạt động khai khống giá bán hoặc đòi chia chác lợi tức.

Tuy nhiên không có thông tin gì về việc có hay không sự tham nhũng trong các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Việt Nam với Nga. Lý do, theo vị giáo sư người Úc là vì môi trường chính trị ở Việt Nam:

“Với hệ thống chính trị độc đảng như vậy, nơi không tồn tại tự do báo chí để đóng vai trò giám sát, còn cơ quan kiểm toán thì lại bị chính trị hoá và kiểm soát bởi Đảng Cộng sản, do vậy không có bất cứ cách nào để đưa ra đánh giá một cách độc lập.”

Ngoài chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, quân đội Việt Nam còn tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh tế. Chính quyền Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố về việc cắt giảm số doanh nghiệp thuộc sở hữu của quân đội, nhưng đến nay lực lượng này vẫn đang duy trì sở hữu hơn 100 công ty, trong đó phần lớn là công ty có 100% vốn Nhà nước.

T.S.

Nguòn: RFA Tiếng Việt

This entry was posted in Quân đội VN, tham nhũng. Bookmark the permalink.