Hệ quả chiến tranh Nga – Ukraina với Việt Nam (*)

Nguyễn Ngọc Chu

Những điều chúng ta bàn luận về chiến tranh Nga – Ukraine – ủng hộ, phản đối, chê bai hay ngưỡng mộ – chẳng mảy may tác động lên số phận của Ukraine và Nga, mà tác động trực tiếp lên chính số phận của chúng ta.

Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản

Có thể là hình ảnh về 6 người và mọi người đang đứng

Tôn trọng chính kiến và thước đo giá trị

1. Hướng thiện không có điều kiện

Có ý kiến rằng, nếu bạn không lên án Mỹ hay NATO ở cuộc chiến tranh Nam Tư, hay không lên án Israel trong chiến tranh Trung Đông, thì bạn không có quyền lên án Nga xâm lược Ukraine.

Vậy lúc đó bạn có được lên án Trung Quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam không?

Nếu đưa điều kiện tiên quyết như vậy, thì bạn sẽ không bao giờ bảo vệ được điều thiện khỏi điều ác. Bạn sẽ không bao giờ được cất tiếng nói để lên án trộm cướp vì trước đây bạn chưa từng lên án trộm cướp, bạn sẽ không thể cất tiếng nói bảo vệ phụ nữ trước nạn hiếp dâm vì trước đây bạn chưa từng lên tiếng… Nghĩa là bạn chẳng bao giờ cất được tiếng nói để bảo vệ chính nghĩa ở trong bất cứ lĩnh vực nào mà trong quá khứ bạn chưa từng làm điều đó.

Một phạm nhân giết người vẫn có thể bảo vệ một người khác trước hiểm hoạ bị mất sinh mạng. Một kẻ trộm cắp bất cứ lúc nào cũng có thể hoàn lương. Một người chưa làm việc thiện vẫn có thể bắt đầu một việc thiện. Bất cứ lúc nào cũng có thể “quay đầu lại là bờ”. Con đường hướng thiện không có điều kiện. Bảo vệ lẽ phải không có điều kiện tiên quyết. Làm việc thiện không có điều kiện tiên quyết.

2. Thế nào là “khôn khéo”?

Có ý kiến cho rằng phải “khôn khéo” để không rơi vào chiến tranh. Thế nào gọi là “khôn khéo”. Vì chuẩn “khôn khéo” khác nhau.

Cha ông chúng ta có “khôn khéo” không khi phải đối đầu với gần 20 cuộc chiến tranh xâm lược từ Trung Quốc?

Và gần đây nhất, Việt Nam có “khôn khéo” không khi đã phải trải qua 4 cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, Campuchia và Trung Quốc?

Kẻ đi chiếm đất không cho bạn “khôn khéo”, trừ phi bạn cam chịu số phận mất đất, nô lệ, phụ thuộc. “Khôn khéo” với một số người là cam chịu mất nước, mất đất, lệ thuộc. Nhưng cha ông chúng ta từ ngàn xưa chưa bao giờ cam chịu như vậy. Cho nên, chúng ta đã không thể tránh được chiến tranh.

Cụ Hồ đã từng kêu gọi: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với đại đa số người Việt Nam, “khôn khéo” là không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.

Trung Quốc đang tập trận trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. “Khôn khéo” nào ở đây?

3. Bàn cờ ở Biển Đông đã thay đổi

Vấn đề thiết thực, sống còn, với Việt Nam hiện nay và trong nhiều năm tới là Biển Đông. Phải bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Nhưng các nhân tố tham gia quyết định bàn cờ địa chính trị ở Biển Đông đã thay đổi vai trò.

Sau chiến tranh Nga – Ukraine, tình thế và vai trò của Nga ở Biển Đông không còn như trước. Chỉ còn 3 lực lượng cơ bản trực tiếp quyết định bàn cờ địa chính trị ở Biển Đông: Asean, Trung Quốc, Mỹ và đồng minh. Thật không lợi khi Nga rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

4. Ai là bạn của Việt Nam?

Những điều chúng ta bàn luận về chiến tranh Nga – Ukraine – ủng hộ, phản đối, chê bai hay ngưỡng mộ – chẳng mảy may tác động lên số phận của Ukraine và Nga, mà tác động trực tiếp lên chính số phận của chúng ta. Ukraine hay Nga hành động không phụ thuộc vào chính kiến của chúng ta. Chúng ta phải lo cho số phận của chúng ta trước hết.

Chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông đang bị xâm phạm. Để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, thì Việt Nam phải dựa vào luật pháp quốc tế, thực lực của Việt Nam và sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Vì lợi ích của Việt Nam, phải kịch liệt lên án các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, coi thường Hiến chương Liên Hợp Quốc, lên án dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp, lên án vi phạm chủ quyền lãnh thổ và can thiệp vào công việc nội bộ nước khác.

Còn một điều quan trọng khác nữa là kết bạn. Ai là bạn của Việt Nam khi chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông bị xâm phạm?

Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Trung Quốc đã đánh chiếm Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Khi Trung Quốc mở “chiến dịch đặc biệt” ở Biển Đông, ai sẽ đứng về phía Việt Nam?

5. Tôn trọng chính kiến và thước đo giá trị

Ai cũng có quyền biểu thị chính kiến cá nhân, nhưng phải biết chấp nhận chính kiến khác biệt, càng không vì khác biệt quan điểm mà chia rẽ, thù ghét. Hơn thế nữa, nhất thiết phải tôn trọng chính kiến của các dân tộc khác. Họ đủ thông minh và đủ thẩm quyền để tự quyết định vận mệnh của chính mình.

Chuẩn mực giá trị của Ukraine và của Nga ở các tầng không gian hoàn toàn khác với nhiều người trong số chúng ta. Nên không ai trong chúng ta có đủ tư thế để lấy thước đo giá trị của mỗi chúng ta mà toan đo giá trị của các dân tộc khác.

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine ở mãi tận Châu Âu, nhưng hệ quả trực tiếp của nó thì nằm kề ngay sát biên giới Việt Nam, tại Biển Đông.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

(*) Tựa do BVN đặt

This entry was posted in Bài học Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.