Suy nghĩ về bài báo của cây viết “Ủy viên Bộ Chính Trị, Thủ Tướng Chính phủ” Nguyễn Tấn Dũng

BVN đưa lại bài viết này để bạn đọc có thêm một cách nghĩ khác về bài viết của TT Nguyễn Tấn Dũng ngày 16/7/2010, bên cạnh những lời hưởng ứng đã được báo chí chúng ta đăng lên từ mấy ngày nay. Đây là ý kiến riêng của người viết chứ không hẳn là quan điểm của chúng tôi, tuy vậy, thiển nghĩ, đáng được bộ máy chuyên trách của CP lắng nghe và tham khảo nghiêm túc, để rút kinh nghiệm những gì có thể tránh.

Bauxite Việt Nam

Báo chí được mệnh danh là quyền lực thứ tư của nhân dân. Mỗi bài báo dù ở góc độ bình luận, phê phán, đề ra giải pháp nào đó… hoặc chỉ thuần túy đưa tin, đều phải đạt yêu cầu tối thiểu: khách quan. Báo chí còn là diễn đàn của nhân dân theo quy định của Luật Báo chí. Một bài viết dưới thể loại nào, dù cho là của một nhà báo chuyên nghiệp hay của một “dân tay ngang” cũng phải bảo đảm trước tiên là yếu tố khách quan. Vì lẽ đó, bút danh của một bài báo phải đảm bảo là người quan sát, người đưa tin, người bình luận khách quan các ưu, khuyết, nhược điểm [của sự việc được thuật lại], và bài báo còn có quyền đưa ra các giải pháp cho cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, vì vậy bút danh là điều khá quan trọng cho một bài báo. Tác giả bài báo phải biết “phân thân” và hiểu rõ mình đang đứng ở góc độ nào để thuyết phục dư luận xã hội, thuyết phục Nhà nước (ở đây chỉ nói đến bút danh dành cho các bài viết chính trị – xã hội nói chung, không để cập đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật).

I. Hình thức bài báo của cây viết “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng”:

“Trong phong bì có thư đề gửi Ban Biên tập báo Nhân Dân và một bài báo viết bằng tay không đánh máy. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo và “nếu các đồng chí thấy được thì đăng”. Còn bài báo có đầu đề “Những việc cần làm ngay” ký tên NVL”.

“Sau này tìm hiểu thì tôi được biết dưới bài báo tác giả ký tên tắt để mọi người tham khảo, thấy đúng thì làm, không bị lệ thuộc vào địa vị người viết”, nhà báo Hữu Thọ nói (1)”.
Theo Dân trí

Còn nhớ những năm đầu “đổi mới”, ông Nguyễn Văn Linh với bút danh N.V.L gây xôn xao dư luận và trở thành đề tài nổi bật trong đời sống xã hội khi đề cập đến “những việc cần làm ngay” của những năm thuộc thập niên 80 thế kỷ trước. Những bài báo dù ngắn của ông Linh đã được người dân đón nhận như một luồng gió về tự do ngôn luận, tự do báo chí vào thời điểm bấy giờ như một nét mới cho xã hội còn quá nhiều bưng bít thông tin. Dù chẳng hiệu quả được là bao, nhưng các bài viết của ông Linh cũng đã làm được chút gì đó cho xã hội dưới góc nhìn khách quan của một nhà báo.

Rất tiếc, bài báo của cây viết Nguyễn Tấn Dũng, không làm được một điều nhỏ mà vô cùng quan trọng như cây viết N.V.L năm nào.

Ông Dũng với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp, do đó, về hình thức khi ông Dũng gởi bài viết này lên trang báo Vietnamnet, thì không nên ghi rõ Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, mà lẽ ra ông phải làm như ông Nguyễn Văn Linh thuở nào, đó là phản ánh, bình luận về tình hình kinh tế – xã hội và đề đạt các biện pháp một cách khách quan cho Chính phủ nhằm cải thiện tình hình kinh tế – xã hội tốt hơn.

Chính vì ông Dũng nêu rõ chức danh, nên mặc nhiên ông đang nói với tư cách là một người phục vụ nhân dân. Vậy, ông phân tích, bình luận, đề ra giải pháp cho ai (???). Cho UBND các cấp chính quyền, các bộ ngành từ TƯ đến địa phương (những người làm công như ông chăng)???!!! Nếu đó là nội dung những người cùng làm công với nhau cần phải bàn bạc, trăn trở để làm sao đáp ứng tốt nhu cầu cho chủ nhân thì các ông cứ việc bàn bạc thật kỹ với nhau. Nếu quả thật vậy, thì ông đưa lên mặt báo làm gì? Vì đó là công việc nội bộ của những người cùng làm công với nhau đấy chứ!?

Nếu ông Dũng bảo rằng, tôi đang thay mặt những người làm công để báo cáo với chủ những thành tựu, những ý định, những biện pháp, những thao thức, những trăn trở, những yếu kém, những hạn chế của những người làm công, thì… xin lỗi, để làm gì? Để được ngợi khen? Để được cảm thông? Để được chấp thuận? Người dân chúng tôi đang thật sự hoang mang tự hỏi, dường như những người làm công đang tôn trọng và xin ý kiến mình đấy nhỉ?! Phải vậy không? Người dân đang nằm mơ chăng?

Ông Dũng đang làm một việc ngớ ngẩn và không biết mình là ai! Xin hỏi, ông đang viết bài báo này với tư cách là người làm chủ hay người làm công? Ông đang nhập nhằng và chẳng làm cho người dân biết được ông đang đứng ở góc độ làm thuê hay làm chủ!!! Về hình thức, ông hoàn toàn sai lầm khi nêu rõ chức danh của ông ở đây.

Không biết vì lý do để tăng giá trị bài báo hay gây sự chú ý từ độc giả mà trang Vietnamnet đã dùng cụm từ “trân trọng giới thiệu” ông Dũng với tư cách là “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ”!!! Điều này mặc nhiên, trang Vienamnet đang giới thiệu với người chủ (nhân dân) một bài viết của người làm công, mà trong bài viết đó, người làm công tự vạch ra các yếu kém của mình, tự bình luận về mình, tự đề ra giải pháp theo ý của mình để phục vụ cho… chủ!!! Đến đây, “những người chủ đất nước” như chúng ta đều thấy tính “chủ quan” về mặt hình thức của cây viết “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng” rồi chứ!

Hay thật! “CHỦ QUAN” ở đây, theo định nghĩa hài hước của tôi, nghĩa là “làm quan để trị mấy thằng chủ” đấy nhân dân ạ! Đừng tưởng bở nhé! Bọn chủ nhân – 80 triệu con người – ngốc nghếch(!).

Xin nhắc cho ông Dũng nhớ “Báo chí là quyền lực thứ tư của dân”, do đó, sau này ông muốn ngồi trước bàn phím để viết một bài báo, ông nên nhận thức rằng: ông đang là dân, ông đang ở cùng phía nhân dân, ông đang nói vì nhân dân. Rất đơn giản, ông Dũng ạ! Còn ông đã khai báo đầy đủ “phẩm trật” khi viết báo điều đó chứng tỏ ông nghĩ “Báo chí là quyền lực thứ tư của ĐCSVN”, điều này lại thêm một lần nữa khẳng định não trạng của các vị chức sắc Việt Nam, luôn coi tất cả mọi quyền lực là của riêng ĐCSVN. Sao các vị tham thế (!!!). Cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, các vị đã chiếm trọn và đến quyền thứ tư này, các vị cũng chiếm luôn nốt! Than ôi!

Nói tóm lại, về hình thức, cây viết “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng” hoàn toàn không có đủ hiểu biết của một người viết báo. Trừ phi, ông Dũng nói rằng: “Tôi có họ là “ỦY” và tên là “DŨNG”, họ tên có hơi dài một chút (!). Mong độc giả thông cảm (!!!) thì… những độc giả như chúng tôi cũng đành… cảm thông vậy!

II. Nội dung bài báo của cây viết “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng”:

Ở đây, tôi xin lược bỏ phần kể lể thành tựu cũng như các hạn chế, yếu kém trong điều hành nền kinh tế – xã hội mà cây viết “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng” đã viết khá dài, nhưng không có gì mới hơn, cũng như ông ta không dám nhìn thẳng vào sự thật và các nguyên nhân sâu xa, nội tại của các hiện tượng tiêu cực trong xã hội nói chung mà khá nhiều bài viết của các cây viết khác đã viết còn thuyết phục hơn nhiều so với cây viết “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng”. Tôi xin được đi vào sáu giải pháp và ba trụ cột chính mà cây viết này đã nêu ra:

– SÁU GIẢI PHÁP:

Một là, bằng các giải pháp và sức mạnh tổng hợp, kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đất nước. Đây là điều kiện tiên quyết nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững và cũng là một lợi thế của đất nước ta.

Hai là, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng và sự hoạt động an toàn, hiệu quả của các định chế tài chính.

Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm đạt tốc độ tăng trưởng cao đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Bốn là, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển

Năm là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ rộng rãi, nhất là dân chủ trực tiếp, xây dựng xã hội đồng thuận, cởi mở.

Sáu là, tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường

– BA TRỤ CỘT CHÍNH:

Có thể nói Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường đi liền với bảo đảm phúc lợi – an sinh xã hội và dân chủ xã hội chủ nghĩa là ba trụ cột chính trong tiến trình phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong mỗi giải pháp, cây viết “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng” cũng đã phân tích thêm để cho bài viết đủ dài hơn là thuyết phục người đọc (!). Xin nhấn mạnh, cây viết “Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng” chưa xác định rõ bài viết của mình là phục vụ cho ai, đối tượng nhắm tới để yêu cầu thực thi các giải pháp mà tác giả đưa ra là ai thì cũng chẳng rõ.

Nội dung sáu giải pháp mà tác giả đưa ra, có thể nói không quá, chỉ là… CHUNG CHUNG và … tựa như trong các bữa nhậu của dân bất đắc chí hay trửng giỡn mà bảo nhau: “chúng ta phải làm sao…”, “chúng ta phải làm như thế nào…”, “chúng ta quyết tâm, nỗ lực…”, “chúng ta phải sử dụng mọi nguồn lực, mọi biện pháp…”, “chúng ta phải dốc hết sức…”, “chúng ta phải tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế…”, “chúng ta phải chủ động ngăn ngừa, đề phòng các thế lực thù địch…”, “chúng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm…” v.v và v.v… Thật là chán ngán!

Lẽ ra sau mỗi giải pháp, nếu là một cây viết “có tâm và có tầm”, ông Dũng cần nên nói rất rõ (ví dụ):

Để kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia thì trên lãnh vực an ninh quốc phòng phải đầu tư ra sao, đầu tư trong bao năm, đầu tư cái gì…, (nếu đây là bí mật quốc gia thì khỏi nói, còn nói chung chung thế này thì người đọc càng thấy chán hơn, vì bất kỳ người dân nào cũng hiểu phải giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước thì mới yên ổn làm ăn được, xin lỗi, nói kiểu ông Dũng là thừa!). Ngoài ra, ông ta phải nói rõ, Bộ Công an, các cơ quan tuyên giáo của Đảng từ TƯ đến địa phương, các Sở Công an, các cơ quan thông tin tuyên truyền, các hội đoàn (như đoàn thanh niên, hội phụ lão, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…) có trách nhiệm lên phương án phát động những hình thức cụ thể để khuyến khích, kêu gọi nhân dân biểu lộ lòng yêu nước thiết thực (phải làm gì…), trách nhiệm của các nơi này phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán để người dân nhận thức rõ Tổ quốc đang đối mặt với an nguy lệ thuộc ngoại bang (đến mức nào rồi). Tựu trung, ông ta phải nói rằng: ĐCSVN, Nhà nước và Chính phủ cần đưa ra ngay những cuộc vận động cụ thể giống như cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM” với chương trình, lộ trình, hình thức, thời gian rõ ràng để khuếch trương, quảng bá rộng khắp, để mọi người cùng hưởng ứng, thông qua đó càng tôn lên vai trò đoàn kết toàn dân trước an nguy đất nước… nói như thế thì người dân mới biết rõ để cái gọi là “kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền” là sao chứ!

Tất nhiên nói điều này để thấy rõ sự nhợt nhạt, hình thức, “nói cho có” của cây viết này, chứ làm gì trông mong chính thể này có những hành động cụ thể gì được, bởi vì trên thực tế mấy năm qua, chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước một cách ôn hòa mà bao nhiêu người đã phải ngồi tù, bị khủng bố, gây khó dễ một cách vô cớ và phi lý. Cho nên, các thứ gọi là giải pháp kéo theo như: bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ v.v… tất cả chỉ là… nói cho xong mà thôi! Hoàn toàn khuôn mẫu, sáo!

“Ba cái trụ cột chính” của ông Dũng gồm: Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, dân chủ xã hội chủ nghĩa chẳng qua chỉ là ba cái trụ so le, cái dài cái ngắn. Trên ba cái trụ xộc xệch này là “cái nồi cơm” mang tên nền kinh tế Việt Nam, dưới cái nồi này là lửa củi đang rực đỏ (tham nhũng tràn lan, suy đồi đạo đức, oan khiên của dân…) mà chẳng có đầu bếp nào ngồi trông. Hẳn nhiên, cái nồi cơm này đang nghiêng ngửa, chơi vơi và sẵn sàng đổ ụp xuống đất bất cứ lúc nào bởi những bà nội trợ vô trách nhiệm với gia đình. Tất nhiên gia đình bà ta lãnh đủ cái đói, trừ bà ta (vì bà đã ăn vụng trước khi ngồi vào bếp thổi cơm cho gia đình!).

III. Kết:

Chỉ từ cái “giải pháp thứ nhất” của cây viết này, độc giả cũng có thể suy luận tiếp các giải pháp từ 2 đến 5 sẽ thấy, đó chỉ là mớ lý luận suông, nói cho xong, chẳng có cái gì cụ thể, rõ ràng để người dân nhận ra ông Dũng quyết tâm làm một cái gì đó cho đất nước này! Chính vì lẽ đó, người dân nhận ra ngay và đòi hỏi cần có giải pháp cụ thể. Quả đúng vậy! Nói chung chung, nói cho hay, nói mang tính tư tưởng, định hướng thì người dân nghe đã quá nhiều rồi, chúng tôi yêu cầu Nhà nước này phải có những giải pháp cụ thể, đồng bộ, lâu dài để chúng tôi xem và giám sát việc làm của Nhà nước. Cho đến nay, chỉ mỗi một việc của Huỳnh Ngọc Sĩ kéo dài khá lâu mà chẳng người dân nào biết được sự việc tiến triển ra sao, dám nào nói đến những việc còn nóng hổi như “Vinashin” và “hiếp dâm học trò”…

Càng nói, người dân chúng tôi càng chán ngán và thất vọng về những gì ông nói, ông hứa, ông Dũng ạ! Thảo nào, cựu lão thành cách mạng Nguyễn Văn Bé yêu cầu ông từ chức để tạo một tiền lệ quan trọng cho các ông, các bà quan chức khác thấy đó mà noi theo.

Ông Dũng! nếu ông thật lòng vì đất nước, dân tộc, ông từ chức đi!

Xin đội ơn ông ngàn lần!

Nguyễn Ngọc Già

(1) http://dantri.com.vn/c20/s20-405983/nhung-viec-can-lam-ngay-con-nong-toi-hom-nay.htm

Nguồn: http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://danluan.org/node/5721

This entry was posted in báo chí, Đảng CSVN, Xã Hội. Bookmark the permalink.