Tiền thuế và đại gia

Xác nhận rằng những yếu kém trong nền kinh tế hiện nay có nguyên nhân chủ quan, trong bài viết vừa công bố Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp khá rõ ràng. Đó là “phải tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế tư nhân – thành phần có tốc độ tăng trưởng cao nhất và tạo nhiều việc làm nhất. Mặt khác, phải đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”.

Thủ tướng nhấn mạnh điều này ngay sau khi ký quyết định đình chỉ chức Chủ tịch Tập đoàn Vinashin. Ông nói, điều quan trọng hơn là “đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường”. Phần giải thích thêm Thủ tướng cho rằng chỉ như vậy “sự phát triển của DNNN mới không chèn lấn các nguồn lực để phát triển khu vực tư nhân – một động lực chủ yếu của tăng trưởng”.

Trước đó nhiều ý kiến băn khoăn rằng, DNNN dù nhận được quá nhiều ưu ái về vốn, tài nguyên, đất đai, cơ chế… nhưng không đóng góp nhiều cho đất nước, ngược lại có đơn vị để lại khoản nợ khổng lồ cho ngân sách! Một cựu lãnh đạo Chính phủ còn nói thẳng, tại sao lại mang tiền thuế của dân đưa cho một doanh nghiệp xài phung phí mà không ai chịu trách nhiệm?

Nước Mỹ cũng từng va vào những phản ứng tương tự mà Luật Cải tổ tài chính vừa được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 15-7 đã đặt dấu chấm hết. Còn nhớ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến nền kinh tế Mỹ lao đao, buộc Chính phủ phải bỏ ra hơn 700 tỷ USD để “giải cứu” những tập đoàn khổng lồ được cho là nếu sụp đổ sẽ kéo theo cả nền tài chính Mỹ. Luật mới được thông qua có thay đổi lịch sử là Chính phủ sẽ có quyền tịch thu, thanh lý hoặc chia nhỏ một công ty tài chính thua lỗ chứ không còn phải “ném phao” để nó tồn tại như trước.

Trước khi ký thông qua dự luật vào ngày 21-7 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu rằng, từ nay người dân sẽ không bao giờ phải chứng kiến cảnh tiền đóng thuế của họ bị sử dụng để cứu các tập đoàn làm ăn thua lỗ.

Dĩ nhiên, Mỹ là Mỹ và Việt Nam là Việt Nam. Song một khi đều là thành viên của WTO thì không nền kinh tế nào thoát khỏi những vấn đề mang tính quy luật. Giống như một con người có sinh-bệnh-lão-tử, một doanh nghiệp cũng có sự khởi đầu: thành lập, phát triển, giải thể, phá sản. Cho nên dù có là “đại gia” thì vẫn cứ “chết” và điều đó nên xem là bình thường.

Và theo tuyên bố của lãnh đạo thì sẽ không có chuyện xà xẻo tiền thuế của dân cho “đại gia” nữa!

PL

Nguồn: http://butlong.multiply.com/journal

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.