Putin: Từ tổng thống “hoang tưởng” đến chỉ huy “chuyên quyền”

10/03/2022

Thu Hằng

Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu và tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga kiêm Thứ trưởng thứ nhất Quốc phòng Valery Gerasimov chuẩn bị vũ khí răn đe trong cuộc họp ngày 27/02/2022 tại Matxcơva, Nga.

AP – Alexei Nikolsky

Vì quyết định của một cá nhân, Ukraina trở thành bãi chiến trường tan hoang. Gần 2,2 triệu người Ukraina phải bỏ xứ, hơn 350 thường dân chết vì bom đạn Nga, tính đến ngày 10/03/2022. Khoảng từ 2.000 đến 4.000 quân nhân Nga bỏ mạng trên chiến trường, theo thẩm định của bộ Quốc Phòng Mỹ. Tất cả chỉ do tham vọng quyền lực của chủ nhân điện Kremlin. Báo chí Pháp nói đến một tổng thống Putin ngày càng “hoang tưởng”,““chuyên quyền” và “tự cô lập”.

“Ngày 24/02 (ngày Nga mở màn cuộc xâm lược Ukraina), bộ áo giáp của nhà kĩ trị sáng suốt đã bị vỡ. Thế giới đã phát hiện một con quỷ, điên cuồng trong những đam mê và tàn nhẫn trong những quyết định của mình”. Nhà văn Nga Vladimir Sorokine, vẫn được biết đến với giọng văn châm biếm, đã phải bất lực thốt lên như vậy trong một bài viết trên nhật báo Anh The Guardian.

Theo báo Le Monde ngày 02/03, lời bình luận này làm dấy lên nghi vấn về““sự điên rồ“ của Tổng thống Vladimir Putin, thường giam mình trong điện Kremlin lộng lẫy trong thời gian gần đây. Ngay từ năm 2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tỏ ra bất lực về nguyên thủ Nga:“Ông ấy không còn tiếp xúc với thực tế”, vào lúc ông Putin liên tục bác có quân Nga ở vùng Donbass, miền đông Ukraina.

Ám ảnh lịch sử tác động đến những quyết định hiện nay

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn, Tổng thống Putin của năm 2014 và của năm 2022 khác nhau hoàn toàn. Trong những ngày trước khi ra lệnh tấn công Ukraina, người dân Nga thấy Tổng thống của họ thường phát biểu vào sáng sớm. Chủ đề không mới, nhưng với giọng điệu cứng rắn hơn, thêm tiếng thở dài, tay đập bàn, cáo buộc vô cớ Ukraina là “nhà nước phát xít, một băng nghiện ngập và tân phát xít đang cầm quyền ở Ukraina”.

Tại sao vấn đề Ukraina lại ám ảnh Tổng thống Nga đến như vậy? Trả lời báo Libération ngày 24/02, nhà nghiên cứu Bruno Tertrais, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS), phân tích:

“Putin vẫn bị quá khứ ám ảnh. Bản thân ông ấy đã trải qua chấn thương do việc Đông Âu sụp đổ lúc ông còn là điệp viên của KGB ở Dresde (Đức). Khi lên nắm quyền, nhất là khi trở lại năm 2012, ông đã có cách nhìn xét lại về lịch sử Nga, về lịch sử Liên bang Xô Viết. Cách nhìn hoang tưởng này đã lật lại vấn đề gọi là “trách nhiệm lịch sử của phương Tây về việc Nga suy yếu” và vào năm 2021, cách nhìn nhận này được tái hiện trong bài diễn văn dài vào dịp kỷ niệm Liên Xô tan rã và Ukraina độc lập. Khó biết được là Putin có tin vào điều ông ấy nói không, nhưng bài diễn văn này đã khắc sâu trong tâm trí của giới lãnh đạo Nga. Ngay từ cuối những năm 2000, Putin đã nói rằng Ukraina không phải là một Nhà nước”.

Đặc biệt, ông Putin không chấp nhận những gì xảy ra tại thượng đỉnh NATO năm 2008, khi đơn xin gia nhập NATO của Ukraina được chấp nhận về mặt nguyên tắc. Tổng thống Nga liên tục cáo buộc phương Tây nuốt lời khi kết nạp nhiều thành viên mới là những nước thuộc Liên Xô cũ mà Nga nghiễm nhiên xem là nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của họ.

Xã hội Ukraina, người dân Ukraina muốn chuyển hướng theo châu Âu, được thể hiện qua Cách mạng Maidan năm 2014, trong khi đảng thân Nga ở Ukraina bị mất ảnh hưởng. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với ông Putin. Kết quả là Nga sáp nhập bán đảo Crimée, ủng hộ hai vùng ly khai đòi độc lập. Việc hơn 77% cử tri Ukraina chọn một Tổng thống mới không xuất thân từ giới chính trị, ủng hộ phương Tây và nhiệt tình vận động để Ukraina gia nhập NATO, đã trở thành “giọt nước làm tràn ly” đối với nguyên thủ Nga.

Putin tự cô lập

Trong rất nhiều bài diễn văn gần đây, ông Putin coi Ukraina chỉ là một “Nhà nước giả hiệu” phải xóa sổ để đưa Ukraina về với nước đại Nga. Liệu phương Tây có xem nhẹ ý đồ của chủ nhân điện Kremlin không? Theo chuyên gia Bruno Tertrais thì hoàn toàn không :

“Phương Tây xem phát biểu của ông Putin là đáng quan tâm. Nhưng họ nghĩ rằng ông ấy sẽ dừng ở đó và nhất là cho đến gần đây, họ vẫn cho là ông Putin chắc không điên đến mức tấn công toàn lãnh thổ Ukraina. Vấn đề ở chỗ Putin đã thay đổi. Hiện giờ, ông ấy cho thấy mọi dấu hiệu của một nhà độc tài thu mình trong bong bóng chính trị và dịch tễ. Việc ông cách ly từ đầu mùa dịch hẳn cũng góp phần vào quá trình cực đoan hóa này. Từ nhiều tháng nay, ông tham vấn rất ít và dường như bong bóng dịch tễ ngừa Covid cũng làm trầm trọng xu hướng hoang tưởng của ông. Việc những cố vấn chính trị bị ông Putin công khai xúc phạm tối thứ Hai 21/02 trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia là điều không ai ngờ đến và cho thấy sự thật đó”.

Nhìn rộng hơn, nhà chính trị học Tatiana Stanovaya, thuộc Viện Carnegie Matxcơva, một người biết rõ cách vận hành của giới lãnh đạo Nga, miêu tả một Vladimir Putin hạn chế mọi giao tiếp với những người mang quân hàm, xuất thân từ quân đội hoặc lực lượng an ninh. Thế nhưng, “chính những người này lại trách nhiệm cung cấp thông tin cho ông Putin. Họ quá sợ để thao túng ông ấy, nhưng lại củng cố lập trường của chủ nhân điện Kremlin, chỉ nói những điều ông ấy muốn nghe. Mỗi ghi chép được soạn ra để làm hài lòng lãnh đạo”. Ông Putin từng nói là ông không sử dụng internet.

Vẫn theo bà Stanovaya, được Le Monde trích dẫn, “những người trước đây vẫn được vào điện Kremlin, kể cả bên cánh tự do, thì đã bị loại ngay từ năm 2015”. Ông Putin sợ các bệnh truyền nhiễm, theo tiết lộ của nhà báo Mikhail Zygar trong cuốn sách mang tựa đề Les Hommes du Kremlin (tạm dịch: Những người ở điện Kremlin, NXB Le Cherche Midi, 2018). Và dịch Covid-19 càng khiến ông Putin xa cách thực tế. Các buổi gặp gỡ với người dân, dù được dàn dựng, thậm chí dùng đến cả nghệ sĩ nếu cần thiết, cũng không còn nữa. Những hình ảnh gần đây cho thấy ông Putin ngồi cách xa các vị khách mời vài chục mét, dù là Tổng thống các nước hay quan chức cấp cao và các nhà tài phiệt Nga. Một hình ảnh cho thấy ông đơn độc, nhưng cũng thể hiện khoảng cách quyền lực mà ông muốn tạo ra.

Lãnh đạo chuyên chế tự quyết

Chính sự tự cô lập, nghi kị mọi thứ đang tạo thành “một bong bóng thông tin, không thâm nhập được”, theo nhà nghiên cứu chính trị Nga Ekaterina Schulmann. Rất nhiều quan chức cấp cao không được biết về những kế hoạch chiến tranh của nhà lãnh đạo. Còn nhà văn Vladimir Sorokine cho rằng “cơ cấu quyền lực không thay đổi từ 5 năm thế kỷ qua, kim tự tháp quyền lực, đã đầu độc nhà lãnh đạo, gieo vào ông chất độc quyền lực tuyệt đối”.

Những biến động gần đây, đặc biệt là Ukraina, chỉ là một trong những yếu tố được tích tụ từ lâu khiến nguyên thủ Nga quyết định ra tay hành động. Năm 2015 khi bắt đầu tham chiến ở Syria, ông Putin nói: “Đường phố Leningrad (Saint-Peterburg hiện nay) dạy cho tôi một điều: Nếu không tránh được ẩu đả thì hãy là người đánh trước”. Triết lý sống này đã không rời khỏi ông một bước trong suốt hơn 20 năm cầm quyền: Từ Tchetchenia đến những vụ tấn công không được làm sáng tỏ ở Nga, và giờ là Ukraina với tham vọng gây dựng lại đại quốc Nga, kết hợp giữa quá khứ thời Sa hoàng và thời Xô Viết. Ông Putin đã thành công một phần kế hoạch này với việc sáp nhập bán đảo Crimée và mở rộng ảnh hưởng ở hai vùng Donetsk và Lugansk thân Nga.

Một sự kiện khác, cũng được coi là củng cố cho tham vọng của ông Putin, đó là ông tham khảo tài liệu lưu trữ để viết các bài báo lịch sử. Một công việc được ông rất chú trọng, nghiêm túc thực hiện với hai chủ đề nổi trội: Cuộc chiến chống “chủ nghĩa xét lại lịch sử” của phương Tây, chủ yếu về Thế Chiến II, và Ukraina.

Một nguồn tin ngoại giao phương Tây nhận xét với báo Le Monde: “Sự ám ảnh này khiến ông ấy (Putin) như cảm thấy tham gia vào một nhiệm vụ lịch sử, hơn cả một kiểu chính trị đơn thuần. Cột mốc 2024 rất quan trọng: trước khi có thể phải rời đi, ông ấy phải hoàn thành di sản của mình”.

Theo bà Stanovaya, sự đơn độc của Tổng thống Nga trở thành một mối đe dọa chưa từng có trong bối cảnh chiến tranh: “Mọi thông tin đều được gửi lên ông Putin vào một ngày thuận lợi. Nếu một đám đông bày tỏ phẫn nộ với các nhóm quân Nga ở một thành phố bị chiếm đóng thì đó là vì họ được trả tiền, bị phương Tây hay những kẻ phát xít giật dây… Và nếu quân đội gặp khó khăn, các tướng Nga có thể sẽ giải thích cho ông Putin là do phương Tây can thiệp”.

Còn trong xã hội Nga, không còn đối lập, người dân bị thông tin một chiều, không tin là có chiến tranh ở nước láng giềng và nếu có, thì đó là “chiến dịch quân sự đặc biệt” lật đổ chế độ phát xít ở Kiev.

T.H.

Nguồn: rfi.fr

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Putin. Bookmark the permalink.