Tại Việt Nam gian lận học thuật là ngành kinh doanh lớn

Nguyên văn: Surrogate Scholars are Big Business in Vietnam

Asia Sentinel

24-1-22

Bản dịch của một thân hữu của viet-studies

Viết thuê, đạo văn tràn lan

Phóng viên của chúng tôi

Lúc bốn giờ sáng tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây, một phụ nữ tự xưng là Nguyễn đã cố gắng để không đánh thức đứa con trai sơ sinh. Cô đang có một bài thi trực tuyến môn Kinh Doanh Căn Bản ở Úc, phải làm trong một giờ nữa – không phải buổi thi của cô, chỉ là bài kiểm tra cuối khóa mà cô được thuê làm. Trong một giờ, một người lạ sẽ sao chép các câu hỏi của đề thi vào một văn bản Google Doc và gửi cho cô. Nguyễn có hai tiếng rưỡi để làm bài và gửi lại câu trả lời.

Nguyễn là một người trong đội quân viết thuê (ghostwriters) đang biến trò gian lận học thuật thành một ngành kinh doanh lớn ở Việt Nam, vượt xa những hành vi gian lận và hối lộ thông thường. Và nhờ phép thuật điện tử của internet, gian lận học thuật đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, không chỉ đến Úc mà còn tới Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và nhiều nơi khác, nơi sinh viên và học giả thích móc ví trả tiền hơn là chong đèn học tập, nơi sinh viên yếu kỹ năng ngôn ngữ nhưng có cha mẹ giàu.

Thuê người khác viết hộ một bài báo hoặc một luận án sao cho có vẻ thực là chuyện dễ và gần như ăn chắc, nhưng không hề rẻ. Báo chí Việt Nam gần đây đưa tin thị trường “mua bán chất xám” sôi động chưa từng thấy. Có thông tin rằng những người đã tốt nghiệp tiến sĩ nhưng khó kiếm sống bằng công việc của nhà nghiên cứu tại các cơ sở công lập đang ngày càng chuyển sang nghề viết thuê. Khách hàng sẽ trả từ 1.400 đến 9.000 đô la Mỹ cho một bài báo được đăng trên một tạp chí học thuật.

Tất nhiên, gian lận không phải chỉ có ở Việt Nam. Tôi thường nghe nói rằng “Ồ, ở Trung Quốc còn tệ hơn nhiều”. Một đồng nghiệp đã chia sẻ cách một người viết thuê ở Singapore bảo vệ chi tiết “nghề nghiệp” của anh ta. Một người bạn ở châu Âu viết rằng “lừa đảo có tổ chức… đặc biệt mạnh ở Trung Đông/Tây Á”.

Nhưng một phần của hiện tượng này là do văn hóa. Nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, sinh viên châu Á chỉ đơn giản không coi hành vi đạo văn (plagiarism) là điều không thể chấp nhận được. Như một bài báo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã chỉ ra, chuyện quá thường xuyên là sinh viên đến Hoa Kỳ học tập mà không hiểu gì về đạo văn và cách tránh sử dụng tác phẩm của người khác. Theo Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục WholeRen, tỷ lệ sinh viên Trung Quốc bị trục xuất vì không trung thực trong học tập và đạo văn đã tăng lên hàng năm, đạt 33,5% vào năm 2017.

Cô Nguyễn đã đọc lướt qua sách giáo khoa và tất cả các slide mà học sinh gửi cho cô qua người đại diện trên mạng trực tuyến của cô. Vì thời gian gấp rút nên cô được trả tiền gần gấp đôi mức thông thường. Khách hàng còn hứa sẽ có thêm tiền thưởng nếu anh ta đạt 75/100 điểm trở lên.

“Tôi thậm chí còn căng thẳng hơn là khi tôi thi đại học vào 10 năm trước”, cô Nguyễn nói.

Viết thuê chuyên nghiệp là một công việc linh hoạt về thời gian. Cuối ngày hôm đó, cô Nguyễn sẽ phân tích một vở kịch của Anh dài 2.500 từ cho một sinh viên chuyên ngành văn chương Anh tại một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Cái khó của cô là phải làm bài với năm “phiên bản” khác nhau cho năm khách hàng trong cùng một lớp. Giúp các sinh viên kém đạt được điểm cao hiện là nguồn thu nhập chính của cô Nguyễn. Cô nhận đơn đặt hàng qua email từ nhiều đại lý khác nhau mà cô chưa từng gặp mặt.

Cô Nguyễn tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2013. Sáu năm sau, khi mang thai đứa con thứ hai và cần thêm thu nhập, cô nhớ tới một người bạn cùng lớp đại học đã quảng cáo cho nghề “gia sư dạy viết”. Dù cô hình dung mình chỉ giúp đỡ các sinh viên đang khó khăn bằng việc chỉnh sửa bài làm của họ, hoặc chỉ làm gia sư trực tuyến, cô biết rằng bạn học cũ của cô là người trung gian giữa các đại lý nhận đơn đặt hàng của sinh viên và người viết thuê.

Nguyễn hiện làm việc cho vài đại lý khác nhau. Có ngày cô viết đến 5.000 từ tiếng Anh. Mặc dù không tiết lộ thu nhập từ nghề viết thuê, Nguyễn khẳng định việc “gian lận theo hợp đồng” (contract cheaters) thì ít căng thẳng hơn và được trả lương cao hơn so với công việc hành chính từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều mà cô làm trước đây.

Trên các mạng chuyên nghiệp hoặc các nhóm Facebook, các đại lý tìm kiếm những kẻ gian lận theo hợp đồng dưới chiêu bài hỗ trợ làm bài (assignment support) với lời hứa về làm việc hoàn toàn từ xa, tiền lương tiền thưởng cao và có cơ hội trau dồi kỹ năng tiếng Anh. Có lần cô Nguyễn đóng giả làm một khách hàng tiềm năng để hỏi cái giá thực của một bài báo. Cô kết luận: “Mặc dù các đại lý lấy 30% phí, hoặc đôi khi hơn thế nữa, nhưng số tiền là quá cao khiến tôi không thể bỏ qua”.

Phần lớn khách hàng là những người ghi danh theo học chương trình tiên tiến, được gọi là “nâng cao” ở Việt Nam với mức học phí cao hơn nhiều so với các trường đại học nhà nước, học theo giáo trình nước ngoài, có giáo viên nước ngoài và chủ yếu dạy bằng tiếng Anh. Các khách hàng khác bao gồm sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Úc và học sinh Việt Nam tại các trường trung học Bắc Mỹ.

Du học Mỹ trước hết

Hưng khởi nghiệp với nghề viết thuê trong thời gian du học ở Mỹ và sau đó về Việt Nam, thành lập công ty viết thuê của riêng mình trên nền tảng Facebook cách đây 10 năm. Trung bình mỗi tháng anh nhận được 100 đơn đặt hàng. Đôi khi anh hợp tác với các đại lý khác để không mất bất kỳ khách hàng nào. Theo anh, hầu hết các đơn đặt hàng đều đến từ những khách hàng quen thuộc. Một số yêu cầu làm bài tập cho cả học kỳ cho một hoặc nhiều môn học.

“Sau lần đặt hàng đầu tiên, các khách hàng đó thường quay lại nhiều lần cho đến khi họ tốt nghiệp”, Hưng nói. Anh đang tự mình làm luận án cao học quản trị kinh doanh (MBA) do một sinh viên Việt Nam tại Đài Loan đặt hàng; anh làm mọi việc từ đề xuất nghiên cứu đến bản văn cuối cùng. Đây là nhiệm vụ cuối cùng của anh cho một khách hàng đã thuê dịch vụ của anh suốt bốn năm qua. Hưng cho biết khách hàng thậm chí còn giao tài khoản email cho anh để anh có thể trao đổi trực tiếp với người hướng dẫn của cậu ta.

“Tôi sắp đưa bản tiếng Anh trang web của mình lên Facebook”, Hưng nói thêm và cho biết cơ sở khách hàng của anh đã được mở rộng qua phương thức truyền miệng. Anh đã nhận được bốn đơn đặt hàng từ các sinh viên Trung Quốc.

Với vai trò là đại lý, Hưng đặt giá tùy thuộc vào mức quen thuộc của khách hàng, quốc tịch của họ, mức độ khẩn cấp và khó khăn của công việc, và tùy vào việc có sẵn hay không những người viết thuê có năng lực hoàn thành công việc một cách tỉ mỉ và đúng hạn. “Một bài tập về chính trị quốc tế chắc chắn tốn nhiều tiền hơn một bài luận về tiếp thị”, Hưng nói. Hầu hết những người viết và cộng tác viên của anh đều có kiến ​​thức về tài chính và kinh doanh, những chuyên ngành rất được sinh viên Việt Nam ưa chuộng.

Hưng chỉ giao nhiệm vụ cho cộng tác viên khi các thành viên nòng cốt không đáp ứng kịp nhu cầu. Anh có biện pháp khen thưởng những cây bút viết thuê giành được điểm cao cho khách hàng và hoàn thành nhiều bài tập. Những người viết mà khách hàng không thành công sẽ nhận được ít đơn đặt hàng hơn hoặc được trả ít tiền hơn.

Đại lý giao việc cho cô Nguyễn nói thực với cô rằng cô phải cạnh tranh với những người viết thuê khác đang làm việc cho công ty của ông ta. Họ chuyển đơn đặt hàng của khách cho tất cả các cây bút; người đầu tiên trả lời và xác nhận có khả năng thực hiện sẽ được chọn.

Người viết thuê hiếm có thời gian nghỉ ngơi. Họ phải duy trì kết nối thường xuyên để nhận đơn đặt hàng mới và sẵn sàng sửa bài tập cho khách hàng cũ, theo ý kiến phản hồi của giáo viên của khách hàng hoặc yêu cầu của chính khách hàng. Đơn đặt hàng được coi là chưa hoàn thành cho đến khi khách hàng nhận được điểm số.

“Các đại lý không bao giờ đứng về phía người viết. Họ sợ bị giáp mặt khách hàng trên mạng trực tuyến và mất lượng khách hàng của mình”, cô Nguyễn nói.

Đôi khi khách hàng giả vờ thất bại để đòi lại tiền. Cô Nguyễn kể, có lần cô ấy viết một bài tập về phát triển giáo dục ban đầu cho trẻ. Công việc đòi hỏi cô phải đọc và nghiên cứu rất nhiều. Khách hàng của cô từ chối bài làm, nói rằng nó không đạt yêu cầu và đòi lấy lại tiền. Đại lý của Nguyễn đã nhanh chóng hoàn tiền đầy đủ. Vài tháng sau, một khách hàng khác từ cùng trường đại học đã yêu cầu một công việc giống như vậy. Cô Nguyễn đưa cho họ cái bài làm đã bị từ chối. Ngay sau đó, sự việc hóa ra là người khách hàng cũ, người đã được hoàn lại tiền, trên thực tế đã nộp cái bài làm do cô Nguyễn viết. Sau đó, khi đại diện của cô Nguyễn tiếp cận với người khách hàng gian xảo, anh phát hiện ra rằng tài khoản email của người đó đã bị xóa.

Việc sinh viên nước ngoài dựa vào người viết thuê được cho là tràn lan ở các trường đại học Úc. Kathryn Powley, người quản lý quan hệ truyền thông tại Đại học La Trobe ở Melbourne cho biết tất cả sinh viên mới nhập học – bao gồm cả sinh viên quốc tế – đều phải hoàn thành khóa đào tạo về tính liêm chính trong học tập và thường xuyên được nhắc nhở về những rủi ro liên quan đến gian lận dưới mọi hình thức. “Bài làm thuê theo hợp đồng có thể được xác định bằng cách đánh giá sự khác biệt về phong cách hoặc năng lực [của sinh viên], hoặc bằng cách phát hiện các bài làm, luận văn được sử dụng lại”, cô Kathryn nói.

Cô Nguyễn thừa nhận đã được hưởng lợi về mặt trí tuệ từ công việc viết thuê có lợi nhuận cao và rủi ro thấp của mình. “Công việc đó cho tôi nhiều cái nhìn sâu sắc vào các hệ thống giáo dục khác biệt rất nhiều so với Việt Nam. Khi còn học đại học, tôi chưa bao giờ được dạy cách tạo danh sách tài liệu tham khảo hoặc cách trích dẫn một bài báo. Tôi chỉ cắt-dán các tài liệu hoặc diễn đạt lại mà không biết rằng mình đang thực sự phạm tội đạo văn. Bây giờ, viết thuê cho khách hàng, tôi phải đảm bảo rằng ‘chỉ số giống nhau’ không được quá 15%”, cô Nguyễn nói.

Nguyễn thích các bài tập đa phương tiện hơn. Các bản trình bày bằng video hoặc trình chiếu Powerpoint không bị kiểm tra tự động xem có đạo văn hay không, vốn là cách kiểm tra chuẩn mực ở các trường đại học Úc, nơi hầu hết khách hàng của cô đang theo học. Cô tuyên bố cô không có bất kỳ sự e ngại nào về mặt đạo đức đối với công việc viết thuê bài làm cho sinh viên. Cô nói cô sẽ tiếp tục làm việc đó cho đến khi tìm được một công việc toàn thời gian được trả lương cao hơn. Suy cho cùng, điều đó không có gì mới; cô đã thấy gian lận trong học tập ngay từ khi cô bước chân vào trường đại học.

Các trường trung học và đại học của Việt Nam tràn ngập nạn đạo văn dưới mọi hình thức. Câu nói “học thật, bằng giả” chỉ những người vượt qua gánh nặng điểm kém bằng cách xuất trình bằng cấp giả mạo khi đi xin việc, trong khi “học giả, bằng thật” ám chỉ văn bằng thật nhưng có được bằng cách ghi danh theo học nhưng thường xuyên trả tiền để các tay viết thuê làm bài tập, viết luận văn thay cho mình.

Đạo văn đầy rẫy trong giới quan chức

Báo chí Việt Nam thường đưa tin về tình trạng các quan chức cấp cao và học giả đạo văn và bị phanh phui. Năm 2018, hàng trăm sinh viên tố cáo ông Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn đạo văn. Họ nói ông ta đã xuất bản một cuốn sách bao gồm các bài làm của sinh viên như là tác phẩm riêng của ông và còn buộc tội chính những sinh viên đó khi họ trích dẫn sách ấy mà không ghi công xứng đáng cho ông. Dù vậy, Tồn vẫn được phong hàm giáo sư thực thụ, không phải vì tài năng nghiên cứu mà vì “nhân đạo và lòng vị tha”. Mặc dù các đồng sự của ông đã gửi một lá thư ngỏ lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ nhưng Tồn chỉ bị phạt chấm dứt hợp đồng với Viện.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia sẽ quyết định một số ít may mắn nào sẽ trúng tuyển vào các trường đại học công lập. Đó là một quy trình được bảo vệ chặt chẽ, nhưng trong năm 2018, khoảng 347 bài thi ở ba tỉnh biên giới phía Bắc đã bị phát hiện là giả mạo, gây ra một vụ náo động lớn. Mười một quan chức Bộ Giáo dục đã bị bắt.

Cũng trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã bị Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng của Đại học Toulouse (Pháp) tố cáo đạo văn và trích dẫn giả mạo. Tiến sĩ Dũng đã gửi một bản báo cáo dài 10 trang lên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam. Báo cáo lan truyền trên mạng, dẫn đến những lời kêu gọi Bộ trưởng Nhạ từ chức.

Cuối năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc Bùi Văn Cường bị một giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng tố cáo đạo văn trong luận án tiến sĩ của ông ta. Sau đó, thay vì chuyển vấn đề đến một nhóm chuyên gia độc lập xem xét, một bộ phận của Trung ương Đảng đã bác bỏ lời cáo buộc là hoàn toàn vô căn cứ. Bùi Văn Cường sau đó được thăng chức. Trong khi đó, người tố cáo Cường được cho là đã gửi khoảng 200 lá thư tố cáo ông ta đến các cơ quan thông tấn và báo chí. Đầu tháng này, anh ta bị bắt vì tội phỉ báng.

Nói chung, công chúng Việt Nam nghe những chuyện này và chỉ nhún vai. Trong lĩnh vực giáo dục cũng như các lĩnh vực khác, những vụ lùm xùm như vậy là những chuyện thường ngày quá quen thuộc.

Nguồn bản dịch: viet-studies.net

This entry was posted in Gian lận thi cử. Bookmark the permalink.