Mai Bá Kiếm
Hôm rày tôi mong các đại biểu QH phân tích hành vi người “mẹ kế” hành hạ bé gái 8 tuổi, con của chồng đến chết để điều chỉnh luật pháp, ngăn ngừa tội ác với trẻ con tái diễn, nhưng không thấy!
LUẬT CỦA MỸ ĐỊNH LƯỢNG:
Hên, có bạn Thai Vu ở Mỹ viết: “Khi mới sang Mỹ, con tôi học ở trường St. Andrew. Nó đi câu cua với tôi và đạp phải mảnh vỏ sò, đứt chân nhẹ thôi, đến trường thì cô giáo biết và báo cho phòng y tế lưu tâm. Vài hôm sau, nó nghịch nồi cơm điện, bị bỏng một chút ở cổ tay. Thế là thanh tra học đường gửi giấy mời tôi lên, có cả cảnh sát để thẩm vấn xem có bạo hành gia đình gì không. Trước đó, con tôi đã kể là các thầy cô hỏi nó nhiều câu hỏi dò tìm.
Sau này, làm việc cho các học khu, tôi đã gặp không biết bao nhiêu trường hợp bố mẹ phải đến trường giải trình các dấu hiệu lạ trên cơ thể của con, một vết bầm, vết xước, một cục u… ấp a ấp úng là Ban Bảo Vệ Trẻ em (CPS – Child Protection Services) sẽ ra lệnh cách ly ngay để điều tra.
Có thời gian tôi sống ở thành phố M. bên cạnh là 1 nhà có 2 mẹ con, thằng con tính khí không bình thường, có lần hành hung mẹ. Cảnh sát đến giải quyết, sau đó 1 viên thanh tra tới gõ cửa tôi và dặn: “Ông có nghĩa vụ phải báo cho thành phố nếu có bạo hành gia đình bên hàng xóm, ông có hiểu điều đó không?”.
Biết tin mẹ ruột bé gái 8 tuổi bị cha bé cấm tới thăm con từ khi sống chung với “kế mẫu”, Thai Vu viết về quyền thăm con sau ly hôn: “Custody” (quyền giám hộ) là vấn đề nổi bật trong án ly dị. Ngay cả trong default divorce (ly dị không tranh chấp), quyền nuôi con đã được 2 bên thỏa thuận trong MSA (marital settle agreement – thỏa thuận sau ly hôn) thì quyết định grant cái custody đó cho chồng, vợ hay 1 bên thứ 3 là do tòa quyết định.
Song song với đó là sự giám sát của 2 người thế lực. Một là 1 ủy nhiệm của tiểu bang, giám sát và bảo đảm lợi ích tốt nhất (the best interests) cho đứa bé. Người kia là GAL (Guardian Ad Litem – Giám hộ hợp pháp). Hai tay này có thể can thiệp làm thay đổi quyết định của quan tòa.
Custody không chỉ nuôi nấng, dạy dỗ mà quan trọng là quyết định các việc quan trọng như học hành, y tế, theo tôn giáo nào.
Trong custody sẽ có quy định (stipulation) về visitation (thời khóa biểu thăm con), placement (con chủ yếu sống nhà nào), moving (di chuyển, một bên không được đi nơi khác quá 30 dặm chẳng hạn, hoặc đi đâu quá 1 tháng thì phải báo trước cho bên kia 2 tuần) v.v…
LUẬT CỦA TA ĐỊNH TÍNH!
Mãi đến ngày 21/11/2007, Quốc hội – do ông Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch, mới thông qua Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đầu tiên. Đến nay, ông làm TBT nhiệm kỳ 3, Luật này chưa được sửa đổi, dù nó lạc hậu đủ điều!
Điều 20 giao cho Chủ tịch xã ra quyết định áp dụng biện pháp cấm (người BLGĐ) tiếp xúc (nạn nhân) thời hạn không quá 3 ngày. Điều 21 giao Tòa án (đang thụ lý vụ án hay vụ kiện về BLGĐ) ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc không quá 4 tháng.
Nhưng điều 20 và 21 đặt điều kiện rườm rà: “Có đơn yêu cầu của nạn nhân hoặc người giám hộ, có hai nơi ở riêng cho người BLGĐ và nạn nhân!
Điều 2 phân loại 9 hành vi BLGĐ, trong đó nặng nhất là “Hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe doạ tính mạng của nạn nhân BLGĐ” là rất định tính! Mức nào là gây tổn hại hay đe dọa gây tổn hại?
Nếu Luật Mỹ giao quyền cấm tiếp xúc, điều tra tội BLGĐ căn cứ trên vết thương, vết sẹo của bé, thì Luật Ta giao quyền cho “cả hệ thống chính trị”. Chương IV có từng điều giao trách nhiệm cho: cá nhân; gia đình; MTTQVN; Hội LHPHVN; 5 cơ quan QLNN về PCBLGĐ; Bộ VHTTDL, Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH; Bộ GDĐT; Bộ TTTT; Cơ quan Công an, VKS, Tòa án!
Như bài trước tôi viết: Năm 2007, GV trường Tiểu học Vĩnh Thành, phát hiện trên tay và mặt học sinh N.H.N.T (7 tuổi) có nhiều vết bỏng sâu nên báo chính quyền. Vì, Luật có giao trách nhiệm cho Bộ GDĐT, nhưng không giao cụ thể cho thanh tra học đường và công an khu vực lấy lời khai phụ huynh và không có Ban bảo vệ trẻ em ra lệnh cách ly như Mỹ! Mọi việc cách ly 3 ngày phải cậy Chủ tịch xã Vĩnh Hòa Phú theo Luật định!
Nhưng Chủ tịch xã căn cứ lời của cha và mẹ kế bé T khai cháu phỏng do mỡ nên không cách ly. Mấy chục nhà báo về Kiên Giang viết cả trăm bài điều tra chứng minh cha ruột (Nguyễn Văn Hòa) và mẹ kế (Trần Thị Kiều Tiên) đã dùng thanh sắt nung đỏ dí vào mặt và tay!
Chủ tịch huyện Châu Thành chỉ đạo cách ly, nhưng chủ tịch xã Vĩnh Hòa Phú không thèm nghe! Rõ ràng, Quốc hội đã không giám sát việc thi hành Luật PCBLGĐ để sửa đổi, bổ sung kịp thời, gây ra nhiều cái chết oan ức cho trẻ em!
Trong Bộ Luật Hình sự, điều 185 BLHS quy định rất định tính: “1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc 1 trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
Tại sao phải “thường xuyên”? Nếu lâu lâu làm cho nạn nhân đau đớn một lần thì không khởi tố hình sự! Chính vì vậy, yếu tố “thường xuyên” dẫn đến 2 hậu quả: Trẻ con bị bạo hành thường xuyên, nhưng Luật HNGĐ không quy định thời khóa biểu thăm con như Luật Mỹ, nên mẹ ruột bé 8 tuổi ở Bình Thạnh bị cha bé cấm đến thăm bé từ năm 2000. Bé không thể viết đơn yêu cầu cách ly và mẹ bé cũng không biết để viết đơn!
Hệ quả với người già: Thí dụ, bà mẹ đang ăn cơm, gắp miếng thịt, bị thằng con trời đánh bảo: “bà không làm ra tiền, ăn bám, chỉ được ăn rau, với nước mắm”. Hành vi của thằng con chỉ xảy ra 1 lần, không phạm tội hình sự, nhưng chắc chắn làm cho mẹ đau đớn tinh thần đến chết!
Luật gì hễ định lượng là phải “thường xuyên”? Ông Vương Đình Huệ bớt nhìn vào túi người dân, mà hãy nhìn kỹ vào khe hở của các đạo luật!
M.B.K.
Nguồn: Fb Mai Bá Kiếm