Nguyễn Đình Cống
1- Giới thiệu
Những người tôn sùng Mác được gọi là Macxit. Họ đánh giá rất cao học thuyết của ông, tôn ông là lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và các đảng Cộng sản, người lỗi lạc nhất trong những người lỗi lạc, người trọn đời đấu tranh chống áp bức bóc lột, vì hạnh phúc của giai cấp vô sản và nhân loại.
Số người Macxit tuy đông, nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ của thế giới. Số đông hơn nhiều đánh giá Mác là kẻ hồ đồ, xảo trá, là tội phạm lớn của nhân loại, đánh già học thuyết của Mác là phản khoa học.
Mác là người giỏi ngụy biện, đã dùng hình ảnh vô cùng tốt đẹp của một xã hội tương lai do ông tưởng tượng ra để đánh lừa nhiều triệu người. Họ phần lớn là ít học hoặc dễ tin nên bị mắc lừa, bị nhồi sọ từ lúc còn bé, trở thành cuồng tín. Một số người trong các Đảng CS cầm quyền, tuy biết những cái sai của Mác, nhưng vẫn cố bám víu vào ông, nhằm bảo vệ quyền và lợi đã chiếm được nhờ những thủ đoạn.
Một số biết suy nghĩ, ban đầu bị nhầm mà tôn sùng Mác, nhưng rồi tỉnh ngộ ra và chống lại khi phát hiện thấy rằng thế giới đại đồng chỉ là bánh vẽ, rằng đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản là những sự phá hoại, rằng xóa bỏ tư hữu về sản xuất là sai lầm. Cứ đem áp dụng học thuyết của Mác vào thực tế thì chủ yếu gặp thất bại. Đại diện cho những nhà trí thức lớn trước theo, sau bỏ Mác có Bertrand Russell (1872-1970 người Anh), ở VN có GS Trần Đức Thảo (1917-1993).
Theo sách của Phan Ngọc Khuê thì lúc trẻ ông Thảo say mê Mác, nhưng dần dần ông phát hiện nhiều sai lầm của Mác. Trần Đức Thảo đang viết một quyển sách vạch ra những sai lầm đó thì bị đột tử. Trong sách của ông Khuê có chương 14, nhan đề “Nêu đích danh thủ phạm”, ông Thảo cho rằng chính Mác là thủ phạm, đã lừa dối nhân loại.
Người chống lại học thuyết của Mác có hiệu quả là Bernstein (1850-1932-người Đức). Ông là người chủ trương xây dựng chế độ Xã hội dân chủ bằng con đường đấu tranh nghị trường, phản đối cách mạng vô sản. Mô hình này đã thành công ở các nước Bắc Âu.
Số người theo Mác là rất ít so với số người phản đối Mác nhưng số bài viết ca ngợi Mác lại khá nhiều. Vì sao vậy? Vì rằng tuy ít nhưng họ có tổ chức, đó là các đảng cộng sản, đặc biệt là các ĐCS cầm quyền, họ có những cơ quan tuyên truyền hùng hậu, họ ra sức truyền bá và đề cao Mác để lôi kéo quần chúng.
Những ĐCS cầm quyền tuyên truyền rằng họ kiên trì theo Mác, nhưng thực ra không hoàn toàn đúng như vậy. Họ chỉ giữ sự độc tài toàn trị về chính quyền để áp đặt nền thống trị, còn về kinh tế thì họ đã làm ngược với quan điểm của Mác trong nhiều vấn đề. Làm ngược nghĩa là phản lại, nhưng họ ngụy biện là vận dụng sáng tạo và phát triển ý tưởng của Mác. Đây là lập luận dối trá vô cùng lộ liễu. Những kẻ nghe theo là bọn cuồng tín, đã bị nhồi sọ đến nỗi không còn biết suy nghĩ.
Tại sao Mác có thể dùng ngụy biện để đánh lừa và có một số người bị mắc lừa như vậy. Vấn đề này xin để lại sau. Dưới đây tôi chỉ phân tích một số sai lầm và ngụy biện trong học thuyết của Mác.
Ghi chú: Về Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và Đấu tranh giai cấp đã có bài riêng.
2- Sai về triết học
Mác cho rằng vật chất có trước và toàn bộ vũ trụ là vật chất. Ý thức có sau và là sản phẩm bậc cao do hoạt động vật chất của bộ não con người. Duy tâm cho rằng ý thức có trước. Cuộc đấu giữa duy vật và duy tâm chưa phân thắng bại.
Mác đã kết hợp duy vật và phép biện chứng. Điều này đã hấp dẫn một số người thích lối suy luận dựa vào logic, họ cho rằng duy vật của Mác đã thắng một cách áp đảo triết học duy tâm. Thực ra Vật chất và Ý thức là hai phạm trù tồn tại song song, chúng có quan hệ qua lại và không thể nói cái nào có trước. Duy vật và duy tâm đều cực đoan. Hiểu sai, nghiêng về duy tâm tuy có lệch lạc về nhận thức nhưng không gây nên những tai họa lớn cho xã hội. Hiểu sai nghiêng về duy vật tạo ra nhiều tai họa hơn.
Những người tôn sùng duy vật thường coi trọng các nhu cầu vật chất của con người. Trong đấu tranh giai cấp và cách mạng vô sản Mác cũng nhằm vào mục đích chính là đem lại quyền lợi vật chất cho vô sản. Trong ảo tưởng về một xã hội cộng sản Mác đưa ra những hưởng thụ về vật chất để làm mồi nhử.
Tâm linh là một trong hai phần cơ bản tạo nên Vũ trụ và Con người, là đối tượng của Tôn giáo. Nó là phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhiều người. Tôn giáo duy trì, cổ vũ đức tin và đời sống đạo đức. Thế mà Mác bài bác tâm linh, chống tôn giáo. Duy vật làm gia tăng máu lạnh trong con người, xô đẩy người ta vào cuộc tranh giành quyền bính và lợi ích vật chất. Nền đạo đức của xã hội Việt Nam gần đây bị xuống cấp trầm trọng, phần lớn là do nguyên nhân này.
3- Sai ở phương pháp nghiên cứu
Mang danh làm khoa học, nhưng Mác đã sai phạm trong phương pháp. Những sai phạm này khá tinh vi, không dễ thấy mà có thể Mác cũng không biết vì không phải do chủ tâm.
Trước tiên là việc rút ra các kết luận có tính quy luật. Đành rằng các quy luật về xã hội không yêu cầu chặt chẽ như quy luật tự nhiên, nhưng không thể chỉ căn cứ vào vài suy luận sơ sài rồi rút ra kết luận chắc nịch. Mác cho rằng xã hội loài người tất yếu xảy ra 5 phương thức sản xuất và sau phương thức tư bản sẽ là phương thức cộng sản mà quá độ là xã hội chủ nghĩa, rằng phải có sự thống nhất giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, rằng đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội có giai cấp, rằng giai cấp vô sản sẽ làm chủ xã hội tương lai, rằng nguyên nhân nghèo khổ của vô sản là vì họ không có tư liệu sản xuất. Những kết luận đó đều chỉ mới dựa vào một vài hiện tượng đơn lẻ rồi suy diễn ra. Thế mà chúng được tô vẽ, được ngụy biện để đến nỗi rất nhiều người tin là chân lý. Xin hãy tạm đừng tuyệt đối tin vào Mác, đừng nhắc lại như vẹt mà hãy lật lại, làm phản biện xem sao.
Trước hết tạm phân tích về các phương thức sản xuất. Mác đưa ra 5: nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản, cộng sản và cho rằng đó là tất yếu. Về phương thức sản xuất nguyên thủy, Mác cho rằng đó là việc hái lượm, săn bắt và trồng trọt ở thời kỳ đầu. Trồng trọt được xem là sản xuất, nhưng nó xuất hiện sau, ghép nó vào thời nguyên thủy là khiên cưỡng. Còn hái lượm và săn bắt thì sản xuất ở chỗ nào? Về phương thức nô lệ. Nếu nó thuộc quy luật chung thì ở Việt Nam và Trung Quốc là thuộc thời kỳ lịch sử nào. Người ta tìm không thấy nên bịa thêm phương thức sản xuất châu Á. Sự bịa này gây tranh cãi. Trong lịch sử, nô lệ là một hình thái xã hội thể hiện quan hệ giữa những con người chứ không phải là một chế độ chính trị, càng không phải là phương thức sản xuất phổ biến.
Năm phương thức có phải là quy luật? Không, hoàn toàn không phải. Quy luật là sự thật khách quan, trước khi được phát hiện ra thì nó ở dạng ẩn giấu, nhưng vẫn là sự thật tồn tại. Sau khi được phát hiện nó phải được kiểm chứng chặt chẽ. Có thể dùng quy luật để rút ra những kết luận theo cách nội suy. Theo đúng phương pháp khoa học không thể dùng phép ngoại suy để rút ra quy luật. Sau phương thức phong kiến là phương thức tư bản, đó là sự thật. Sau tư bản là gì thì chưa có, chưa xảy ra, chưa biết. Chỉ có thể đoán. Cho rằng sau tư bản là cộng sản, đó chỉ là một phỏng đoán, một sự ngoại suy. Thế mà người ta khẳng định rằng đó là quy luật do Mác phát hiện ra. Nghĩ như thế, nói như thế là quá láo khoét.
Mác đưa ra kết luận rằng “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”. Câu này là mở đầu của Tuyên ngôn các đảng Cộng sản, công bố năm 1848. Đó là một kết luận quá vội vàng, chỉ mới dựa trên một vài hiện tượng riêng lẻ. Tôn Trung Sơn đã kịch liệt phản bác luận điểm này (1).
Đúng là trong lịch sử có xảy ra những cuộc đấu tranh của nô lệ chống lại chủ nô, của nông dân chống tập đoàn phong kiến, đặc biệt trong thời đại của Mác là các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân. Không thể nào xem các cuộc đấu tranh như thế là động lực phát triển lịch sử. Công xã Paris (1889…) Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930) là những cuộc đấu tranh chống cường quyền và áp bức chứ không hẳn là đấu tranh giai cấp và sự thất bại của các cuộc đấu tranh đó chẳng tạo nên động lực phát triển.
“Tư duy trừu tượng, là giai đoạn tiếp theo, cao hơn về chất của quá trình nhận thức, diễn ra dưới 3 hình thức: Khái niệm, phán đoán, suy lý”. Mác đã phạm một số sai lầm trong quá trình này.
Về khái niệm. Mác đưa ra một số khái niệm mới (so với trước đó) như giai cấp, đấu tranh giai cấp, cách mạng vô sản, phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, giá trị thặng dư v.v… Những khái niệm này đã được phổ biến, một số người theo Mác đã công nhận và dùng quen. Tuy vậy không phải mọi khái niệm đó đều phản ánh đúng thực tế.
Phán đoán là mệnh đề liến kết giữa các khái niệm. Phán đoán do người nghiên cứu đưa ra, mỗi phán đoán có thể đúng hoặc sai. Mác đã đưa ra một số phán đoán như là: + Công nhân đại diện cho nền sản xuất tiên tiến; +Cách mạng vô sản là tất yếu; + Vô sản là giai cấp cách mạng nhất; +Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội v.v… Phần lớn các phán đoán của Mác chỉ là những phán đoán bộ phận nhưng đã được đưa thành khẳng định.
Suy lý (hay suy luận) dựa vào logic, từ luận cứ, dùng luận chứng để rút ra luận đề, (là kết luận). Một kết luận chỉ được công nhận khi các luận cứ phải đúng và đầy đủ, luận chứng phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc của lôgic. Phân tích một số suy luận của Mác tôi thấy rằng ông đã dùng luận chứng đúng, chặt chẽ, vì thế mà hấp dẫn được nhiều người. Nhưng phần lớn suy luận là ngụy biện vì dựa vào một số luận cứ chưa đủ tin cậy.
Luận cứ có hai loại: thực tế và lý thuyết. Khi đọc hoặc học Mác, nếu với lòng tin tuyệt đối vào ông, xem ông là thánh thì sẽ thấy các luận cứ ông đưa ra là đúng và đủ. Đó là do cuồng tín. Nhưng chỉ cần có một chút tư duy phản biện thì không khó để phát hiện ra những thiếu sót trong luận cứ. Tôi sẽ lần lượt trình bày một số phát hiện trong các mục sau.
Ghi chú: (1)- Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn – Sách lưu hành nội bộ trong ĐCSVN
4- Sai ở nhận định về con người
Mác cho rằng “Bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Đó là một phán đoán chỉ phản ảnh một phần nhỏ mà đã bỏ qua phần lớn thuộc tính bản chất. Vì vậy có thể nói rằng Mác đã sai. Cái sai này đã dẫn ông đi lạc đường trong nhiều vấn đề.
Hoạt động của con người, ngoài một số ít theo bản năng thì đều xuất phát từ nhận thức. Theo phép biện chứng của Mác thì nhận thức là do: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn. Trực quan sinh động diễn ra dưới 3 hình thức: cảm giác, tri giác, biểu tượng. Tư duy trừu tượng là giai đoạn tiếp theo, cao hơn về chất của quá trình nhận thức, diễn ra dưới 3 hình thức: Khái niệm, phán đoán, suy lý”.
Những nghiên cứu sâu hơn về con người chỉ ra rằng quan niệm về nhận thức như trên của Mác chỉ đúng một phần nhỏ. Thực ra nhận thức (hoặc Tâm thức) gồm từ hai nguồn là tiềm thức và ý thức. Tiềm thức là những thông tin được chứa trong Tàng thức, trong các tầng hào quang của con người mà khoa học thực nghiệm hiện nay chưa biết rõ (2). Tiềm thức được hình thành từ trong bào thai do di truyền, do tiếp thu tinh hoa sông núi. Ý thức thuộc hoạt động của não mà phần lớn được hình thành từ lúc còn rất bé, một phần nữa do các quan hệ xã hội tạo nên. Mác thấy khá rõ phần quan hệ này, quan trọng hóa nó lên, rồi vội cho rằng đó là bản chất. Nhầm lẫn này là vô cùng tai hại.
Mác quy kết sai về bản chất con người như vậy có thể do bị ảnh hưởng bởi thuyết tiến hóa Đac Uyn. Thuyết này đề cao ảnh hưởng của môi trường và hiện nay đang bị đánh đổ dần dần.
Từ chỗ đề cao các mối quan hệ xã hội do vị trí của con người trong nền sản xuất và sự thụ hưởng quyền lợi vật chất mà Mác phân chia loài người thành các giai cấp mà coi nhẹ yếu tố quốc gia và dân tộc. Trong các giai cấp thì Mác tỏ ra yêu thương giai cấp vô sản vì thấy họ bị bóc lột, bị áp bức, chịu nhiều sự bất công. Đó là lòng tốt. Nhưng rồi lòng tốt này đã làm Mác mờ mắt và loạn trí, đã nhìn thấy ở giai cấp vô sản những đức tính tốt đẹp để có thể làm chủ thế giới trong lúc họ không có đủ phẩm chất để làm công việc đầy khó khăn đó. Cuối Bản Tuyên ngôn Cộng sản Mác đã kêu gọi “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Để làm gì?. Phải chăng để: Quyết phen này sống chết mà thôi, để mau phá sạch tan tành chế độ xưa, để giành lấy toàn bộ lợi quyền về tay mình (lời của Quốc tế ca).
Mác cũng có thấy một vài thói xấu của vô sản và vì không thể bỏ qua nên có nhắc đến ‘tầng lớp vô sản lưu manh’ và cảnh báo rằng khi nắm được chính quyền một số cá nhân nguyên là vô sản có thể sẽ thay đổi tính nết mà đi theo vết xe đổ. Mác không chịu nhận ra rằng khi đã nắm được quyền thì những người nguyên là vô sản sẽ nhanh chóng trở thành thế lực thống trị tàn độc (những người xuất thân từ trí thức tinh hoa không tàn độc như thế)
Bản chất của con người được tạo nên từ giống và điều kiện môi trường. Giống hoặc hạt giống có từ trong bào thai, chứa trong Tiềm thức. Nó sẽ nảy nở, phát triển hay bị tàn lụi như thế nào là do môi trường. Như vậy môi trường là rất quan trọng, nhưng chính hạt giống mới là nhân tố quyết định. Trong môi trường có các quan hệ xã hội. Vì đầu óc bị vật chất ám ảnh mà Mác không thấy hoặc cố tình bỏ qua vai trò hạt giống, còn trong môi trường thì Mác thấy rất rõ quan hệ xã hội, không thấy được những thứ khác như sự giáo dục gia đình từ lúc trẻ còn rất bé và sự tu dưỡng của bản thân.
Với số đông người, hạt giống về tư hữu là mạnh nhất, nó chi phối nhiều hoạt động. Người vô sản, trong hoàn cảnh phải bán sức lao động để sinh sống thì hạt giống ấy bị kìm hãm, chưa phát triển được. Nhưng khi đã nắm được quyền lực thì hầu như toàn bộ mọi người sẽ để cho hạt giống tư hữu phát triển chứ không phải chỉ vài trường hợp riêng. Nếu có đặc biệt thì đó là một số rất ít người có sẵn hạt giống tốt về đạo đức nhân bản mà sức mạnh của nó có thể chiến thắng hạt giống tư hữu vốn có nhưng yếu.
Một nhận định khá sai lầm của Mác, cho rằng giai cấp công nhân đại diện cho nền sản xuất công nghiệp tiên tiến và từ đó gán cho họ những đức tính do Mác suy luận ra. Điều này đã được nhiều học giả vạch ra (3), được thực tế chứng tỏ, tưởng không cần chứng minh thêm nữa.
Chú thích:
(2)- Xem sách Bàn tay ánh sáng (Hand of light), tác giả Barbara Ann Brennan. Lê Trọng Bổng dịch. NXB Văn hóa thông tin – 1996.
(3)- Xem sách Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, tác giả Tân Tử Lăng. NXB Thư Tác Phương – Hồng Công – 2007.
5- Xã hội thiên đường cộng sản
Xã hội cộng sản do Mác vạch ra: “ Mọi tư liệu sản xuất là công hữu, của cải vật chất dồi dào, mọi người tự giác làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu …”. Đó chỉ mới là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường nhưng Mác đã vội khẳng định tính tất yếu của nó. Việc làm này ngược với phương pháp khoa học. Mác chỉ rõ con đường đi đến xã hội cộng sản phải trải qua thời kỳ quá độ là xây dựng chế độ Xã hội chủ nghĩa. Thế rồi các học trò của Lê Nin còn thêm vào một thời kỳ quá độ thứ hai là “Quá độ từ xã hội phong kiến lạc hậu lên thẳng CNXH”.
Thông thường thầy chỉ dạy cho học trò công việc mà mình đã từng làm, có kiến thức, có kinh nghiệm. Thế mà Mác dám dạy cho đệ tử việc mà ông chẳng biết đầu cua tai nheo ở đâu. Mác chỉ mới tưởng tượng ra một cái bóng rồi xúi giục người khác làm theo nó. Trong việc này có ba sai lầm rất lớn.
Một là mô hình xã hội Mác đưa ra hoàn toàn là hoang đường. Việc công hữu toàn bộ tư liệu sản xuất, xóa bỏ mọi tư hữu về nó là trái với bản chất con người. Sự tự giác của con người là có, nhưng quá tin vào sự tự giác của tất cả mọi người là ảo tưởng.
Hai là việc tạo lập nên xã hội tốt đẹp phải được giai cấp vô sản thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là đội tiên phong của họ. Thực ra ban đầu, khi thành lập các ĐCS đều tự cho mình là đội tiên phong của giai cấp vô sản, nhưng khi đã nắm được chính quyền thì họ đã trở thành một ‘giai cấp mới’. Và quan trọng là giai cấp vô sản chưa bao giờ và không thể là động lực chính cho một xã hội tiến bộ. Chế độ vô sản chuyên chính do các ĐCS lập nên trong quá trình xây dựng CNXH là độc tài toàn trị.
Ba là, chẳng biết rồi xã hội cộng sản sẽ tốt đẹp như thế nào, nhưng con đường để thiết lập vô sản chuyên chính và sự thống trị cúa nó là đầy đau thương và tàn bạo.
Nhiều người say mê Mác vì ông cổ vũ cho việc chống áp bức bóc lột, chống bất công, mong muốn nhân loại được sống trong no ấm, hạnh phúc. Đây là một sự say mê thiên lệch và mù quáng. Những điều vừa kể và một số điều tốt đẹp khác không phải do Mác đề xuất đầu tiên hoặc duy nhất. Trước, ngang và sau Mác có hàng ngàn hàng vạn những thủ lĩnh chính tri, dù đang cầm quyền hoặc tranh đấu để có quyền đều tuyên bố như thế. Mác chỉ nói theo và nói thì hay mà làm thì dở. Đó là chống áp bức này nhưng lại tạo ra áp bức khác trong đấu tranh nhằm tiêu diệt giai cấp bóc lột, đó là Mác hầu như không quan tâm đến nhân quyền mà chỉ quan tâm đến giai cấp vô sản. Cái riêng của Mác là xã hội làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu thì làm gì có.
6- Nghèo khổ và bị bóc lột
Quan sát xã hội nước Anh ở thế kỷ 19 Mác nhận ra sự nghèo khổ của tầng lớp người phải bán sức lao động để kiếm sống, họ bị bóc lột vì không có tư liệu sản xuất. Mác gọi họ là vô sản. Mác không thể, không muốn hay không dám thâm nhập sâu vào cuộc sống của vô sản để biết được bản chất, nguyên nhân sâu xa của sự nghèo khổ. Mác chỉ quan sát từ xa, quan sát lớt phớt, thấy được điều rõ ràng nhất, dễ thấy nhất là họ không có tư liệu sản xuất. Đó là cái nhìn phiến diện. Từ đâu sinh ra lớp người không có tư liệu sản xuất khi mà từ đầu loài người vốn không ai có của riêng.
Có ba nguyên nhân tạo ra những người vô sản. Một là nguồn gốc từ ông cha, hai là bị tai nạn, ba là tự phá sản.
Từ ông cha, đó là truyền đời, nhưng ông tổ đầu tiên tại sao lại trở thành vô sản trong khi những người khác trở thành hữu sản. Phải chăng họ bị khiếm khuyết gì đó về thể chất hoặc tinh thần, mà một số không ít là do lười nhác hoặc kém trí tuệ. Ông cha là vô sản nhưng con cháu không phải tất cả sẽ nối nghiệp vô sản mà chỉ những người kém năng lực mới trở thành vô sản, còn những người trẻ có năng lực đã sớm thoát khỏi và có người trở thành tư sản. Vậy nguồn gốc chỉ là một phần, nó còn kết hợp với sự yếu kém phẩm chất tinh thần.
Có những người hữu sản vì gặp phải tai nạn gì đó mà mất hết, trở thành vô sản. Số này ít thôi, nhưng không phải tất cả họ đều suốt đời chịu làm vô sản. Một số họ chỉ là vô sản tạm thời rồi họ sẽ tìm cách đổi đời.
Có một số người mà cha mẹ là hữu sản nhưng họ trở thành vô sản vì đã rượu chè, cờ bạc, ăn chơi, lười nhác mà phá nát cơ nghiệp tổ tiên, tự mình làm phá sản.
Mác trông cậy vào vô sản mà quên rằng đặc trưng nổi bật của phần đông vô sản là kém trí tuệ.
Vì đánh giá không đúng về bản chất của vô sản nên Mác đã tưởng tượng ra những bản chất tốt đẹp mà họ không có hoặc có rất ít, gán cho họ những khả năng quản lý và lãnh đạo. Vì điều này mà ở Việt Nam một thời đã đề lên rất cao thành phần bần cố nông, cho rằng những người nghèo khổ nhất là đáng tin tưởng nhất, giao cho họ những chức vụ lãnh đạo và họ đã phá nát nhiều thứ.
Mác chưa hề tham gia vào sản xuất, chưa làm kinh doanh bao giờ, chỉ biết một số kiến thức qua sách vở, báo chí và những quan sát từ xa. Từ đó Mác nghĩ ra thuyết giá trị thặng dư, chỉ ra việc tư bản bóc lột công nhân như thế nào rồi công bố, không hề kiểm nghiệm, không nghe phản biện. Thuyết giá trị thặng dư ấy đã được nhiều người tung hô, giảng dạy, tuyên truyền, nhưng chỉ trên giấy và trên cửa miệng, không thấy có ai vận dụng được gì vào thực tế. Vì sao vậy? Vì nó sai. Thực ra thì không sai hoàn toàn mà đã bỏ sót một vài yếu tố quan trọng. Điều này đã có nhiều chứng minh, để tránh dài dòng tôi không nhắc lại.
7- Quy luật thống nhất giữa lực lượng và quan hệ sản xuất
Theo Mác thì lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng, tạo thành quy luật, có nội dung: “Quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất”. Những người Marxit cho rằng đó là quy luật cơ bản nhất của sự vận động, phát triển xã hội. Họ giải thích rằng lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất và phát triển nhanh hơn. Đến một lúc quan hệ sản xuất trở nên lạc hậu so với lực lượng. Lúc này, để bảo đảm sự phù hợp thì phải làm cách mạng để đổi mới quan hệ sản xuất nhằm tái lập sự phù hợp.
Đây là một sự bịa đặt rất phản khoa học. Đã gọi là quy luật thì phải luôn luôn đúng, nếu có cái gì làm cho lệch lạc thì hệ thống tự động điều chỉnh. Ở đây con người phải can thiệp nhằm sửa đổi quan hệ sản xuất, uốn nắn cho nó phù hợp. Phải có sự can thiệp của con người thì còn gì là quy luật. Mà lại can thiệp bằng cách mạng vô sản.
Cho rằng quan hệ và lực lương phải phù hợp nhưng khái niệm phù hợp ở đây rất tù mù. Quan hệ và lực lượng là hai đối tượng khác nhau hoàn toàn về bản chất, thành phần và cấu tạo. Vậy sự phù hợp này được quyết định bới cái gì, đánh giá như thế nào. Tôi chưa nghe ai nói, chưa thấy tài liệu nào giải thích rõ về sự phù hợp này.
Cho rằng lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Quyết định như thế nào cũng lại là một sự tù mù khác. Đây là một phán đoán hay kết luận của một suy lý, của một chứng minh. Nếu đây là phán đoán thì nó nhận giá trị giả dối. Nếu là kết luận thì đây là bịa đặt vì chẳng thấy quá trình suy lý như thế nào.
Khi Mác đưa ra quy luật này phải chăng có thâm ý là chuẩn bị tiền đề cho cách mạng vô sản. Nếu quả thật như thế thì Mác xứng đáng được tôn thành tổ sư của bịp bợm vì đánh lừa được rất nhiều người tự cho là thông minh, có trí tuệ ở trong các Bộ này, Ban nọ, Hội đồng kia. Còn việc đánh lừa được hàng triệu người vô sản thì là chuyện bình thường, chỉ cần đưa ra vài mồi nhử về vật chất.
Tái bút – Tác giả bài viết có mong muốn được đối thoại trực tiếp với những người Marxit chân chính dù ở bất kỳ cương vị nào để cùng nhau nhận ra được những sai lầm trong lập luận.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN