Sự hiện diện của tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc trong vùng đặc khu kinh tế Bắc Natuna của Indonesia đã khiến quan hệ hai nước thêm căng thẳng
Trung Quốc đã gửi thư yêu cầu Indonesia ngưng khoan dầu và khí tự nhiên ở vùng lãnh hải mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, các nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết.
Lá thư từ một nhà ngoại giao Trung Quốc gửi tới Bộ Ngoại giao Indonesia nêu rõ yêu cầu Indonesia cần ngưng khoan dầu ở Biển Natuna, vùng biển ở phía nam Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, một nghị sỹ Indonesia nói.
Các nhà quan sát và chuyên gia về luật biển quốc tế nói Indonesia không cần phải sợ vì các hoạt động này diễn ra trong lãnh hải có chủ quyền của Indonesia theo luật quốc tế.
Ngoài khơi quần đảo Natuna là nơi Indonesia nói hoàn toàn thuộc vùng EEZ của mình theo Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ông Muhammad Farhan, nghị sỹ thuộc Đảng Nasdem, nói với BBC yêu cầu của Trung Quốc là ‘nghiêm trọng’ và Indonesia sẽ không ngừng khoan dầu và sẽ tăng cường việc khai thác dầu và đánh bắt cá ở vùng này.
Ông cho biết đảng của ông được biết về thư ngoại giao mà phía Trung Quốc gửi khi Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia thông báo rằng nhân viên tại giàn khoan dầu khí ở Lô Tuna, ngoài khơi Quần đảo Natuna, “cảm thấy bị đe dọa”.
Lo ngại xảy ra khi một số tàu Trung Quốc, trong đó có các tàu thăm dò tiến hành nghiên cứu khoa học ở Vùng Đặc khu Kinh tế của Indonesia “đã vào vùng lãnh hải của Indonesia.”
Trung Quốc, Việt Nam, Phillippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông
“Điều tra cho thấy Trung Quốc đã gửi thư phản đối cho Indonesia. Đã có hai lá thư ngoại giao, một thư phản đối cuộc tập trận chung Garuda Shield giữa Mỹ và Indonesia, và một thư phản đối sự tồn tại của giàn khoan,” ông Muhammad Farhan nói với BBC News Tiếng Indonesia hôm 2/12.
Ông Farhan thừa nhận ông không biết chính xác ngày hai thư này được gửi vì chỉ có những ai có thẩm quyền ngoại giao mới có thể được xem.
Nhưng dựa trên hai sự kiện mà Trung Quốc nhắc tới, ông Farhan ước tính rằng thư phản đối được gửi trong khoảng tháng Tám tới đầu tháng Chín.
Ông cho biết Bộ Ngoại giao Indonesia đã trả lời bằng một thư ngoại giao.
“Chính phủ gửi thư hồi đáp và nói rằng Indonesia không thể chấp nhận phản đối của Trung Quốc vì chúng tôi khoan dầu trong lãnh hải của Indonesia, phù hợp với Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS). Nếu chúng tôi tập trận, đó là vì chúng tôi không có hiệp ước quốc phòng với nước nào hết,” ông Farhan nói.
‘Nghiêm trọng và không thể phớt lờ’
Ông cho rằng lá thư phản đối của Bắc Kinh là rất nghiêm trọng và không thể được phớt lờ.
Ông cho rằng Trung Quốc có động thái này là vì nước này “đang nỗ lực đẩy các tranh cãi về chủ quyền ở Biển Đông lên thành mức ngoại giao giữa hai quốc gia.”
“Chúng ta có thể coi thư ngoại giao là một lời đe dọa rằng Trung Quốc muốn đẩy vấn đề này lên thành chuyện nghiêm trọng.”
Tàu đánh cá ở quần đảo Natuna
Trung Quốc đang đàm phán với 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, để xác lập quy tắc ứng xử ở Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và có nguồn thương mại buôn bán ít nhất là 3,4 ngàn tỷ USD/năm.
Các cuộc đàm phán trong khuôn khổ khối ASEAN, đã bắt đầu lại năm nay sau khi bị ngưng vì đại dịch Covid.
Thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại ở Jakarta.
Trong tranh chấp Biển Đông, Indonesia được coi là một quốc gia hòa giải và chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bất cứ khu vực nào theo luật biển LHQ. Indonesia tin rằng ranh giới lãnh hải của nước này đã được luật quốc tế quy định rõ ràng.
‘Indonesia không cần phải sợ’
Chuyên gia hàng hải quốc tế từ Đại học Indonesia, ông Arie Afriansyah đánh giá việc Trung Quốc gửi thư ngoại giao cho thấy thái độ hung hăng của nước này đối với các tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Natuna.
Tuy nhiên, ông cho rằng chính phủ Indonesia không cần có phản ứng, chưa nói đến chuyện đàm phán với Trung Quốc hay đưa tranh chấp ra tòa quốc tế.
“Indonesia không cần phải sợ, vì Indonesia đã tuân theo hành lang pháp lý quốc tế được nhiều quốc gia công nhận. Vì vậy Indonesia ở thế đúng trên cơ sở của UNCLOS,” ông Afriansyah giải thích.
Quan điểm này cũng được một nhà quan sát quan hệ quốc tế, ông Aisha Kusumasumantri, đồng tình. Theo ông, nếu chính phủ Indonesia đàm phán với Trung Quốc, họ chỉ làm tranh chấp thêm căng thẳng.
Và mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng và nguồn đầu tư lớn nhất của Indonesia, điều này không có nghĩa Indonesia ở vị trí bất bình đẳng, theo ông Aisha Kusumasumantri.
“Trong thương mại, Trung Quốc có thể nhập khẩu bauxite từ châu Phi, nhưng tới giờ Trung Quốc vẫn chọn Indonesia vì tầm quan trọng của Indonesia trong khối ASEAN. Đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn duy trì quan hệ kinh tế.”
“Indonesia hiểu rằng Trung Quốc là một cường quốc đang lên và Indonesia có thể thu được nhiều lợi ích kinh tế từ quan hệ thương mại với Trung Quốc,” ông Aisha Kusumasumantri bình luận.
Nguồn: BBC Tiếng Việt