Trọng Thanh
Phần 1: Nước mặt thật hay “nước mắt cá sấu”… ?
Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc khép lại ngày 13/11/2021, sau 13 ngày làm việc. COP26 đã ra được một tuyên bố chung, sau khi kéo dài thêm một ngày.
Hội nghị THÀNH CÔNG hay THẤT BẠI?
Giọt nước mắt của Chủ tịch COP26 và cỗ xe tử thần
Vào lúc Hội nghị Khí hậu COP26 khép lại ngày 13/11/2021, chủ tịch Alok Sharma đã vừa khóc, vừa nói: “Tôi hết sức tiếc”.
Nhật báo Pháp L’Humanité đặt câu hỏi: những giọt nước mắt của chủ tịch Alok Sharma là “nước mắt cá sấu hay xúc cảm thực sự”? Tờ báo tự trả lời : “Chắc chắn phần nào là cả hai, căn cứ trên những bước lùi vào phút cuối cùng của thượng đỉnh quốc tế, mà về nguyên tắc có sứ mạng cứu vãn khí hậu”.
Vào phút cuối cùng của Thượng đỉnh, bản Tuyên bố cuối cùng của COP26 đã phải xóa bỏ một số điểm quan trọng do áp lực của nhiều nước, đặc biệt là mục tiêu “loại trừ hoàn toàn than đá”. Ngày 13/11, chủ tịch Alok Sharma đã như con thoi, liên tục tiếp xúc với đại diện các nhóm quốc gia tham gia COP26, để thuyết phục tất cả chấp nhận đòi hỏi thay đổi vào phút chót của Ấn Độ và Trung Quốc.
Dự thảo đầu tiên của Tuyên bố chung kêu gọi tất cả “tăng tốc tiến trình hướng đến chấm dứt (“phase out”) sử dụng than đá và tài trợ cho các năng lượng hóa thạch” rốt cục đã phải chuyển thành kêu gọi “giảm (“phase down”) việc sử dụng than đá và chấm dứt việc tài trợ KHÔNG HIỆU QUẢ cho các năng lượng hóa thạch”.
1.Thay đổi ở phút cuối cùng: Từ “chấm dứt hoàn toàn than đá” thành “giảm dần”
Theo nguyên tắc đồng thuận 100% của các hội nghị Khí hậu LHQ, bất đồng của một quốc gia duy nhất đã đủ để ngăn chặn việc thông qua Tuyên bố chung. Để cứu vãn Tuyên bố chung, cũng là để cứu vãn COP26, tất cả các quốc gia “nạn nhân của biến đổi khí hậu” buộc phải chấp nhận đòi hỏi của nhóm nước muốn duy trì lâu dài than đá. Xét về tính chất vô cùng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, bản thân việc xác định mục tiêu chấm dứt than đá về dài hạn cũng chưa hẳn là điều có tác dụng ngay trước mắt, nhưng việc loại bỏ mục tiêu này rõ ràng khiến tình hình càng thêm tồi tệ trông thấy.
Việc chủ tịch COP26 khóc thực hay khóc giả có lẽ hoàn toàn không phải là điều quan trọng. Tuy nhiên, những giọt nước mắt của ông Chủ tịch, và câu hỏi mà tờ báo Pháp đặt ra thực sự có ý nghĩa. Bởi rút cục đây chính là dịp để đặt trở lại vấn đề:
Với một hội nghị như vừa diễn ra, GIỚI LÃNH ĐẠO TOÀN CẦU có thực sự coi trọng sinh mạng của hàng tỉ con người trên hành tinh hay không, trước đe dọa nhãn tiền của Biến đổi Khí hậu?
Ấn Độ và Trung Quốc bị một số phương tiện truyền thông điểm mặt như hai quốc gia chịu trách nhiệm chính về thất bại của COP26. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là Ấn Độ, hay Trung Quốc cố bám lấy than đá. Nhiều người cũng đặt câu hỏi: Câu chuyện hứa hẹn về than đá nói trên nghiêm trọng nhiều hơn, hay ít hơn? so với sự thất hứa của các nước giàu trong tài trợ khí hậu, việc các nước phát triển cố lờ đi việc ĐỀN BÙ TỔN THẤT, trễ nải trong việc tăng cường tài trợ cho THÍCH ỨNG?…
2. Người khóc – kẻ hoan hỉ: Một sự phân vai hoàn hảo?
Trong lúc Chủ tịch COP26 (chính trị gia người Anh gốc Ấn Độ Alok Sharma) rỏ nước mắt, thì Thủ tướng nước chủ nhà Anh Quốc, ông Boris Johnson lại hoan hỉ, khen ngợi “Thỏa thuận Glasgow về khí hậu” là một thành công, cho dù với nhiều thất vọng. Thủ tướng Anh nhấn mạnh “Thỏa thuận hôm nay là MỘT BƯỚC TIẾN DÀI về phía trước. Đây là một thỏa thuận quốc tế CHƯA TỪNG CÓ, hướng đến mục tiêu giảm sử dụng than đá và một kế hoạch giới hạn nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C”.
Chính phủ Anh, ngay từ đầu giương khẩu hiệu “Coal, Cash, Cars and Trees” (Than, Tiền, Xe và Rừng), như các ưu tiên của COP26. “Than” rút cục đã có mặt trong Tuyên bố chung, chấm dứt phá Rừng trước 2030 trở thành mục tiêu của hơn 120 quốc gia (kiểm soát 95% diện tích rừng còn lại của thế giới)… Nước Anh có thể tự hào về thành tích của nước chủ nhà.
Kẻ hoan hỉ ca ngợi thành tích Hội nghị, bên cạnh là người rỏ nước mắt về một số mục tiêu bất thành. Rỏ nước mắt để không gây thêm bất mãn và phẫn uất từ phía các quốc gia cảm thấy bị bỏ rơi, bị phản bội?
Người khóc, kẻ hoan hỉ rất có thể là một sự phân vai hoàn hảo của quốc gia chủ nhà COP26, từng là cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp, cường quốc già đời, lọc lõi trong quan hệ quốc tế.
3. Thất vọng ghê gớm
Tuy nhiên, thất vọng là ghê gớm. Thất vọng là điều không thể che giấu, không thể gạt ra bên lề. Những tuyên bố khẳng định thành công ắt hẳn chỉ đánh lừa được ít người. Chuyên gia nổi tiếng về khí hậu người Pháp, ông Jean Jouzel, cựu thành viên của Nhóm chuyên gia liên Chính phủ về Khí hậu của LHQ, tóm lược: “COP26 không phải là một COP đáng kể, hội nghị này đã không đủ tầm cỡ”.
Nhà báo Audrey Garric, đặc phái viên của báo Le Monde tại Glasgow, trong phần giải đáp các câu hỏi của độc giả, tổng hợp về một số thiếu hụt nghiêm trọng của COP26:
Trong Thỏa thuận Khí hậu tại Glasgow, bên cạnh việc hội nghị được quá ít cam kết cắt giảm khí thải cho phép giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C (tổng mức cam kết sẽ đưa thế giới đến mức tăng 2,7°C, nếu các nước thực hiện đúng cam kết), các nước giàu đã gần như không hề tỏ ra đoàn kết hơn với các nước nghèo. Cụ thể là:
– Không đạt mục tiêu 100 tỉ đô la tài trợ cho nhóm nước nghèo ngay từ năm nay như cam kết;
– Không tăng thêm tiền cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu lên mức 50% – so với 20% hiện nay;
– Các quỹ cho khí hậu vẫn chủ yếu là tiền cho vay (đến 75%), chứ không phải là trợ cấp; Và đăc biệt là
– Không công nhận việc đền bù “các Thiệt Hại Không Thể Vãn Hồi” cho các nước nghèo hoàn toàn là nạn nhân của Biến đổi khí hậu;
– Không hề chịu trách nhiệm về khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhà báo Le Monde chất vấn: Như vậy thì làm sao người ta có thể chê trách Greta Thunberg đã nói ĐIÊU, khi cô gái Thuỵ Điển cực lực lên án các quốc gia và các tập đoàn kinh tế chỉ nói suông mà không làm, hay làm không đủ như hứa?
Xin hẹn gặp lại với hai phần tiếp theo ở Phần 2: Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” và
Phần 3: Rời “Cỗ xe Tử thần”?
T.T.
(*) Tựa do BVN đặt
Nguồn: FB Trọng Thanh