Nguyễn Trung
Trái đất này là của chúng mình…
Đấy là lời bài hát của các cháu thiếu nhi Việt Nam, cùng hát với thiếu nhi toàn thế giới, ước mong sao trái đất này hoà bình và đầy hương thơm nắng tô mầu tươi thắm…[1] Nhưng câu hát này lại vang lên trong tôi khi ngồi theo dõi Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021, Glasgow – Anh, 11-2021 (COP 26) và bài nói của Thủ tướng Phạm Minh chính tại hội nghị này.
Trong tôi một cảm giác nhẹ nhõm, một niềm vui con trẻ xâm chiếm: Thế giới đã đứng lên làm việc phải làm trước khi quá muộn, trong đó Việt Nam đã dũng cảm nhận phần việc của mình.
Nhiệt độ Trái Đất hiện nay – theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres – “…đang tiếp tục tăng lên, với tốc độ hiện tại sẽ là +2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2050, và đây rõ ràng là “tấm vé một chiều dẫn tới thảm họa.”
Phải, đến khoảng cuối thế kỷ này, nếu cả thế giới không xúm nhau lại kiềm chế bằng được nhiệt độ trái đất hiện nay xuống còn khoảng 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ là quá muộn. Bằng những cam kết cụ thể về ý chí, tài chính, công nghệ, nỗ lực hợp tác cùng nhau… các nguyên thủ các quốc gia thành viên trong cộng đồng thế giới có mặt tại COP 26 tỏ rõ quyết tâm ngăn cản thảm hoạ đang đến gần. Trong khi đó Trung Quốc – nước có phát thải CO2 lớn nhất thế giới – nhưng không đưa ra cam kết gì mới, và chỉ cử cấp bộ trưởng tới dự. Lượng thải CO2 năm 2019 của Trung Quốc là 2777 triệu tấn (gấp đôi Mỹ và gấp 4 Ấn Độ) và hiện đang gia tăng liên tục. Các chuyên gia phương Tây nói COP 26 có nguy cơ thất bại vì Trung Quốc!
Trong không khí tang tóc của đại dịch Covid-19 bao trùm thế giới và dưới áp lực của chiến tranh lạnh II ngày càng gia tăng – nhất là tại khu vực Biển Đông đang trên bờ chiến tranh nóng chưa ai nói trước được sẽ là loại chiến tranh gì – cam kết COP 26 đang cố đạt được ở mức cao nhất là một cổ vũ lớn đối với toàn nhân loại.
Cam kết của Việt Nam với COP 26 là: … sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” được COP 26 nhiệt liệt kiệt hoan nghênh. Các nguyên thủ quốc gia trong tiếp xúc với Thủ tướng ta đánh giá cao cam kết này và đều hứa hợp tác, hỗ trợ thực hiện.
Tôi đánh giá đây là một cam kết to gan, nhưng hoàn toàn tán thành, thậm chí muốn cao hơn nữa: Đây trước hết phải là cam kết thiêng liêng như một lời thề của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, vì hơn ai hết nhân dân Việt Nam đang cần như thế, khát vọng như thế!
Phát thải ròng CO2 vào năm 2050 bằng “0”, làm được như vậy – lúc đó Việt Nam sẽ phải là một quốc gia văn minh. Nghĩa là ngay từ hôm nay Việt Nam phải thay đổi tất cả, từ trong giáo dục, đến trong kinh tế, quản lý môi trường, trong nội trị và trong đối ngoại… Và từ chỗ đứng hiện tại, còn phải nói Việt Nam có thay đổi triệt để, mới có thể thành công được. Nói ngắn gọn: Đến được cái đích đã cam kết này, ngay từ hôm nay Việt Nam phải bắt tay vào thực hiện một tổng chiến lược công nghiệp hoá – hiện đại hoá lần thứ II, và dứt khoát nó không được thất bại như chiến lược Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại Hóa I! Nhưng hiện nay Nghị quyết Đại hội XIII chưa có chiến lược Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại Hóa II, mà chỉ có vài chỉ tiêu mong muốn về tăng trưởng GDP, mong muốn về GDP per capita đạt được… Tôi không dám chắc, khi cam kết với cả thế giới như vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hình dung được con đường dẫn đến cái đích cam kết là cả một chiến lược Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại hóa lần thứ II như thế!
Là người dân, nếu Thủ tướng chưa nghĩ đến điều này, thì cá nhân tôi xin kiến nghị với Thủ tướng như vậy – vì chiến lược Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại Hóa II là chặng đường tất yếu phải đi qua để tới đích đã cam kết. Và tôi dám tin nhân dân cả nước sẽ đồng tình với kiến nghị này, đòi hỏi chiến lược Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại Hóa II phải thành công.
Cá nhân tôi có niềm tin: Chiến lược Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại Hóa II với cái đích cam kết như ở đây chẳng những là bắt buộc và là tất yếu để có thể sống được trong thế giới này, mà hoàn toàn khả thi đối với nhân dân ta và nước ta hiện nay – với điều kiện tiên quyết: Trong cả nước, mỗi người phải làm đúng việc của mình và không một ai được ăn bám – đúng với sự phân công mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề xuất: đảng lãnh đạo – nhà nước quản lý – nhân dân làm chủ!
Về dân làm chủ, là dân tôi yêu cầu Đảng và Nhà nước phải làm mọi việc để giúp nhân dân nâng cao bằng được quyền năng cho nhiệm vụ làm chủ của mình – trước hết và tối thiểu người dân phải được hoàn toàn làm chủ với ý thức và trách nhiệm cao nhất (a) đối với lá phiếu bầu cử mình ký tên và (b) đối với tiếng nói của mình.
Dân được làm chủ với quyền năng như thế, dân sẽ có được khả năng tốt nhất thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình. Dân cũng phải có ý thức đòi quyền và trách nhiệm này của mình – vì ở đời này cái được ban cho thường là của ôi! Với trách nhiệm công dân như thế, dân hoàn toàn có khả năng xử lý được mọi rác rưởi trong bếp nhà mình, trong vườn nhà mình, nơi mình sinh sống, và sẽ xử lý thành công cả cái thùng rác xã hội! Với trách nhiệm công dân là chủ đất nước như thế của mọi người con nước Việt, dân tộc ta hoàn toàn có thể xây dựng đất nước mình xanh – sạch – đẹp, bắt đầu từ xây dựng một xã hội xanh – sạch – đẹp. Với trách nhiệm công dân như thế, quyền dân làm chủ này sẽ giúp Đảng không dám lãnh đạo tồi và Nhà nước cũng không dám quản lý kém – giả hoặc có muốn hư như thế cũng khó. Từng người, ai nấy đều làm đúng việc của mình như thế và không có ăn bám, chiến lược Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại hóa II nhất định thành công.
Thế giới lo xử sự của Trung Quốc có thể làm cho COP 26 thất bại. Tôi cũng chia sẻ mối lo này. Trong khi đó Trung Quốc lại yêu cầu ta “bảo vệ an ninh cầm quyền của Đảng Cộng sản và an ninh chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích chiến lược căn bản nhất của hai nước Trung – Việt…”[2]. Tôi nghĩ đối phó với một Trung Quốc như vậy, cả thế giới – trong đó có nước ta – phải cố gắng nhiều hơn nữa, không để cho ai cản đường. Chúng ta hãy cùng nhau hiệp lực làm tất cả mọi việc để COP 26 thành công, để tất cả chúng ta không phải hổ thẹn, và nhất là để được phép cùng với các cháu thiếu nhi của chúng ta hát lên Thế giới này là của chúng mình!
Hà Nội – Võng Thị, 04-11-2021
N.T.
[1] “Trái đất này là của chúng mình” – 1979, nhạc: Trương Quang Lục, phổ nhạc dựa vào 2 câu đầu trong bài thơ “Trái đất này lả của chúng em” của Định Hải.
[2] TBT Tập Cận Bình nói trong điện đàm với TBT Nguyễn Phú Trọng ngày 24-09-2021.
Nguồn: http://viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_COP26.html