Tư Hoàng
Thủ tướng đang có hàng loạt giải pháp “át chủ bài” để thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KTXH năm tới, đặc biệt là tăng GDP 6 – 6,5%, CPI 4%, sau khi kinh tế bị tác động bởi Covid-19.
Báo cáo với Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định một trong các giải pháp là ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó là thực hiện thực chất, hiệu quả hơn việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ông nhấn mạnh Chính phủ cam kết đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu… Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là phương thức đối tác công – tư.
Chính phủ cam kết đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, trong đó có hạ tầng nông nghiệp
Trên đây chỉ là một số trong 12 nhóm giải pháp mà Chính phủ đặt ra để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm tới trong bối cảnh đại dịch vẫn đang đe dọa nền kinh tế và cả sức khỏe của người dân.
Khó đột phá nếu không có giải pháp quyết liệt hơn
Trong bối cảnh Chính phủ đang thảo luận về các chỉ tiêu phát triển, một cuộc tham vấn về cải cách đặt trọng tâm và lộ trình đến năm 2025 vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với nhiều vấn đề được đặt ra.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nêu bối cảnh kinh tế trong năm 2021 không hề dễ dàng. Nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính GDP năm nay ở mức từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố hồi tháng 8. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo ở mức 3,78%.
Bà cảnh báo, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn. Trong bối cảnh ấy, tư duy về đổi mới quốc gia theo hướng hiện đại lại càng cần thiết, để hỗ trợ cho cải cách, giúp chúng ta tránh được tình trạng “làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng”.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), nền kinh tế đang đối diện nhiều rủi ro và hệ lụy nghiêm trọng. Ông đồng tình với bà Minh: “Đặc biệt, cải cách thể chế kinh tế – nhân tố đã góp phần đáng kể vào việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những năm qua – đang có dấu hiệu chạm trần, thiếu cách làm mới để tạo đột phá”.
5 nhóm vấn đề cần trả lời
Để đẩy mạnh quá trình phục hồi và cải cách nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng Việt Nam cần phải trả lời 5 câu hỏi quan trọng.
Thứ nhất, đang có luồng ý kiến tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang lâm vào tăng trưởng chậm. Ông đặt câu hỏi: “Tuy nhiên, tương tác giữa các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế kinh tế được đề cập rất ít, hoặc còn mờ nhạt. Liệu sử dụng các gói này có làm giảm sự quan tâm đối với cải cách thể chế kinh tế?”.
Thứ hai, nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế là một nội dung quan trọng. Nguồn lực trong dân còn nhiều, cơ chế nào để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh? Vai trò của đầu tư công vẫn rất quan trọng, song làm thế nào để phát huy hiệu quả mà không gây ra tác động “chèn lấn” quá mức đối với đầu tư từ các nguồn khác?
Cải cách phải song song với phục hồi
Thứ ba, làm thế nào để mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…? Làm thế nào để quyết tâm xây dựng chính sách đi kèm với nhận thức và quyết tâm thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương?
Đặc biệt, các hoạt động kinh tế mới cũng đặt ra không ít vấn đề chưa có tiền lệ, vậy phối hợp giữa các bộ cần theo cách tiếp cận, nguyên tắc nào?
Thứ tư, trong giai đoạn 2021-2025, làm thế nào để tạo động lực cho cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế tốt, trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững là những yêu cầu lớn?
Thứ năm, nâng cao năng lực nội tại nói chung và khu vực kinh tế tư nhân là rất cần thiết, song cần điều kiện gì để bảo đảm minh bạch, tránh gây méo mó về phân bổ nguồn lực? Làm thế nào để bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam quản trị hiệu quả hơn rủi ro trong chuỗi cung ứng nhất là giai đoạn sau Covid-19, đồng thời vẫn tăng cường năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực?
Thay đổi tư duy
TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên chuyển đổi số nhưng cách làm lần này phải khác lần trước. Ông lưu ý, để có kinh tế số, chúng ta phải có cơ sở dữ liệu, xây dựng được luật về cơ sở dữ liệu.
Theo ông, các giải pháp cải cách phải tạo ra được tác động cho dài hạn, thúc đẩy được đổi mới sáng tạo và phải có tính đột phá.
“Quan trọng là phải thay đổi tư duy. Chúng ta không nên chỉ bó mình trong tư duy cũ mà phải bỏ qua tư duy cũ. Chúng ta không thể nói là mình chỉ có thế, nếu chỉ có thế thì không không đột phá”, ông nói. “Việt Nam cần đi cùng với thế giới chứ không phải chạy theo hay bắt kịp”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lưu ý, chúng ta không chỉ đứt gãy chuỗi cung ứng, mà đứt gãy trong phối hợp công việc, trong quan hệ làm việc giữa trung ương với địa phương.
“Cải cách phải song song với phục hồi. Không cải cách thì không thể phục hồi được”, bà Lan lưu ý.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam nhận định, chất lượng văn bản pháp luật chưa cao, tính nhất quán còn thấp, sức sống và sức bền của chính sách cũng là điểm yếu, việc hướng dẫn chậm, trong khi việc thực thi chưa hiệu quả. Đây là điểm nghẽn nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận.
Ông Lực nói: “Nếu không quyết tâm cải cách quyết liệt, chúng ta sẽ bị tụt hậu và lỡ nhịp phát triển”.
T. H.
Nguồn: Vietnamnet