Quyền lực mềm của Trung Quốc

21/10/2021

Phạm Phú Khải

Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn ngày 30 tháng Chín, 2021.

Tập Cận Bình tại lễ duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn ngày 30 tháng Chín, 2021.

Vào ngày 10 tháng 5 năm nay, Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Li Jiming (Lý Kế Minh 李继明) cảnh báo nước này chớ tham gia vào nhóm Bộ Tứ (QUAD) vì nó chỉ thể hiện tính cách địa chính trị có mục đích hẹp hòi và không có lợi ích gì cho Bangladesh để tham gia.

Cung cách hành xử của Li, nói riêng, hay giới lãnh đạo tại Bắc Kinh, nói chung, thường hay thể hiện chính sách ngoại giao cưỡng bách và giận dữ. Điều này nói lên được nhiều về đặc tính quyền lực mềm của họ. Nó thật sự mềm không?

Joseph S. Nye, người đưa ra khái niệm quyền lực mềm vào cuối thập niên 1980s, cho rằng trong bang giao quốc tế, nó là “khả năng của một nước để thuyết phục nước khác làm những gì họ muốn mà không cần sử dụng vũ lực hoặc ép buộc”. Nye biện luận rằng, tuy Hoa Kỳ có đủ khả năng/lực để thống trị những nước khác, nhưng cũng rất tài giỏi trong việc phát huy quyền lực mềm, với sự trợ giúp của các công ty, tổ chức, trường đại học, nhà thờ và các tổ chức khác của xã hội dân sự; văn hóa, lý tưởng và giá trị của Hoa Kỳ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp Hoa Thịnh Đốn thu hút các đối tác và những người ủng hộ.

Trong hai ba nhập niên qua, lãnh đạo Bắc Kinh từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình, đều hiểu rằng, để Trung Quốc trở nên một cường quốc, nhất là để sánh vai ngang hàng với Hoa Kỳ, Trung Quốc phải ưu tiên xây dựng quyền lực mềm. Bắc Kinh hiểu rằng lịch sử của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông sẽ không ích lợi gì cho mục tiêu này. Thêm vào đó, hình ảnh Thiên An Môn, xảy ra cách đây 32 năm, mãi mãi ám ảnh những người từng sống vào thời đó, trong hay ngoài Trung Hoa lục địa. May cho Bắc Kinh, dân số thế giới lúc đó chỉ mới 5.20 tỷ người, so với gần 7.86 tỷ hiện nay, và dân số Trung Quốc chỉ 1.12 tỷ người năm 1989, so với 1.40 tỷ người bây giờ. Nghĩa là khoảng 280 triệu người Trung Quốc, và 2.66 tỷ người trên thế giới, sinh sau sự kiện này. Không phải ai cũng đam mê tìm hiểu lịch sử, hay truy tìm các tài liệu khả tín để đọc, nên người dân trong lẫn ngoài Trung Quốc chưa chắc đã biết về các biến cố này. Ngoài ra, phần lớn những chính sách và tài liệu giáo dục của Trung Quốc đều chủ trương ém nhẹm hoàn toàn biến cố này, vì vậy chỉ có những người quan tâm mới thật sự biết hư thực phần nào. Bắc Kinh cũng đã sử dụng mọi biện pháp khác nhau, kể cả quyền lực cứng và bén (hard and sharp power), từ tuyên truyền đến kiểm soát toàn bộ và triệt để chính sách thông tin và giáo dục, v.v… để giảm thiểu tối đa những tác hại về uy tín đến từ nhiều phía, trong cũng như ngoài Trung Hoa.

Ém nhẹm biến cố Thiên An Môn, hay những hành động vi phạm nhân quyền khủng khiếp khác của Bắc Kinh, dù có thành công đi nữa, cũng chỉ là chữa cháy. Vì thế, Bắc Kinh tập trung nỗ lực, kể cả các nguồn tài lực và vật lực dồi dào, để cải thiện hình ảnh của mình hầu tạo cảm tình trên khắp nơi trong những thập niên qua. Rất nhiều tác phẩm nghiên cứu và bình luận từ giới chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc đã nói về các vấn đề này.

Tuy thế, những nỗ lực này không những không hiệu quả, mà ngày càng phản tác dụng. Thực tế là mặt mũi, uy tín hay sự bắt mắt (appeal) của người dân trên khắp thế giới dành cho Bắc Kinh ngày càng đi xuống, đặc biệt trong hai năm 2020 và 2021.

Cung cách đối xử của Trung Quốc với Úc là một trường hợp điển hình mà thế giới có thể nhìn ra và rút tỉa được bài học. Trung Quốc đã trừng phạt Úc về mặt thương mại trong hai năm qua vì đã dám đụng đến các vấn đề tế nhị (như chủ quyền/thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ tại Hồng Kông hay Đài Loan, Biển Đông, nhân quyền, Tây Tạng, Tân Cương, Thiên An Môn, nguồn gốc Covid-19 v.v…) đối với Bắc Kinh. Thật ra cung cách của Trung Quốc ở mọi nơi đều thế, kể cả Việt Nam. Nhưng trong khi chính quyền Hà Nội chủ trương bưng bít và có khi ngăn cấm xã hội thảo luận công khai về các vấn đề tế nhị này thì việc cấm đoán tại Úc hay các nền dân chủ khác là điều bất khả.

Vì thế, dầu Bắc Kinh đã tìm cách xây dựng quyền lực mềm qua các Viện Khổng giáo tại Úc và nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn, hình ảnh và uy tín của Bắc Kinh đã bị suy giảm nặng nề. Mỗi khi người phát ngôn của Trung Quốc, hay Hoàn cầu Thời báo, phê phán hay lên lớp dạy đời Úc, hay các nước khác, họ chỉ làm lộ ra thêm các lớp vỏ bọc được chăm bón cẩn thận về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc bấy lâu nay. Cung cách của đại sứ Li Jiming (Lý Kế Minh 李继明) tại Bangladesh, như đề cập trên, cũng nói lên văn hóa ngoại giao đầy tính thô thiển của họ. Như Navdeep Suri chia sẻ, “Mặt nạ được lột ra và sự hung hăng trần trụi, trong lời nói và hành động, được hiển thị đầy đủ.”

Trong cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Lowy Institute thực hiện vào tháng 6 năm 2021 cho biết, có 63% dân Úc bây giờ xem Trung Quốc chủ yếu là mối đe dọa an ninh đối với Úc, tăng 22% so với năm 2020; chỉ có 34% xem Trung Quốc chủ yếu là đối tác kinh tế đối với Úc, giảm 21% so với năm 2020. Về tin tưởng vào lãnh đạo chính trị, thì chỉ có 10% dân Úc phần nào tin rằng Tập Cận Bình sẽ hành xử đúng mực liên quan đến các vấn đề quốc tế, trong khi 25% không tin tưởng bao nhiêu và 53% hoàn toàn không tin tưởng. Trong khi đó, sự tin tưởng vào Tập Cận Bình là 22% vào năm 2020 và 43% vào năm 2018. Nghĩa là đã xuống đáng kể trong 4 năm qua.

Khảo sát của cơ quan Pew Research, phổ biến vào cuối tháng 6 năm 2021, cho biết hầu hết các quốc gia (ngoại trừ Tân Tây Lan) có cái nhìn tích cực về Hoa Kỳ, trong khi rất tiêu cực về Trung Quốc. Pew Research cho biết đa số phần lớn các nền kinh tế tiên tiến được khảo sát đều có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc – bao gồm khoảng 3/4 trở lên, như Nhật Bản (88%), Thụy Điển (80%), Úc (78%), Hàn Quốc (77%) ) và Mỹ (76%). Pew Research cũng nói rằng tại nhiều nơi, những quan điểm bất lợi này bằng hoặc gần mức cao nhất trong lịch sử, mặc dù phần lớn chúng không thay đổi so với năm ngoái.

Khảo sát của Pew Research cũng cho biết thêm ba điều sau đây. Một, phần lớn người dân không tin tưởng vào, và có cái nhìn tiêu cực về, Tập Cận Bình, trong khi sự ủng hộ dành cho Tổng thống Biden thì rất cao. Hai, trung bình 49% cho rằng Trung Quốc đã quản lý đại dịch khá tốt, trong khi chỉ có 37% nhìn như thế đối với Hoa Kỳ. Ba, khoảng một nửa người, hay hơn, trong tất cả những nơi được khảo sát, cho rằng điều quan trọng đối với quốc gia của họ là có quan hệ kinh tế mạnh với Hoa Kỳ hơn với Trung Quốc.

Nhưng điều đáng nói nhất của cuộc khảo sát trên là về quyền tự do cá nhân. Trong cuộc khảo sát tại 17 nền kinh tế hàng đầu thế giới nêu trên, tuyệt đại đa số người tham dự đều tin rằng chính quyền Trung Quốc không tôn trọng tự do cá nhân của công dân mình. Tại những nơi như Thụy Điển, Hàn Quốc, Úc, Hà Lan, Hoa Kỳ và Nhật Bản, hơn 9 trên 10 người nghĩ vậy. Chỉ có tại Singapore thì mức độ tin tưởng như thế thấp nhất, chỉ 6 trên 10 người, hay 60%.

Pew Research cho biết tỷ lệ người dân tại các nơi này đã tin rằng trước đây Trung Quốc không tôn trọng tự do cá nhân, như các khảo sát vào năm 2018. Nhưng tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể, và cao nhất so với các bản khảo sát trước đây, vào năm nay. Những người được khảo sát cũng nghĩ rằng Trung Quốc không hề tôn trọng người dân của họ.

Trong thời đại hiện nay, nếu Trung Quốc ngày càng siết chặt không gian riêng của người dân thì họ cũng không thể nào bịt miệng hay bịt mắt được những người sống ngoài lục địa này.

Bản báo cáo chi tiết 113 trang vào tháng 4 năm 2021 từ European Think-tank Network on China (ETNC), được cộng tác bởi các chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu tại Âu châu, cho biết quyền lực mềm của Trung Quốc đã giảm sút đáng kể. Bản báo cáo này tóm tắt một số điều đáng quan tâm như sau. Một, phát triển quyền lực mềm là một trong các trụ cột chính trong chính sách ngoại giao chính của Trung Quốc. Hai, ba phương pháp tiếp cận chính của Trung Quốc trong việc phát triển quyền lực mềm tại Âu châu là quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc; định hình hình ảnh của Trung Quốc thông qua các phương tiện truyền thông; và sử dụng các hiệu ứng quyền lực mềm thứ cấp (secondary) của sức mạnh kinh tế. Ba, gần đây, và đặc biệt là năm ngoái, Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn trong nỗ lực định hình hình ảnh của mình bằng cách mở rộng các biện pháp khác nhau hầu nâng cao thông điệp chính trị của mình. Bốn, tiếp cận thị trường, cơ hội thương mại và đầu tư có lẽ là yếu tố lớn nhất quyết định sức hấp dẫn của Trung Quốc ở châu Âu, nhưng chính nó cũng là nguồn mà Trung Quốc sử dụng để sử dụng sức mạnh cưỡng chế của mình. Năm, vì một số lý do nêu trên, các thiết chế tại Âu châu ngày càng trở nên cảnh giác hơn, về các rủi ro tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, và qua đó nhấn mạnh đến nó nhiều hơn. Sáu, để đáp lại, thông điệp công khai của chính quyền Trung Quốc ở châu Âu ngày càng trở nên chủ động, thậm chí là hung hăng, bao gồm cả việc áp đặt các lệnh trừng phạt v.v…

Tóm lại, Bắc Kinh vẫn chỉ thể hiện bản chất hung hăng và áp đặt/cưỡng chế, chứ không phải là quyền lực mềm.

Khi người dân khắp nơi không tin tưởng vào Tận Cận Bình hay Bắc Kinh, thì làm sao họ ủng hộ cho các chính sách đến từ Trung Quốc, dù đó là kinh tế hay văn hóa?

Tập Cận Bình và chính quyền Bắc Kinh sẽ tiếp tục thất bại và ngày càng rõ ràng, nếu vẫn theo đuổi chủ trương hiện nay. Muốn Trung Quốc thật sự hùng mạnh và tin tưởng trên khắp thế giới thì trước tiên họ phải từ bỏ tham vọng bá quyền, phải tôn trọng người dân của mình và thật lòng trong quan hệ ngoại giao với các nước khác. Nói cách khác, quyền lực mềm phải thật sự đến từ trong bản chất, trong tâm tính của mình, không phải bằng thủ đoạn hay lời nói suông.

Vì vậy mà Bắc Kinh nên học từ những bài học vỡ lòng về con người, về bang giao quốc tế, qua ba câu nói sau đây.

Một, đến từ cố Tổng thống Hoa Kỳ, và lãnh đạo quân sự tối cao trong Thế Chiến II, Dwight D. Eisenhower: Lãnh đạo là nghệ thuật mà người khác muốn làm những điều mà chính bạn muốn họ làm.

Hai, cũng tương tự như Eisenhover, nhưng đến từ chính một triết gia hàng đầu của Trung Quốc, Lão Tử: Một nhà lãnh đạo tốt nhất khi mọi người hầu như không biết anh ta tồn tại, khi công việc của anh ta được hoàn thành, mục tiêu của anh ta đã hoàn thành, và họ sẽ nói: chúng tôi đã tự mình làm điều đó.

Ba, đến từ cố Đệ nhất Phu nhân Eleanor Roosevelt: Để xử lý bản thân, hãy sử dụng cái đầu của bạn; để xử lí những người khác, hãy sử dụng trái tim của bạn.

Thay đổi rõ ràng là điều không dễ. Thay đổi mang tính lột xác, bản chất, lại vô cùng khó khăn. Nhưng chỉ khi nào giới lãnh đạo Bắc Kinh nhận ra điều này và dần dần tìm cách áp dụng các nguyên tắc và giá trị phục vụ con người, cho công dân cũng như người dân trên khắp thế giới, vì lợi ích thật sự chứ không phải trí trá, thì Trung Quốc mới được lòng người và được tín nhiệm. Đến lúc đó Trung Quốc mới thật sự hùng mạnh, đáng để thế giới ngưỡng mộ. Còn nếu cứ theo đuổi con đường bá chủ bá quyền nhưng đội lốt quyền lực mềm trong khi đàng sau là cứng và bén, thì thất bại là tất yếu.

P.P.K.

Nguồn: voatiengviet.com

This entry was posted in Mặt thật Trung Cộng. Bookmark the permalink.