Xốn xang nỗi nhớ Hà Nội (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 118)


Tương Lai

Có thể là hình ảnh về thiên nhiên và cây

Chợt nhìn lên một thoáng mây xa, chuyện ngày xưa dấu xưa còn đó… Hà Nội tôi xưa mãi rất xưa. Dù rất xưa chưa bao giờ cũ (Ca khúc Hà Nội tôi của Nguyễn Cường)

Những ngày cuối thu, đã có những cơn mưa mùa đông giày vò những chiếc lá vàng rải trên mặt đường ướt át để rồi những tia nắng chợt sáng lên sưởi ấm những con phố và làm lung lay những tán lá uể oải gượng dậy như những người ngủ muộn. Nằm nghe tiếng hát Tùng Dương ngân nga ca khúc “Hà Nội Tôi” của người nhạc sĩ gốc Hà Nội gọi dậy trong tôi một nỗi niềm thương nhớ khó viết nên lời.

Nguyễn Cường nói: “Tôi có trọn vẹn một tuổi thơ bé, tuổi thanh niên trưởng thành ở khu phố cổ. Tôi biết rõ Hà Nội như lòng bàn tay mình và Hà Nội thấm đẫm trong mỗi ca từ giai điệu của tôi dù rằng bài hát đó là Madrak, Pleiku, Buôn Ma Thuột… Một nhạc sĩ đến từ Sài Gòn sẽ viết khác, tôi chắc vậy”.

Còn tôi là “dân ngụ cư” cho dù cả đời người gắn bó máu thịt với Hà Nội. Người dân ngụ cư này đã phải rời bỏ thành phố Huế thơ mộng bên sông Hương, khoác ba lô lội bộ sáu tháng trời đi ngược dãy Trường Sơn, xuyên nửa nước Việt để đến được Hà Nội vào một ngày thu

Không thể nói trời không trong hơn

Và mắt em xanh khác ngày thường

Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy

(Cảm xúc tháng Mười của Tạ Hữu Yên)

Phải nói thật rằng khi đứng cùng các chiến hữu trước hồ Hoàn Kiếm chụp một tấm hình vào đầu năm 1955, tôi không có mấy xúc động, mà lại thấy nó gượng gạo Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người, tượng đài và ngoài trờidung tục làm sao ấy. Nhưng lại nghẹn ngào không nói nên lời khi được bước chân vào cánh cổng trường Chu Văn An mà tôi vừa được phân công về nhận nhiệm vụ ở đây, sau khi đã được “giải phóng” khỏi “Đội công tác đặc biệt”. Có thể nói những ngày tôi được làm thầy giáo là những ngày thú vị và có cảm xúc mãnh liệt nhât, vì tôi có học trò. Những người đang khao khát tự do, đang đau đáu chờ đoàn quân trở về từ ngững ngày họ ra đi khi “đất trời bốc lửa cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng”. Tôi được “ăn theo” ánh lửa vĩ đại đó. Những ánh mắt trong veo nhìn tôi tin cậy và nuốt từng lời tôi nói về “những đôi giày vạn dặm đã rách tả tơi trên con đường trường chinh… đã dấn thân vì một lý tưởng cao đẹp: giải phóng tổ quốc, giải phóng Thủ đô!

Những “thầy giáo tiếp quán” chúng tôi hồi ấy, đặc biệt là thuộc khối khoa học xã hội như “văn sử địa chính trị” đều phải “tự biên, tự diễn” chứ chưa kịp có sách giáo khoa, giáo án được quy định. Trong một lần gặp mặt học trò cũ, tôi cười hỏi liệu có em nào nhắc lại một ấn tượng sâu đậm nhất thuở Chu Văn An, Trưng Vương 10+3, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt… hay Khoá I khoa Triết của Đại học Tổng hợp Hà Nội hay không nhỉ?

Có thể là hình ảnh về 15 người và mọi người đang đứng

Tập thể cán bộ, giáo viên của Trường Chu Văn An Hà Nội niên khoá 1954-1955: người đứng giữa là ông Bạch Năng Thi, bên trái là cụ Thạch Quang Tuấn, Nguyễn Đức Thuần, anh Trường… bên phải là Tương Lai (quần áo đen), An Văn Chiêu, Lê Trung Bách… Ở hàng thứ hai đứng sau An Văn Chiêu và Tương Lai là Phan Vịnh, Lê Quang Châu, Phạm Hoàng Oanh, Trần Thị Vỵ, Đoàn Đức Luyến, ở hàng thứ tư, đứng thứ hai từ trái sang là nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, Bùi Thiện Dụ. đứng giữa hàng cuối…[1]

Lập tức có tiếng cười đáp lại: “Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân… thầy ạ”.

Một giọng trầm cố nén xúc động: “Cái chết của đôi tình nhân, Lôi cô Zoba và nàng Radda ạ”. Cả lớp ồ lên vui vẻ.

Hình tượng chàng quý tộc Nicolai Bonskonki hy sinh trong trận Borodino đó thầy”.

Cô học sinh Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt duy nhất có mặt làm tôi ngạc nhiên: “Thưa thầy, đó là Anna Karenina của Lev Tolstoy mà thầy đã thuyết giảng trong buổi ngoại khoá ạ”.

Tôi chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Có đôi chút phóng đại chất lãng mạn trữ tình, nhưng quả thật để có tự do thật không dễ, đôi khi phải hy sinh để có nó! Cả cuộc gặp mặt bỗng lặng đi. Chúng tôi tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống khi mà bụi trường chinh chưa kịp phai bạc áo hào hoa” không có mặt hôm nay.

Có thể là hình ảnh về 1 người và râu Tôi nhớ, tại cuộc gặp học trò Chu Văn An tại nhà Nguyễn Gia Hảo-Phạm Chi Lan hôm ấy, chỉ có 12 người mà có đến 3 đại tá từng có mặt trên những chiến trường ác liệt nhất. Đại tá Tạ M. bây giờ là chủ một trang trại bên bờ sông Hồng rủ tôi đến chơi để vợ chồng anh thao diễn một bữa cơm toàn là “cây nhà lá vườn”. Và Tạ M. có một câu chuyện “bí mật” chỉ mới hé lộ qua một câu hỏi trong buổi họp mặt sẽ kể cho tôi nghe. Tiếc rằng tôi vẫn chưa đến được.

Mười năm trước, ngày 7 tháng 11 năm 2010, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra trường niên khoá 1954-1955 của học sinh Chu Văn An, tôi nhận được lời mời đến dự để gặp lại những chàng trai và cô gái thân thương thuở ấy, nhưng rồi bệnh tật không đi nổi, ngày 5.11 năm 2010 tôi đã viết một bức thư gửi đến những người tôi yêu mến. (Lá thư đó đã đăng trên Mênh mông thế sự số 53 và in trong tập sách nhỏ gồm mười bài “Mênh mông thế sự” từ số 44 đến số 53 nhằm gửi tặng các bạn đồng nghiệp và các học trò cũ gồm học sinh, sinh viên nhân ngày “Nhà giáo 20 tháng 11”).

Trong lá thư ấy tôi chân thành hỏi các học trò cũ: “Gợi lại một vài hình bóng xưa cũ không nhằm ngoan cố nguỵ biện cho những dại dột cả tin của một thời ấu trĩ, mà là để biết gìn giữ và khẳng định những nét đẹp không thể phôi pha… Với tôi, đó là gợi lại trong suy tư và tự vấn: liệu có phải từ trên bục giảng, mình đã “xui dại” một thế hệ “cả tin” để rồi họ chưng hửng, ngơ ngác trước sự thật phũ phàng của cuộc đời đầy bụi bặm, lừa lọc và dối trá, bịp bợm của một bọn đang thao túng quyền lực nhân danh “cách mạng”?”.

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và ngoài trời May thay, những “tự vấn” ấy tôi đã nhiều lần đưa ra với nhiều thế hệ học trò cũ từ Chu Văn An, Trưng Vương đến 10+3 Hà Nội, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt rồi các sinh viên khoá I của Khoa Triết Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 80 thế kỷ trước, đều nhận được cùng một câu trả lời: “Đó là một thời đáng nhớ sau khi đã thanh lọc gạt bỏ những dại dột, sốc nổi rất đáng yêu của sự vụng dại chân thành. Vì tính nhân bản, nền tảng của sự định hình tính cách của buổi ấy sẽ khẳng định ý nghĩa bền vững của chúng”.

Có những người như PXĐ đã trở thành bạn tri kỷ, gắn bó với tôi trong cả chặng đường dài cho đến tận hôm nay, cùng có mặt bên nhau trong những cuộc khảo sát xã hội học suốt dọc đất nước từ Lũng Cú-Hà Giang đến Năm Căn-Cà Mau.

Tôi nhớ đến NĐT trong một đêm mùa đông ở Matxcơva tuyết rơi rất dày, T đã lội bộ với một valy kéo, rồi phải vượt qua bốn trạm metro để đến thăm tôi và chuyển cho vợ tôi những món hàng mà Hà Nội đang chuộng! Khi làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ một tỉnh miền Trung, T đã thiết tha mời vợ chồng tôi ra nghỉ tắm biển, nhưng rồi chúng tôi không thu xếp được để đáp lại một tấm lòng tri ngộ.

Những hồi ức làm xao động trong tôi như những con sóng vỗ vào bờ rồi lại rút ra xa, chập chờn thao thức trong những đêm mất ngủ. Số phận đưa đẩy sao đó khiến tôi vùi sâu vào đam mê nghiên cứu. Tôi đã khởi xướng cùng anh Nguyễn Minh Quang thành lập “Tổ nghiên cứu Triết học” tại trường Chu Văn An mà cả hai chúng đều đam mê. Nhưng rồi sau đó anh Quang không thu xếp được thời gian nên chỉ còn mình tôi “đơn thương độc mã”.

Tuy thế tôi vẫn kiên trì với tập sách “Các phạm trù triết học biện chứng” để vừa đọc kỹ vừa đưa ra trao đổi với một số anh chị em ham thích triết học. Cho dù gắn bó với bục giảng và học trò, tiếng gọi thầm kín của đam mê nghiên cứu vẫn âm thầm giục giã nên khi có cơ hội, tôi chuyển về Viện Triết học. Và cũng chính ở đây, tôi nhận được một “ân huệ” của Viện: Công việc đang ngon trớn trong bốn, năm năm gì đó thì một hôm, bí thư Phạm H. gọi tôi đến trong một đợt “chỉnh đảng”: “Chắc “đồng chí” cũng nhận thức được rằng lý lịch và thành phần của mình không thích hợp với Viện Triết học, nơi từng là dinh luỹ của “Chủ nghĩa xét lại”, nay đang phải chỉnh đốn, tăng cường những “đồng chí vững vàng” để củng cố lại Viện. Mong đồng chí thông cảm, tìm một nơi thích hợp hơn”.

Tôi uất nghẹn im lặng không nói một lời. H. nói thêm những gì đó, chắc là an ủi động viên nhưng tôi không còn nghe thấy gì, tôi nói: “Vâng, tôi sẽ đi và đi ngay”. Trong đầu tôi ong ong lời cha tôi dạy về nuôi dưỡng cái chí khí hạo nhiên. Có thể là hình ảnh về sáchHạo nhiên hàm nghĩa mênh mông, như nước tràn bờ. Chắc là cha tôi muốn nhắc đến ý của Mạnh Tử, người quân tử sở dĩ hơn người thường là biết cách “thiện dưỡng hạo nhiên khí, khéo nuôi dưỡng cái khí hạo nhiên” (Kỳ vi khí dã, chí đại chí cương, dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc hồ thiên địa chi gian). Học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là: “Cái khí ấy rộng lớn mênh mông, rất cứng cỏi. Nếu mình sử dụng sự cương trực để bồi dưỡng nó mà dùng thì nó lan ra khắp trời đất”. [2]* Tôi cố gắng học và làm theo bản lĩnh cương trực của cha tôi, không một lời giải bày, trăn trở.

Tôi đến gặp anh Phạm Như Cương, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (hình như lúc ấy anh kiêm nhiệm Viện Triết học, lâu rồi tôi nhớ không rõ). Anh Cương biết tôi khá kỹ nên chỉ nói: “Nếu cậu đã quyết như vậy thì cứ đi đi. Nhưng nhớ rằng, bao giờ thuận lợi, cậu muốn trở lại Viện Triết học thì mình cũng sẵn sàng đón nhận”. Tôi hiểu tấm lòng của anh.

Trở về với mái trường đang sơ tán để đối phó với việc Mỹ mở rộng cuộc ném bom miền Bắc, tôi nhẹ lòng vì tình cảm của các bạn cũ dành cho mình. Anh Phảng tổ chức: “Cậu muốn về đâu để tớ bố trí. Anh Nguyễn Tuấn, Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ của Trường 10+3 Hà Nội, là bạn tôi, vốn là cán bộ của Thành uỷ Hà Nội: “Về với mình đi, về giúp mình, và ở đó anh có nhiều bạn hiểu anh”. Anh Phạm Thuỷ Ba đến gặp tôi khuyên nên về cùng trường 10+3 với anh ấy cho vui. Lại bắt đúng nhịp hoạt động của một thầy giáo, quấn quýt với trường lớp, với học trò.

Anh Phạm Thuỷ Ba và tôi được nhà trường ưu ái sắp xếp về nhà dân sau khi đã thoả thuận với bà con trong xã. Thế là trong ngôi nhà tranh đơn sơ và ấm áp của cụ Ba Bủng ở Linh Trung xứ Đoài nằm sâu ven đê sông Đáy có năm cây cau mọc thẳng hàng trước sân rất đẹp, lại hứng đủ nước mưa dùng đủ cả năm, ông bà chủ nhà dành cho chúng tôi nằm trên tấm phản đặt ở chái trên và ngồi làm việc ở ngay gian giữa có bộ tràng kỷ bằng tre để uống nước, tiếp khách. Cũng có nghĩa là chúng tôi được “chiếm dụng” cả ngôi nhà. Có lúc ngồi nói chuyện với bà cụ chủ nhà bên bếp lửa có nồi cơm đang sôi hay củ sắn lùi chủ nhà đãi khách. Dân, nghĩa tình của dân, là thế. Những xúc động chẳng nói được nên lời. Giờ đây lại xốn xang nhớ đến mái nhà cụ Bủng, nhớ đến con đê mỗi buổi chiều ra đứng ngóng về Hà Nội, nhất là những khi máy bay Mỹ ném bom Thủ Đô. Nhớ đến quặn ruột, nao lòng.

Có thể là hình ảnh về cỏ và thiên nhiênDịp ấy, Khoa Sinh của Đại học Tổng hợp được làm việc tại trường không đi sơ tán vì Phòng thí nghiệm có nhiều máy móc và lại phải có điện mới hoạt động được nên vợ con tôi vẫn ở lại căn hộ trên tầng hai góc khuất của trường Trưng Vương. Khi có báo động thì chui xuống gậm cầu thang xi măng!

Tình cờ chiều tối hôm ấy anh Rô đến chơi – vợ tôi nhớ kể lại chứ tôi thì quên bẵng, vì chuyện tránh máy bay thì lắm quá. Sau nhiều lần chạy xuống nấp gậm cầu thang rồi lại lên, lại xuống, lại lên… Mặc dầu biết rằng chúng nó sẽ “chơi” quyết liệt, chúng vừa ném bom Bệnh viện Bạch Mai xong, nhưng mệt quá rồi vợ tôi liều mạng vẫn nằm yên không “chạy” nữa, thằng con trai tôi vừa khúc khích đó đã quay ra ôm mẹ ngủ ngon lành. Tôi và anh Rô ngồi bên chai Vodka gần cạn đáy anh Nguyễn Tài Cẩn gửi cho.

Có thể là hình ảnh về ngoài trời Vốn không uống được Vodka vì nặng quá, ông bạn xứ Nghệ của tôi nhâm nhi một mình. Hết rượu, quay sang uống trà. Một lúc anh hỏi bâng quơ: “Nhà có hành muối không nhỉ?”. Vợ tôi bật dậy: “Em có”. Rồi cô lục lọi đâu đó đưa ra một lọ cà vừa ngâm dấm và chút muối đường, có tấm vỉ tre nén chặt. Anh Rô thú vị đón lấy: “Quá hay”. Lấy cán bút bật cái vỉ tre nén cà ra, rồi cứ thế, hai ngón tay anh thò vào lọ cà, kẹp ra từng củ nhai ngon lành. Ngồi giữa sàn nhà, chúng tôi nhâm nhi chén trà Thái, nhắm với… hành muối! Hết lọ hành, anh nhỏm đứng dậy: “Thôi mình về, cũng muộn rồi. Uỳnh oàng thế, bà Châu Anh và chúng nó lại lo”. Nhà anh tận Chợ Bưởi, phải đạp mất gần một tiếng. Tiễn anh ra cổng, thấy đường phố vắng lặng, tôi quay vào nằm thao thức nghĩ lan man thầm cảm ơn vợ tôi quý bạn, rồi ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau dậy sớm chạy ra cổng, gặp Đôn, chồng Mai Bích Ngọc: “Tối qua nó ném bom Khâm Thiên đấy anh ạ, ở đây chúng ta chẳng biết gì cả”. Tôi hoảng quá: “Khâm Thiên à”? Nhớ ngay đến Hoan, vợ Nguyễn Đình An, người bạn thân nhất của tôi đang ở Mặt trận Quảng Đà. An hơn tôi hai tuổi anh đi B năm 1968 (?), đến năm 1973 anh được ra Hà Nội chữa bệnh rồi quay lại mặt trận. Hai anh chị đã hẹn ước với nhau khi An đi B, nay tôi giục Có thể là hình ảnh về máy bay và bầu trờigiã họ làm đám cưới. Sau đó An cứ đi, mọi việc còn lại, vợ chồng tôi sẽ thu xếp. Vì biết anh tôi là Chủ nhiệm Khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện Việt Đức, Chị tôi là Chủ nhiệm Khoa Sản BV 108 nên An cũng an lòng. Khi An đang ở Quảng Đà thì Hoan sinh cháu Thuỷ. Vợ tôi đã kịp “cầu cứu” anh tôi có mặt ở Bệnh viện C, mẹ tròn con vuông, tôi vội báo vào cho An.

Thế đó. Để rồi hôm nay tôi phóng xe đạp lên Khâm Thiên. Vượt qua đường Trần Quốc Toản quen thuộc, băng qua Nguyễn Thái Học vắng tanh, lên đường đê La Thành nhộn nhịp khác với mọi lần, đạp một mạch đến Khâm Thiên. Len lỏi dắt xe tìm vào ngõ có nhà Hoan, sững sờ vì những bộ mặt thảng thốt, hốt hoảng đầy lo âu, tôi không nỡ chen lấn, đứng nép bên đường để hỏi thăm. Cuối cùng rồi cũng thở phào nhẹ nhõm khi nhận ra được người quen cho biết: “Nhà ấy không việc gì vì còn cách ngã tư đến mấy chục số nhà, từ ngã tư trở đi mới bị nặng, chẳng còn gì”. Ném xe đạp vào một ngõ cụt ở góc phố hẹp, len lỏi qua dòng người, tôi đến được nhà Hoan. Hai tiếng an lành lúc này sao mà nặng nề đến thế.

Chúng nó đã lật lọng. Tối 18 tháng 12, khi nhà đàm phán Lê Đức Thọ vừa về đến nhà thì những trái bom đầu tiên trong Chiến dịch Linebacker II ném xuống Hà Nội. Sau một ngày nghỉ Giáng sinh, đêm 26.12.1972 chúng ném bom ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh lân cận khi mà trước Noel chúng nó đã ném bom Bệnh viện Bạch Mai, san bằng một cơ sở chữa bệnh lớn nhất miền Bắc. Bệnh viện này bị ném bom bốn lần, trong đó trận bom ngày 22/12/1972 là thảm khốc nhất.

Có thể là hình ảnh về ngoài trờiTiếp đó, 26/12/1972, B52 ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên, 534 ngôi nhà bị san phẳng, 287 người chết trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ. Sáng 27/12/1972, máy bay Mỹ vẫn tiếp tục quần thảo trên bầu trời Hà Nội. Trong 12 ngày đêm Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971. Sau này tôi mới biết, lúc 22 giờ 47 phút, khu phố Khâm Thiên bị trúng ba vệt bom B-52 kéo dài từ Ô Chợ Dừa đến sát Công viên Thống Nhất, các loạt bom trùm lên cả hai bên dãy phố dài tới 1,2 km.

Trận đánh trả then chốt có tính quyết định khi các tiểu đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 8 chiếc B-52, trong đó có 4 chiếc rơi tại chỗ.Trong buồng lái (cockpit) của chiếc máy bay B-52 rơi xuống Tương Mai, ta đã Không có mô tả ảnh.thu được một chiếc cặp trong đó có chứa các tài liệu kế hoạch bay, lịch bay, đội hình bay, mục tiêu đánh phá của B-52 và bản đồ các mục tiêu, lộ trình bay kèm theo. Mãi đến gần đây, các tài liệu đó mới được tiết lộ. Như những thước phim quay chậm, những con người, những sự kiện cách nay gần nửa thế kỷ hiện dần lên, bao ưu tư da diết nỗi đau thầm lặng chẳng thể nào nguôi.

Và đương nhiên, chen vào đó là những giây phút tràn đầy niềm hứng khởi tuyệt vời không thể quên được của người Hà Nội hào hoa.

Đó là khi loa báo “Máy bay địch đã bay xa”, những cái đầu nhô lên sau khi gạt tấm bê tông tròn làm nắp đậy những hố cá nhân, tiếng cười nói râm rang: “Lên thôi chứ, còn làm mấy cốc bia. Mà phải nhanh lên chứ không xếp hàng được đến bia thì hết”… “Hai bố con tớ ngồi một hầm, chật quá, ê cả người, vọt lên được như lên tiên”… “Tớ đã bật nắp từ nãy, khi nghe tiếng tên lửa rít, chắc của mình, xem thử quân ta bắn thế nào, khoái vô chừng…”.

Vòng quanh đài phun nước ở ngã bảy gần kề nhà Thuỷ Tạ, người ngồi la liệt, hể hả với vại bia sủi bọt. Có ông ngồi chồm hỗm với hai, ba vại bia đặt trên nền gạch lát, giữa hai bàn chân. Chuyện râm ran, tam sao thất bản, chẳng sao, miễn vui cái đã: Nào là “Phi công ta sau khi phụt hai quả tên lửa trúng B52 rôi thì ngửa bụng máy bay vọt lên ngọn lửa B52 cháy, chui vào mây bay về căn cứ ngon ơ, các máy bay phòng vệ cho B52 cứ là giương mắt ếch lên nhìn”, một ông vừa nói vừa múa tay thị giảng, cứ như thể ông vừa chĩa ống kính máy quay phim lên trời mà quay cận cảnh điều ông vừa trình diễn.

Một anh chàng hứng khởi quá ngửa mặt lên trời hét to: “Chúng mày cứ bê năm hai nữa đi, có thêm bê năm ba nữa chúng ông cũng đếch sợ”. Cả “hội bia” người ngồi, người đứng nhiệt liệt vỗ tay. Có anh nhảy cẫng lên: “Mẹ chúng mày, cứ vào đây, chúng ông cho ăn kẹo đồng tên lửa Liên Xô loại mới còn gin”.

Đúng vào lúc thăng hoa vì bia, và vì niềm vui B52 bị tan xác trên bầu trời Thủ Đô, các “Gavơrốt Hà Nội” đã kịp mang lạc rang húng lìu từ các “lò” ở Tạ Hiền, Hàng Buồm, Hàng Cháo đến. Như một đám chim sẻ sà xuống, các chú nhóc đưa từng gói nhỏ lạc rang hình chóp nón nằm gọn trong lòng bàn tay cho những người say bia, tay móc tiền trả mà cứ rung bần bật: “Thôi, chú mày cầm cả, không phải trả tiền thừa”. Chú bé lạc rang cũng vui vẻ “sòng phẳng”, thò tay vào túi móc ra một nắm vừa viên bom bi, vừa mẩu đuyra từ xác máy bay bị bắn rơi vung vãi trên bầu trời Hà Nội rơi xuống “Biếu bác làm kỷ niệm”. Chú còn hứa: “Lần tới nếu B52 còn rơi, bác còn ra đây uống bia, cháu có thể còn tặng bác các tút đạn đại liên đặt trên nóc cầu Long Biên bắn trả máy bay Mỹ, rơi hay không thì còn kiểm chứng, nhưng “các tút” thì vãi ra như trấu. Khó khăn lắm cháu mới nhặt được mấy cái”. Một anh hỏi cà chớn: “Nếu chú mày kiếm được các tút của khẩu súng cài ở đuôi máy bay B52 nhằm hạ Mic 21của ta thì tớ sẵn sàng thầu tất cả lạc húng lìu của chú giá gấp mười lần để chú khỏi mất công bán từng gói”. Chú bé cười: “Cái ấy thì chịu. Chú hỏi cụ Nguyễn Tuân hay hỏi chuyện phi công Mỹ ở Hoả Lò xem sao”.

Chú nhóc “Gavơrốt Hà Nội” tỏ ra am hiểu nhiều thứ, kể cả chuyện nhà văn Nguyễn Tuân, một “con người Hà Nội thuần tuý chất Hà Nội từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng. Ông nhất định bám trụ Hà Nội không chịu đi sơ tán, đầu đội mũ phòng không, chiều chiều ung dung ngồi ở “quán bia Cổ Tân” gần Nhà Hát Lớn Hà Nội như chưa hề có sự hiện diện của “pháo đài bay” cùng những trận bom rải thảm!

Nhà văn Ngọc Trai trong cuốn Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân (NXB Hội Nhà văn, 2010) đã ghi lại lời tâm sự của cụ Nguyễn như sau: “Mình sống được như thế này là lãi rồi, cần trốn tránh làm gì nữa! Bây giờ mình “Sống mãi với Thủ đô” thôi” (tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng). Ông cự nự với ban Biên tập của Nhà Xuất bản khi họ muốn đổi tên sách của ông:

Ba cái anh duyệt bài là hay chúa suy diễn. Tôi không có đứng trên đứng dưới cái gì sất, chỉ có điều là tôi không chịu được cái gì chung chung. Tôi nói Hà Nội ta là Hà Nội của chúng ta đây! Hà Nội của ta đây! Tôi tự hào với cái Hà Nội của ta, thế có được không? Thế còn đánh Mỹ giỏi thì phải nói rõ ra là đánh Mỹ giỏi chứ chỉ đánh Mỹ thì ai biết ta đánh Mỹ như thế nào? Một cái tên sách, nó cũng là cái tên sách của tôi, sao ông cứ bắt tôi phải giống mọi người? Nếu ông làm biên tập mà cứ muốn gọt tôi cho tròn vo như vậy, không có cá tính không còn gì của riêng tôi nữa thì thôi, để sách đó, tôi không in nữa”.

Nói đánh Mỹ giỏi, Nguyễn Tuân có cách nói mạnh mẽ khúc chiết. Nhưng khi cần nói đến cái tinh tế, ông lại thật tinh vi tế nhị. Xin dẫn ra đây câu chuyện của Vũ Thư Hiên:

Nguyễn Tuân dừng lại hồi lâu trên hè, nhìn phố Hai Bà Trưng thưa thớt người đi lại vào sáng sớm tinh sương, ông nghiêng đầu nói khẽ với tôi:

– Anh có thấy Hà Nội buổi sáng mồng Một này thiếu cái gì không?

Tôi không cần động não để tìm câu trả lời. Câu hỏi được đặt ra chỉ là cái cớ cho câu trả lời đã có sẵn, chắc chắn là sẽ rất Nguyễn Tuân.

– Thiếu sương! – Nguyễn Tuân, mắt vẫn nhìn chung quanh, thở dài.- Anh không nhận ra cái sự thiếu ấy, tôi không trách. Anh còn quá trẻ. Ngày trước, sáng mồng Một bao giờ cũng có sương nhè nhẹ, không nhiều, một chút gọi là có, nhưng đích thực là sương. Nó bay là là, thoang thoảng, như có mà như không. Rét ngọt. Chỉ có trên các lá cây mới có sương hiển hiện, lâu lâu đọng thành giọt, rơi xuống mặt mình, có khi lọt cả vào cổ áo mình, rất là Tết. Đã mấy năm nay, vào ngày Tết mình cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó mà không biết là cái gì. Bây giờ mới hiểu ra: đúng là thiếu nó, thiếu sương.

Có thể là hình ảnh về 1 ngườiTôi bàng hoàng trước nhận xét của ông. Tôi nhớ đến những năm xa xưa khi tôi còn rất nhỏ. Đúng là Hà Nội những ngày đầu năm ấy sương la đà trên mặt đường, lẩn khuất trong những bãi cỏ, bụi cây.

– Thưa bác, có lẽ tại Hà Nội đông dân thêm, nhiều nhà máy nhiều xe cộ, thành thử cái tiểu khí hậu địa phương thay đổi, nhiệt độ do đó mà cao hơn trước!

– Đốt anh đi! Các anh bây giờ, đụng đến cái gì cũng vội vã chỉ ra nguyên nhân rồi dài dòng giải thích, cứ như chung quanh mình toàn một lũ thất học vậy. Các anh làm văn kia mà – không nhìn tôi, ông nhăn mặt cằn nhằn – Tôi là tôi đang nói cái có, tôi nói cái hiện hữu, nói cái cảm xúc mà cái hiện hữu ấy gây ra. Còn cái chuyện đi tìm cội nguồn của hiện tượng là việc của người khác.

– Thế là mất đứt cái anh sương xuân bảng lảng. Tiếc quá đi mất! – Nguyễn Tuân lại thở dài. Ông buồn thật sự.- Thiếu nó, Tết Việt Nam nghèo đi, mà không chỉ nghèo đi một chút đâu nhá, anh hiểu không? Đành vậy, sang năm phải tìm cách đón giao thừa ở ngoại thành, may chăng còn có thể gặp lại nó…”.

Tôi nhớ có lần từ một cuộc chiêu đãi của Đại sứ quán Pháp ra về, Nguyễn Tuân chống batoong thủng thỉnh đi bộ trên đường Bà Triệu để rồi rẽ sang đường Trần Hưng Đạo, về nhà. Tôi đi sau ông một quãng. Ở khúc rẽ, một thanh niên đi vội, chạm mạnh vào chiếc batoong của ông, bèn đứng lại xin lỗi rồi vội vã tiếp tục đi. Ông gọi giật lại “Này anh, đứng lại đã nào”. Chàng trai lúng túng ngạc nhiên, tưởng mình con phạm thêm lỗi gì nữa. Nhưng Nguyễn Tuân chỉ nhẹ nhàng và rất trang trọng: “Anh cho tôi hỏi, anh làm nghề gì, đang vội đi đâu à? Lâu lắm tôi mới được nghe một lời “Xin Lỗi”. Tôi cám ơn. Thôi, anh đang vội thì phải, vậy mời anh cứ đi đi”.

Có lần ngồi hầu chuyện “con người Hà Nội” ấy ở nhà anh Nguyễn Hồng Phong, chị Ngọc Trai chị ruột tôi thết khách món nộm Thanh Trà đặc sản Huế vừa nhận được. Ra về, cùng đi trên phố Lý Thường Kiệt. Vui chuyện cụ Nguyễn hỏi: “Này, anh khôn đấy, làm cái nghề xã hội học rất thú vị, đi đây đi đó khắp nơi, giống cái tạng tôi”. Tôi cười: “Bác biết không, có lần trên sông Đà, tôi nhớ “Tuỳ bút Sông Đà ” tôi đã nhắc đến đoạn Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất … và ông lái đò phải thọt gi… khi vượt thác đấy. Cả lũ cười vang. Cô Ph. đỏ mặt, cười không ra tiếng”.

Cụ Nguyễn cả cười!

Ngày 27. 10.2021. (CÒN TIẾP PHẦN III)

T. L.

Tác giả gửi BVN

Chú thích.

[1] Tôi chỉ nhớ có thế, anh chị nào nhớ được ai nữa xin ghi thêm vào đây.

[2] Cụ thân sinh của tôi có để lại một cuốn Hồi ký của Người viết bằng chữ Nho, lại viết thảo, rất khó đọc. Cụ Phan Đăng Tài đã cất công dịch ra chữ quốc ngữ cho dù mắt cụ đã mờ nhưng cái tâm của cụ lại rất sáng, chúng tôi trân trọng biết ơn tấm lòng của cụ, người em ruột của chí sĩ Phan Đăng Lưu, thân sinh của nhạc sĩ Hồng Đăng, bạn tôi. Nhà Hán học Trần Đại Vinh ở Huế đã cất công dịch lại và cho in trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. ISSN 1859-0152. Chuyên đề về sử liệu Việt Nam. Số 5 (103), 2013. Thật trùng khớp kỳ lạ: Hồng Đăng gọi điện cho tôi: Anh vừa kịp đặt lên bàn thờ cuốn Hồi ký đúng ngày Giỗ cụ thân sinh của anh.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.