Diễm Thi, RFA
2021-09-20
Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. AFP
Tháng 10 năm 2019, tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân, ông Thuận Hữu nêu nhiều lo ngại về vấn đề văn hóa, trong đó có mạng xã hội và lên tiếng rằng “mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai; chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay”. Phát biểu của ông Thuận Hữu lúc bấy giờ lập tức bị cư dân mạng “chửi” tiếp và chế lại chính câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng để chế giễu như “Mình phải có thế nào thì dân mới chửi chứ”…
Gần hai năm sau, ngày 16 tháng 9 năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư đến người dân thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những mất mát về sức khỏe, tính mạng của người dân thành phố trong đại dịch COVID-19. Ông Phúc khẳng định “gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân”, đồng thời kêu gọi tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn giữa chính quyền với nhân dân.
Đó là một câu rất hay, rất đúng. Nếu lãnh đạo đất nước có được nhận thức như thế, làm được như thế thì sẽ rất tốt cho dân cho nước và xứng đáng được nhân dân ghi công đức, được lịch sử biểu dương. Nhưng trong nhiều năm qua thực tế chứng tỏ lãnh đạo chưa làm được hoặc làm một cách lệch lạc.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Giáo sư Nguyễn Đình Cống bình luận về điều này qua email với RFA sáng 20 tháng 9:
“Đó là một câu rất hay, rất đúng. Nếu lãnh đạo đất nước có được nhận thức như thế, làm được như thế thì sẽ rất tốt cho dân cho nước và xứng đáng được nhân dân ghi công đức, được lịch sử biểu dương. Nhưng trong nhiều năm qua thực tế chứng tỏ lãnh đạo chưa làm được hoặc làm một cách lệch lạc. Vì sao vậy? Vì rất có thể họ nói thế nhưng nhận thức không đúng như thế, nói thế chỉ để tuyên truyền. Phải chăng thực tế họ chỉ xem dân như những người bị cai trị và phải đời đời nhớ ơn họ.
Lãnh đạo muốn biết ý kiến thật của nhân dân thì phải chấp nhận tự do ngôn luận, tự do báo chí hoặc ít nhất cũng chấp nhận đối thoại với những người phản biện. Tự do ngôn luận là một quyền quan trọng của công dân, được ghi trong Hiến pháp, nhưng chính quyền không cho thực hiện vì Quốc hội chưa làm luật. Đó là điều hết sức vô lý, chủ tịch nước các đời biết rõ nhưng không xúc tiến. Phải chăng là do nhận thức?!”.
Ông Võ Minh Đức, người từng là sĩ quan chính trị trong quân đội từ những năm 90, nêu quan điểm của mình với RFA:
“Từ xưa đến giờ, về mặt tuyên truyền, về mặt hình thức cũng như phát ngôn từ các quan chức thì vẫn nói ‘lấy dân làm gốc’. Họ luôn hô hào là tất cả ‘của dân, do dân và vì dân’ cho nên câu ‘Gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân’ cũng là một câu nằm trong xâu chuỗi đó thôi. Trong thực tiễn, tôi thấy họ ‘lấy dân làm thớt’ nhiều hơn. Nhiều chính sách không hợp lòng dân, làm mất niềm tin của dân.
Nếu hòa nhập vào quần chúng thì mới thấy người dân họ bức xúc như thế nào. Tôi không nói hết hơn 90 triệu dân, nhưng nói một cách công tâm thì ít nhất hơn 50% người dân không còn niềm tin. Họ mong có một sự thay đổi về lượng, về chất, chứ còn cứ ra rả tuyên truyền thì nói thật, ai nghe thì nghe chứ bản thân tôi thì không nghe.
Nếu hỏi tôi thì tôi sẽ trả lời là tôi mong muốn cái thể chế này, cái cơ chế này, cái môi trường sống này được thay đổi càng nhanh càng tốt”.
Niềm tin của dân vào Chính phủ bị cho là ngày càng ít do những phát ngôn bất nhất từ nhiều năm qua.
Cách đây đúng 36 năm, vào ngày 12 tháng 9 năm 1985, khi tin đồn đổi tiền được lan truyền ngấm ngầm trong dân chúng thì trang nhất báo Tuổi Trẻ có bài viết “Bẻ gãy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương…”. Hai ngày sau, Nhà nước có lệnh thu hồi tiền cũ và đồng loạt thay tiền mới.
Liên quan đến việc chống dịch COVID-19, có thể nêu một ví dụ cụ thể khiến dân không biết đâu mà lần. Hôm 6 tháng 7 năm 2021, Đài truyền hình quốc gia thông báo “Không hề có quyết định đóng cửa thành phố Hồ Chí Minh trong 10 đến 15 ngày như thông tin lan truyền trên mạng xã hội từ chiều qua”. Chiều tối ngày 7 tháng 7, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông báo áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9 tháng 7 năm 2021. Thời gian áp dụng 15 ngày.
Với những phát ngôn không đúng sự thật được chính quyền đưa ra như thế, niềm tin của người dân bị mai một, thậm chí mất đi ngày càng nhiều.
Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ bình luận với RFA về lời của ông Nguyễn Xuân Phúc:
“Trong lúc nhân dân ngán ngẫm cả hệ thống chính trị vì sách lược chống dịch sai lầm, dẫn tới sự thất vọng và niềm tin vào nhà cầm quyền đã không còn, vì chính quyền không thể che giấu sự yếu kém của mình trong đại dịch. Lời ông Phúc nói ta phải đặt trong bối cảnh đất nước bị thụt lùi về mọi mặt, nhất là đại dịch đã bày ra cho thiên hạ thấy Đảng Cộng sản không có khả năng lãnh đạo quốc gia vì yếu tố độc quyền về chính trị – nên ông Phúc nói bừa để trấn an dư luận, hay nói cách khác trấn an đảng của ông ấy.
Trên thực tế, ở Việt Nam, đâu có một cuộc điều tra xã hội thống kê về niềm tin trong Dân lớn ra sao? Nếu có, tôi tin ông Phúc cảm thấy tổn thương vì cái niềm tin đó do đảng ông ấy tự huyễn hoặc. Vì không có cuộc điều tra thực tế nên khẳng định lời ông Phúc nói là bịa đặt, vu khống”.
Để chứng minh cho nhận định của mình, nhà báo Phạm Minh Vũ kể rằng, trong một livestream của anh trên Facebook, đại đa số các comments đều phản bác lại lời các ông lãnh đạo nói, họ chỉ trích thẳng về vấn đề hỗ trợ của Chính phủ. Họ không còn đặt niềm tin vào Đảng, thậm chí khinh Đảng ra mặt.
Khi nhận định “Gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân” trong thư gửi người dân thành phố Hồ Chí Minh hôm 16 tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có nhiều kênh, nhiều cách để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, đáp ứng ở mức cao nhất, kịp thời nhất những nhu cầu của người dân trong khả năng cho phép của chính quyền, thấm nhuần quan điểm “không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau trong đại dịch”.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định với RFA qua email:
“Đối với chính quyền, dân có các loại với tâm tư, nhu cầu và niềm tin khác nhau. Chỉ tạm kể ba loại A, B, C. Loại A nhận được nhiều ưu đãi của chế độ, họ tin hoàn toàn vào chính quyền. Loại B là đại đa số người lao động phổ thông, nhu cầu của họ là được yên ổn làm ăn, họ tuân phục và sợ chính quyền, không dám trái ý chính quyền. Loại C gồm một số trong tầng lớp trung lưu, trí thức, họ cần các quyền tự do dân chủ, họ có một số ý kiến bất đồng với chính quyền và muốn phản biện, nhưng bị ngăn cấm, bị đàn áp.
Ông Phúc cho rằng cần có nhiều kênh, nhiều cách để nghe ý kiến dân. Từ trước đến nay chính quyền và Đảng chủ yếu chỉ thu thập ý kiến của dân loại A và một số dân loại B, còn những người loại C có ý kiến phản biện bị xem là thế lực thù địch. Thế thì ý kiến thu được chưa đại diện cho tầng lớp tinh hoa của dân mà chỉ là của những người được họ ban ơn hoặc bị họ khống chế, là ý kiến trong các buổi họp cử tri với thành phần được lựa chọn, là ý kiến do Mặt trận thu thập dưới sự giám sát chặt chẽ của tổ chức, v.v. Về mặt khoa học những ý kiến như thế không có giá trị”.
Bao nhiêu năm qua, dường như người dân không còn quan tâm nhiều đến những phát ngôn sai lệch, ngớ ngẩn của một số quan chức, nhưng với đợt dịch COVID-19 bùng phát, quyền lợi của từng người dân bị ảnh
Lời ông Phúc nói ta phải đặt trong bối cảnh đất nước bị thụt lùi về mọi mặt, nhất là đại dịch đã bày ra cho thiên hạ thấy đảng cộng sản không có khả năng lãnh đạo quốc gia vì yếu tố độc quyền về chính trị – nên ông Phúc nói bừa để trấn an dư luận, hay nói cách khác trấn an đảng của ông ấy.
Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ
hưởng nghiêm trọng thì những phát ngôn ‘trái sự thật’ lại bị người dân đem ra mổ xẻ.
D.T.
Nguồn: RFA Tiếng Việt