Cù Mai Công
Trưa 14-9, trước một con hẻm giăng lưới B40, rào kẽm gai chằng chịt nhiều lớp trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, có cảnh đau lòng: một bà cụ khoảng 65 tuổi quyết liệt vượt chốt ra ngoài bằng đôi tay gầy gò, đen đủi. Chiếc nón lá và bộ quần áo cũ mèm cho thấy bà là một người lao động nghèo, rất nghèo.
Không rõ bà ra ngoài làm gì, nhưng chắc chắn không phải là dạo chơi. Đường phố Sài Gòn lúc này vắng tanh, buồn thiu có gì để ngắm. Động tác vượt chốt rõ ràng bà đã có kinh nghiệm leo rào này nhiều lần: mặc quần ngắn để không vướng kẽm gai, ném chiếc bao nhựa ra ngoài trước rồi leo qua.
Ảnh: LÊ NGỌC HIỂN
Rào chắn là hình ảnh quen thuộc suốt mấy tháng nay ở TP.HCM với hàng vạn, mấy vạn rào. Chỉ nội Gò Vấp đã có hơn 3.000 con hẻm. Đủ kiểu, từ giăng dây, kéo kẽm gai cho đến bàn ghế cũ, xe đẩy, xe tải, bảng hiệu quảng cáo, cành cây, giàn giáo… Có gì rào nấy, hiệp đồng chủng loại mà ai cũng thấy.
Những rào chắn này nhằm siết chặt việc đi lại của người dân để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 “Ai ở đâu, ở yên đấy”; kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, giữ vững – mở rộng vùng an toàn. Vùng xanh, đỏ, vàng, cam gì cũng rào. Thoạt đầu các rào có công an, dân phòng ngồi trực, sau nhiều quá, nhân lực không đủ, rào cứng lại. Cũng có những rào chắn do chính người dân trong khu vực đó lập nên để bảo vệ cộng đồng dân cư của mình.
Tác dụng, hiệu quả thật sự của các rào chắn trong phòng chống Covid ra sao, cỡ nào thì có lẽ để ngành chức năng, chính quyền nói. Mà chắc cũng chỉ nói chung chung, chẳng hạn “đã góp phần ngăn chặn dịch lâu lan”, “nếu không, dịch sẽ bùng phát mạnh hơn, số người chết nhiều hơn”… Định tính thôi chứ ai định lượng nổi và “với cái nếu, người ta có thể bỏ cả Paris vào một cái lọ”.
Đó là mặt phải, còn mặt trái của nó ra sao thì ai cũng biết, biết nhiều lắm, bi hài lắm mà sau này, người ta sẽ nhớ mãi, sẽ kể cho nhau nghe, sẽ ghi lại… như kể về thời bao cấp thiếu đói sau 1975; như kể về một số cực đoan, sai lầm đau lòng hồi đấu tố địa chủ… Có gì trên đời này lại không có hai mặt.
Hơn ba tháng rưỡi giãn cách càng lúc càng thắt ngặt rồi, mưa nắng Sài Gòn khiến nhiều rào chắn tả tơi, xấu xí mắt người, quặn thắt lòng người. Covid cứ lòng vòng chính sách, quy định đi lại vùng xanh, đỏ, vàng, cam… dù thực tế vùng nào cũng rào chắn; cũng đủ cách kiểm soát như nhau, kể cả mấy quận thí điểm mở cửa. Tại sao? Sợ trách nhiệm?
Thực tế khác lắm, nhất là là những vùng ngoài trung tâm TP.HCM: hàng vạn hàng quán, sạp vỉa hè ở nhiều vùng đã tự mở cửa, mua bán thoải mái, không kiểm tra, quét mã gì hết. Tôi ghé một chợ nhỏ ở Phú Nhuận, bún bánh, thịt thà, nem rán, thuốc tây, thuốc lá… có đủ. Tôi mua dễ dàng một cây thuốc lá ở đó, chỉ có điều giá cao gấp rưỡi bình thường. Lắm siêu thị thì không cần nhà nước mở, khách lẻ mua thoải mái chứ không chỉ bán cho khách combo của phường, bộ đội, y tế… đâu. Anh em mình chắc không hiếm người đi rồi chắc rõ. Chỉ có điều giá cao.
“Nhà cách ly nhà” lý thuyết và thực tế khác nhau. Chủ quan cá nhân, tôi không nghĩ những phân chia vùng này nọ có hiệu quả lớn và thực chất trong việc kiềm chế Covid..
Giờ tình hình đang thay đổi khá nhanh chóng. Từ 29-8, sau một loạt cuộc đi đến nhiều phường xã ở TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.
Chiều 16-9, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác đặc biệt Chính phủ với TP.HCM về phòng, chống dịch COVID-19 sắp tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành không thể theo đuổi chiến lược “Zero F0”, các địa phương phải sẵn sàng tinh thần “sống chung” với dịch.
Mấy cái này thì rõ rồi. Vấn đề là người dân sẽ chủ động, ý thức tuân thủ nguyên tắc 5K hay dùng rào chốt tạo giãn cách như mấy tháng nay, càng lúc càng dày đặc, lớp mới chồng lớp cũ?
Hôm qua, 16-9, tại buổi họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn (…), hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam, nhưng không có ngân sách để cấp. Ngân sách dự phòng thì đã hết. Hiện phần tiết kiệm chi và một số khoản khác còn lại khoảng 14.620 tỷ đồng. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa”.
Ngân sách cạn tiền, dân cạn kiệt, mục tiêu tăng trưởng kép giờ xem chừng “đã xa rồi còn đâu”. Nguyên nhân thì ai cũng biết: mỗi nơi một kiểu giãn cách, rào chắn như các con hẻm, đường phố Sài Gòn mấy tháng nay; đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa tăng vọt trong khi thu nhập người may mắn thì giảm, người thất nghiệp thì trắng tay. Ba đợt hỗ trợ của TP.HCM tổng cộng 16.000 tỷ đồng cho năm bảy triệu người dân ở TP.HCM chủ yếu để “rau cháo qua ngày”.
Như status trước đã nói, sống chung với Covid là xu thế không thế cưỡng lại. Nhà nước lẫn dân giờ đã thật sự cạn tiền, âm vốn rồi. Vấn đề còn lại là sống chung cụ thể ra sao? Cụ thể hơn nữa, số phận mấy chục ngàn rào chắn ở TP.HCM lâu nay sẽ như thế nào?
Càng chậm trễ sống chung càng kiệt sức, tơi tả dân lẫn doanh nghiệp – như hình ảnh các rào chắn rệu rã ở TP.HCM hôm nay; càng tổn hại nghiêm trọng hơn nền kinh tế nước nhà. Sức người, sức của cạn kiệt thì chống dịch làm sao?
C.M.C.
Nguồn: FB Cù Mai Công