COVID & SÀI GÒN – HÀ NỘI

Huy Đức

Ngoài 500 nghìn liều Sinopharm cho Hải Phòng mượn, trong tổng số 5 triệu liều Sinopharm có được, Thành phố Hồ Chí Minh đã chia cho Bình Dương 1 triệu liều; Đồng Nai 500 ngàn liều (tỉnh này đang đề nghị thêm 500 ngàn); Long An 500 ngàn liều; Tây Ninh 200 ngàn liều.

Thái độ của người dân Sài Gòn với Sinopharm có thể cũng là một lý do. Nhưng tôi nghĩ, lãnh đạo Thành phố nhìn thấy vấn đề ở khía cạnh lớn hơn như thế.

Đầu tháng 6-2021, khi Đồng Nai quyết định cách li 21 ngày với những người về từ Sài Gòn, khủng hoảng nhân sự lập tức xảy ra cho Thành phố. Không chỉ 3 tỉnh giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… nếu nguồn cung ứng nhân lực và hàng hoá từ các địa phương khác không thể đến Sài Gòn, Thành phố sẽ bị cô lập và có khả năng tê liệt. Cả trong chống dịch, Sài Gòn không thể “sống sót” một mình.

Lâu nay, kết nối vùng diễn ra theo những quy luật tự nhiên của thị trường và xã hội. Giờ đây, các quy luật đó đang bị vô hiệu hóa bởi Covid, muốn cùng thoát ra khỏi dịch, cần có những nhà lãnh đạo nhận thấy, khởi xướng, để cùng chống dịch bằng sức mạnh của vùng.

Hy vọng, sau khi thiết lập được trạng thái bình thường, những lãnh đạo ít bị tác động bởi lợi ích cá nhân như Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận ra thêm, ngay cả các tỉnh đã không thể nào cát cứ, nói chi tới trong một đô thị lại có thể cát cứ từng phường, từng quận. Hy vọng là ông sẽ có cách tiếp cận mới hơn để xây dựng chính quyền đô thị ở Sài Gòn, coi Sài Gòn như đô thị. Hy vọng ông cũng có hướng xử lý cái “quái thai” được gọi là “thành phố Thủ Đức”, một kiểu tư duy hành chánh và phân chia dự án như thời nhập Hà Tây vào Hà Nội.

Chính quyền TP HCM không phải ban đầu không có những sai lầm, rất tiếc là Hà Nội đi sau đã không hề rút ra những bài học mà TP HCM đã sửa.

Chiều qua, người ta cho khóa kín ngõ 56 Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai, nơi có 10 gia đình đang sống. Và, hơn hai tuần trước, một hàng rào tôn được dựng lên trong đêm, dài 200m, cách ngăn thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) với phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Rất may là nó chỉ tồn tại không quá 50 tiếng.

Con Covid và cả cư dân đô thị không bao giờ phân biệt ranh giới phường hay quận. Trên cái ngõ 54 Ngọc Hồi từng bị ngăn cách bởi bức tường tôn ấy, dân chúng từ bên này đường có thể sang bên kia mua tạp hóa hay mua thuốc khi ốm đau, họ không quan tâm là đang đi từ quận Hoàng Mai qua tới Thanh Trì. Có khi cùng quận cùng phường mà xa vùng dịch hơn là người cư ngụ trên phần đất của phường và quận khác.

Sở dĩ Hà Nội bị băm nát như hiện nay còn vì sự sợ hãi và máy móc của lãnh đạo quận, phường. Khi cấp trên nói “phường xã là pháo đài”, thay vì hiểu theo nghĩa phải đảm bảo tính vững chắc của những vùng an toàn, lại hiểu rất… thành thật, “pháo đài là lô cốt”. Khi lãnh đạo cấp trên bắt đầu tính đến việc tham khảo những bài học chống dịch của nước ngoài, lãnh đạo cơ sở có lẽ đã dịch tiếng Anh “lockdown” là… khóa tuốt.

Xin nói chuyện trách nhiệm các quyết sách đưa ra từ Trung ương vào một dịp khác để ta trở lại với Hà Nội – Sài Gòn.

Nhìn những làn xe containers nối đuôi nhau chờ xét giấy ở Pháp Vân, tự hỏi, sao Hà Nội không nhìn thấy dòng hàng hóa đang lưu thông đó là một phần trong nhịp sống của mình. TP HCM chia sẻ vaccine với các tỉnh giáp ranh không phải là một lựa chọn khó khăn. Cái khó khăn lớn hơn là không để tư duy mình bị lô cốt hóa trong một địa phương, không đặt lên đầu mình cái ghế.

Cầu mong Hà Nội không phải đối diện với thảm họa như Sài Gòn. Nhưng, hãy nhớ “thành tích” chống dịch năm qua, để thấy, không phải nơi nào dịch không tàn phá cũng do những gì bây giờ đang làm là đúng.

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San

This entry was posted in Quản lý nhà nước trong đại dịch, Đại dịch virus Vũ Hán. Bookmark the permalink.