Lý Quang Diệu viết về Bắc Triều Tiên

Nguồn: Lee Kuan Yew (2013). “North Korea: A Grand Hoax”, in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 137-146.

Biên dịch và Hiệu đính: Tống Thị Thanh Duyên

Bài liên quan: Các phần khác của cuốn One Man’s View of the World

BẮC TRIỀU TIÊN: Một cú lừa ngoạn mục

Tôi chưa bao giờ đến Bắc Triều Tiên. Tôi chưa bao giờ cảm thấy phải đến nơi ấy. Đó là một quốc gia bất thường bậc nhất. Ngay cả ở Trung Quốc, dân chúng cũng được sống với những quyền cơ bản nhất định. Ở Bắc Triều Tiên, người dân bị trấn áp hoàn toàn và cách ly triệt để khỏi thế giới bên ngoài. Nếu nói rằng nhà Kim đã xây nên nạn sùng bái cá nhân thì đó vẫn là một sự nói giảm trầm trọng. Để mê hoặc người dân Triều Tiên, gia tộc Kim đã trở thành những người bán thần thánh.

Người dân kính sợ gia tộc đó, không nhận thấy rằng họ thực ra đang sống trong một trò lừa đảo. Tất cả những người đàn ông và phụ nữ trông nghiêm nghị diễu hành qua đều là một phần của một trò lừa lớn. Khác xa một thiên đàng xã hội chủ nghĩa trên trái đất, Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia được cai trị tệ nhất thế giới, thất bại với cả những nghĩa vụ cơ bản nhất, ví dụ như đảm bảo cho người dân được đủ ăn.

Cách họ xoay xở để duy trì một cú lừa ngoạn mục như vậy trong thời đại giao tiếp tức thời ngày nay bản thân nó là một điều khá ấn tượng.

Họ không có iPhone hay truyền hình vệ tinh. Nếu họ có, trò lừa đảo này sẽ không thành. Một vài người Bắc Triều Tiên cuối cùng đã đi khỏi đất nước và thấy được rằng thế giới – và, đặc biệt là Nam Hàn – đã phát triển đến đâu và đất nước của họ đã bị bỏ xa đến thế nào. Nhưng những người này chỉ là thiểu số. Họ là những người thấy rằng cuộc sống của họ đã quá mức chịu đựng đến mức họ sẵn sàng đặt mình vào một mối nguy hiểm lớn khi cố gắng trốn sang Trung Quốc hay Nam Hàn. Một vài người đã thành công. Nhiều người khác thất bại. Những người thành công biết rằng họ đã trốn thoát trong gang tấc. Họ đặt mạng sống của mình vào tình thế đương đầu với sóng to gió lớn trên những con thuyền gỗ hay đi đường bộ với nguy cơ bị lính biên phòng bắt được. Ngày mà phần lớn người dân Bắc Triều Tiên nhận ra điều tương tự – rằng đất nước của họ bị mắc lại trong những tháng năm đen tối bởi chế độ hiện tại – thì sẽ là sự bắt đầu cho ngày tàn của chế độ này.

Không may thay, có lẽ đã quá muộn để chế độ Bắc Triều Tiên cải tổ chính mình. Họ đã đến điểm không thể quay đầu lại nữa.

Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục họ thay đổi từ từ – đưa lãnh đạo của họ đến những nơi như Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến để cố thuyết phục họ rằng có cách để giải quyết tận gốc vấn đề mà không làm mất đi quyền lực. Nhưng Bắc Triều Tiên là một chủ thể rất khác với Trung Quốc. Nó giữ được sự thống nhất bằng sự sùng bái, và nếu tượng đài sùng bái này sụp đổ – điều không thể tránh khỏi khi anh mở cửa với thế giới và tiến hành những cải cách thị tường tự do – đất nước sẽ sụp đổ theo. Người dân Bắc Triều Tiên sẽ thức tỉnh trước sự thật rằng họ đã bị lừa hàng thập kỷ. Họ sẽ thấy họ khờ dại biết bao khi bị gia tộc Kim mê hoặc, khi tin tưởng rằng như vậy sẽ khiến họ trở thành quốc gia tuyệt vời nhất thế giới. Họ sẽ thấy một Nam Hàn giàu có và thịnh vượng. Mở cửa đơn giản là sẽ không thành công.

Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi cuộc sống cá nhân và tự do của những lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng sẽ bị đe dọa, bởi vì trong quá khứ họ đã ra lệnh thực hiện những tội ác mang tính quốc tế, bao gồm ám sát các chính trị gia Nam Hàn, bắn hạ máy bay chở khách ở vịnh Andaman và bắt cóc công dân nước ngoài, gồm một số người Nhật. Một số những lãnh đạo này sẽ chết, nhưng số còn sống sẽ đối mặt với viễn cảnh phải trả giá bởi vì những hành động này chắc chắn được thực hiện với sự tán thành của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nếu như không phải là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của họ.

Trong tương lai gần, hiện trạng ở bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng được giữ nguyên. Không có một thế lực nào đủ mạnh để có thể chuyển thế cân bằng từ bên này sang bên kia. Gần như tất các các phe phái có quyền lợi tự thân trong vấn đề Triều Tiên, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, đều không muốn cả chiến tranh lẫn tái thống nhất hòa bình diễn ra – ít nhất là không phải trong ngắn hạn. Các rủi ro lợi ích đơn giản là quá cao.

Bắc Triều Tiên sẽ không muốn lặp lại những gì họ đã làm vào năm 1950 – tức là gây một cuộc chiến tranh để chiếm lấy Nam Hàn. Họ biết họ không thể nào hy vọng đánh thắng Mỹ, nước vì những lý do chiến lược sẽ huy động toàn bộ lực lượng quân sự cần thiết để bảo vệ Nam Hàn khỏi một cuộc tấn công như vậy.

Nhưng thậm chí nếu không có Mỹ, Bắc Triều Tiên cũng sẽ không chiếm ưu thế trong một cuộc đối đầu tay đôi với Nam Hàn. Họ có thể theo đuổi một chính sách ưu tiên quân sự toàn diện, nhưng Nam Hàn có những lợi thế áp đảo về tài lực kinh tế cần thiết. Việc tin rằng vũ khí là tất cả những gì cần có trong chiến tranh là một sai lầm tương tự người Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến. Người Nhật đã nghĩ họ có thể phá hủy hạm đội của Mỹ và củng cố một lợi thế mang tính quyết định trong chiến tranh. Nhưng tiềm lực sản xuất công nghiệp của Mỹ mạnh đến nỗi họ có thể xây dựng lại hạm đội và còn hơn thế nữa. Họ không mất nhiều thời gian để quay lại và trừng phạt Nhật Bản. Rốt cuộc thì chính tiềm năng công nghiệp là thứ quyết định sức mạnh quốc gia của anh chứ không phải là số tàu thuyền và súng ống mà anh có. Nếu anh có vũ khí nhưng không được hỗ trợ bởi một nền tảng kinh tế vững chắc, anh có thể sẵn sàng hơn cho chiến tranh, nhưng đó sẽ là cuộc chiến mà anh không có khả năng duy trì. Bắc Triều Tiên sẽ hiểu rõ điều này. Họ không phải là những kẻ ngốc.

Trong những năm gần đây, Bắc Triều Tiên đã thực hiện những hoạt động quân sự hung hăng, bắn chìm chiến hạm Cheonan của Nam Hàn và nã pháo vào đảo Yeonpyeong. Tổng cộng 48 người Nam Hàn đã bị giết trong hai vụ này. Những hành động khiêu khích này phản ánh kiểu chính sách “bên miệng hố chiến tranh” vốn thể hiện rõ ràng trong chính sách của họ về vũ khí hạt nhân. Nhưng tôi tin rằng Bắc Triều Tiên, trái ngược với tất cả những biểu hiện điên rồ bên ngoài của họ, nhận thức được rằng có một ranh giới mà họ không nên vượt qua. Có vẻ như họ đã điều chỉnh hành động của mình để chưa tới mức sẽ gây nên sự trả đũa gay gắt. Và họ làm thế nhằm giành được những lợi ích tối đa trong nước. Như vài nhà phân tích đã chỉ ra, đó có thể là một cách tiện lợi để nâng cao uy tín chính trị và quân sự của người thừa kế ngai vàng, Kim Jong-un.

Tương tự, Nam Hàn sẽ không muốn thấy bất kỳ một động thái kịch tính nào hướng đến việc tái thống nhất. Chiến tranh là quá rủi ro bởi thủ đô Seoul nằm trong tầm pháo của Bắc Triều Tiên. Nên cho dù Nam Hàn có thể thắng trận, thủ đô của nó có thể bị phá hủy trong quá trình giao tranh. Và xấp xỉ một phần năm người dân Nam Hàn sống ở Seoul. Nhưng tái thống nhất hòa bình có lẽ cũng không được Nam Hàn hưởng ứng. Trong khi tái thống nhất là khao khát dài lâu của họ và cũng là mục tiêu cuối cùng, Nam Hàn đã xác định rằng cái giá về mặt kinh tế cho một đất nước Triều Tiên được thống nhất nhanh chóng – ví dụ như qua một thỏa thuận chung – sẽ rất khủng khiếp đối với Nam Hàn, đến mức họ muốn trì hoãn nó trong thời gian trước mắt. Vấn đề dành cho họ lớn hơn hai hoặc ba lần so với vấn đề của Đông Đức đối với Tây Đức, đơn giản là vì Bắc Triều Tiên đang ở trong một tình trạng tệ hơn Đông Đức rất nhiều. Và cần phải chú ý rằng nước Đức hiện giờ vẫn tiếp tục chịu đựng ảnh hưởng của việc tái thống nhất. Nói rằng “Hãy thống nhất với nhau” là một chuyện. Nói rằng “Tôi sẽ tiếp tục nuôi anh qua hàng thập kỷ cho đến khi anh chạm tới được mức sống của tôi” là một chuyện khác. Nam Hàn sẽ thích Bắc Hàn mở cửa từ từ ra thế giới hơn, và độ trễ thời gian lâu hơn – có lẽ là hàng thập kỷ – từ khi bắt đầu những cải cách đó cho tới khi sự thống nhất thực tế với Nam Hàn diễn ra.

Cuối cùng, Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai cường quốc đã đánh nhau trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Triều Tiên vào thập kỷ 1950, cũng không phải không hài lòng với hiện trạng của bán đảo Triều Tiên. Mọi thứ có thể còn tệ hơn thế. Người Mỹ gần đây mới thoát ra khỏi hai cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan và không ham muốn chiến tranh gì thêm nữa. Mặc dù không ai nghi ngờ cam kết của họ với việc bảo vệ Nam Hàn nhưng họ hy vọng tình thế sẽ vẫn yên ả trong nhiều năm nữa.

Trung Quốc cũng không muốn chứng kiến sự tái thống nhất bằng chiến tranh hay hòa bình. Trung Quốc coi Bắc Triều Tiên như một nước đệm. Một Triều Tiên thống nhất sẽ là một đất nước bị chi phối bởi Nam Hàn, với quân đội Mỹ có thể được phép di chuyển lên tới tận sông Áp Lục ở biên giới Trung-Triều. Sự có mặt của quân đội Mỹ ở cửa nhà mình là một viễn cảnh khó chịu – và đây là điều đầu tiên đã kéo họ vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng ngay cả khi Mỹ đồng ý rời Triều Tiên sau tái thống nhất – và đây là một giả thiết khó xảy ra – thì người Trung Quốc cũng sẽ không xem việc tái thống nhất là một tin tốt lành. Tại sao họ lại muốn một Triều Tiên hùng mạnh ngay ở biên giới của họ chứ? Nhìn chung, anh ở một tình thế thoải mái hơn khi hàng xóm nhà anh vẫn còn bị phân mảnh.

Vì thế tình thế như hiện nay không phải là không ổn định. Tất cả các bên sẽ hành động rất, rất thận trọng. Vấn đề Triều Tiên có thể tồn tại mười hay hai mươi năm nữa tính từ bây giờ, với gần như không có gì thay đổi. Sớm hay muộn, chế độ Bắc Triều Tiên sẽ bục ra từ bên trong vì hệ thống của họ rốt cuộc không thể chống đỡ được nữa. Nhưng gia tộc Kim sẽ làm tất cả những gì có thể để chắc chắn việc này sẽ xảy ra muộn chứ không phải sớm. Và cái muộn này có thể tốn một thời gian dài. Một sự đột phá sẽ xảy ra khi giao tiếp với thế giới bên ngoài trở nên dễ dàng hơn đối với những người dân Bắc Triều Tiên bình thường.

Trong lúc chờ đến lúc đó, Bắc Triều Tiên đang tự biến mình thành một mối đe dọa quốc tế khi theo đuổi vũ khí hạt nhân. Đối với việc này, Trung Quốc là bên duy nhất có ảnh hưởng tới Bắc Triều Tiên, và Trung Quốc đã không thành công trong việc thuyết phục họ từ bỏ vũ khí. Bắc Triều Tiên tin rằng có được vũ khí hạt nhân là yếu tố sống còn để chế độ sống sót. Họ không hoàn toàn tin tưởng Trung Quốc bởi vì họ đã thấy Trung Quốc tiếp cận Nam Hàn nhanh thế nào khi Trung Quốc muốn công nghệ và đầu tư của Nam Hàn. Bắc Triều Tiên có thể sẵn sàng cất vũ khí hạt nhân của họ vào tủ kính và đập vỡ mặt kính để lấy nó ra chỉ trong trường hợp khẩn cấp – miễn là, chắc chắn rồi, họ tiếp tục nhanh chóng nhận được viện trợ quốc tế khi họ yêu cầu. Nhưng từ bỏ nó là điều không thể.

Tôi đặt mình vào vị trí của Bắc Triều Tiên và sẽ có những tính toán sau: Trung Quốc sẽ gây áp lực lên tôi, nhưng nếu tôi thất bại thì họ cũng chẳng có lợi lộc gì. Vậy tại sao tôi phải nghe theo Trung Quốc? Kinh nghiệm ở Libya có thể đã thuyết phục họ rằng bám vào vũ khí là có lợi nhất. Muammar Gaddafi của Libya đã nhượng bộ những đòi hỏi của phương Tây và từ bỏ vũ khí hạt nhân, chỉ để thấy rằng khi nổi loạn trong nước diễn ra thì không có gì ngăn cản Pháp hay Hoa Kỳ tham gia vào cuộc xung đột để ủng hộ phe nổi dậy. Kết cục là Gaddafi đã bị quân nổi dậy xử tử chóng vánh vào tháng 10 năm 2011, một sự kiện hẳn là đã làm những thành viên của nhà họ Kim rùng mình.

Khi Bắc Triều Tiên lung lay thì Nam Hàn sẽ vẫn trên con đường phát triển. Nó đã rất phát triển và có thể tiếp tục như thế trong nhiều năm nữa. Nó mở cửa với thế giới và đặc biệt là với Trung Quốc, lợi dụng triệt để thị trường và nguồn lao động của người hàng xóm khổng lồ. Khi tôi thăm Nam Hàn cách đây vài năm, mọi thương gia mà tôi gặp đều có mối làm ăn ở Trung Quốc. Người Triều Tiên cũng chiếm số đông nhất trong số sinh viên nước ngoài, học ngôn ngữ và xây dựng những mối liên hệ quan trọng, hay còn họi là guanxi (quan hệ), cho tương lai. Việc họ sẵn lòng gắn mình vào câu chuyện tăng trưởng thành công nhất của thế kỷ này sẽ mang lại cho họ một lực đẩy mạnh mẽ.

Nam Hàn đã dẫn đầu thế giới trong một số ngành sản xuất, bao gồm màn hình LED. Những chaebol của họ – Samsung, LG và Hyundai, và những tên tuổi khác – có thể cạnh tranh được với các tập đoàn đa quốc gia thành công nhất thế giới, và họ rất mạnh trong lĩnh vực Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Đối với một nền kinh tế đang nổi lên với dân số 50 triệu, những gì họ đạt được thực sự rất ấn tượng.

Người Triều Tiên là một trong những dân tộc kiên cường nhất trong khu vực của họ vì Triều Tiên là nơi các bộ lạc xâm lăng của Mông Cổ phải dừng chân. Họ gặp khó khăn khi vượt biển để xâm lược Nhật Bản và nhiều người phải định cư ở Triều Tiên. Và vì thế người Triều Tiên mang dòng máu của những chiến binh táo bạo nhất đến từ Trung Á. Họ rất bền bỉ. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta tiếp tục nhìn thấy tính cách đó ở họ. Hơn nữa, họ có một dân số được giáo dục tốt, những người siêng năng, chăm chỉ và có ý thức thi thố. Họ sẽ duy trì được những đức tính tốt của mình.

Nhưng những thành tựu trong quá khứ không đảm bảo cho thành công ở tương lai. Nam Hàn cần phải vượt qua một vài rào cản trong xã hội của họ để tiếp tục tiến lên.

Đầu tiên, quốc gia này cần phải theo dõi sát sao khuynh hướng dân số tổng thể của họ. Mức sinh thấp nhưng Nam Hàn đang chấp nhận người nước ngoài hơn so với Nhật Bản, đó là một lợi thế rõ ràng. Họ phải tiếp tục tìm cách lấp đầy số trẻ bị thiếu hụt để đảm bảo đất nước đi lên về dài hạn.

Thứ hai, nếu có một sự đồng thuận lớn hơn về bước đường phía trước của đất nước thì sẽ hữu ích hơn nhiều, thay vì những đấu tranh nội bộ triền miên đã quấy đảo Nam Hàn nhiều hơn so với ở những xã hội khác. Ví dụ, tranh cãi giữa các đảng phái chính trị về vai trò của các chaebol – và liệu chính phủ có nên bòn rút chúng nhiều hơn để tái phân phối lại của cải hay không – đang khiến một vài tập đoàn xem xét việc dời nhiều hơn nữa những hoạt động của họ ra nước ngoài. Những cãi vã này làm tiêu hao năng lượng và tài nguyên của xã hội. Nam Hàn có thể còn mạnh hơn nữa nếu người dân của nó, thay vì thế, thống nhất với nhau và nói rằng, “Hãy cùng nhau tấn công vào thị trường toàn cầu”.

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Ly Quang Dieu ve Bac Trieu Tien.pdf

Nguồn bản dịch: nghiencuuquocte.org

This entry was posted in Bắc Hàn. Bookmark the permalink.