Hạ chuẩn Tiến sĩ và những tác hại

Nguyễn Ngọc Chu

1. ĐỘ KHÓ CÔNG BỐ QUỐC TẾ CỦA CÁC NGÀNH

Khoa học không có biên giới. Một cách tổng quát, không thể so sánh độ khó công bố quốc tế của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Lĩnh vực nào cũng khó công quốc tế vì chuẩn quốc tế thường cao hơn chuẩn quốc gia. Ở các tạp chí đòi hỏi hàm lượng khoa học cao thì càng khó công bố. Cũng không thể nhận định là quốc gia này dễ công bố quốc tế hơn quốc gia khác. Các tạp chí khoa học không có tiêu chí chủng tộc, tôn giáo. Cho nên, nhận định nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam khó công bố quốc tế hơn khoa học tự nhiên của một số người là một nhận định phi khoa học và sai lầm. Nhận định này không xuất phát từ những người nghiên cứu khoa học xã hội chân chính. Nhận định này là của những người “giả nghiên cứu” khoa học xã hội.

Ngược lại, biên độ đánh giá một số nghiên cứu trong khoa học xã hội có các tham số không định lượng, nên rộng hơn, “mờ” hơn – so với các môn khoa học tự nhiên có các tham số cụ thể. Ở phương diện này, vì thước đo khó thống nhất, biên độ đo mềm dẻo, rộng hơn, “mờ hơn”, nên quy định chấp nhận mềm dẻo hơn.

Ở mặt khác, có những nghiên cứu về đặc thù dân tộc, vùng miền, có những nghiên cứu dựa trên số liệu quốc gia, địa phương – khó đánh giá, nên dễ được chấp nhận. Minh chứng cho luận điểm này là các luận án tiến sĩ bảo vệ ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây, nhưng đề tài về Việt Nam và liên quan đến Việt Nam.

Tương tự như vậy là các nghiên cứu liên ngành. Giữa cơ học và toán học. Giữa sinh học và hoá học. Giữa kinh tế và công nghệ thông tin… Biên độ đánh giá các nghiên cứu trong các lĩnh vực liên ngành thường rộng hơn, “mờ” hơn.

Cho nên ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học xã hội không phải là khó công bố quốc tế hơn nghiên cứu khoa học tự nhiên.

2. VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ CÔNG BỐ QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC KHOA HỌC XÃ HỘI Ở CÁC NƯỚC

Trên thế giới có nhiều tổ chức xếp hạng về công bố khoa học của các nước. Cho nên vị trí xếp hạng của các nước và các trường đại học có thể thay đổi tuỳ theo tổ chức xếp hạng. Nhưng nói chung, các xếp hạng này phản ánh tương đối đúng vị thế khoa học của các nước.

Về các công bố có chỉ số Scopus, theo xếp hạng của tạp chí SCImago (SCImago Journal & Country Rank) giai đoạn 1996-2019 thì Mỹ luôn là nước dẫn đầu. Thứ tự xếp hạng của top 5 năm 2019 là: Mỹ (748 908 công bố), Trung Quốc (716 540), Vương quốc Anh (234 637), Đức (210 340), Ấn Độ (206 648).

Nhưng năm 2020 Trung Quốc đã chiếm vị trí số 1 của Mỹ. Thứ tự xếp hạng top 5 năm 2020 là: Trung Quốc (788 287), Mỹ (766 789), Vương Quốc Anh (249 408), Ấn Độ (217 771), Đức (216 474).

Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển rất nhanh về số lượng các công bố khoa học quốc tế mà không một nước nào sánh được. Hãy thử xem sự tăng tốc các công bố quốc tế của Trung Quốc: 30 856 (1996, thứ 9), 51 575 (2000, thứ 6), 171 402 (2005, thứ 2), 344 233 (2010), 464 400 (2015, thứ 2), 788 287 (2020, thứ 1). Số lượng công bố quốc tế của Trung Quốc năm 2020 tăng gấp 25,54 lần năm 1996.

Về công bố quốc tế khoa học xã hội của Trung Quốc: 276 (1996, thứ 21), 574 (2000, thứ 17), 1 561 (2005, thứ 11), 10 049 (2010, thứ 3), 12 191 (2015, thứ 3), 26 151 (2020, thứ 3). Như vậy công bố quốc tế khoa học xã hội của Trung Quốc năm 2020 tăng gấp 94,75 lần năm 1996.

Về công bố quốc tế khoa học nghệ thuật và nhân văn của Trung Quốc: 92 (1996, thứ 27), 218 (2000, thứ 17), 514 (2005, thứ 14), 2 168 (2010, thứ 10), 2 583 (2015, thứ 10), 5 251 (2020, thứ 6). Như vậy công bố quốc tế khoa học nghệ thuật và nhân văn của Trung Quốc năm 2020 tăng gấp 57,07 lần năm 1996.

Về các trường đại học, theo xếp hạng năm 2021 của Times Higher Education thì top 5 là: Oxford (Anh), Stanford (Mỹ), Harvard (Mỹ), Viện công nghệ California (Mỹ), Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ). Trung Quốc có đại học Thanh Hoa (ĐHTH) xếp thứ 20 và đại học Bắc Kinh (ĐHBK) xếp thứ 23.

Về đại học Bắc Kinh: khoa học xã hội – thứ 17, nghệ thuật và nhân văn – thứ 28, giáo dục – thứ 11, tâm lý – thứ 80.

Về đại học Thanh Hoa: khoa học xã hội – thứ 34, nghệ thuật và nhân văn – thứ 56, giáo dục – thứ 7, luật – thứ 41.

Về công bố khoa học của các trường đại học giai đoạn 2013-2016, theo xếp hạng của Umultirank thống kê các công trinh có chỉ số trong dữ liệu của Web of Science, thì top 5 gồm: ĐH Harvard (Mỹ), ĐH Toronto (Canada), Johns Hopkin (Mỹ), ĐH Michigan (Mỹ), ĐH São Paulo (Brazil).

Trong top 25, Mỹ có 11 trường, Vương Quốc Anh có 4 trường, Trung Quốc có 4 trường, Australia có 2 trường, còn lại 1 trường là các nước Canada, Brazil, Nhật, Hà Quốc. 4 trường của Trung Quốc là: ĐH Giao thông Thượng Hải – thứ 9, ĐH triết Giang – thứ 11, ĐH Thanh Hoa – thứ 15, ĐH Bắc Kinh – thứ 17.

Nêu ra bảng xếp hạng về công bố khoa học quốc tế của các nước và các trường đại học, nhất là nước láng giềng Trung Quốc, để thấy Việt Nam còn cách biệt như thế nào, mà có biện pháp phù hợp.

3. THỰC TẾ CÔNG BỐ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM KHẲNG ĐỊNH TƯƠNG LAI RỘNG MỞ CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC XÃ HỘI

Từ sau khi Quy định đào tạo tiến sĩ năm 2017 của Bộ GD&ĐT ra đời, yêu cầu phải có công bố quốc tế, thì số lượng công trình khoa học công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng vọt cùng với sự thay đổi thứ hạng. Dưới đây là thống kê và thứ hạng các ngành khoa học Việt Nam có công bố quốc tế chỉ số Scopus theo xếp hạng của tạp chí SCImago cho năm 2015 và năm 2020 (Xem ảnh).

Không có mô tả ảnh.

Từ bảng thống kê trên, thì rõ ràng khoa học xã hội và khoa học nghệ thuật và nhân văn có sự tiến bộ vượt bậc về số lượng và thứ hạng sau khi có yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế trong đào tạo Tiến sĩ.

Cụ thể, so sánh năm 2020 với năm 2015 thì khoa học xã hội tăng 20 thứ bậc và số lượng công bố quốc tế tăng gấp 6,75 lần. Khoa học nghệ thuật và nhân văn cũng tăng 13 bậc và gấp 4,61 lần về số lượng công bố quốc tế.

Không có ngành khoa học nào không tăng vọt số lượng công bố quốc tế sau khi thông tư 08/2017 của Bộ GD&ĐT ra đời. Bảng thông kê trên chứng minh một cách thuyết phục, rằng yêu cầu công bố quốc tế trong Quy định đào tạo tiến sĩ năm 2017 của Bộ GD&ĐT là nguyên nhân quan trọng làm tăng đột biến các công bố quốc tế và tăng bậc xếp hạng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cho nên, nếu ai đó cho rằng khoa học xã hội Việt Nam khó công bố quốc tế để hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ là không đúng. Những nhà khoa học xã hội giỏi sẽ không đồng tình với quan điểm như thế.

Nhưng dù Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc sau 5 năm từ thứ 58 (2015) tiến lên thứ 46 (2020) thì vẫn phải xếp sau Thái Lan (40), Singapore (37), Malaysia (24), Indonesia (21). Nếu có một chính sách đúng, thì sau 10 năm nữa, thứ hạng của Việt Nam sẽ vượt qua được Malaysia. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào những người lãnh đạo ngành giáo dục và khoa học trong chính phủ.

4. NHỮNG TÁC HẠI NGHIÊM TRỌNG CỦA HẠ CHUẨN ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Năm 2020, tổng các công bố quốc tế trong mọi lĩnh vực của Việt Nam chỉ đạt con số 18 886 dù đã tăng gấp 4,18 lần so với năm 2015. Con số 18 886 của Việt nam chỉ bằng 2,4% của Trung Quốc (788 287).

Trong khi lãnh đạo Trung Quốc chủ trương thể hiện các yêu sách chủ quyền lãnh thổ, đường lưỡi bò, tài nguyên trong lòng biển và trong lòng đất… qua các công bố quốc tế như là các chứng cứ khoa học, thì Việt Nam hầu như bỏ trống. Đây là một điểm yếu của Việt Nam.

Nay, nếu từ bỏ yêu cầu công bố quốc tế thì con đường tiếp cận tới mặt bằng quốc tế của khoa học xã hội Việt Nam lại còn xa vời hơn nữa.

Trung Quốc có bộ môn Marxizm ở đại học Bắc Kinh, đại học Thanh Hoa và các đại học khác. Thế mà những người dạy chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc lại có công bố quốc tế, tại sao ở Việt Nam lại không?

Các tạp chí chí quốc tế chấp nhận các nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, dù đó là nghiên cứu về Marx, Mahatma Gandhi, Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh. Các bài viết về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh mà không công bố quốc tế được, là do tác giả đã không đưa được hàm lượng khoa học vào bài viết, bài viết không có điều gì mới về khoa học.

Không biết nhóm tư vấn nào có sức mạnh phù thuỷ, biến nguyên nhân chính đáng thành nguyên nhân phi lý, để thuyết phục được Bộ Giáo dục & Đào Tạo bỏ yêu cầu công bố quốc tế trong Quy định đào tạo tiến sĩ năm 2021?

Từ bỏ yêu cầu công bố quốc tế, thay bằng công bố quốc nội – là một sai lầm kéo theo nhiều tác hại nghiêm trọng, không chỉ trong giáo dục và nghiên cứu khoa học, mà trong toàn xã hội.

Sau đây là vắn tắt một số tác hại chính:

1/. Hạ thấp mặt bằng trình độ tiến sĩ Việt Nam so với khu vực và quốc tế.

2/. Làm chậm bước tiến của khoa học xã hội trên con đường tiếp cận với mặt bằng quốc tế.

3/. Tự lập chuẩn riêng không quan tâm đến khu vực và quốc tế là tự cô lập mình với quốc tế.

5/. Thúc đẩy sản xuất các tiến sĩ rởm, các thầy giả.

6/. Ảnh hưởng tiêu cực lên giáo dục và nghiên cứu khoa học.

7/. Làm lẫn lộn tiến sĩ thật giả trong toàn xã hội

8/. Bỏ mất cơ hội bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia thông qua các công bố quốc tế.

Từ bỏ yêu cầu công bố quốc tế ở các tạp chí SIS/Scopus thì không có cách gì để ngăn cản sự ra đời của hàng loạt tiến sĩ kém chất lượng.

Cũng cần nhắc nhở rằng, lý do không đòi hỏi công bố quốc tế để nâng cao chất lượng các tạp chí Việt Nam là phi khoa học, là nguỵ biện. Uy tín của một tạp chí, trước hết là uy tín của Ban biên tập, sau đó là các phản biện. Có Ban biên tập giỏi thì chọn được các phản biện giỏi. Có Ban biên tập giỏi và các phản biện giỏi thì không cho đăng các bài viết kém. Từ đó chất lượng tạp chí được nâng lên.

Cách tốt nhất để các tạp chí Việt Nam nâng cao chất lượng là có nhiều người Việt Nam có nhiều công trình tốt trên các tạp chí SIS. Cách giúp nâng cao chất lượng các tạp chí Việt Nam là mời cho được các nhà khoa học quốc tế có uy tín cao đứng vào hang ngũ Ban biên tập và phản biện. Nhưng điều này không hề dễ. Vì các nhà khoa học uy tín cao không muốn ghi tên vào các tạp chí uy tín thấp. Cho nên, chừng nào Việt Nam không có các nhà khoa học có uy tín quốc tế cao thì chừng đó các tạp chí Việt Nam không thể có uy tín quốc tế cao. Các thầy giáo giảng dạy chủ nghĩa Marx, tư tưởng Hồ Chí Minh không có cách nào khác, để tránh tụt hậu thì phải có công bố quốc tế. Không có công bố quốc tế thì chỉ là giả khoa học, bất cứ ngành nào.

Thêm một lưu ý rằng, đề xuất cho phép giáo sư hướng dẫn cùng lúc 7 nghiên cứu sinh là đề xuất chưa cân nhắc kỹ.

Việt Nam không nhiều giáo sư giỏi. Giáo sư giỏi hướng dẫn không quá 3 nghiên cứu sinh thì luận án may ra còn có chất lượng. Giáo sư loại mở đường cho một lĩnh vực nghiên cứu mà hướng dẫn cùng lúc 5 nghiên cứu sinh là rất chật vật. Nếu hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh cùng lúc thì sản phẩm đầu ra thuộc loại “hàng kém chất lượng”.

Việt Nam không thể tự lập chuẩn riêng về nghiên cứu khoa học. Mọi chuẩn riêng tự Việt Nam nghĩ ra không theo chuẩn quốc tế thì chỉ làm cho Việt Nam thêm tụt hậu với quốc tế. Trong thời đại cả thế giới tích hợp không ngừng – tại sao ta lại tự tách mình ra khỏi thế giới?

Khoa học Việt Nam vĩ đại muôn năm! Tự lập chuẩn riêng thì dù có hô triệu tỷ lần vẫn không thoát khỏi tụt hậu.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.