TS. Phan Hữu Thắng(*)
(KTSG) – Mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP, nhằm góp phần giải quyết vấn đề nhà ở và cung cấp các tiện ích xã hội khác cho hàng vạn người lao động tại nhiều các khu công nghiệp. Đáng tiếc sau hơn ba năm nghị định được ban hành, chưa có một khu công nghiệp nào được cấp phép cho chuyển đổi từ khu công nghiệp hiện có sang mô hình mới này mặc dù đã có hồ sơ xin chuyển đổi, do chưa có quy định hướng dẫn.
Một khu công nghiệp ở TPHCM. Ảnh: H.P
Mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, nếu được triển khai đồng bộ, có thể đã là lời giải cho bài toán lưu trú cho công nhân để tiếp tục duy trì sản xuất khi buộc phải giãn cách để chống dịch. Trong điều kiện bình thường, đây cũng là giải pháp giúp cải thiện điều kiện sinh sống chật hẹp, thiếu tiện nghi sinh hoạt tối thiểu và những tiện ích xã hội khác tại các khu nhà trọ quanh các khu công nghiệp (KCN) hiện nay.
Nghị định 82 xác định rất rõ chức năng của khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ và diện tích đất của các KCN hiện có được phép chuyển đổi là: “Hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế – xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu). Diện tích khu đô thị – dịch vụ tối đa không vượt quá một phần ba diện tích khu công nghiệp”.
Theo số liệu được Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng tải, tính đến năm 2020 cả nước đã có 369 KCN với tổng diện tích 113.300 héc ta, thu hút được 10.055 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 200 tỉ đô la và 9.845 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,34 triệu tỉ đồng, tạo việc làm cho 3,84 triệu lao động trực tiếp.
Các số liệu trên cho thấy lực lượng lao động tại các KCN rất lớn và họ có đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế. Nhưng đến nay nhà ở của họ ra sao, họ là những ai? Cần thấy rõ vấn đề này để cùng với Chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ đã được triển khai từ nhiều năm trước tìm ra các giải pháp thiết thực, trong đó có việc quyết liệt giải quyết ngay vướng mắc thiếu quy định hướng dẫn cụ thể đối với việc chuyển đổi KCN sang mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ.
Tình trạng thiếu nhà ở và tiện ích xã hội được thấy rõ qua các số liệu sau của Cục Quản lý thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng. Cụ thể, năm 2020 có khoảng 1,7 triệu lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp đang cần nhà ở, trong đó 50% số lượng người lao động cần nhà ở là người ngoại tỉnh (Bình Dương 90%; TPHCM 63%; Đồng Nai 60%; Hà Nội 59%), trong khi các dự án đô thị nhà ở dành cho người lao động lại rất ít. Cũng theo cục này thì cả nước chỉ có khoảng 100 dự án loại này, bố trí được cho khoảng 330.000 người lao động có nhu cầu nhà ở, đáp ứng được khoảng 28% so với nhu cầu thực tế và đang triển khai 73 dự án với khoảng 88.000 căn hộ.
Để góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động tại các KCN, hiện thực hóa Nghị định 82 bằng việc sớm bổ sung các quy định hướng dẫn việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ là giải pháp thiết thực và cần thiết, thay vì phải chờ đến khi có nghị định mới thay thế Nghị định 82 mới cho chuyển đổi (nghị định này hiện còn trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý).
Nếu giải quyết theo hướng này thì có các việc cần làm sau đây:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức về mục tiêu, nội dung định nghĩa về mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ nêu tại Nghị định 82 không phải chỉ để áp dụng cho các KCN mới sẽ hình thành trong tương lai, mà mục tiêu của mô hình này còn nhằm giải quyết yêu cầu về nhà ở, tiện ích xã hội khác đối với hàng vạn công nhân đang làm việc trong các KCN hiện có.
Thứ hai, cần xác định rõ việc cho phép chuyển đổi bất kỳ KCN hiện có nào sang mô hình mới không phải là thành lập một KCN mới, nên quy định hướng dẫn thủ tục chuyển đổi cần tiếp nối những kết quả từ trước đã tạo dựng nên KCN hiện có, miễn là diện tích khu đô thị – dịch vụ không được vượt quá một phần ba diện tích KCN.
Chủ đầu tư KCN xin chuyển đổi sang khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ có trách nhiệm tiếp tục huy động vốn đầu tư phát triển phần đất dành cho công nghiệp chưa lấp đầy và phần khu đô thị – dịch vụ xin phát triển, đảm bảo trách nhiệm và tính kế thừa của nhà đầu tư nhằm phát triển đồng bộ một KCN còn thiếu các tiện ích xã hội cho người lao động sang thành một KCN hiện đại có cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội, thực hiện nhu cầu an cư – lạc nghiệp lâu dài cho người lao động như mong muốn của họ.
Các nội dung trên, nếu được xác định trong quy định hướng dẫn việc chuyển đổi, còn tạo thêm các điều kiện để nhà đầu tư tiết kiệm được kinh phí (cũng là cho xã hội để đầu tư phát triển các dự án khác) do kết nối được các cơ sở hạ tầng KCN đã được xây dựng trước đó; thống nhất được việc quản lý toàn bộ khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ vào một đầu mối là bộ máy quản lý của nhà đầu tư hiện đang phát triển KCN, vừa tiết giảm được chi phí đầu tư vừa đảm bảo được sự phát triển hài hòa một khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ, qua đó chăm lo được tốt hơn đời sống của người lao động.
(*) Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Nguồn: TBKTSG