Minh Đức | 08/07/2021
Bloomberg Economics gần đây có bài phân tích về khả năng và cơ hội Trung Quốc vượt lên Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc tin rằng sự “đổi vai” giữa nước này với Mỹ trong vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới là điều tất yếu.
“Đất nước Trung Quốc,” Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 1/7, “đang tiến tới công cuộc trẻ hóa vĩ đại với tốc độ không gì cản nổi.”
Trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng. Trong khi đó, Mỹ ghi nhận hàng trăm nghìn ca tử vong và hứng chịu suy thoái kinh tế nghiêm trọng.
Không có gì đảm bảo sự “đổi vai” chắc chắn sẽ xảy ra. Ảnh: iStock
Rào cản của chính Trung Quốc trước mục tiêu nền kinh tế lớn nhất thế giới
Gần đây, sự phục hồi nhanh chóng đầy bất ngờ của Mỹ đã cho thấy không gì là chắc chắn trong giai đoạn chuyển giao.
Giả sử, ông Tập Cận Bình có thể tiến hành các cải cách thúc đẩy tăng trưởng trong khi người đồng cấp Mỹ là Tổng thống Joe Biden không thể hiện thực hóa các đề xuất về đổi mới cơ sở hạ tầng và mở rộng lực lượng lao động của mình. Theo đó, Bloomberg Economics dự báo chỉ 10 năm nữa, tức vào năm 2031, Trung Quốc có thể chiếm vị trí dẫn đầu mà Mỹ đã nắm giữ cả thế kỷ nay.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo sự “soán ngôi” chắc chắn sẽ xảy ra.
Theo Bloomberg Economics, chương trình cải cách của Bắc Kinh đang bị trì hoãn. Thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại khác đang cản trở Trung Quốc tiếp cận thị trường toàn cầu và các công nghệ tiên tiến. Đồng thời, các gói kích thích kinh tế nhằm khắc phục tác động của Covid đã nâng nợ công của nước này lên mức kỷ lục.
Kịch bản ác mộng đối với Trung Quốc là nước này có thể đi theo quỹ đạo tương tự như Nhật Bản – nước cũng được coi là kẻ thách thức tiềm năng đối với Mỹ trước khi “vỡ mộng” vào ba thập kỷ trước.
Thất bại trong cải cách, sự cô lập quốc tế và khủng hoảng tài chính có thể cản đường Trung Quốc trên con đường vươn tới đỉnh cao.
Phân tích của Bloomberg Economics đề cập đến quy mô GDP danh nghĩa tính bằng USD – thường được coi là thước đo sức mạnh kinh tế tốt nhất. Theo phương pháp đo ngang giá sức mua thay thế – có tính đến sự khác biệt về chi phí sinh hoạt và thường được sử dụng để đo chất lượng cuộc sống – thì Trung Quốc chiếm vị trí đầu bảng.
Có ba yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đầu tiên là quy mô của lực lượng lao động. Thứ hai là nguồn vốn – mọi thứ từ nhà máy đến cơ sở hạ tầng giao thông và mạng lưới liên lạc. Cuối cùng là năng suất, hay chính là hiệu quả có thể đạt được từ sự kết hợp của hai yếu tố trên.
Ở mỗi yếu tố này, Trung Quốc đều đang phải đối mặt với một tương lai bất định.
Yếu tố đầu tiên hiển nhiên là lực lượng lao động càng lớn tăng trưởng càng cao và ngược lại. Đây chính là thách thức đầu tiên của Trung Quốc. Tỷ lệ sinh thấp – di sản của chính sách một con – có nghĩa là dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm.
Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục thấp, dự kiến quy mô dân số trong ba thập kỷ tới sẽ giảm hơn 260 triệu người, tương đương 28%.
Trung Quốc nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình trước sức ép già hóa dân số. Ảnh: Yicai Global
Nhận thức được rủi ro, Trung Quốc đang thay đổi hướng đi: nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình, từ chính sách một con, thành chính sách hai con năm 2016, và giờ là chính sách ba con. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu để người lao động làm việc lâu hơn. Tăng tuổi nghỉ hưu kỳ vọng có thể giúp bù đắp phần nào sự trì trệ do già hóa dân số gây ra.
Ngay cả khi cải cách thành công, nó vẫn khó có thể bù đắp cho tác động của lực cản nhân khẩu học. Thực tế là việc nới lỏng chính sách cũng không mấy tác dụng.
Chính sách không phải là điều duy nhất ngăn cản các gia đình sinh thêm con. Chi phí đắt đỏ cho nhà ở và giáo dục cũng là nguyên nhân quan trọng.
“Tôi không sinh con thứ ba không phải vì nhà nước không cho phép,” một cư dân mạng chia sẻ khi được hỏi về chính sách cho phép các gia đình đẻ 3 con, được Bộ Chính trị Trung Quốc quyết định hôm 31/5 vừa qua.
Triển vọng chi phí vốn không quá ảm đạm. Người ta không cho rằng số lượng đường sắt, robot công nghiệp hoặc tháp 5G của Trung Quốc sẽ giảm. Nhưng sau nhiều năm “mạnh tay” đầu tư, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược này dần mất hiệu quả.
Tình trạng cung vượt cầu trong công nghiệp, những thị trấn ma với những tòa nhà bỏ hoang và những xa lộ sáu làn xe len lỏi giữa những vùng đất nông nghiệp thưa thớt dân cư là minh chứng rõ nét.
Trong bối cảnh lực lượng lao động sụt giảm và chi phí vốn đã quá lớn, năng suất chính là chìa khóa cho sự tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc. Hầu hết các nhà kinh tế phương Tây cho rằng việc tăng năng suất đòi hỏi phải có những hành động như: Bãi bỏ hệ thống hộ khẩu ràng buộc người lao động với nơi sinh của họ, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, và giảm bớt các rào cản đối với sự tham gia của các yếu tố nước ngoài vào nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Các nhà hoạch định công nghiệp của Bắc Kinh có kế hoạch chi tiết của riêng họ. Và Trung Quốc có bề dày thành tích về cải cách nâng cao tăng trưởng. Khi nói đến kết hợp lao động và vốn, Trung Quốc mới chỉ đạt hiệu quả bằng khoảng 50% so với Mỹ. Do đó, nước này còn rất nhiều dư địa để cải thiện.
Vào năm 2050, theo dự đoán của Bloomberg Economics, năng suất của Trung Quốc sẽ đạt 70% mức của Mỹ, đưa Trung Quốc vào nhóm các quốc gia có trình độ phát triển tương đương.
Liệu Trung Quốc có thể thực hiện chiến lược thúc đẩy tăng trưởng với lao động tay nghề cao hơn và công nghệ tiên tiến hơn chứ không phải dựa vào nhiều lao động hơn và đầu tư lớn hơn?
Thật không may cho Bắc Kinh, không phải tất cả các yếu tố quyết định tăng trưởng trong tương lai đều nằm trong tầm kiểm soát của họ.
Không được lòng quốc tế
Các mối quan hệ toàn cầu đang bắt đầu rạn nứt. Một cuộc khảo sát gần đây của Pew cho thấy 76% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc – một tỷ lệ cao kỷ lục. Không phải tự nhiên lại thế. Trò chơi đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc của Covid-19, quan ngại gia tăng về vấn đề Tân Cương và Luật An ninh Quốc gia mà Bắc Kinh ban hành tại Hồng Kông,… đều góp phần làm xấu đi hình ảnh trỗi dậy của Trung Quốc trong con mắt các đối tác phương Tây.
Nếu quan hệ giữa Bắc Kinh với Mỹ/đồng minh tiếp tục căng thẳng, luồng ý tưởng và sáng tạo xuyên biên giới từng giúp thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ bắt đầu cạn kiệt. Bắc Kinh đã lường trước được kịch bản này.
Châu Âu đang lùi bước khỏi thỏa thuận đầu tư lớn với Trung Quốc, mà song phương mất 7 năm ròng đàm phán. Ấn Độ cũng đóng cửa đối với hàng loạt sản phẩm và ứng dụng công nghệ Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong kịch bản cực đoan, với việc Trung Quốc và Mỹ chia thế giới thành các phạm vi ảnh hưởng riêng biệt, GDP năm 2030 của Trung Quốc có thể hứng chịu tổn thất ở mức 8% so với kịch bản cơ sở là quan hệ song phương vẫn ổn định.
Kịch bản tồi tệ nhất: Khủng hoảng kinh tế
Sự kết hợp giữa việc đình trệ cải cách trong nước và cô lập quốc tế có thể dẫn đến một kịch bản cực đoan khác: Khủng hoảng tài chính.
Kể từ năm 2008, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Trung Quốc đã tăng vọt từ 140% lên 290% – theo Bloomberg Economics. Thông thường, ở các quốc gia khác, sự gia tăng nhanh chóng về nợ như vậy là báo hiệu cho rắc rối ở phía trước.
Dựa trên nghiên cứu của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff về các cuộc khủng hoảng tài chính, Bloomberg ước tính rằng cuộc khủng hoảng kiểu Lehman có thể đẩy Trung Quốc chìm sâu vào suy thoái, theo sau là một thập kỷ mất mát với mức tăng trưởng gần bằng không.
Trung Quốc mãi là số 2?
“Điều đó sẽ không xảy ra một khi tôi còn ở đây,” ông Biden trả lời khi được hỏi về tham vọng chiếm vị trí số một toàn cầu của Trung Quốc. “Bởi vì Mỹ sẽ tiếp tục phát triển.”
Đối với Mỹ, con đường để tăng trưởng nhanh hơn là thông qua việc mở rộng lực lượng lao động, nâng cấp nguồn vốn và đổi mới công nghệ. Các kế hoạch của ông Biden về nâng cấp cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các gia đình Mỹ trị giá hàng nghìn tỷ USD là nhằm thực hiện điều đó.
Bằng cách tăng tốc độ tăng trưởng của Mỹ, Washington có thể trì hoãn đà vươn lên của Bắc Kinh.
Thông qua các phân tích trên, Bloomberg Economics đã xây dựng các kịch bản cho kết quả của cuộc chạy đua kinh tế Mỹ – Trung.
Nếu mọi thứ thuận lợi cho Trung Quốc – cải cách trong nước thành công, quan hệ quốc tế được cải thiện – thì Bắc Kinh có thể bắt đầu một thập kỷ đứng ngang hàng với Mỹ, và sau đó bứt tốc để dẫn trước.
Nếu các nhà lãnh đạo chính trị, giám đốc điều hành các doanh nghiệp và các nhà quản lý đầu tư tin vào sự vượt trội của Trung Quốc, họ có động lực mạnh mẽ để tham gia vào quá trình này – biến lời tiên tri về thành công của Bắc Kinh thành sự thật.
Giấc mơ chinh phục “ngôi vương” của Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực. Ảnh: Sydney Morning Herald
Ban lãnh đạo Trung Quốc có logic riêng của mình về phát triển. Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc có dân số lớn gấp 4 lần của Mỹ và GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ còn kém của Mỹ chưa đầy 20%. Chỉ cần thêm một chút nữa là Trung Quốc có thể giành được ngôi cao nhất.
Tuy nhiên, thành công về phát triển trong quá khứ của Trung Quốc, cũng như của các nước láng giềng châu Á, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, cho thấy không nên đặt kỳ vọng quá cao.
Lịch sử hàng trăm năm qua của Trung Quốc cho thấy sự phát triển không phải là định mệnh được sắp đặt trước. Trung Quốc hoàn toàn có thể phải bước đi trên một con đường khác. Cải cách đình trệ, quan hệ toàn cầu bị rạn nứt, lực lượng lao động thu hẹp và khủng hoảng tài chính có thể khiến Trung Quốc ở vị trí thứ hai vô thời hạn.
Đọc thêm:
Những đồng tiền “bẩn thỉu và đẫm máu” đẩy Campuchia vào tình thế khó lường trong xung đột Mỹ – Trung
M.Đ.
Nguồn: soha.vn