Lầu Năm Góc có thực sự muốn đương đầu với Trung Quốc?

Lầu Năm Góc có thực sự muốn đương đầu với Trung Quốc? Lãnh đạo thì cảnh báo mối đe dọa Bắc Kinh, nhưng dự trù ngân sách cho thấy điều khác.

Bản gốc: Elaine Luria, Does the Pentagon Take China Seriously? Its leaders warn of the threat from Beijing, but their budgets suggest otherwise (The Wall Street Journal, July 5, 2021)

Vũ Văn Lê dịch.

Giới lãnh đạo quốc phòng Hoa Kỳ có một vấn đề: lời nói của họ không đi đôi với việc làm. Sự bất nhất đó thể hiện rõ ràng trong bản dự trù ngân sách mới nhất của Lầu Năm Góc, và khoảng cách giữa nói và làm của họ làm suy yếu lòng tin của Quốc hội và người dân Hoa Kỳ.

Các nhà lãnh đạo quân sự xác định Trung Quốc là thách thức số 1 của chúng ta. Họ thường nói Bắc Kinh là “đối thủ cạnh tranh chiến lược ngày càng có khả năng,” hoặc “một mối nguy hiểm bắt nhịp,” như Tướng Mark Milley, Chủ tịch Liên quân, đã cảnh báo.” Song, yêu cầu ngân sách quốc phòng lại đề nghị cắt giảm, làm suy yếu khả năng của Hải lực và Không lực , vốn là sức mạnh có vai trò lớn hơn cả trong việc ứng phó với các mối đe dọa từ bất kỳ cuộc xung đột nào ở Tây Thái Bình Dương. Trong khi đó, ngân sách lại hứa hẹn cung cấp các loại vũ khí chưa phát triển, mất hàng thập kỷ để đưa vào hạm đội, sẽ được tài trợ dưới một danh nghĩa chiến lược: “thoái vốn để đầu tư”.

Hải quân muốn cho nghỉ hưu 15 tàu chiến, gồm 7 tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường, và 4 tàu tác chiến ven bờ, trong khi chỉ mua sắm hai tàu tác chiến trên mặt nước và hai tàu ngầm. (Trong khi đó, dự thảo ngân sách của Quốc hội dự trù mua một tàu khu trục khác và giới hạn số lượng nghỉ hưu.) Mua sắm hàng không hải quân giảm 15,6% so với năm 2021 trong lúc Hải quân đẩy nhanh tốc độ nghỉ hưu cho F/A-18. Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, đang trú đóng tại Nhật Bản để phòng chống mối hiểm Trung Quốc, lại được chuyển sang giám sát chuyện rút quân Afghanistan rút quân ở Trung Đông, bởi lẽ không còn hàng không mẫu hạm nào khác. Trong khi đó, Trung Quốc đang gia tăng đóng tàu chiến với tốc độ kinh ngạc. Năm 2010, Hải quân Hoa Kỳ có nhiều hơn HQTQ 68 chiến hạm. Ngày nay, nước Mỹ ít hơn TQ 63 chiếc, và khác biệt giữa hai nước là 131 chiếc trong vòng 10 năm.

Không quân cũng đang theo sát chỉ đạo “thoái vốn để đầu tư” của Lầu Năm Góc. Hoạt động mua sắm máy bay chiến đấu giảm 22% kể từ năm 2021. Lực lượng này muốn cho nghỉ hưu 137 máy bay, nhiều gấp đôi so với số lượng chiến đấu cơ dự kiến ​​mua. Sau khi cho 17 chiếc B-1 nghỉ hưu vào năm ngoái, kho máy bay ném bom của Lực lượng Không quân đã ở mức độ mà các giới quân sự cao cấp nhất gọi là “mức tối thiểu”. Mua sắm đạn dược tiết giảm hơn 40%. Trong khi Trung Quốc, trong những năm gần đây, đã tích cực tập trung tậu sắm máy bay tiên tiến và là lực lượng không quân lớn thứ ba thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc có một lực lượng hỏa tiễn qui ước trên mặt đất rộng lớn, bao gồm DF-26, được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” có khả năng tấn công đảo Guam.

Bản ngân sách quốc phòng đang nhắn nhủ với dân Mỹ và các đồng minh rằng, dù Trung Quốc có là mối đe dọa hiển nhiên, nhưng chúng tôi sẽ không hành động để đáp trả. Hãy đánh giá tuyên bố ngày 17 tháng 6 của Tướng Milley về triển vọng Trung Quốc xâm lược Đài Loan: “Tôi nghĩ trước mắt, xác suất là thấp, kể cả trong tương lai gần.”

Ý kiến này của Milley mâu thuẫn trực tiếp với tuyên bố của Đề đốc John Aquilino, chỉ huy tác chiến Thái Bình Dương, người đã chứng thực rằng Trung Quốc có thể chuẩn bị sẵn sàng để chiếm Đài Loan bằng vũ lực trong sáu năm tới: “Chúng tôi đã thấy những điều không hề mong đợi, đó là lí do phải tiếp tục lên tiếng cảnh giác về tình trạng cấp bách. ”

Quốc hội có nhiệm vụ san bằng khoảng cách giữa “nói là làm,” dù thông qua việc tăng cường tài trợ, hay chuyển hướng các đồng đô la khác của Lầu Năm Góc hầu cung cấp các nguồn lực cần thiết để răn đe Trung Quốc. Nếu bạn tin tưởng nhận định của Đề đốc Aquilino như tôi, chúng ta không thể nào phí phạm thêm một năm nữa.

E.L.

Nguồn: tạp chí nghiên cứu Việt Mỹ (uoregon.edu)

This entry was posted in Quan hệ Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.