1. Trao quyền cho người làm tốt hơn
Làm việc với lãnh đạo TP HCM ngày 13/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến một số quan điểm phát triển. Trong đó có:
1. Điều gì địa phương làm tốt hơn thì Chính phủ và các Bộ để cho địa phương làm. Điều gì người dân, xã hội làm tốt thì giao cho người dân và xã hội làm.
2. Bảo vệ người dám nghĩ dám làm, dám nói. Hành động không vì lợi ích cá nhân, không vì lợi ích nhóm thì Đảng, Chính phủ phải bảo vệ.
3. Chính phủ giữ vai trò thiết kế chiến lược, quy hoạch, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, công cụ giám sát kiểm tra, khen thưởng kỷ luật.
4. Ủng hộ tối đa đề nghị của TP HCM về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách để khuyến khích và nâng cao trách nhiệm.
TP. HCM đề nghị trong giai đoạn 2022-2025 được giữ lại 23% tổng số tiền nộp ngân sách thay vì chỉ 18% như hiện tại. Việc điều tiết tỷ lệ tiền nộp ngân sách của TP HCM là điều cần thiết. Vì rất không công bằng cho TP HCM khi đứng đầu cả nước về tỷ lệ nộp ngân sách với 82%, (Hà Nội đứng thứ 2 là 65%), trong lúc TP HCM còn cần nhiều khoản phải đầu tư. Đưa TP. HCM trở thành một trung tâm tài chính lớn trong khu vực, một thành phố hiện đại sầm uất – sẽ càng thúc đẩy hợp tác giao lưu quốc tế, thu hút nguồn đầu tư và du khách. Việc giữ lại thêm 5% tiền nộp ngân sách của TP HCM là một nguồn tài chính lớn. Hy vọng là lãnh đạo TP. HCM với tân Bí thư Nguyễn Văn Nên sẽ có phương thức sử dụng hiểu quả, chống được thất thoát.
2. Lãnh đạo các địa phương đừng bỏ lỡ cơ hội
Có nhiều vị lãnh đạo đã từng chia sẻ rằng mất nhiều đêm vắt trán nghĩ kế giúp cho địa phương, và cho người dân làm giàu. Nhưng kế sách của họ đưa ra lại không làm cho địa phương và người dân giàu lên.
Họ đã không ngờ rằng, kế tốt nhất là không phải đưa ra mưu kế gì cả, mà hãy để cho địa phương và người dân được tự do phát triển. Tức là trao quyền cho địa phượng, cho người dân. Không trói buộc sự sáng tạo của xã hội.
Nay Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trương phân cấp phân quyền với nguyên tắc chủ đạo: Điều gì địa phương làm tốt hơn thì Chính phủ và các Bộ để cho địa phương làm; Điều gì người dân, xã hội làm tốt thì giao cho người dân và xã hội làm. Đây là một chủ trương đúng. Nếu chủ trương này được thực thi trong thực tiễn với mức độ tối đa, thì sẽ kéo theo một một bước phát triển đột phá.
Bởi thế, chớp lấy cơ hội, lãnh đaọ các tỉnh thành hãy nhanh chóng mà xin cho bằng được, dành cho bằng được những điều địa phương làm tốt hơn Chính phủ, những điều địa phương làm tốt hơn các Bộ. Nhưng cũng đừng chối bỏ trách nhiệm.
Đến lượt mình, lãnh đạo các tỉnh thành lại trao cho cấp dưới những điều cấp dưới làm tốt hơn. Cứ như vậy, đến khâu cuối cùng là các doanh nghiệp, các đơn vị cơ sở, đến từng hộ dân, đến từng con người. Nếu được như vậy chính là đã GIẢI PHÓNG NỘI LỰC.
Thủ tướng đã nhìn thấy nhân tố GIẢI PHÓNG NỘI LỰC thì chắc chắn Thủ tướng cũng đã lường được lực cản. Lực cản đó là để NÍU GIỮ QUYỀN LỰC.
Sẽ có rất nhiều người tự hỏi: Giao quyền cho người làm tốt hơn thì hoá ra mình không còn quyền gì nữa?
Chẳng hạn, nếu áp dụng chủ trương của Thủ tướng cho Bộ Giáo dục và Đào Tạo (GD&ĐT) – thì quyền quyết định tốt nghiệp THPT, quyền giao cho ai tổng chủ biên sách giáo khoa, quyền bổ nhiệm nhân sự đứng đầu các trường đại học, và nhiều quyền khác nữa – sẽ không thuộc Bộ GD&ĐT. Tương tự như vậy sẽ có nhiều quyền tuột khỏi tay các Sở GD&ĐT.
Không chỉ là Bộ GD&ĐT mà tất cả các Bộ khác đều như vậy. Không chỉ ở các Bộ mà ở các tỉnh thành cũng sẽ như vậy. Đến lúc đó, những người mất quyền lực sẽ nghĩ ra trăm lý do, ngàn kế sách để không trao cho người làm tốt hơn.
NÍU GIỮ QUYỀN LỰC, từ ngàn xưa, là nguyên nhân chủ chốt cản trở sự phát triển. Không những cản trở, mà còn dẫn đến thủ tiêu, đàn áp, chiến tranh… Thí dụ lịch sử thì quá nhiều, mà không cần phải viện dẫn ở đây.
Sẽ có muôn ngàn lực cản. Ở mức độ càng cao thì lực cản càng lớn. Lực cản ngay chính trong mỗi con người. Dẫu có muôn ngàn lực cản thì, vì sự phát triển của đất nước, vẫn phải kiên quyết thực hiện. Dẫu không được toàn phần thì được một phần cũng là thắng lợi. Điều gì địa phương làm tốt hơn, người dân làm tốt hơn, xã hội làm tốt hơn – thì phải để cho địa phương, người dân, xã hội làm.
Thủ tướng đã có một chủ trương đúng để GIẢI PHÓNG NỘI LỰC. Dẫu chưa phải là toàn bộ các nhân tố GIẢI PHÓNG NỘI LỰC, nhưng trao quyền cho người làm tốt hơn – dứt khoát là một chủ trương đúng và dũng cảm.
Dũng cảm là bời vì tự tước bỏ quyền lực trong khi không ai chịu mất quyền lực, trừ các bậc thánh nhân và các bậc cái thế. Thánh nhân thì khỏi bàn. Còn cái thế thì như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tự rời bỏ quyền lực.
Dũng cảm là bởi vì có những lĩnh vực trao quyền cho người làm tốt hơn sẽ đối mặt với vấn đề mang tính còn mất. Chẳng hạn như trao quyền cho người làm tốt hơn trong bổ nhiệm lãnh đạo. Nếu thực hiện được điều này như chủ trương của Thủ tướng thì Đất nước sẽ có những bước tiến thần kỳ.
Giữa chủ trương đúng và thực thi là một khoảng cách lớn rất khó khăn.
Dũng cảm thể hiện ở quá trình thực thi.
N.N.C.
Tác giả gửi BVN