Đặng Đình Mạnh
“Ai làm nấy chịu” như là một nguyên tắc ứng xử trong quan hệ giữa cá nhân với xã hội.
Sự chế tài của luật pháp cũng khởi nguồn từ nguyên tắc ấy. Ai vi phạm pháp luật thì người đó phải chịu sự chế tài và đương nhiên, chỉ trong giới hạn phạm vi đối với người ấy mà thôi.
Tuy vậy, hiện nay, cơ quan điều tra có quan điểm rất khác về vấn đề này. Rất may, chỉ phát sinh trong phạm vi kiểm soát các trang mạng xã hội mà thôi. Nhưng chỉ nhiêu đó cũng đã đủ đưa đẩy các Facebooker, Youtuber … dễ vướng vào các rắc rối pháp lý không hề mong muốn, thậm chí, cả về lao lý.
Theo đó, khi một bài viết được đăng công khai, thì người đăng không chỉ chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình trước pháp luật, mà còn phải chịu trách nhiệm về những lời bình luận của công chúng trong bài viết ấy !? Rủi thay, nếu lời bình luận ấy mang nội dung chống, phá chính quyền, thì danh tính tác giả bài viết sẽ được đưa vào tầm ngắm của các cơ quan bảo vệ pháp luật và kéo theo sự chế tài là khả năng không hề nhỏ.
Đồng thời, với số lượng lực lượng dư luận viên hoạt động đông đảo trên các trang mạng xã hội như hiện nay, việc bị báo cáo những nội dung bị cho rằng chống, phá chính quyền chỉ còn là vấn đề thời gian. Bị xử lý, may mắn thì được mời “uống trà”, nhẹ nhàng thì bị phạt vi phạm hành chính, nặng hơn thì 331 và nghiêm trọng nhất là 117.
Có dịp trao đổi quan điểm với một cán bộ an ninh điều tra của một tỉnh giáp ranh TP.HCM, khi tôi đang chờ thân chủ đến để cùng làm việc. Sau khi nghe tôi nói về nguyên tắc “Ai làm nấy chịu”, thì anh ấy đã phủ nhận ngay “Không. Anh phải chịu trách nhiệm về lời bình luận của họ. Vì lẽ, khi đăng bài là anh đã tạo cơ hội cho những người chống đối nhà nước có “chỗ” để “hoạt động” ?! Nếu anh không xóa, hoặc anh nhấn like là còn biểu thị sự đồng tình của anh đối với sự chống đối của họ. Chưa kể, nếu anh có số lượng người theo dõi lớn, thì trách nhiệm của anh lại càng nặng nề hơn”.
Thời gian không đủ dài để chúng tôi tranh luận đến hết lẽ, vì đã phải đến lúc vào làm việc.
Thế nên, quan điểm cho rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung của những lời bình luận của người khác trong bài viết của chúng ta đang là một thực tế.
Cho dù không là một luật sư, tôi vẫn không tán thành điều này. Điều mà tôi cho rằng trái với nguyên tắc ứng xử và không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, luật sư không thể quyết định được việc các bạn có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không. Nhưng cơ quan điều tra thì có quyền đấy, và trong đa số trường hợp, quyết định của họ thường dễ được tòa án chấp thuận hơn.
Từ nguyên tắc “Ai làm nấy chịu”, chúng ta đang có một biến tướng của nguyên tắc ấy, “Quýt làm cam chịu”.
Thế nên :
– Với người đọc, nếu muốn trao đổi quan điểm về bài viết hoặc nhận xét, đánh giá … thì hãy để lại lời bình luận có tâm, thiện chí với người viết.
– Với người viết, hãy thận trọng với những lời bình luận của công chúng trong bài viết của bạn. Hãy xử lý trước khi chúng kịp mang đến tai họa.
Chúng ta đang cùng sống trong một thời điểm mà nói gì, viết gì … cũng đều quá dễ dàng và quá khó khăn.
Saigon, ngày nóng quá, 06/05/2021
Đ.Đ.M.
Nguồn: FB Manh Dang