Tự do báo chí: Việt Nam không đồng cách hiểu với thế giới?

Phạm Lê Đoan

VNTB – Tự do báo chí: Việt Nam không đồng cách hiểu với thế giới?

    “Thà chết chứ không gả con cho anh, đơn giản vì anh làm báo”…

    Trên thế giới ngày nay, tự do ngôn luận và tự do báo chí là các yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia, đồng thời là biểu hiện trực tiếp của quan niệm, chính sách nhân quyền ở quốc gia đó.

    Đệ trình đáp ứng Nghị quyết 74/157 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về “Sự an toàn của các nhà báo Việt Nam và vấn đề trừng phạt đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 30-4-2021, cho thấy dường như có cách hiểu khác biệt nhau về tự do báo chí ở Việt Nam với nhiều quốc gia khác.

    Khác biệt này chính là “tự do tư tưởng” ở Việt Nam chịu sự giới hạn trong quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nền tảng tư tưởng bắt buộc phải là “chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tất cả điều này được nâng ở mức tầm Hiến định, ghi tại Điều 4.1 của Hiến pháp 2013.

    Như vậy, mọi so sánh về “tự do báo chí” ở Việt Nam cần đặt trong nội hàm của Điều 4.1, Hiến pháp 2013, qua đó sẽ thấy rất rõ rằng ở Việt Nam thật sự có quyền tự do báo chí đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ về tư tưởng nhất quán trên nền tảng “chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

    Dẫn chứng: Nội hàm của quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân ở Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã được thể hiện trong các Điều 10 và Điều 11 Luật Báo chí năm 2016.

    Điều 10 giải thích cụ thể công dân có các quyền tự do báo chí sau: (1). Sáng tạo tác phẩm báo chí; (2). Cung cấp thông tin cho báo chí; (3). Phản hồi thông tin trên báo chí; (4). Tiếp cận thông tin báo chí; (5). Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; (6). In, phát hành báo in.

    Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định cụ thể quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

    Theo đó, công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

    Một dẫn chứng liên quan đến quy định về giới hạn quyền tự do báo chí: Ở Việt Nam, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

    Cụ thể hóa điều này, Luật Báo chí năm 2016 liệt kê các hành vi, nội dung bị cấm thông tin trên báo chí như: đăng, phát thông tin chống Nhà nước, có nội dung xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;

    đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;

    đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật…

    Một nhà báo chia sẻ: “Nếu chính trị là quyền lực, thì báo chí là sự thật, nhưng trên thực tế, sự thật luôn được tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau. Không phải vậy mà tiền bối Vũ Bằng (1913 – 1984), một nhà báo, nhà văn nổi tiếng của nước ta, từng viết sách “40 năm nói láo”, dựa trên lời cảnh cáo đanh thép của dân gian: “Làm báo nói láo ăn tiền”!

    Khi còn làm báo Tuổi Trẻ, tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp đã bị cha mẹ bạn gái thẳng thừng từ chối: “Thà chết chứ không gả con cho anh, đơn giản vì anh làm báo”…

    Đúng là có một cách hiểu rất khác về “tự do báo chí” ở Việt Nam.

    P.L.Đ.

    VNTB gửi BVN

    This entry was posted in Tự do báo chí. Bookmark the permalink.