Bùi Quang Vơm
Ở các cuộc hội đàm hay hội nghị quốc tế, Việt Nam luôn giữ nguyên tuyên bố lập trường «ba không». Ngay trong Sách Trắng công bố năm 2019, VN vẫn kiên định nguyên tắc «ba không»: không (1) tham gia liên minh quân sự; không (2) liên kết với nước này để chống nước kia; không (3) cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; thậm chí còn thêm một «không» (4) nữa là «không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, một trong những vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam giàu kinh nghiệm về đối ngoại Quốc phòng từng khẳng định: không (5) có nước nào có thể buộc Việt Nam chọn phe vì Việt Nam có độc lập, tự chủ, giành và giữ độc lập bằng sức của mình.
“Mục tiêu tối thượng là bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Chúng ta không (6) đứng về bên này để chống bên kia”, Tướng Vịnh nêu rõ.
Các thế hệ lãnh đạo của Việt Nam luôn nêu rõ lập trường đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, hợp tác sâu rộng và tăng cường hội nhập vì sự phát triển, hòa bình, thịnh vượng chung của đất nước, khu vực cũng như thế giới.
Cả Mỹ và Trung Quốc là những đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam cùng với khối ASEAN. Do đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn cầu và cả ASEAN.
Tuy nhiên, bất kể là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hay Việt Nam, chắc chắn sẽ không có việc “chọn phe” – hoặc đi với nước này để chống nước kia.
Việt Nam và ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển và chắc chắn không muốn phải chọn bên nào, như ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khẳng định khi còn là Thủ tướng Việt Nam tại cuộc họp báo quốc tế để cung cấp thông tin về kết quả hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 năm ngoái.
Lập trường với vấn đề Biển Đông của Việt Nam cũng hết sức rõ ràng. Chắc chắn, với chính sách Quốc phòng “bốn không” – không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, Việt Nam cũng sẽ không (5) “chọn phe”.
Như vậy. Trên thực tế, với 5 cái “không” trên kia, về thực chất, Việt Nam có chính sách «không (6) phân biệt đúng sai, không (7) bênh vực cái đúng! Và không (8) phù thịnh, không (9) bất phù suy. Bởi vậy, nên công khai điều chỉnh lại chính sách ngoại giao của VN là «chính sách 9 không».
Với 9 cái «không» này, VN chứng tỏ cho thế giới biết rằng VN là một chế độ «không» có triết lý tư tưởng, triết lý đạo đức, tức là «không» có triết lý sống. Đây là sự phản bội chủ nghĩa Mác-Lê, vì không còn phân biệt bạn thù, «phi giai cấp», không phân biệt đúng sai, không phân biệt đạo lý và công lý.
Ở VN hiện nay, tồn tại duy nhất một triết lý «chế độ là bất biến, là bất khả thay đổi» mọi chính sách chỉ tồn tại nếu có lợi cho triết lý đó, còn lại, tất cả đều là vô đạo và phải bị tiêu diệt.
Chính sách «Ba không» khởi thủy đã dẫn đến nhiều loại «không» khác như phân tích trên. Điều đó chứng tỏ «ba không» không phải là nền tảng bất biến của chính sách. Nó là xuất phát điểm để tạo ra hàng loạt các chính sách khác mâu thuẫn nhau. Nó chứa đựng bên trong cái «không» đúng!
Vì vậy, với VN, chỉ nên nêu ra nguyên tắc duy nhất: «Lợi ích Quốc gia trên cơ sở luật pháp phổ quát quốc tế». «Không» hay «có» là kết quả hay cơ sở của các chính sách khác, do chính sách nguyên tắc này sinh ra, hay nhằm để bảo vệ chính sách nguyên tắc đó.
01/05/2021
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN