Câu chuyện đường sắt Việt Nam, nhìn từ bưu điện

Nguyễn Huy Cường

Tôi mới đọc một bài báo về đường sắt của Việt Nam với tất cả những thông tin hữu ích và nội dung rất phong phú (có thể xem bài này ở Vietnamnet.vn )

Có thể là hình ảnh về đường sắt

Đáng kể là bài báo đã tóm lược tình hình đường sắt từ Indonexia, Mỹ, Nhật, Hà Lan v.v… với kỳ vọng là làm nổi hết các vấn đề cho việc phát triển đường sắt Việt Nam.

Là người đặc biệt quan tâm đến đề tài đường sắt từ 15 năm nay, tôi đã lên tiếng rất nhiều trên báo chí chính thống.

Hôm nay, sau khi đọc (và thỏa mãn) với nội dung khá sâu sắc, toàn diện của bài báo nói trên tôi xin góp 03 ý kiến nhỏ mà các tác giả còn để “lọt” chưa tính đến.

Để vào đề được thoáng, tôi xin trình bày bằng “Văn phây” cho tiện, khi nào các cơ quan chức năng muốn quan tâm thì “dịch” nó sang chính ngạch, tùy!

1. Hỡi Bộ Tài chính, hãy cảnh giác!

Khẩu ngữ trên tôi “nhái” lại câu nói nổi tiếng của nhà báo nổi tiếng bên cộng hòa Sec j.Fucik “Hỡi loài người, hãy cảnh giác”.

Khoảng ba tháng rồi tôi phải cam go với một hoàn cảnh khá bức xúc về mưu sinh, sức khỏe nên có một vấn đề rất lớn mà chưa “tham chiến” được, đó là việc người ta chuẩn bị làm mỗi tỉnh vài sân bay.

Đây là tín hiệu “sập nguồn” dễ thấy nhất về tài chính.

Những kế hoặch làm đường sắt A,B,C,D…toàn thấy những phương án dùng quỹ thời gian mươi năm trở ra, có cái tính đến năm 2040 mới xong.

Cần nói rõ: Tôi có một quan điểm cá nhân: Hãy nhìn vào việc nâng giá máy thở của mấy ông kễnh ngành y tế thì biết, ở xứ ta, tất thảy những dự án có giá trị từ một triệu USD trở lên, là phải cảnh giác!.

Khung thời gian làm đường sắt dài tới việc có cậu hôm nay vào ngành công an với cấp hàm thiếu úy, đến lúc đường sắt hoàn thành cậu này đã về hưu rồi.

Các cán bộ thanh tra, kiểm sát, tòa án, kế hoạch đầu tư, giao thông …hôm nay xin dự án hoặc duyệt dự án nhưng đến lúc kết thúc dự án thì đều có thể đã vào một cái lọ tro nho nhỏ gửi trong chùa rồi.

Khi ấy những sai phạm hôm nay (kiểu đường sắt Cát Linh-Hà Đông) sẽ được đổ diệt cho ông Nguyễn Văn Lịch sử, là xong!

Nếu ai đó hỏi tôi: Nếu cứ sợ sệt thất thoát như anh thì chấp nhận giao thông trì trệ mãi như thế này à?

Tôi thẳng thắn trả lời:

Vâng, em sợ lắm.

Vâng, rất sợ!

Chẳng thà cứ chậm trễ một chút còn hơn đổ lên đầu thế hệ sau một đống nợ!.

Không ai dám chắc những công trình 30 năm nay sẽ khá hơn “con” Cát Linh –Hà Đông cả.

Nếu nó “tiến bộ” hơn, có lẽ thời gian chậm trễ giảm bớt 50% thời gian dự kiến thì cũng đến năm 2050 mới xong phần thô và đến năm 2060 mới xong phần tất toán.

2. Sai trọng tâm

Qua nhiều lần tạm gọi là “cải tiến”, có vẻ như ngành đường sắt không nhắm trúng trọng tâm đổi mới. Họ dành nỗ lực cao nhất để RÚT NGẮN thời gian chạy tàu: Từ 42 giờ (tuyến SG-HN) đến 32, rồi 28 giờ….

Đương nhiên, cứ mỗi lần “rút” được vài giờ, là tiện tay rút tiền của khách cho bằng thích.

Tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn có ghi hình, thu hoạch hẳn hoi từ khách đi tàu.

Họ muốn cái khác hơn là vài giờ nhanh hơn.

Họ muốn được tôn trọng.

Họ muốn toa xe, nhà vệ sinh… sạch sẽ hơn

Họ muốn có những tiện ich phục vụ trên chặng đường dài tốt và giá cả không “chát”

Hơn hết họ muốn Đường sắt có trách nhiệm, lương tâm với khách hơn.

Xin đơn cử: Một đoàn tàu từ HN vào SG, dự kiến đến ga cuối khoảng 11 giờ trưa nhưng tàu chậm đến 15 giờ chiều.

Khách đói lả nhưng nhà tàu xem mình như vô can.

Không có bữa ăn cho thời gian phát sinh khốn khổ này, mặc cho khách đói, mặc cho khách chịu những hệ lụy khi tàu chậm hai giờ, bốn giờ, thậm chí 8 giờ cũng mặc.

Trong khi đó, nhân viên ung dung đẩy xe đồ ăn giá cao đi “phục vụ”.

Nội dung này cho thấy ngành đường sắt đậm đà hình bóng muộn mằn nhất của thời bao cấp.

3. Cung cách quản lý, phục vụ

Hãy nhìn sự thoi thóp của ngành bưu điện xưa và hôm nay

Việc gửi thư, gửi bưu phẩm, gửi tiền của khách hàng ngày nay so với 10 năm trước, 20 năm trước thực sự đã qua một cuộc cách mạng.

Thử ví dụ: Một người gửi một gói hàng từ thành phố Điện Biên về cho người nhận ở Thành phố Yên Bái.

Nếu gửi bằng bưu điện, nguyên việc đi từ nhà ra bưu điện, xếp hàng, làm thủ tục như xưa chắc mất một buổi.

Sau đó, nhanh nhất phải mất một tuần mới tới nơi.

Việc gửi hàng gì, đóng gói kiểu gì, cấm cách điều gì còn là nhiều chuyện khác.

Đến nơi, người nhận cũng mất một buổi nữa đến Bưu điện nhận lại.

Khi “vô phúc” bị thất lạc bưu kiện, phải làm rất nhiều thủ tục kiện tụng.

Sau hàng tháng xác minh, nếu lỗi thuộc bưu điện, họ sẽ đền số…tiền cước!.

Bây giờ, kể cả hàng hóa là thực phẩm hay chất lỏng, hoặc một số tiền, người gửi đem ra đường, gửi cho một ông tài xe khách chạy tuyến Điện Biên, Yên Bái gửi lúc chiều tối hôm trước thì 7 giờ sáng hôm sau người nhận đã nhận hàng.

Khi nhận cũng không phải ra bưu điện xếp hàng, chờ họ mở cửa, mang CMND, ký đúng chữ ký v.v…để nhận hàng mà chỉ cần đọc đúng số điện thoại của người nhận là ok.

Việc giao nhận thường hết khoảng 20 giây.

Tôi tin rằng hiện nay mỗi tháng có hàng ngàn tấn hàng hóa, hàng vài tỷ đồng được gửi qua hàng chục ngàn giao dịch kiểu này.

Xin trở lại vấn đề đường sắt.

Trong bài báo tôi cho là hay này, hầu như cái gì cũng đúng nhưng…chưa tính đến yếu tố cạnh tranh.

Sự cạnh tranh thời nay khốc liệt lắm.

Nếu (từ bài báo kia) mọi sự được tiếp thu, khai triển tốt thì coi chừng, hình ảnh “Bưu điện” nói trên sẽ ám ảnh.

Để minh chứng cho nỗi âu lo này là thực xin chỉ ra đúng 01 nháy sau.

Hiện nay, năm 2021 rất, rất nhiều hành khách đi máy bay mua được vé rẻ hơn vé tàu hỏa (chặng HN –SG). Vé tàu nhiều loại trên dưới một triệu, rồi ‘chi” thêm vài chục giờ vật vã, mua đồ ăn đắt, ngửi mùi toilet hôi…) trong khi vé máy bay chỉ từ 500.000đ đến gần một triệu một vé với ba bốn giờ vận động, là tới.

Chỉ cần làm con toán lớp tư là biết, khỏi cần cao siêu gì.

Nếu anh vô cảm với việc một công nhân KCN Bình Dương mỗi lần về thăm quê Bắc, đi tàu một lượt ra vào, mất nửa tháng lương thì không ra chuyện đâu!.

Khi so sánh với Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Hà Lan nhớ tính giùm giá vé bên đó với mức thu nhập nơi đó nữa ạ!

Xin lấy một tỉ lệ rất thực ở một nước kinh tế hạng bét so với nhóm G7 là nước Nga.

Vé tàu Sapsan chạy từ Saint Pertersburg, tiện nghi, sạch, rộng, cung đường tương đương với Sài Gòn-Đà Nẵng. Tấm vé này giá bằng khoảng một phần hai mươi lăm tháng lương của một trung úy cảnh sát hoặc một thợ điện bậc bốn.

Ấy là những so sánh hôm nay.

Còn đợi ông đường sắt đổ một đống tiền vào công cuộc cải tạo (vừa làm vừa chén qua các kiểu tham nhũng, lãng phí), làm mới đường, tàu xong phóng tay bán tấm vé với giá “theo ý chủ” nữa thì khả năng để cả tàu và đường, nhà ga làm hàng mẫu sẽ hiển hiện.

Không toan tính, cứ cày đầu vào làm, lỗ sặc gạch, là chuyện dễ thấy.

Nội trong tư duy kinh tế giao thông, loại suy nghĩ muốn dỡ nhà người khác làm chuồng heo nhà mình, không có đất sống.

Năm mươi năm nữa cũng vậy thôi.

Đừng dại!

N.H.C.

Nguồn: Fb Nguyễn Huy Cường

This entry was posted in Phát triển đường sắt VN. Bookmark the permalink.