Minh Đức | 11/04/2021 11:58
Các động thái thù địch của Trung Quốc đang góp phần củng cố kêu gọi hợp tác xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ với EU, nhưng châu Âu vẫn có những lo ngại khác.
Trung Quốc “giúp” EU xích lại gần Mỹ
Ngay khi máy bay của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hạ cánh ở Brussels vào tối 22/3, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã có được một “đồng minh” không được chờ đợi trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương sâu sắc hơn: Trung Quốc.
Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều sự chia rẽ hơn là sự đồng thuận giữa Washington và châu Âu. Trong khi Mỹ có đường lối cứng rắn và áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên Trung Quốc bằng cáo buộc về cách Bắc Kinh đối xử với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện cách tiếp cận ngược lại, và vào tháng 12/2020 đã thông qua một thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với Bắc Kinh nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư lớn của châu Âu ở Trung Quốc, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Đức.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc thành lập một liên minh chống lại Trung Quốc.
Thỏa thuận chấn động của Trung Quốc-EU sắp “đứt gánh”: Lỗ hổng cũ quay lại “ám” Bắc Kinh?
H&M, Nike,… và khủng hoảng bùng nổ khó hiểu về bông Tân Cương: Mối liên hệ sâu xa của ông Biden
Tuy nhiên, khi gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell ngày 24/3, Blinken thấy tình hình có thay đổi và có một cơ hội chín muồi bất ngờ để thúc ép châu Âu xem xét lại lựa chọn của mình và tham gia cùng người Mỹ.
Khi Blinken đến châu Âu hôm 22/3, quan hệ ngoại giao EU-Trung Quốc đang xuống cấp ngoài dự liệu của châu Âu. Để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU đối với 4 quan chức Trung Quốc, Bắc Kinh đã tung ra các biện pháp cấm vận đáp trả nhằm vào số lượng lớn hơn nhiều các nhà ngoại giao, nghị sĩ và học giả châu Âu. Các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) sau đó đã tuyên bố không phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc (CAI), trong khi Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Ý và Đan Mạch triệu tập đại sứ Trung Quốc tại nước họ.
Căng thẳng tiếp tục bùng lên sau đó khi các nhà ngoại giao và cơ quan ngoại giao Trung Quốc ở châu Âu liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn và đối đầu với quan điểm chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.
Đối với Mỹ, sự xuống cấp của các mối quan hệ Trung Quốc-EU lại là một món quà ngoại giao ngoài mong đợi và đến vào lúc cần thiết nhất. Sự bùng nổ không ngờ này còn gây bất ngờ gấp đôi vì nhiều nhà ngoại giao từ lâu đã cho rằng ưu tiên ngoại giao cốt lõi của Trung Quốc ở châu Âu là chia rẽ quan hệ giữa Brussels và Washington, chính xác là để ngăn chặn sự đoàn kết của họ.
Janka Oertel, giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại cho biết: “Những tiếng nói kêu gọi hợp tác xuyên Đại Tây Dương đã được củng cố [hôm 22/3], trong khi những tiếng nói kêu gọi châu Âu độc lập và tách mình khỏi Mỹ đã bị suy yếu.”
Tất nhiên, vẫn có những trở ngại đáng kể đối với một liên minh Mỹ-EU hoàn chỉnh chống lại Trung Quốc. Các doanh nghiệp châu Âu vẫn quan tâm đến thỏa thuận đầu tư hơn là vấn đề Tân Cương hay Hồng Kông. Nhóm chính trị lớn nhất trong EP muốn vấn đề nhân quyền và hiệp ước thương mại được tách bạch một cách an toàn thành các chủ đề riêng biệt.
Điều quan trọng là Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chỉ đạo chính sách thương mại cho 27 nước thành viên EU, đã rót nhiều vốn chính trị vào thỏa thuận với Bắc Kinh.
Vào cùng ngày mà Blinken cố gắng khiến người châu Âu thay đổi lựa chọn, Maria Martin-Prat, Trưởng đoàn đàm phán của EU với Trung Quốc, phát biểu tại một cuộc hội thảo do Phòng Thương mại Trung Quốc với EU đồng tổ chức, có chủ đề “Xây dựng mô hình đôi bên cùng có lợi: Khám phá tiềm năng của hiệp ước đầu tư EU-Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: EPA)
Chủ quyền bị đe dọa
Bất chấp những cân nhắc thương mại lớn này, Benjamin Haddad, người đứng đầu Trung tâm Châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn, cho biết lợi ích chính trị hiện đã cao hơn đối với khu vực Châu Âu.
“Người châu Âu sẽ phải đẩy mạnh phản ứng chống lại Trung Quốc sau những lời lăng mạ, đe dọa và trừng phạt đối với các học giả và nghị sĩ. Đây không phải là việc đứng về phía Mỹ, mà là để bảo vệ chủ quyền của châu Âu trước một kẻ bắt nạt,” ông nói.
Có một số lĩnh vực tiềm năng trước mắt để hợp tác. Ví dụ, Brussels muốn hợp tác với nhau trong “Hội đồng Công nghệ và Thương mại Xuyên Đại Tây Dương” để thiết lập các tiêu chuẩn chung về công nghệ mới, nhằm ngăn chặn Trung Quốc thiết lập sự thống trị kinh tế trên một số lĩnh vực có giá trị cao.
Bà Von der Leyen tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich hồi tháng 2 rằng “không ai trong chúng ta muốn Trung Quốc” có quyền thiết lập quy tắc đối với EU và Mỹ.
“Mối quan hệ với EU là yếu tố then chốt cho sự cạnh tranh của Mỹ ở Trung Quốc. Trong các lĩnh vực thương mại hoặc công nghệ, EU và Mỹ có thể làm việc để hình thành các tiêu chuẩn và chuẩn mực chung để bảo vệ một hệ thống quốc tế cởi mở và tự do,” ông Haddad nói.
Tuy nhiên, về cơ bản, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn còn hoài nghi sâu sắc về một cuộc ngăn chặn theo kiểu Chiến tranh Lạnh đối với Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất trên thế giới của EU. Hồi cuối tháng 1, Thủ tướng Đức Merkel nói rằng bà “rất muốn tránh việc xây dựng các khối,” trong khi ông Macron khẳng định muốn tránh một tình huống “tất cả cùng chống lại Trung Quốc”.
Trung Quốc cũng không phải là trở ngại duy nhất đối với một mối quan hệ ngoại giao đầy đủ. Tehran và Moscow cũng là hai nguồn gây tranh cãi. Nhiều nước châu Âu vô cùng phẫn nộ với việc các lệnh trừng phạt của Mỹ đã ngăn cản các doanh nghiệp của họ đạt được các thỏa thuận với Iran. Trong trường hợp của Berlin, tình hình phức tạp hơn khi chính quyền Biden phản đối dự án đường ống Nord Stream 2 do Nga hậu thuẫn dẫn khí đốt đến Đức.
Cùng quan điểm bảo vệ lợi ích thương mại giữa những cơn bão chính trị, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu, nhóm lớn nhất trong EP, lập luận rằng các lợi ích thương mại của châu Âu ở Trung Quốc không nên trở thành nạn nhân của các biện pháp trừng phạt.
“Các công ty EU có nhu cầu phải được đảm bảo trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch và chính sách thương mại mới của EU,” Iuliu Winkler, thành viên chủ chốt phụ trách các vấn đề về Trung Quốc trong ủy ban thương mại của EP, cho biết trong một tuyên bố hôm 23/3.
Mỹ mong muốn củng cố liên minh chống Trung Quốc, trong khi châu Âu muốn tách bạch các vấn đề chính trị với lợi ích thương mại khi làm việc với Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)
Khủng hoảng ngoại giao bùng nổ
Tuy nhiên, Trung Quốc không đồng ý rằng EU có thể hưởng lợi bằng cách tách kinh doanh khỏi chính trị cấp cao.
“Phía châu Âu không thể mong đợi một mặt nói về hợp tác và giành lợi thế trong khi mặt khác làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hôm 23/3.
Và trên thực tế, về phía EU cũng vậy, cuộc tranh cãi ngoại giao dường như ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Hôm 23/3, Trung Quốc đã triệu tập đại sứ EU và Vương quốc Anh để phản đối các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lô Sa Dã (Lu Shaye), một chiến lang điển hình, vì những lời xúc phạm các nghị sĩ Pháp và một nhà nghiên cứu, cũng như các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh đối với các thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP).
“Hành vi của Đại sứ Lô đang tạo ra một trở ngại cho việc cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp,” một quan chức ngoại giao Pháp nói. Đại sứ Lô Sa Dã được dư luận trong nước “tung hô” khi ông này không đến Bộ Ngoại giao Pháp theo thời gian được triệu tập.
Một quan chức ngoại giao khác của Pháp nói thêm rằng hiệp ước thương mại rõ ràng đang gặp rủi ro: “Nếu [Bắc Kinh] nghĩ rằng người châu Âu là những kẻ mềm yếu, thì dường như họ đã tính toán sai,” vị quan chức này nói.
“Phản ứng của Trung Quốc vượt ra ngoài các lệnh trừng phạt của châu Âu và tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng các biện pháp này có lợi cho thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc.”
Giữa hàng loạt câu hỏi về Trung Quốc trong cuộc họp báo hàng ngày của Ủy ban châu Âu, những người phát ngôn của EU tiếp tục tách bạch mối quan hệ EU-Trung Quốc thành các lĩnh vực chính sách khác nhau.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thì chỉ trích “một bộ phận nhỏ các lực lượng phương Tây đã lần lượt lên sân khấu và thực hiện một số màn trình diễn, tung ra những cáo buộc bôi nhọ chống lại Trung Quốc”.
“Họ phải biết rằng những ngày kể chuyện và bịa đặt nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đã qua lâu rồi,” ông Vương nói.
Đọc thêm
Khoe khoang quá mức, rốt cuộc nói dối lòi đuôi: Trung Quốc thừa nhận vaccine do mình sản xuất kém hiệu quả
M.Đ.
Nguồn: soha.vn