RFA 2021-03-18
Hầu hết những vụ tham nhũng, hối lộ có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam mà người dân Việt Nam được biết đến đều do các cơ quan, tổ chức nước ngoài phát hiện và công bố. Từ vụ công ty Securency của Úc hối lộ quan chức Ngân hàng Nhà nước để giành được hợp đồng in tiền polymer cách đây hơn 10 năm cho đến vụ công ty Nhật Tenma hối lộ một số cán bộ hải quan tỉnh Bắc Ninh năm ngoái hay một số vụ việc Ngân hàng Thế giới chỉ ra gần đây, mặc dù xảy ra ở Việt Nam nhưng các vụ việc này lại không được phát hiện và thông tin bởi các cơ quan hữu trách Việt Nam. Sự thiếu vắng những thông tin này là do tham nhũng hối lộ có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam còn ít hay Chính phủ Việt Nam chưa quan tâm tới loại tội phạm này?
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ – một quan chức Việt Nam nhận hối lộ của một công ty Nhật Bản và giúp công ty này thắng thầu dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây. Ảnh: AFP
Không biết nhiều hay ít, tăng hay giảm
Mặc dù hoạt động chống tham nhũng hay còn gọi là “công cuộc đốt lò” được xem là được đẩy mạnh trong những năm gần đây nhưng những thông tin chính thức về hoạt động chống tham nhũng, hối lộ có yếu tố nước ngoài khá hiếm trên các trang thông tin của Chính phủ Việt Nam.
Không thể biết chính xác tình hình các vụ tham nhũng, hối lộ có yếu tố nước ngoài ở Việt nam nhiều hay ít, tăng hay giảm. Các báo cáo tổng kết hoạt động Phòng chống Tham nhũng trong hai năm 2019 và 2020 của Thanh tra Chính phủ giới thiệu nhiều thành tích chống tham nhũng đã đạt được nhưng không dòng nào đề cập về hoạt động chống tham nhũng trong khu vực có yếu tố nước ngoài. Phóng viên RFA đã liên lạc với người phát ngôn và lãnh đạo Cục phòng chống Tham nhũng của Thanh tra Chính phủ nhiều lần nhưng không được cung cấp thông tin này.
Sự hành hoành của các hành vi tham nhũng vặt của các cán bộ công quyền tại công sở, trên đường phố, trong bệnh viện hay cả ở trường học và sự có mặt của nhiều quan chức cấp cao trong nhiều đại án gần đây khiến người ta dễ nghĩ rằng tình hình tham nhũng, hối lộ trong khu vực có yếu tố nước ngoài cũng không phải là ngoại lệ.
Bình luận về tin Ngân hàng thế giới trừng phạt tập đoàn Grupo Mecánica del Vuelo Sistemas có trụ sở tại Tây Ban Nha hành vi thông đồng, gian lận tại 2 dự án Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội và dự án Phát triển bền vững Thành phố Đà Nẵng, nhiều bạn đọc của RFA cho rằng nhập gia tùy tục, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam “không thông đồng, hối lộ mới là lạ” hay “không hối lộ thì không làm ăn được ở Việt Nam”!
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency) – một tổ chức quốc tế chuyên về chống tham nhũng và thúc đẩy minh bạch, liêm chính, trong bài trả lời phỏng vấn RFA cũng khẳng định: Quan điểm cho rằng hối lộ, tham nhũng là “chuyện thường ngày ở huyện” trong hoạt động kinh doanh cũng còn khá phổ biến ở Việt Nam. Bà cho rằng mặc dù môi trường kinh doanh tại Việt Nam có một số cải thiện tích cực như đề cập tới sự cần thiết thực hành văn hoá kinh doanh liêm chính nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro tham nhũng.
Tuy nhiên, khi đề cập cụ thể đến vấn đề tham nhũng, hối lộ có yếu tố nước ngoài, bà Viễn cũng chỉ trả lời rằng bà được biết qua theo dõi báo chí “thấy có xảy ra tình hình tham nhũng, hối lộ và thông đồng ở các dự án có yếu tố nước ngoài”. Bà cho biết tổ chức của bà khó có thể đưa ra nhận định hiện tượng này đang tăng hay giảm “vì không có đủ số liệu”. Bà cũng nhấn mạnh rằng theo một nghiên cứu của Towards Transparency thực hiện trong năm 2018 đối với 45 doanh nghiệp lớn nhất hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 15 doanh nghiệp FDI, hiện nay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.
Theo PGS. TS Phạm Quý Thọ, giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời là một nhà quan sát vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam, hiện tại Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là một nguồn thông tin hiếm hoi, phần nào phản ánh bức tranh tham nhũng có yếu tố nước ngoài vì chỉ số này thường xuyên khảo sát DN FDI về những chi phí không chính thức họ phải chi trả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Chỉ số PCI, so với các nguồn số liệu khác ở Việt Nam, được thực hiện bởi phương pháp điều tra khá tiến bộ, được thực hiện liên tục [từ 2005] và có tính hệ thống, công khai bởi vậy có thể tham khảo về xu hướng, nhưng về số tuyệt đối không thể khẳng định” –TS Phạm Quý Thọ nói và cho rằng trong khi Việt Nam có những điều tra tham nhũng chuyên biệt nhưng không được công khai hoặc liên tục thì “nên coi nguồn từ ‘PCI’ phản ánh phần nào bức tranh tham nhũng có yếu tố nước ngoài”.
Chỉ số PCI nói gì?
Được công bố vào tháng 5/2020 và điều tra hơn 12.000 doanh nghiệp trong đó có hơn 1.500 doanh nghiệp FDI, đến từ 52 quốc gia, vùng lãnh thổ, Báo cáo chỉ số PCI năm 2019 hiện là bản báo cáo PCI mới nhất hiện nay.
Mặc dù ghi nhận nhiều cải thiện của môi trường kinh doanh ở Việt Nam so với những năm trước nhưng báo cáo chỉ ra rằng các doanh nghiệp FDI vẫn phải bỏ ra 1,11% doanh thu – một khoản chi không nhỏ – cho các chi phí không chính thức hay con gọi là chi phí “bôi trơn” trong năm 2019. Cũng theo báo cáo, 32,5% doanh nghiệp FDI vẫn phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra và 42,5% DN phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu. Đáng chú ý, phân tích về chi phí không chính thức trong lĩnh vực xây dựng của nhóm nghiên cứu đã phát hiện có tới 48% doanh nghiệp FDI thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng trong năm 2019 đã chi trả thêm trung bình khoảng 24 triệu VND chi phí không chính thức để nhận được giấy phép này. Về thực trạng này, nhóm nghiên cứu nhận định: “Có nguy cơ rõ ràng, những loại tham nhũng này có thể khiến các doanh nghiệp đang hoạt động từ bỏ ý định mở rộng sản xuất kinh doanh”.
Trích Báo cáo Chỉ số PCI 2019
Một số chi phí không chính thức mà DN FDI phải chi trả – Trích Báo cáo chỉ số PCI 2019
Khó phát hiện vụ việc hay không muốn làm?
Giới chuyên môn cho rằng tham nhũng, hối lộ có yếu tố nước ngoài thường rất tinh vi, lắt léo. Mặc dù một số nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp đã có luật hay quy định chống tham nhũng ở nước ngoài nhưng đối tượng đưa hối lộ thường không đưa tiền trực tiếp cho quan chức nước sở tại mà làm điều này thông qua một công ty con, công ty đối tác hoặc thông qua một tổ chức, cá nhân ở nước sở tại. Tiền hối lộ cũng được gửi đến quan chức nước sở tại bằng nhiều hình thức, từ tiền mặt, tiền hoa hồng… cho tới việc chi trả tiền thăm quan du lịch hay tiền học phí du học cho con quan chức.
TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ đồng thời là một chuyên gia về vấn đề tham nhũng, hối lộ đã từ chối không trả lời phỏng vấn RFA về vấn đề chống tham nhũng, hối lộ có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau vụ việc công ty Tenma của Nhật hối lộ 5 tỷ đồng cho một số cán bộ hải quan tỉnh Bắc Ninh để được giảm hàng trăm triệu tiền thuế, khi trả lời câu hỏi của báo chí trong nước về việc vì sao các vụ hối lộ có yếu tố nước ngoài thường do các cơ quan, tổ chức nước ngoài phát hiện và xử lý trước, ông Minh nói rằng hối lộ có yếu tố nước ngoài rất khó phát hiện“vì bên đưa lẫn bên nhận đều có lợi nên ít khi có chuyện bên nọ tố bên kia”. Ông này cho biết trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quản lý thị trường, thuế, hải quan… khi phát hiện ra sai phạm thì thường có sự mặc cả, thỏa thuận của bên vi phạm và các công chức thoái hóa nhận tiền, biến vi phạm to thành vi phạm nhỏ, do đó càng khiến cho tham nhũng khó bị phát hiện. Theo ông Minh, việc sử dụng tiền mặt quá nhiều cũng gây khó khăn cho công tác tham nhũng vì khó chứng minh tiền của ai, nguồn gốc thế nào.
“Chống tham nhũng thực chất là vấn đề quản trị. Muốn giảm được tham nhũng thì phải làm theo những tập quán quản trị tốt nhất, cụ thể phải đảm bảo 4 yếu tố: 1- Thượng tôn pháp luật, 2- Có một nền tư pháp độc lập, 3 – Có nền báo chí độc lập và 4- Có các tổ chức xã hội dân sự lành mạnh, hoạt động sôi nổi”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Thừa nhận sự tinh vi, lắt léo của các vụ tham nhũng hối lộ có yếu tố nước ngoài nhưng ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã giải thể) lại cho rằng Chính phủ Việt Nam chưa thực sự làm tích cực trong lĩnh vực này vì đây là “mảnh đất màu mỡ và an toàn” cho quan chức Chính phủ tham nhũng.
“Tôi có thể khẳng định khu vực FDI, khu vực ngoài nhà nước, là kênh giúp họ [quan chức nhà nước – PV] tham nhũng mà người dân khó biết, bộ máy tư pháp khó biết… Họ an toàn hơn nếu nhận tiền hối lộ tham nhũng qua kênh nước ngoài hơn từ trong nước. Họ có incentive [động lực –PV] để bảo vệ những kênh đó” – ông Quang A nói và cho rằng tình trạng tham nhũng qua đối tác nước ngoài ở Việt Nam là rất lớn.
Ông Quang A cũng cho rằng mặc dù bảo vệ các giá trị minh bạch, liêm chính, các chính phủ và các tổ chức nước ngoài cũng có xu hướng thận trọng và cả “nể nang” khi xử lý các vụ tham nhũng, hối lộ liên quan tới Việt Nam vì phải cân nhắc rất nhiều yếu tố và lợi ích liên quan. Ông nói:
“Các chính phủ nước ngoài hay các tổ chức nước ngoài khi hợp tác với Việt Nam, tôi không nói riêng đến việc tài trợ, chắc chắn họ để ý đến tình hình cụ thể của Việt Nam, muốn tiếp tục giữ quan hệ với Việt Nam và còn phải cân nhắc 5, 7 đến 10 nhân tố khác và có thể họ cũng không dám mạnh dạn cho lắm để nói tọac móng heo về tham nhũng. Tôi nghĩ đây cũng là điều dễ hiểu vì họ có nhiều lợi ích của riêng họ, nhiều lợi ích với Việt Nam và chống tham nhũng chỉ là một trong những nhân tố đó”.
“Trong một mớ bòng bong những lợi ích và nhân tố như vậy, khi cân nhắc, họ không thể hoàn toàn khách quan nên chuyện họ ngại, nể, không nói mạnh tới vấn đề đó tôi nghĩ là rất tự nhiên” – ông Quang A phân tích và nói thêm rằng ông rất mong Chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế tích cực phanh phui các vụ tham nhũng hối lộ có liên quan tới Việt Nam và làm điều này đến mức có thể chỉ đích danh quan chức nào có dính líu và đình chỉ tất cả giao dịch, tài khoản của họ ở nước ngoài để những vụ việc này có tính răn đe cao hơn.
Nguồn: rfa.org