Jackhammer Nguyễn
18-3-2021
Ông Nguyễn Phú Trọng (trái) phát biểu nhân chuyến thăm Mỹ ngày 7/7/2015. Nguồn: Bộ Ngoại giao VN
Lòng tin chiến lược
Nhà phân tích quốc phòng người Mỹ, ông Derek Grossman, trích dẫn một số nguồn tin Việt Nam, nói rằng Hà Nội đang tìm cách thu xếp để ông tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ và gặp gỡ tổng thống Joseph Biden.
Ông Trọng đã sang Mỹ lần đầu vào năm 2015 để gặp tổng thống Obama, chuyến thăm được nhiều nhà quan sát quan hệ Mỹ – Việt đánh giá là một sự thay đổi vô cùng lớn trong quan hệ giữa hai quốc gia này, đó là Mỹ công nhận vị trí quyền lực thật sự của tổng bí thư ĐCSVN, tức là gián tiếp nói rằng Mỹ không có ý thay đổi (hay can thiệp) vào chế độ chính trị của Việt Nam. Điều đó dẫn đến việc Hà Nội tăng sự tin tưởng lên đối tác Hoa Kỳ, và từ đó, VN tham gia vào các kế hoạch chiến lược toàn cầu của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, một khái niệm địa chiến lược khá cũ do người Nhật đưa ra, được kích hoạt trở lại vào năm 2017 dưới thời tổng thống Donald Trump, xem như một liên minh gồm bốn (bộ tứ – quad) quốc gia, Mỹ, Nhật, Úc, Ấn để chống lại Trung Quốc, dù không chính thức nói ra. Mặc dù không tiến triển gì nhiều trong bốn năm qua, nhưng Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn là một cái khung hy vọng cho nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, bị Trung Quốc đe dọa, trực tiếp hay gián tiếp.
Chuyến công cán hải ngoại đầu tiên của ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Lloyd Austin, đến thăm Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước trong bộ tứ, chứng tỏ rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, mà hơn thế nữa, là dựa vào nguyên tắc liên minh truyền thống của Mỹ và các đồng minh. Nguyên tắc này đã bị phá đi trong bốn năm cầm quyền thất thường của ông Trump.
Theo ông Grossman, cuộc họp bộ tứ lần thứ hai từ khi ông Biden cầm quyền, vào ngày 12/3/2021 với bốn vị nguyên thủ quốc gia của bộ tứ, có nêu tầm quan trọng của Đông Nam Á, với dự án 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho vùng này, là một tín hiệu tích cực, trấn an Hà Nội rằng, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục được triển khai, với cách tiếp cận toàn diện hơn.
Lấn cấn nhân quyền
Điều lấn cấn nhất của Hà Nội trong chặng đường ngoại giao Việt – Mỹ nói riêng và địa chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tới đây, là điều mà nhiều người cũng đã dự đoán trước, đó là Washington sẽ lên tiếng mạnh mẽ hơn các vấn đề liên quan tới nhân quyền mà chính quyền Trump không quan tâm. Đây là điều mà ông Grossman gọi là vấn đề rất nhạy cảm đối với các nhà lãnh đạo Hà Nội.
Tuy nhiên theo chủ quan của tôi, thì Hà Nội không xa lạ gì vấn đề này, họ sẽ có được cách đối phó với Mỹ, mà vẫn duy trì được quan hệ đối tác chiến lược chống lại đối thủ chung là Trung Quốc, bằng cách thể hiện cho Mỹ thấy là họ có ích như thế nào trong ván bài toàn cầu chống lại Bắc Kinh.
Nhưng đó là dựa theo những gì đã xảy ra trong quá khứ. Tình hình đã đổi khác, quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Mỹ đánh giá cao vai trò của các đồng minh truyền thống là Nhật và Hàn Quốc (và Úc), đã bị ông Trump bỏ bê trong bốn năm qua, điều đó làm cho các quốc gia Đông Nam Á mà Việt Nam là thành viên quan trọng, phải thay đổi.
Đu dây tinh tế hơn
Việc thay đổi này không bắt buộc là họ phải chọn phe trong thời gian ngắn trước mắt. Không chỉ có Việt Nam thực hiện một chính sách ngoại giao nói nôm na là đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc. Bài phỏng vấn gần đây của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long với đài BBC thể hiện rất rõ điều đó. Không nên chọn phe giữa lúc căng thẳng Mỹ – Trung trở nên vô cùng rõ ràng đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á phải thực hiện những chính sách đu dây tinh tế hơn, mà nhất là Việt Nam, quốc gia vẫn chưa chia sẻ những giá trị về dân chủ với Mỹ và phương Tây.
Trong một bài viết gần đây của tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trên nhiều phương tiện truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, tác giả thẳng thắn nêu lên rằng, Việt Nam phải thể hiện rõ thái độ của mình về cuộc đảo chánh phản dân chủ ở Miến Điện. Ông cũng đề cập đến phiên tòa Đồng Tâm, cùng lúc với câu nói của đại sứ Singapore (về chuyện Miến Điện) rằng “bắn vào dân của chính mình là một nỗi ô nhục”. Tiến sĩ Thắng hiện sống trong nước, trước khi bài viết của ông được đưa ra, báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn giật tít câu nói này của vị ngoại trưởng Singapore, nhưng đã phải gỡ bỏ không lâu sau đó.
Đó là về phần của Việt Nam nếu muốn đi dây tốt hơn. Ta hãy xem thái độ của Trung Quốc gần đây đối với Việt Nam.
Trong vài tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, Ngoại trưởng Trung Quốc thăm tất cả các nước Đông Nam Á, trừ Việt Nam. Các nước này đều được Bắc Kinh phủ dụ bằng chính sách ngoại giao vaccine, tức là đưa vaccine ra để viện trợ, bán,… cho các nước này, trừ Việt Nam vẫn không nghe nói gì đến vaccine Trung Quốc.
Vào ngày 15/3/2021, hải quân Trung Trung Quốc thực hiện một cuộc tập trận phía Tây bán đảo Lôi Châu, trong vịnh Bắc Bộ. Điều cần ghi nhận là tờ Hoàn Cầu Thời báo, cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi loan tin về cuộc tập trận này, đã nhấn mạnh tới việc các thủy thủ Trung Quốc “tưởng nhớ những hành động anh hùng của hải quân Trung Quốc vào ngày 14/3/1988 chống lại Việt Nam ở đảo đá Chigua”.
Đảo đá Chigua chính là đảo Gạc Ma, nơi 33 năm trước 64 thủy thủ Việt Nam tay không đã bị Trung Quốc thảm sát.
Kết thúc bài viết của mình trên tạp chí Diplomat, ông Grossman nhận định rằng, Mỹ nên tạo điều kiện tổ chức một cuộc gặp giữa ông Biden và ông Trọng để làm cho các nhà lãnh đạo Việt Nam cởi mở đầu óc hơn, rất có ích trong kế hoạch chiến lược của Mỹ.
Đó là về phía Mỹ, mà tôi cũng đồng ý với ông Grossman, nhưng câu nhận định của ông Đinh Hoàng Thắng, tôi thấy quan trọng hơn: “Liệu chính phủ mới ở Việt Nam sẽ phải làm gì, để nền Ngoại giao VN thực sự có thể dẫn dắt, có thể đi đầu trong bối cảnh an ninh khu vực chuyển biến gia tốc, hay lại bị ‘cuốn theo chiều gió’ rồi để thời cuộc dẫn dắt?”.
Nói cho cùng, số phận của chúng ta phải do chúng ta định đoạt.
J.N.
Nguồn: baotiengdan.com