Lý do nhà máy Trung Quốc chịu ‘vạ lây’ trong biểu tình Myanmar

Vũ Hoàng (Theo SCMP, Washington Post)

Hàng chục nhà máy do Trung Quốc rót vốn đã bị đốt phá, sau khi nhiều người biểu tình cho rằng Trung Quốc đang trợ giúp chính quyền quân sự Myanmar.

Thị trấn Hlaing Tharyar ở rìa phía tây Yangon là một trong những khu vực lớn nhất và đông dân cư nhất của Myanmar. Rộng 67 km2 với 700.000 dân, nơi đây tập trung khoảng 850 nhà máy, cung cấp việc làm cho khoảng 350.000 người. Rất nhiều công nhân là lao động nhập cư đến từ các vùng nông thôn đi tìm kiếm cơ hội thoát nghèo.

Hôm 14/3, hơn 20 người thiệt mạng tại thị trấn khi binh sĩ chính phủ nổ súng vào người biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội nhằm lật đổ chính quyền dân cử.

Bất bình vì những cái chết của người biểu tình, đám đông giận dữ mang theo vũ khí tự chế và xăng đã đốt cháy 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở thị trấn trên, gây thiệt hại 37 triệu USD, khiến hai nhân viên Trung Quốc bị thương, theo Global Times.

Khói bốc lên từ một khu vực thuộc thị trấn Hlaing Tharyar, Yangon, Myanmar, ngày 14/3. Ảnh: Anadolu Agency.

Khói bốc lên từ một khu vực thuộc thị trấn Hlaing Tharyar, Yangon, Myanmar, ngày 14/3. Ảnh: Anadolu Agency.

Bạo lực đã có dấu hiệu lan ra bên ngoài các nhà máy. Theo một số thông tin trên mạng xã hội ngày 15/3, một khách sạn do Trung Quốc sở hữu cùng vài nhà hàng ở Hlaing Tharyar cũng bị phá hủy.

Hành động đốt phá nhà máy là biểu hiện mới nhất của tâm lý phản đối Trung Quốc đã bùng phát ở Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính của quân đội. Người biểu tình đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc và Nga không đưa ra những tuyên bố cứng rắn và áp đặt trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar.

Phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc đang sôi sục trong những tuần gần đây và người biểu tình tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh lên án cuộc đảo chính.

Trong số các mục tiêu bị tẩy chay có hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc và điện thoại di động Huawei. Theo những người biểu tình, tập đoàn viễn thông này đã hỗ trợ chính quyền quân sự bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của mình.

Thậm chí cả những trò chơi điện tử trên điện thoại di động do các công ty Trung Quốc phát triển cũng không thoát khỏi tình trạng tương tự. Các phần mềm như TikTok đã bị nhiều người dân xóa khỏi thiết bị.

Trên mạng xã hội, bắt đầu xuất hiện những lời kêu gọi phản đối một đường ống dẫn khí đốt của Bắc Kinh sẽ chạy xuyên qua Myanmar, nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương.

Một số chuyên gia nhận định tình trạng bạo lực được thúc đẩy bởi lo ngại trước sự ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Công chúng Myanmar trước đây từng phản đối các khoản đầu tư từ Trung Quốc với những hoài nghi lâu nay về mục tiêu của Bắc Kinh cũng như các điều kiện mà họ đặt ra khi tuyển dụng công nhân địa phương tại những nhà máy Trung Quốc.

Trung Quốc coi Myanmar là một đối tác quan trọng trong chiến lược của họ ở châu Á và sáng kiến Vành đai Con đường. Nhưng những dự án do Trung Quốc hậu thuẫn từ lâu đã vấp phải phản kháng, ví dụ đập Myitsone trên sông Mekong đã bị phản đối suốt nhiều năm qua.

Giới phê bình nói rằng các khoản đầu tư mà Trung Quốc rót vào Myanmar chỉ nhằm mục đích theo đuổi những mục tiêu địa chính trị riêng của Bắc Kinh. Nó không liên quan đến việc đem lại lợi ích cho người lao động bình thường ở các khu vực như Hlaing Tharyar, nơi các công nhân làm việc tại những nhà máy dệt may do Trung Quốc sở hữu nhận mức lương chỉ 3,5 USD/ngày. Thu nhập trung bình của người dân Myanmar là khoảng 387 USD/tháng, tức gần 13 USD/ngày.

Các đám cháy nhỏ, tro tàn trên đường từ trung tâm Yangon đến khu công nghiệp Hlaing Tharyar hôm nay. Video: Global Times.

Nhiều công nhân phải sống trong các ký túc xá chật hẹp vì không thể có đủ tiền mua căn hộ riêng. Họ cùng chia sẻ tiền thuê nhà khoảng 35 USD/tháng cho một căn phòng nhỏ với tối đa ba người khác.

Hôm 14/3, một thông báo đăng trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar về việc bảo vệ những doanh nghiệp Trung Quốc đã thu hút hơn 52.000 dòng bình luận.

“Có đau không? Vậy những người đã phải chết thì sao”, tài khoản tên Naing Oo viết.

“Nếu các bạn muốn làm ăn kinh doanh yên ổn ở Myanmar, hãy tôn trọng người dân Myanmar”, một tài khoản khác tên Aye Myat Kyaw bình luận, kêu gọi Trung Quốc ngừng hỗ trợ quân đội và “tham gia cùng người dân Myanmar”.

Nhiều người lại cáo buộc chính lực lượng an ninh Myanmar hoặc những kẻ kích động khác đã gây ra các vụ đốt phá nhà máy nhằm khiến tình hình thêm rắc rối.

“Trung Quốc đang nói về lợi ích của chính họ thay vì những hy sinh, mất mát đáng quý trên đường phố Myanmar. Trung Quốc đứng về lợi ích của chính họ, không như kỳ vọng của hàng triệu người dân Myanmar. Họ sẽ nhận được những gì xứng đáng”, một người dùng Facebook viết.

Trong khi đó, Trung Quốc kể từ khi khủng hoảng ở Myanmar nổ ra vẫn giữ một thái độ thận trọng.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7/3 tuyên bố nước này “sẵn sàng tiếp xúc, liên lạc với tất cả các bên trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và ý nguyện của người dân Myanmar, nhằm đóng vai trò xây dựng để xoa dịu căng thẳng”.

Hôm 11/3, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân, cũng lên tiếng kêu gọi Myanmar “giảm leo thang căng thẳng”, sử dụng “ngoại giao và đối thoại” thay vì bạo lực.

Tin đồn Bắc Kinh “ủng hộ hoặc ngầm bật đèn xanh” cho đảo chính quân sự tại Myanmar dấy lên sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị đến thủ đô Naypyidaw hồi tháng một. Trong chuyến thăm theo kế hoạch này, ông gặp nhiều quan chức Myanmar, trong đó có Thống tướng Min Aung Hlaing, người đang nắm quyền tại nước này sau đảo chính.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng cuộc đảo chính thực tế có thể gây rắc rối về địa chính trị cho họ.

“Trung Quốc là bên thua cuộc lớn nhất vì cuộc đảo chính này. Tất cả nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh tại Myanmar suốt 5 năm qua, bằng cách hợp tác với đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đều trở nên công cốc”, Enze Han, phó giáo sư tại Đại học Hong Kong, nhận định.

Một cựu quan chức ngoại giao cấp cao Myanmar còn cho biết Thống tướng Min Aung Hlaing “không đặc biệt thân thiện với Trung Quốc”.

“Bắc Kinh đã đổ nhiều thời gian và sức lực vào xây dựng quan hệ với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và đạt một số thành công”, Bilahari Kausikan, cựu nhà ngoại giao Singapore, đánh giá. “Giờ đây, họ phải bắt đầu lại với một loạt tướng lĩnh mới, những người không chỉ gây khó khăn cho phương Tây, mà còn lạnh nhạt với tất cả”.

V.H.

Nguồn: vnexpress.net

This entry was posted in Mặt thật Tàu cộng. Bookmark the permalink.