Nguyễn Đình Cống
Hưởng ứng chủ trương đưa 50 người ngoài đảng vào Quốc hội, tôi đã nộp đơn và hồ sơ ứng cử tại Ban bầu cử Hà Nội, đang chờ cuộc họp thăm dò cử tri nơi cư trú.
Tôi đã chuẩn bị lời phát biểu, nhưng rồi có được nói hay không, được nói đến đâu thì chưa biết. Tôi cũng chuẩn bị để giới thiệu 20 tác phẩm và công trình khoa học đã được giải thưởng, nhưng chưa biết có được trình bày hay không. Phải qua được cuộc họp thăm dò này với trên 50% phiếu đồng ý thì tên của người tự ứng cử mới được lọt vào vòng hiệp thương lần 2 của Mặt trận. Quy trình viết như thế, nhưng chưa biết thực tế sẽ như thế nào.
Qua được vòng 2 mới được lọt vào vòng 3. Qua được vòng 3 mới được đưa vào danh sách. Trong lần bầu cử năm 2016, đại đa số người tự ứng cử bị loại ngay từ cuộc họp thăm dò. Họ chủ yếu bị chất vấn, bị phê phán, trong đó có không ít lời xỏ xiên, thậm chí lời vu cáo. Tôi đã khảo sát việc làm, sự thành bai khi ứng cử vào QH năm 2016 của TS Nguyễn Quang A, LS Võ An Đôn, ca sĩ Mai Khôi và vài người khác để chuẩn bị tâm thế.
Trong bài: “Vì sao người luật sư phù hợp với công việc một đại biểu QH, tác giả Ngô Ngọc Trai trình bày các lý do và kết luận: “VN rất cần có nhiều luật sư tham gia vào Quốc hội”.
Tôi không phải luật sư nhưng đã có trên 20 năm làm Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế của Việt Nam, khá am hiểu về luật pháp và được đồng nghiệp trong Trung tâm Trọng tài nhận xét là có phẩm chất và năng lực của luật sư.
Thể thức bầu cử không yêu cầu ứng viên có chương trình, nhưng tôi làm, trước hết là cho mình, sau là theo đúng trách nhiệm, nghĩa vụ cần thiết. Thời còn tại chức tôi đã hai lần làm chương trình ứng cử. Một lần chức Chủ nhiệm khoa, lần khác chức Hiệu trưởng.
Năm 1991 trường Đại học Xây dựng tổ chức bầu Hiệu trưởng. Có 5 người ứng cử. Mỗi người phải làm chương trình để in và phổ biến rộng rãi trong trường, phải thuyết trình trước hội nghi của cán bộ và đại diện sinh viên, phải trả lời các chất vấn.
Chương trình ứng cử, theo tôi là bản trả lời câu hỏi: Nếu được trúng cử bạn sẽ làm những việc gì và làm như thế nào.
Trong lần tranh cử chức Hiệu trưởng năm 1991, để làm chương trình tôi đã tham khảo khá nhiều bản của các ứng viên ở các trường khác đã bầu xong hiệu trưởng. Các chương trình đó đều tập trung trình bày những việc cần làm với những chỉ tiêu cụ thể. Chương trình của tôi hơi khác. Tôi chỉ trình bày phương hướng cần làm, không nêu chỉ tiêu mà tập trung chủ yếu trả lời câu hỏi: “Làm như thế nào để phát huy trí tuệ, năng lực của của đội ngũ cán bộ và mang lại lợi ích chính đáng cho mọi người trong trường”. Chương trình của tôi bị một số ít cho là thiếu cụ thể, nhưng lại được đa số đánh giá cao.
Lần ứng cử này tôi suy nghĩ nhiều đến chức năng cần có của Quốc hội và những tồn tại yếu kém, tập trung tư duy về hai mảng công việc mà tôi thấy mình có nhiều khả năng đóng góp, đó là hoạt động làm luật và hoạt động phản biện.
Quốc hội VN chủ yếu thảo luận và thông qua luật chứ hình như chưa làm được dự thảo luật. Thế thì chưa trọn vẹn. Mấy chục năm qua, Quốc hôi có thói quen là chờ ngành nào làm luật cho ngành đó (thế thì khác gì ngành ấy vừa đá bóng vừa thổi còi). Có những luật rất cần cho dân nhưng chưa có ai trình thì Quốc hôi đành chờ đợi hoặc làm ngơ. Nếu vào được Quốc hội tôi sẽ hoạt động để cải cách việc làm luật và xúc tiến ban hành những luật mà dân đang rất cần.
Quốc hội có một hoạt đông được chú ý, đó là các phiên chất vấn. Việc ấy là hay, là cần, nhưng có một việc cần hơn, hay hơn mà chưa làm được, đó là phản biện (hoặc tranh luận). Vì sao vậy? Vì không có chủ trương và quan trọng là không có người làm. Nếu vào được Quốc hội tôi sẽ nổ lực để cho hoạt động phản biện được đề cao. Tại Quốc hội các nước sự phản biện chủ yếu diễn ra dưới hình thức tranh luận.
Đó là hai hướng hoạt động chính. Ngoài ra tôi vốn xuất thân là người làm khoa học và giáo dục, nghĩ rằng tôi sẽ đóng góp được nhiều điều bổ ích cho giáo dục, văn hóa cũng như những công việc khác của Quốc hội.
Để hoạt động có hiệu quả thì rất cần lập văn phòng nghị sĩ. Có tài giỏi đến đâu cũng cần có người hỗ trợ mới làm tốt được việc đại biểu cho dân. Nếu trúng cử tôi sẽ lập văn phòng với ít nhất một thư ký.
Nhưng khả năng tôi trúng cử có xác suất bao nhiêu. Đoán là rất thấp, rất rất thấp, nhưng cũng có thể cao. Xác suất lọt qua vòng 1 (cuộc họp cử tri) khoảng dưới 20%. Khi qua được vòng 1, vào vòng 2 để hiệp thương thì xác suất lọt qua dưới 10%. Nếu vào được vòng 3 thì xác suất chỉ còn dưới 1%. Nhưng nếu lọt qua vòng ba để vào danh sách cho dân bầu thì khả năng trúng cử sẽ trên 85%.
Tôi tin rằng “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”, hoặc như Nguyễn Du viết; “Có Trời mà cũng có Ta”. Theo tôi Thiên, Trời không phải là một vị Ngọc Hoàng Thượng đế nào đó mà là tổng hợp các quy luật và điều kiện khách quan nằm ngoài ý muốn của ta, trong đó có chỉ dẫn của lãnh đạo. Tôi vừa hoạt động với mọi năng lực và tinh thần hiện có, đồng thời chờ đợi. Chờ xem sự thế diễn biến như thế nào (Quyết len vào chốn phong trần. Để xem Con Tạo xoay vần đến đâu).
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN