Jackhammer Nguyễn
Trong ba tháng, từ tháng 10/2020 đến 1/2021, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc liên tục thực hiện hai chuyến công du Đông Nam Á. Lần đầu, Vương Nghị thăm Cambodia, Thái Lan, Lào, Singapore và Malaysia. Lần thứ hai, ông ta thăm Miến Điện, Brunei, Philippines và Indonesia.
Như vậy trong 10 quốc gia của Hiệp hội Đông Nam Á, Vương Nghị quên mất Việt Nam một cách trớ trêu vì cả hai nước, trên danh nghĩa là đồng minh ý thức hệ cộng sản của nhau.
Chuyến đi ngoại giao marathon của ông Vương Nghị là một chỉ báo rõ rệt rằng, vùng đất Đông Nam Á đang trở thành trọng điểm trong xung đột Mỹ – Trung, như bài phân tích mới đây trên báo The Economics: Đông Nam Á: Trọng điểm tranh chấp Mỹ-Trung. Thế sao Vương Nghị lại “quên” Việt Nam, quốc gia quan trọng bậc nhất khu vực, như vậy?
Có sau một thời gian dọa nạt (tàu hải cảnh TQ liên tục xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, giàn khoan dầu kéo vào thềm lục địa Việt Nam), rủ rê (các chuyến thăm cấp đảng và nhà nước hai bên), Bắc Kinh đang thí nghiệm một chính sách mới đối với Hà Nội là chia rẽ Việt Nam với các nước Đông Nam Á?
Dĩ nhiên trong bối cảnh xung đột Mỹ Trung leo thang, trong đó tân chính quyền Biden lại có vẻ khó nuốt hơn so với những cú đánh võ mồm của người tiền nhiệm Trump, người ta chắc chắn rằng, ông Vương Nghị tìm cách rủ rê các láng giềng Đông Nam Á về phe với Bắc Kinh, nhất là khi kế hoạch vĩ đại “vành đai, con đường” vừa được ký.
Và trong tình hình đại dịch Covid-19, ông Vương Nghị cũng dùng chính sách ngoại giao Covid trong các buổi gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á, mặc dù bản thân người Trung Quốc cũng đang rất chậm chạp trong việc chích ngừa cho dân mình. Tất cả 9 nước mà Vương Nghị đi thăm đều đang suy tính đến việc dùng vaccine Covid do Trung Quốc sản xuất. Trong khi Việt Nam lại ỡm ờ chuyện vaccine này.
Ngày 25/2/2021, trong một cuộc họp báo, khi được hỏi Việt Nam có mua vaccine của Trung Quốc hay không, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời … “né” qua một bên, rằng Việt Nam đang thương lượng với các đối tác khác nhau, mà không nói gì đến Trung Quốc.
Ngày 8/3/2021, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng bằng vaccine của Anh và Thụy Điển chế tạo. Các bản tin của báo chí nhà nước nhắc đến khả năng có vaccine của Đức, Mỹ là Pfizer, Moderna và của Nga là Sputnik-V, chứ không nhắc gì đến vaccine của người anh em cộng sản.
Bình luận về chi tiết này, một số người cho rằng, Hà Nội bị áp lực bởi tinh thần chống Trung Quốc của dân chúng trong nước, người khác thì cho rằng Hà Nội cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có tính hiệu quả khoa học.
Có lẽ ý kiến của ông Vũ Minh Hoàng, một nhà quan sát về Việt Nam làm việc ở Mỹ, đăng trên báo SCMP, là có lý nhất, khi ông Hoàng nói rằng, vaccine của Trung Quốc có thể đã không được đưa ra cho Hà Nội chọn lựa. Tức là người Trung Quốc không đem vaccine ra để chiêu dụ Hà Nội. Theo ông Hoàng thì, vaccine nào cũng có ý nghĩa trong chuyện chống dịch cả (hà cớ gì Hà Nội bỏ qua?!). Được biết, ông Hoàng là người có khá nhiều quan hệ với giới chức trong nước.
Câu chuyện vaccine Trung Quốc ở Việt Nam nhắc chúng ta nhớ khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối năm 2019, điều tra của hãng tin Reuters cho biết, các nhóm hackers từ Việt Nam đã xâm nhập vào website của thành phố Vũ Hán, tìm kiếm các thông tin về dịch bệnh, trong lúc Bắc Kinh đang che giấu. Reuters cho biết, kết quả của các đợt xâm nhập mạng máy tính này của hackers Việt Nam đã giúp nhiều công ty Việt Nam tìm kiếm nguyên vật liệu sản xuất thiết bị y khoa để tích trữ.
Sau đó một nguồn tin ngoại giao Việt Nam phủ nhận với tôi về sự can dự của nhà nước Việt Nam trong vụ xâm nhập mạng máy tính Bắc Kinh, mà người này cho rằng, các cuộc tấn công đó xuất phát từ những nhóm độc lập. Dù thế nào thì, điều này cũng được các nhà quan sát đánh giá là biểu hiện sự mất lòng tin sâu sắc giữa hai quốc gia, dù cùng chế độ cộng sản.
Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, trong “cuộc chiến mậu dịch” Mỹ – Trung vừa qua, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất.
Vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong đối đầu với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông và các đập nước thượng nguồn sông Mekong có lẽ đã làm tăng vị thế của Hà Nội trong con mắt các nhà chiến lược Mỹ, dù thời chính quyền Trump hay Biden, điều đó thể hiện rõ trong việc đề cập đến Việt Nam trong bản hướng dẫn tạm thời về đối ngoại của tòa Bạch Ốc mới đưa ra hồi đầu tháng 3/2021.
Chúng ta hãy chờ xem, có thật Bắc Kinh đang cô lập Việt Nam tại Đông Nam Á hay không, hay là họ đang suy tính một chính sách khác, liên quan đến nhóm cầm quyền mới ở Việt Nam vừa được chọn lựa trong Đại hội Đảng 13 vừa qua, có nhân vật Phạm Minh Chính, có lịch sử khá hữu hảo với Trung Quốc, được cho là sẽ ngồi vào ghế thủ tướng trong nhiệm kỳ tới?
J.N.
Nguồn: Tiếng Dân