Mỹ chống lại Trung Quốc thì khác, nhưng làm sao các nước nhỏ hơn dám làm như vậy?

Anh Khoa dịch từ The Economist

Nếu bạn là người Úc và thích món tôm hùm, đây là thời điểm để thưởng thức. Các ngư dân gần như đang cho không tôm hùm ngay đuôi thuyền của họ. Các nhà hàng cao cấp và sảnh tiệc ở Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất cho mặt hàng xuất khẩu tươi sống béo bở, cho đến khi chính quyền Trung Quốc ban hành lệnh cấm đột ngột và không chính thức vào tháng 11.

Các lô hàng tôm nhập vào Trung Quốc kể từ đó đã giảm tới chín phần mười. Những người nuôi tôm hùm tuyệt vọng nói rằng họ đang ngưng nuôi tôm hùm. Và tôm hùm chỉ là một trong số các mặt hàng xuất khẩu của Úc bị cản trở bởi các biện pháp hạn chế bất ngờ của Trung Quốc, bao gồm rượu vang, than, lúa mạch, đường, gỗ và quặng đồng.

Trung Quốc thường nổi giận với các  quốc gia qua mặt họ với nhiều hình thức. Thụy Điển đang ở trong tình huống đó vào lúc này, vì đã chỉ trích Trung Quốc bắt cóc và bỏ tù một công dân Thụy Điển gốc Hoa, Gui Minhai, một nhà xuất bản sách viết lột trần các nhà lãnh đạo của Trung Quốc.

Canada cũng vậy, sau khi bắt giữ Manh Vãn Chu, giám đốc điều hành cấp cao của Huawei (và con gái của người sáng lập Huawei), theo yêu cầu của Mỹ, quốc gia đang tìm cách dẫn độ bà với tội danh trốn tránh các lệnh trừng phạt chống lại Iran. Na Uy đã bị ảnh hưởng sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần (và trong một thời gian) của Tây Tạng, đoạt giải Nobel Hòa bình, do Na Uy trao tặng.

Nhưng chính các quốc gia châu Á có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc là những nước dễ bị trừng phạt nhất. Vào năm 2017, Hàn Quốc đã nằm trong sổ đen của Trung Quốc sau khi cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Mục đích là để phòng thủ chống lại tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Trung Quốc phản đối với lý do radar của họ [Hàn Quốc] có thể nhìn thấy được vào sâu bên trong Trung Quốc. Đột nhiên, các đoàn du lịch Trung Quốc bị cấm đến Hàn Quốc. Các nhóm nhạc K-pop bị cấm biểu diễn. Lotte, một tập đoàn của Hàn Quốc với các cửa hàng bách hóa trên khắp Trung Quốc, đã phải đối mặt với sự tẩy chay của người tiêu dùng (họ đã cung cấp đất để lắp đặt một trong những hệ thống phòng thủ chống tên lửa). Nói chung, các cuộc tẩy chay được cho là đã cắt giảm 0,5% GDP của Hàn Quốc trong năm đó.

Về phần mình, Australia đã bị Trung Quốc buộc tội 14 tội danh được Đại sứ quán Trung Quốc liệt kê [các tội danh] cho các phương tiện truyền thông địa phương vào tháng 11. Các tội danh bao gồm việc chính phủ lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, việc Úc từ chối các khoản đầu tư do công ty Trung Quốc đề xuất và sự thiên vị được cho là chống Trung Quốc của các phương tiện truyền thông và các tổ chức tư vấn của Úc.

Chuyện bây giờ đã khác. Cách đây chưa đầy 5 năm, một thỏa thuận thương mại tự do mang tính bước ngoặt giữa Trung Quốc và Australia đã có hiệu lực. Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, từng khoe đã đến thăm mọi bang của Úc – và ca ngợi thương mại thủy sản đang phát triển mạnh. Từ sau đó, rắc rối đã dần hình thành.

Australia đã khiến Trung Quốc tức giận khi loại Huawei, một đại công ty viễn thông có quan hệ mật thiết với chính phủ  và các dịch vụ an ninh Trung Quốc, ra khỏi mạng 5G của họ. Trung Quốc cũng nổi giận khi Australia thông qua luật chống nước ngoài can thiệp vào chính trị, sau vụ bê bối lợi ích với Trung Quốc liên quan đến một thượng nghị sĩ. Mọi chuyện đã thay đổi vào tháng 4, khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của covid-19,  Trung Quốc rất nhạy cảm về điều đó.

Richard McGregor của Viện Lowy, một tổ chức tư vấn ở Sydney, tuyên bố rằng, ông Morrison đã mắc một “lỗi ngớ ngẩn”. Mặc dù ông ấy đúng khi kêu gọi mở cuộc điều tra, ông ấy thật ngu ngốc khi làm vậy một mình thay vì là cùng thực hiện với nhiều quốc gia khác. Nhưng bạn sẽ nghĩ, nếu xét theo phản ứng cứng rắn của Trung Quốc, bạn sẽ cho rằng Úc đã vi phạm trật tự vũ trụ.

Một cựu quan chức ngoại giao nói Úc đã  có ít nhiều làm vậy. Trong quá khứ đế quốc, người ta kỳ vọng các quốc gia sẽ thừa nhận uy quyền tối thượng của Trung Quốc. Giờ đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc một lần nữa muốn vị thế tối cao của họ được công nhận, khi họ tìm cách tái lập Hán quyền rộng mở.

Mạch Tân Nho giáo  được áp dụng như thế trong cách đối xử của Trung Quốc với các quốc gia xúc phạm họ.  Ngoài ra còn có một mạch theo chủ nghĩa hiện thực về quy mô của Trung Quốc. Mỹ chống lại Trung Quốc  thì khác, nhưng làm sao các nước nhỏ hơn dám làm như vậy? Một nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á cho biết Trung Quốc muốn các nước khác không phán xét lợi ích của Trung Quốc mà còn tích cực chọn lựa họ. Trung Quốc bắt nạt những quốc gia thể hiện sự thiếu tôn trọng cho đến khi họ “sửa chữa” hành vi của mình.

Khó có thể nói liệu những nỗ lực cải tạo của Trung Quốc có thành công hay không, vì không đo lường được thành công rõ ràng. Hàn Quốc đã không loại bỏ các hệ thống chống tên lửa, mặc dù đã nói rõ rằng họ không có ý định lắp đặt thêm. Ngay sau đó, Trung Quốc đã nhượng bộ và các cuộc tẩy chay biến mất.

Nhật Bản là một trường hợp rõ ràng hơn về chiến thắng đối với ngoại giao nổi giận. Vào năm 2012, Trung Quốc đã chặn xuất khẩu sang Nhật khoáng sản đất hiếm vốn rất quan trọng đối với nhiều công ty công nghệ. Nhật Bản phản ứng bằng cách nộp đơn kiện Trung Quốc tại WTO. Điều quan trọng là họ thuyết phục Mỹ và Liên minh châu Âu tham gia thách thức đó. Trung Quốc đã lùi bước.

Về phần mình, ông Morrison đã nói rằng Úc sẽ không thỏa hiệp với các giá trị cơ bản của mình. Chính phủ của ông đã kiện Trung Quốc lên WTO về vấn đề lúa mạch. Trung Quốc có lẽ nghĩ bia là chuyện nhỏ nhặt. Vụ kiện có thể tiếp diễn trong nhiều năm. Trong khi đó, không thể hiện sự đoàn kết nào, nông dân và các nhà sản xuất rượu vang Mỹ rất vui mừng khi bán thêm cho Trung Quốc để bù vào lượng hàng hóa Úc bị cấm.

Các tuyên bố ôn hoà của ông Morrison và tân Bộ trưởng Thương mại Dan Tehan, đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, nếu cho rằng Australia sẽ dễ dàng nhượng bộ, Trung Quốc có thể thất vọng. Nỗi tổn thương các nhà xuất khẩu hứng chịu một phần đã bị đại dịch che khuất. Cũng giống như ở Hàn Quốc và Nhật Bản, cuộc tẩy chay đã khiến thiện cảm ​​của dân thường đối với Trung Quốc lao dốc. Những doanh nghiệp bị tổn hại vì các lệnh trừng phạt không đổ lỗi cho chính phủ của họ.

Hơn nữa, phần lớn nước Úc đang hoạt động tốt một cách đáng ngạc nhiên. Đặc biệt, quặng sắt của Úc quá quan trọng nên để Trung Quốc tẩy chay. Nhu cầu đang tăng và giá cũng thăng theo. Trong khi đó, Peter Varghese, Hiệu trưởng Đại học Queensland, cho biết số lượng đáng mừng sinh viên Trung Quốc mới đăng ký các khóa học trực tuyến, bất chấp những lời đe dọa tẩy chay trong lĩnh vực đó. Chính quyền Bắc Kinh có thể tính toán rằng việc làm tổn thương những người yêu thích tôm hùm Trung Quốc là một chuyện, nhưng gây hại cho sinh viên và ngành công nghiệp lại hoàn toàn khác. Ông Tehan nói rằng ông đã sẵn sàng cho “cuộc chơi dài hơi”.

Liệu có các bài học nào đã được rút ra từ việc hứng chịu chính sách ngoại giao cưỡng bức của Trung Quốc? Han Suk-hee, cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc tại Đại học Yonsei, chỉ ra rằng các doanh nghiệp dễ bị áp lực kinh tế đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Tương tự như vậy, nhiều công ty Nhật Bản đã thành lập các nhà cung cấp đất hiếm thay thế, không phải của Trung Quốc kể từ thời điểm đó. Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc đối với chip cao cấp của Hàn Quốc cho thấy rằng áp lực không phải là “con đường một chiều”.

Trên hết, ông McGregor nói, các quốc gia cùng chí hướng cùng hành động nhằm đem lại sự an toàn về số lượng lẫn đòn bẩy chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc. Nhưng cũng không thể tưởng tượng được rằng ít nhất Chính phủ Úc và Hàn Quốc sẽ không suy nghĩ kỹ trước khi làm bất kỳ điều gì có thể làm mất lòng Trung Quốc. Và các quốc gia nhỏ hơn, nghèo hơn, với các công ty kém tinh vi hơn thì có thể gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh trước bất kỳ sự phong tỏa nào của Trung Quốc, vẫn có thể suy nghĩ cẩn thận hơn.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Quan hệ Trung Quốc - Thế giới tự do. Bookmark the permalink.