Nhân ngày Quốc khánh Pháp 14-7: Khốn khổ cái cổng chào!

Khốn khổ cái thằng cu cổng chào! Nó không tội tình gì, nhưng cứ bị phơi ra như những cái mặt, khi được ghét, khi được yêu. Điều đó là có thật! Thì đây, chui dưới cổng chào Arc de Triomphe  (“Khải hoàn môn”) ở Paris đâu chỉ có những con người đem máu đỏ quân thù tưới đẫm luống cày của Tổ quốc như lời quốc ca nước Pháp? Mà lũ giặc xanh và lũ diều hâu (nói trong thơ Aragon) cũng từng diễu binh dưới cái cổng vòm đẹp đẽ đó – khi ấy không nhẽ người dân “Thăng Long thành” của Pháp quốc lại vẫn tưng bừng chào đón những chàng Tôn Sĩ Nghị của Hitler vênh váo đi ắc-ê (“một-hai” đếm theo lối lính khố đỏ thời Pháp thuộc – chú thích của BVN) đi chạng nạng theo kiểu bước chân ngỗng (lối đi diễu binh của lính Đức có tên pas de l’oie – chú thích của BVN) từ thời đế quốc Phổ?

Năm 2003, tác giả bài viết này cũng đứng ở Paris nhân ngày Quóc khánh 14-7 (ngày hội mà vẫn chưa xa, vào thời Pháp cai trị Việt Nam, người đương thời gọi là “Cát-tó Giuy-dê”), chính đôi mắt này được chứng kiến chiếc xe tăng mang tên BẮC NINH trong đoàn diễu hành rầm rộ. Mình đã có đôi lời mô tả và bình luận lịch sự về điều đó trong bài bút ký Thơ thẩn Paris in trên báo Tia sáng và trên các trang mạng Diễn đàn Viet-sciences, bạn đọc muốn kiểm tra sự yêu ghét của tác giả ra sao, xin vui lòng chiếu cố…  mà đây là một đoạn:

Ngày quốc khánh 14 tháng 7 thực sự là ngày nhắc nhớ lịch sử. Lâu lắm tôi mới lại gặp cách treo cờ như ngày xưa ở Hà Nội với từng cụm ba lá cờ tam tài nho nhỏ khắp các bức tường, khắp các công sở. Hàng triệu lá cờ ba màu của ba đẳng cấp cùng làm cách mạng suốt dọc các phố quy về lá cờ có lẽ là to nhất nằm ở Khải hoàn môn.

Những chiếc xe thiết giáp trong đoàn duyệt binh cũng có cách ghi lịch sử thú vị. Chiếc nào cũng có tên, tên người (nhà văn Vercors chẳng hạn) hoặc tên đất. Mảnh đất đặt tên thú vị nhất với tôi là chiếc xe tăng Bắc Ninh bé như con chanh chách. Hẳn là chú này đầu năm 1947 đã nống lên Bắc Ninh đây. Hồi ấy, bọn mình rút từ Hà Nội ra, lên tập trên Sơn Tây, nghe kể có đoàn xe tăng như thế đã chần chừ trước những… nồi đất úp đầy đường. Hồi ấy, quân mình đâu đã sẵn mìn? Paris năm 2003 này không nhắc chuyện cũ cỡ đó. Mà nhắc nhiều đến tướng quân Leclerc nhân kỷ niệm ông trăm tuổi, và ngợi ca năng lực nhìn xa thấy rộng phi thường của ông trong việc chủ trương nói chuyện với cụ Hồ Chí Minh. Nhưng có người đã cản Leclerc. Một người cao lớn chỉ thích riêng mình là người anh hùng kháng chiến, người ấy lại nói nhịu gọi người Việt đang đòi độc lập là giặc. Rồi mươi năm sau lại cũng người cao lớn ấy dạy dỗ dân Campuchia giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc.

Nghĩ cũng hay, cả đoàn quân viễn chinh hùng hổ bây giờ đi đâu về đâu? Chỉ còn lại mãi mãi bài thơ Bên kia sông Đuống. Tôi nghĩ đùa: hôm nào về phải nhắc Hoàng Cầm ngỏ lời biết ơn quân viễn chinh, vì họ có chiếm mất Nam phần Bắc Ninh thì mới có người đứng bên này sông sao nhớ tiếc, sao xót xa như rụng bàn tay… Dẫu sao, cái đêm pháo hoa, bầu trời Paris tím như mực Cửu Long, tháp Eiffel nhấp nhánh như đồ chơi con nít, và cả một giờ liền những hoa cà hoa cải đã làm cho người lớn trẻ em rung lên trên các cây cầu, các rẻo sông… Máu đỏ của người xưa đã đem lại tiếng vui reo. Nếu Hoàng Cầm ngồi đây, chắc anh cũng thích chia sẻ…

Khải hoàn môn Paris

Có cảm giác như cái cổng chào vô cảm trơ gan cùng tuế nguyệt như những ai sinh ra nó từng vô cảm tính toán việc dùng cái trơ gan của đất đá để tạo niềm vui chốc lát nhằm che giấu những đau đớn của bạo lực, của máu xương cốt nhục, của lửa khói hoang tàn. Nhưng giả sử bạn tự đặt mình vào vị trí và tư thế của cái cổng chào, khi đó bạn sẽ không thấy nó trơ trơ vô cảm như ta có thể nghĩ nhầm về nó. Thế là, bằng phương pháp “người hóa” cái cổng chào, ta sẽ có cách lý giải mang tính tâm lý học đối với hiện tượng ấy. Cách lý giải sẽ chẳng cần dài dòng nếu ta chỉ cần trả lời một câu hỏi kép này thôi: Ai chào và Chào ai?

Ai chào? Ăn có sai, làm có khiến, có mồm có miệng thì phải biết mở mồm ra mà chào hỏi, mồm miệng lại ở trên mặt, thì phải biết mở mặt ra mà chào hỏi – từ tấm bé biết bao nhiêu người Việt Nam đều đã được ông bà cha mẹ dạy dỗ như vậy – dĩ nhiên là phải trừ đi những người không được dạy dỗ thì không được nghe những lời răn dạy đó.

Hôm nọ, cũng trên trang mạng này, tác giả có đăng bài về cái cổng chào có hình chú cừu cao to lừng lững ở giữa thành phố Goulburn bang New South Wales nước Australia. Xin nhắc lại, cái cổng chào tạo bằng con cừu được đặt tên là Big Sheep kia được đặt không ở cửa ngõ thành phố, mà đặt ở giữa thành phố, ngay sát cái siêu thị to tướng. Qua cái cách chào đó, thấy rõ câu trả lời cho câu hỏi Ai chào? Người chào ở đây đã tự chào mình là chính. Họ chào cái niềm yêu thương con cừu đã chắt chiu từng ngọn cỏ khô cháy để đem lại những mớ lông ấm áp làm nên một sức mạnh kinh tế của cả một xứ sở. Không có nổi cái niềm tự hào như thế, thì xin đừng nghĩ đến cổng chào!  Và câu hỏi Ai chào đã được giải đáp. Xét về một phương diện nào đó, về mặt cái Đẹp, con cừu to lớn ở Goulburn cũng giống cái cổng chống bằng tre nhỏ nhắn của nước mình. Nhà thơ – có cái Đẹp trong tâm hồn mình – nhấc cái cổng chống lên đón bạn, vồn vã nói một hồi thành bài thơ để đời Đã bấy lâu nay bác tới nhà / Trẻ thời đi vắng chợ thời xa… Nghèo đấy mà giàu sang biết bao! Vì người đứng ra chào hoàn toàn không là kẻ trọc phú mắt chẳng nhìn xa hơn nổi mấy lề thói thường tình.

Ai chào? Những ông quan bà quan dùng tiền chùa tiêu xài hào phóng, liều nghĩ ra cái ý tưởng cổng chào. Nhiệm kỳ của họ sắp hết (không chỉ là cái nhiệm ký hữu hạn dăm ba năm đâu nhé!) vẻ như họ định bụng đánh dấu lại bằng mấy cái cổng chào!

Định lấy cổng chào hoành tráng che giấu những ngôi trường to không hơn những chuồng trâu, những bệnh viện hoàn toàn lặp lại cảnh các nhà Tế Bần, những con dân cả to lẫn bé đu mình qua sông như được sống trở lại thời Đồ Đá…

Định bắt chước chăng anh chàng hạ sĩ quan pháo thủ người lùn tè cấp bậc hạ sĩ (Hoàng đế Napoléon mang cấp caporal trước khi leo cao – chú thích của BVN)?  Một cách bắt chước hoàn toàn vô thức, chứ hẳn là mấy người có sáng kiến đó chắc gì đã học cho kỹ bài Lịch sử có sự kiện liên hệ tới nhân vật Hoàng đế Napoléon!?

Nhưng trước khi học Sử, hãy nhớ lời Mahatma Gandhi mở đầu giới thiệu sử thi Bhagvad Djita: “Thế nào là một sự kiện? Một sự kiện bắt đầu từ khi nào và kết thúc khi nào? Ngay cái giọt mưa rơi trước mắt ta, bạn có đoan chắc mình mô tả đúng nó?” Và thế là, cùng sự kiện ấy, ta còn có thể mô tả Napoléon theo cách khác nữa. Cũng như cái sự kiện bùng ra năm 1789, thì ta có thể gọi nó bằng  Cách mạng cũng được, hoặc giả gọi nó bằng sự kiện khởi đầu một chuỗi khủng hoảng chính trị thì cũng không mấy sai.

Chứng minh cũng dễ thôi: hãy chứng minh Napoléon là một anh hề có tài quảng cáo. Một anh hề khôn khéo biết chộp được từng thời cơ để leo cao, gạt bỏ dần, bắt đầu từ gạt bỏ gốc gác thô lậu trong cái tên Buonaparte, rồi lợi dụng sự hỗn loạn để leo vào chức “Consul” (“Tổng tài”, các nhà chép Sử dịch thế), rồi lợi dụng sự “tập trung” trong chế độ “Consulat” (một Bộ Tổng tài) để xưng Hoàng đế. Các nhà trí thức có tội rất to trong dòng chảy lịch sử đó: họ luôn luôn lý tưởng hóa cuộc đời. Họ nghĩ Tự do, Bình Đẳng, Bác ái hoặc Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là những khái niệm tuyệt đối trong trẻo… và họ giết nhau để bênh vực sự trong trẻo… để cuối cùng thì một kẻ bán hàng cơm mở nhà trọ thất học như thằng Thénardier cũng lên đăng đàn diễn thuyết mắng mỏ được họ.

Nhưng cũng may, cuộc đời còn có những nhà trí thức như Victor Hugo, người ra đời năm 1802 tức hơn mười năm sau cuộc Đại Cách mạng 1789, cậu bé Victor rồi sẽ thành nhà thơ để thay mặt những con người bị lừa lọc bởi kẻ khác và bởi chính mình để “vãn hồi trật tự” trong tư duy và tình cảm con người.

Cổng chào rồi để chào ai? Người viết bài này thấy thấp thoáng hình bóng một chú X.T. như cậu bé Victor Hugo xưa của nước Pháp hôm nay kỷ niệm hơn hai trăm năm ngày Hội Cát-tó Giuy-dê. Cậu bé đó hình như đã nằm trong ý tưởng bác Hồ Hữu Tường trên trang bìa phụ sách “Tương lai văn hóa Việt Nam” in năm 1945 hoặc 1946 ở Hà Nội. Bác ấy viết “Tặng X.T. công dân vị lai của nước Việt Nam” mà mãi sau này bác mới chịu giải mã hai chữ tắt X.T. là gì.

Hai chữ đó viết tắt cho “Xích Tử”, hay “thằng con đỏ”, hoặc đứa bé đỏ hỏn mới sinh, lúc này nó chưa biết gì cả, nhưng tương lai đất nước lại gửi trong tay nó. Cổng chào, ngay cả không có hình thù văn hóa vật chất như Khải hoàn môn, chỉ có hình thù văn hóa tâm linh trong tâm tưởng con người, thì cũng sẽ đón chào những thế hệ xích tử sẽ cứu vãn những ngu dại và ngông cuồng của những trọc phú thế hệ cha ông chúng.

Một tương lai bi quan nếu không dùng được sự nghiệp Giáo dục làm đòn bẩy, nhưng vẫn sẽ là một tương lai lạc quan nếu thật tâm xây dựng lại sự nghiệp Giáo dục quốc dân, không để nó bị lũ Thénardier vầy vò mân mó.

Hà Nội, 13-7-2010

PT

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.