3 “điểm nóng” định hình chiến lược của chính quyền Biden với Trung Quốc

Thành Đạt (Tổng hợp)

Các điểm nóng trong khu vực sẽ là những phép thử giúp chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden định hình chiến lược với Trung Quốc trong 4 năm nhiệm kỳ sắp tới.

3 điểm nóng định hình chiến lược của chính quyền Biden với Trung Quốc  - 1

Các tàu chiến Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines đi qua Biển Đông năm 2019. (Ảnh: Business Insider)

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, Trung Quốc đã điều hàng chục máy bay chiến đấu tới gần Đài Loan, đồng thời thông qua luật cho phép tàu hải cảnh nước này được nổ súng vào tàu nước ngoài. Cùng thời điểm đó, Hải quân Mỹ đưa nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông.

Các nhà phân tích cho rằng, những động thái trên có thể mới chỉ là sự khởi đầu cho một mối quan hệ “sóng gió” giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và Bắc Kinh.

“Trung Quốc thường sử dụng một loạt “phép thử” để xác định ý đồ cũng như đánh giá sự quyết tâm của đối thủ trong việc đối phó với các hành động của Trung Quốc”, Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành của Trung tâm Tình báo Hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nhận định.

Ông Schuster dự đoán các bước tiếp theo của Trung Quốc bao gồm tập trận quân sự quy mô lớn gần Đài Loan hoặc trên Biển Đông, hoặc chặn các tàu nước ngoài trên danh nghĩa thực thi quy định hàng hải của Trung Quốc.

“Trung Quốc đang cố gắng xác định xem “lằn ranh đỏ” của chính quyền Biden nằm ở đâu”, ông Schuster nói.

Tuy nhiên, các bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng, chính quyền mới vẫn sẽ phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

“Tôi nghĩ Trung Quốc là thách thức lớn nhất, khó khăn nhất của chúng ta”, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói trong phiên điều trần trước khi Thượng viện phê chuẩn đề cử của Tổng thống Biden cho vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc vào tuần trước.

Ông Austin cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tập trung vào việc cảnh báo Trung Quốc, hoặc bất kỳ đối thủ nào, rằng việc thách thức quân đội Mỹ sẽ là “ý tưởng rất tồi tệ”.

Dưới đây là 3 “điểm nóng” chính có thể định hình chiến lược đối phó Trung Quốc của Tổng thống Joe Biden.

Biển Đông

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông. Kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng, bồi đắp trái phép các thực thể trên Biển Đông và quân sự hóa các thực thể này bằng việc triển khai tên lửa, đường băng và hệ thống vũ khí.

Mỹ đã nhiều lần phản đối yêu sách của Trung Quốc và thường xuyên đưa tàu chiến cũng như máy bay quân sự tới Biển Đông để thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) và hàng không trong khu vực.

Trong năm 2020, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Hải quân Mỹ đã tiến hành 10 chiến dịch FONOP, tương đương con số kỷ lục của năm 2019. Tuần trước, Mỹ đã đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tới Biển Đông.

Tuy nhiên, cam kết của Mỹ đối với việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông không chỉ dừng lại ở việc đưa tàu tới gần các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Năm 2020, Mỹ đã đưa ra quyết định “hiếm thấy” khi triển khai cùng lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông tập trận. Mỹ cũng thường xuyên tập trận chung với các đồng minh và đối tác ở Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc một mặt lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động của Mỹ, mặt khác tiếp tục củng cố yêu sách của nước này bằng cách triển khai máy bay chiến đấu tới các đường băng được xây dựng trái phép trên các thực thể ở Biển Đông, đồng thời tăng cường các cuộc tập trận hải quân.

Sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông được dự đoán sẽ không thay đổi dưới thời Tổng thống Joe Biden. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm ngoái, ông Biden nhắc lại việc ông từng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng quân đội Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu Bắc Kinh tự ý tuyên bố thành lập các vùng nhận diện phòng không trong khu vực.

“Tôi đã nói (với ông ấy rằng) chúng tôi sẽ bay xuyên qua vùng (nhận diện phòng không) đó. Chúng tôi không quan tâm tới vùng đó”, ông Biden nói.

Đài Loan

3 điểm nóng định hình chiến lược của chính quyền Biden với Trung Quốc  - 2

Các máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Đài Loan tiếp tục trở thành điểm nóng trong căng thẳng Mỹ – Trung khi Bắc Kinh tuần trước đưa hơn 20 máy bay quân sự đi vào vùng nhận diện phòng không của hòn đảo trong 48 giờ.

Mặc dù tần suất của các cuộc tập trận và các đợt triển khai máy bay do Trung Quốc tiến hành ở gần Đài Loan vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây, tuy nhiên thời điểm và lực lượng tham gia, trong lần gần nhất chủ yếu gồm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, dường như nhằm thể hiện thông điệp của Bắc Kinh với chính quyền mới ở Washington.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cho thấy lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề Đài Loan, thậm chí đe dọa hành động quân sự hoặc chiến tranh nếu hòn đảo đòi độc lập. Bắc Kinh tuyên bố máy bay quân sự nước này có thể hoạt động tự do xung quanh Đài Loan vì khu vực này thuộc “không phận Trung Quốc”.

Một trong những cách để Mỹ thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan là đưa tàu chiến đi qua eo biển. Các tàu chiến Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan 13 lần trong năm 2020.

Ngoài ra, dưới thời chính quyền Trump, Mỹ cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ với Đài Loan bằng việc phê duyệt các hợp đồng bán vũ khí cho hòn đảo, bao gồm các máy bay chiến đấu F-16, tên lửa tối tân và xe tăng tác chiến chủ lực, đồng thời đưa các quan chức cấp cao tới hòn đảo.

Những tuyên bố gần đây của chính quyền Biden cho thấy, tân Tổng thống Mỹ sẽ không giảm bớt các động thái trong vấn đề Đài Loan.

“Lưỡng đảng Mỹ có cam kết mạnh mẽ và lâu dài với Đài Loan. Một phần trong cam kết đó là đảm bảo rằng Đài Loan có khả năng tự phòng vệ trước sự gây hấn. Và cam kết đó chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì trong chính quyền Biden”, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết.

Sau khi Trung Quốc ồ ạt đưa máy bay quân sự áp sát Đài Loan tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khẳng định cam kết của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng, quan hệ Mỹ – Đài Loan ngày càng sâu sắc và Washington vẫn duy trì cam kết với hòn đảo.

Nhật Bản và mạng lưới đồng minh

Quan hệ đồng minh với Nhật Bản đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ. Yokosuka, gần Tokyo, là nơi đặt trụ sở Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ – đơn vị phụ trách tuần tra khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đảo Okinawa cũng là nơi đặt căn cứ không quân Kadena và các khí tài tác chiến chủ lực của Mỹ như máy bay chiến đấu F-15, máy bay săn ngầm F-8A.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là một trong những lực lượng quân sự chuyên nghiệp và hiện đại hàng đầu thế giới. Lực lượng này cũng thường xuyên huấn luyện chung với Mỹ.

Năm ngoái, một phần trong chương trình huấn luyện chung giữa hai nước tập trung vào việc bảo vệ các đảo ở xa, trong đó có quần đảo Senkaku. Đây cũng là khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu tới tuần tra.

Mỹ nhiều lần khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với Senkaku. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Yoshihide Suga hôm 27/1, Tổng thống Biden cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ Senkaku theo Hiệp ước Phòng vệ chung Mỹ – Nhật.

Tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc thông qua luật mới, cho phép tàu hải cảnh nước này nổ súng vào tàu nước ngoài bị cho là đe dọa lãnh thổ của Bắc Kinh.

Không chỉ Nhật Bản, một số nước khác trong khu vực cũng lo ngại luật mới của Trung Quốc, trong đó có Philippines. Philippines tuần này đã trao công hàm phản đối Trung Quốc, gọi đây là lời cảnh báo chiến tranh của Bắc Kinh.

Các tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hoạt động trong vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền. Tương tự Nhật Bản, Mỹ cũng có hiệp ước phòng vệ chung với Philippines và tân Ngoại trưởng Mỹ cũng tái khẳng định cam kết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines tuần này.

Việc Nhật Bản và Philippines cùng đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc trong khi đều là đồng minh với Mỹ đã cho thấy tầm quan trọng của mạng lưới liên minh và đối tác mà Washington thiết lập ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Mỹ, Nhật Bản và Philippines đã tiến hành các cuộc tập trận chung. Ngoài ra, một số nước khác trong khu vực cũng hợp tác với các lực lượng quân sự này.

Năm 2021, giới phân tích dự đoán chính quyền Biden sẽ tiếp tục trông cậy vào hệ thống đồng minh trong khu vực.

“Ông Trump hành động và đưa ra quyết định nhanh chóng, sau đó mới tìm kiếm đối tác. Còn ông Biden trước tiên tìm kiếm đối tác, sau đó mới hành động”, nhà phân tích Schuster tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii cho biết.

Kurt Campell, điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và người dẫn đầu về chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền Biden, trong tháng này nhận định rằng, Washington phải phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh trong khu vực, phân tán lực lượng từ các căn cứ chính của Mỹ ở Nhật Bản và Guam tới các căn cứ nhỏ hơn tại các nước đối tác ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

Mạng lưới đối tác do Mỹ – Nhật dẫn đầu có thể bao gồm các đồng minh từ châu Âu. Anh tuyên bố sẽ đưa nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực và Pháp cũng dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận đổ bộ Mỹ – Nhật trong năm nay. Đức cũng có thể tham gia vào mạng lưới, khi Bộ trưởng Quốc phòng Đức tuyên bố sẽ đưa tàu chiến tới tuần tra ở Ấn Độ – Thái Bình Dương trong vài tháng tới.

Thách thức với Mỹ

Theo giới phân tích, mặc dù hợp tác với Mỹ, song các nước trong khu vực vẫn dè chừng Bắc Kinh. Trung Quốc cho đến nay vẫn là cường quốc quân sự thứ 2 thế giới và vẫn luôn hiện diện ở đó, ngay tại cửa ngõ của các nước trong khu vực.

“Một trong những thách thức chính trong chính sách của Mỹ trong những năm gần đây là phải chứng minh rằng sự hiện diện của họ trong khu vực không chỉ là nhất thời, và các lực lượng của Mỹ sẵn sàng hỗ trợ đồng minh một cách nhanh nhất. Trung Quốc đã gửi thông điệp rằng Hải quân Mỹ có thể đến nhưng rồi sẽ đi, còn Trung Quốc mới là nước hiện diện thường trực trong môi trường an ninh khu vực”, Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.

Theo ông Kaushai, các hoạt động của Trung Quốc như quấy rối ngư dân ở Biển Đông hay thách thức quyền khai thác dầu khí thường có xu hướng giảm bớt khi lực lượng Mỹ hoạt động tích cực trong khu vực, tuy nhiên khi Mỹ rời đi, các hoạt động này lại được tăng cường.

“Thách thức đối với Mỹ là tìm cách cân bằng giữa phô diễn năng lực răn đe và thể hiện cam kết đối với khu vực, nhưng vẫn tránh leo thang căng thẳng không cần thiết. Các quốc gia trong khu vực hài lòng với sự hiện diện của Mỹ vì sẽ thách thức hành vi của Trung Quốc. Nhưng họ không hề muốn chọn phe giữa hai cường quốc”, chuyên gia Schuster nói.

T.Đ.

Nguồn: Dantri

This entry was posted in Biển Đông, Đài Loan, Joe Biden, Quan hệ Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.