Trung Quốc chuẩn bị đưa giàn khoan dầu khí nước sâu khổng lồ ra biển Đông

Lee Nguyen

Giàn khoan sâu thể hiện tham vọng lớn của Trung Quốc cả về khía cạnh kinh tế lẫn chính trị.

Sau 21 tháng thi công, giàn khoan lớn nhất Trung Quốc cuối cùng cũng đã hoàn thành và đang được lên kế hoạch chuyển ra mỏ khí đốt Lingshui 17-2 ở biển Đông. Ảnh: Upstream Online.

Trung Quốc chuẩn bị vận hành thử nghiệm giàn khoan sản xuất nửa nổi nửa chìm đầu tiên trên thế giới ở biển Đông, gần đảo Hải Nam và được cho là không nằm trong khu vực tranh chấp với Việt Nam.

Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil Corporation – CNOOC) đã lắp đặt thành công giàn khoan này kèm theo thiết bị lưu trữ chất lỏng với sức chứa 30.000 mét khối.

Không có thông tin mỏ khai thác thuộc khu vực tranh chấp

Giàn khoan có tên là Shen Hai Yi Hao (深海一号) được lắp ráp tại Yantai, tỉnh Sơn Đông. Nó không tự di chuyển được. Sẽ có ba tàu kéo và một tàu đẩy phía sau di chuyển giàn khoan đến mỏ khí đốt Lingshui 17-2 ở biển Đông.

Vị trí mỏ khí đốt Lingshui 17-2 trên biển Đông. Ảnh: Asia Times Financial

Mỏ này nằm cách đảo Hải Nam 150 km. Nó được giàn khoan dầu HD-981 phát hiện vào tháng 09/2014. Sự kiện này diễn ra sau những lùm xùm và căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam về vụ giàn khoan HD-981 hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) của Việt Nam trong cùng năm.

Tờ Diplomat cho biết, vị trí của mỏ khí đốt này không nằm trong khu vực tranh chấp.

Theo kế hoạch, giàn khoan sẽ được đưa đến mỏ Lingshui 17-2 vào tháng 02/2021 để vận hành thử. Nó sẽ tiến hành khai thác khí đốt lần đầu dự kiến vào tháng 06/2021.

Giàn khoan sâu đánh dấu tham vọng lớn

Tổng giám đốc của dự án, You Xuegang từ CNOOC, cho biết giàn khoan được tích hợp các thiết kế đặc biệt để thích ứng tốt hơn với môi trường.

Bề mặt của công trình này có trọng lượng lên đến 50.000 tấn, và boong tàu của nó lớn bằng hai sân bóng đá tiêu chuẩn. Với một bể chứa ở đáy và bốn trụ, phần thân chính nặng 110.000 tấn, tương đương với ba tàu sân bay cỡ trung, khiến nó trở thành giàn khoan nặng nhất của Trung Quốc. Đây là công trình khai thác có tích hợp thiết bị chứa dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, đồng thời là giàn khai thác dầu khí nửa nổi nửa chìm có sức chứa lớn hơn 10.000 tấn đầu tiên trên thế giới.

Giàn khoan có hai phần nổi trên mặt nước. Bộ phận phía trên được dùng để vận hành và là nơi sinh hoạt cho nhân viên. Bốn trụ nổi được dùng để chứa dầu. Boong tàu có 200 thiết bị chế biến dầu và khu sinh hoạt cho tối đa 120 người.

Ông You cho biết: “Bốn trụ được sử dụng để chứa dầu. Đây là loại trụ đầu tiên trên thế giới. Nó có thể chứa tối đa 20.000 m3 dầu trong 10 ngày, cho phép thêm thời gian để các tàu chở dầu trở lại đất liền cách đó 150 km”.

Giàn khoan này sẽ được cho vận hành thử tại mỏ Lingshui 17-2. Mỏ khí đốt Lingshui 17-2 có trữ lượng 136 tỷ m3 khí, dự báo sản lượng ban đầu là 3,25 tỷ m3 khí mỗi năm và 1.400 m3 gas hóa lỏng mỗi ngày, theo CNOOC.

Mỏ khí nằm ở độ sâu trung bình 1.500 mét, được phân loại là “mỏ khí tự nhiên nằm ở tầng nước cực sâu” (ultra-deepwater gas field). Đây cũng là mỏ khí tự nhiên nước sâu đầu tiên được CNOOC phát hiện ở biển Đông. Tại thời điểm Lingshui 17-2 mới được phát hiện, nhiều ý kiến cho rằng sẽ phải mất “nhiều năm nữa” Trung Quốc mới có thể tiến hành thương mại hóa nó.

Tuy nhiên, việc CNOOC chế tạo thành công thiết bị khai thác dầu khí ở mỏ Lingshui 17-2 cho thấy Trung Quốc hiện đã có khả năng và công nghệ để khai thác các khu vực nước sâu “khó nhằn” nhất trên biển Đông.

Từng bước thâu tóm công nghệ nước ngoài

Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc từng tuyên bố, việc thăm dò và khai thác dầu và khí tự nhiên ở biển Đông “không chỉ vì lợi ích kinh doanh của CNOOC mà còn giúp bảo vệ chủ quyền hàng hải của đất nước [Trung Quốc] và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”.

CNOOC được thành lập vào ngày 15/02/1982 tại Bắc Kinh nhằm phát triển ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi. Từ khi công ty mới thành lập, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các quan chức dầu khí đã tìm đến Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy và các nước phương Tây khác để tiếp thu, học hỏi công nghệ khai thác dầu khí ngoài khơi.

Nhiều phái đoàn tiếp xúc với các công ty xăng dầu đa quốc gia, thu hút sự tham gia của các công ty này và tìm cách cho họ cạnh tranh với nhau. Kết quả là, các công ty đa quốc gia của Nhật Bản và phương Tây đã chịu phần lớn chi phí khai thác trong các hợp đồng nhượng quyền và chia sẻ sản lượng. Sau đó, CNOOC từng bước thâu tóm cổ phần và công nghệ, nhanh chóng hất cẳng các công ty nước ngoài và tiếp quản hầu hết các dự án.

CNOOC kể từ đó đã tự mình chế tạo các thiết bị ngoài khơi như giàn khoan nửa nổi nửa chìm HD-981, được hoàn thành vào năm 2011. Giàn khoan này được tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến, có thể chống chịu được điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt ở biển Đông.

Khu vực biển Đông (tên tiếng Anh “South China Sea”) là nơi vừa có trữ lượng dầu khí lớn, vừa có ý nghĩa địa chính trị quan trọng trong khu vực. Ảnh: Council on Foreign Relations, The Center for Strategic and International Studies

Những việc làm trên cho thấy Trung Quốc đang âm thầm và có chủ ý chuyển từ một nền công nghiệp dựa vào lao động giá rẻ sang một nền công nghiệp công nghệ cao, bằng cách chèn ép các công ty của Nhật Bản và phương Tây.

Bị đưa vào tầm ngắm

CNOOC cùng với hàng loạt doanh nghiệp khác của Trung Quốc, thông qua các hợp đồng hợp tác và chuyển giao công nghệ, đã lợi dụng công nghệ phương Tây để phục vụ cho các tranh chấp trên biển Đông và yêu sách lãnh thổ. Nó được thể hiện qua các hoạt động quân sự hóa biển Đông, xây dựng và bồi đắp các đảo nhân tạo, cùng một loạt cơ sở hạ tầng liên quan đến an ninh và khai thác năng lượng ở trên biển.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Năm tuần trước (14/01/2021) đã ra tuyên bố cấm vận CNOOC, hạn chế quyền tiếp cận các công nghệ của Mỹ mà không có sự cho phép cụ thể, đưa công ty này vào Danh sách Thực thể (Entity List).

Danh sách Thực thể liệt kê tên của các pháp nhân nước ngoài, gồm có các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức chính phủ và tư nhân, các cá nhân và các loại pháp nhân khác. Các đối tượng nằm trong Danh sách Thực thể bắt buộc phải có các loại giấy phép cụ thể để được xuất khẩu, tái xuất khẩu và/ hoặc chuyển giao (trong nước) các mặt hàng được chỉ định. Thông thường, các pháp nhân bị đưa vào Danh sách Thực thể là những thực thể bị Bộ Ngoại giao Mỹ trừng phạt hoặc có những hoạt động trái với lợi ích an ninh quốc gia và/ hoặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ gọi CNOOC là “kẻ bắt nạt”, được quân đội Trung Quốc sử dụng để đe dọa và chèn ép các nước láng giềng trên biển Đông. Bên cạnh đó, S&P Dow Jones Indices, đơn vị tính toán chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ, đã loại thông tin của CNOOC ra khỏi danh mục của mình. Đồng thời, Bộ quốc phòng Mỹ đã đưa CNOOC vào danh sách đen các công ty quân sự của Trung Quốc.

Cũng vào ngày 14/01/2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tái khẳng định lập trường của họ về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông. Viện dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực The Hague năm 2016 theo Công ước Luật Biển, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng các tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn cáo buộc CNOOC đã sử dụng một giàn khoan khảo sát (HD-981) vào năm 2014 để đe dọa Việt Nam, dựa trên bình luận của giám đốc điều hành khi đó của công ty, người đã ngang nhiên gọi HD-981 là “lãnh thổ quốc gia di động” của Trung Quốc.

Hiện các công ty lớn của Trung Quốc đang sử dụng công nghệ của Mỹ và châu Âu để đưa ra các yêu sách chủ quyền trên biển của họ. Trong một số trường hợp, khi sản phẩm được mua lại thông qua các trung gian của Trung Quốc, không rõ liệu các công ty phương Tây có biết công nghệ của họ đã và đang được sử dụng vì mục đích xấu hay không.

L.N.

Nguồn: luatkhoa.org

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Biển Đông. Bookmark the permalink.