Dân Hà Nội đang trả giá quá đắt vì sự thờ ơ, tham lam của một nhóm người

Nam Anh

Ô nhiễm Hà Nội đã bứt phá lên vị trí TOP những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vượt mặt Bắc Kinh và New Delhi, có thời điểm cao gấp 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đến mức Hà Nội phải triệu tập cuộc họp khẩn và đề nghị người dân nên ở trong nhà. Đó chính là tình trạng đang diễn ra tại trung tâm đầu nào chính trị, trái tim của Việt Nam.

Nhân tố “đắc lực” đưa Hà Nội bứt phá lên vị trí TOP thế giới này, theo nhiều nghiên cứu cho thấy các nhà máy nhiệt điện than mọc lên như nấm bao quanh Thủ đô chính là nguyên nhân của tình trạng này. Và không chỉ Hà Nội, dân cả nước đều đang đối mặt với một sự hủy hoại nòi giống đến mức báo động, khi mà bụi mịn trong không khí đã trở nên đặc quánh, đến mức khó thở. Chẳng khác nào bài học Bắc Kinh vài năm trước mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập và khẩn thiết kêu gọi chính phủ ngừng các dự án nhiệt điện than trước khi quá muộn, nhưng hoàn toàn chẳng ai để ý.

Sơ đồ các nhà máy nhiệt điện than quanh Hà Nội

Trong khi Trung Quốc đã hoàn tất đóng cửa tổ máy cuối cùng của nhà máy điện Hoa Năng, phía Nam Bắc Kinh vào ngày 18/03/2017, đưa thành phố này trở thành đô thị đầu tiên trong nước chấm dứt sử dụng năng lượng điện từ than đá. Thì cùng thời điểm trên, xung quanh Hà Nội là gần chục nhà máy nhiệt điện than với công suất lớn, được ưu ái thiết kế bao quanh Hà Nội như sợ “đặt” xa một chút thì dân Hà Nội không tận hưởng được từng tầng lớp bụi mịn khí than như bức tranh sương mù hiện nay mà ta thấy.

Nhiều lần các chuyên gia cảnh báo, bầu không khí ô nhiễm, nồng nặc axit của Bắc Kinh mà cả thế giới sợ hãi vài năm trước chính là tương lai của Hà Nội. Người ta còn nói đùa rằng, tại Bắc Kinh, bầu trời xanh duy nhất chỉ có trên màn hình tivi và trong ký ức của người dân mà thôi. Nếu chọn phát triển nhiệt điện than thì những hệ lụy ô nhiễm môi trường, lẫn thiệt hại kinh tế mà Trung Quốc đã và đang gánh chịu sẽ là tương lai của Việt Nam.

Để có công suất điện than hơn 13.000 MW như hiện nay, đổi lại, là con số 4.300 người Việt chết yểu mỗi năm. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất điện than đến năm 2030 sẽ lên tới 55.000 MW. Khi tất cả các nhà máy đi vào vận hành, con số người chết vì nhiệt điện than sẽ tăng lên gấp gần 6 lần, 25.000 người mỗi năm. Lộ trình dường như đã vạch sẵn, và người dân đang phải gánh chịu hậu quả.

Xây dựng nhiệt điện than là đi ngược lại với xu hướng của thời đại, cả nhân loại đang hướng tới năng lượng sạch. Bằng chứng là, ở Châu Âu 109 nhà máy nhiệt điện than đã bị đóng cửa. Ở Mỹ 165 nhà máy nhiệt điện than đã ngưng hoạt động, 179 dự án xây mới bị hủy bỏ. Một số quốc gia cũng đã có lộ trình bỏ các nhà máy nhiệt điện than như Anh đến năm 2025, Pháp đến năm 2023, Canada năm 2030. Trung Quốc, nước sản xuất năng lượng từ than cao nhất thế giới cũng đã đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện than và ngưng các dự án đang thi công – năm 2016 ngưng 18 dự án điện than, đầu năm 2017 ngưng 85 dự án và mới đây, ngày 18/3 thành phố Bắc Kinh đã cho đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng.

Nhiệt điện than là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Hiện nay, vấn đề xỉ than và tro bay sau quá trình đốt lên đến cả triệu tấn/năm phải làm thế nào? Ngay cả nước có công nghệ tiên tiến như Mỹ cũng chỉ xử lý được 40% xỉ than.

Hiện Trung Quốc đã đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện than và tương lai sẽ bỏ hoàn toàn, nhưng họ lại làm tổng thầu hầu hết các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến tháng 4/2014, Trung Quốc làm tổng thầu trọn gói 15 trong số 20 dự án nhiệt điện đang thi công ở Việt Nam (chiếm 75%).

Câu hỏi đặt ra, có hay chăng việc Trung Quốc sẽ sử dụng thiết bị cũ từ nhà máy đóng cửa, tân trang lại rồi bán cho Việt Nam? Và hậu quả tất yếu là ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao… Và không cần chờ 10 năm, 20 năm mới thấy được hậu quả của nhiệt điện than, mà bây giờ nó đã hiện hữu trước mắt đe dọa sinh mạng không chỉ dân Hà Nội, đầu não chính trị của đất nước mà đã trải dài khắp mảnh đất hình chữ S.

Mặc kệ những cảnh báo phát triển nhiệt điện than là đi ngược lại với xu thế thời đại, hay khẳng định của người đứng đầu Chính phủ về việc “Không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”, dường như người ta vẫn bất chấp mọi hậu quả để “có năng lượng phát triển kinh tế”? Người ta mặc cho đất nước bị tàn phá, mặc sự sống của người dân. Bài học từ việc phá rừng, xây dựng thủy điện, khai thác boxit, Formosa…đang hiển hiện.

Sinh lực đất nước đang ngày càng cạn kiệt bởi lòng tham không đáy, tầm nhìn hạn hẹp vì lợi ích của một nhóm người nào đó.

N.A.

Nguồn: Tambao.net

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.