Quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam và nhà báo Phạm Chí Dũng

Phú Nhuận

Hiến pháp của Việt Nam mặc dù trao quyền lực tối cao trong vai trò lãnh đạo đất nước cho Đảng Cộng sản, song Hiến pháp cũng bảo hộ quyền tự do biểu đạt chính kiến của người dân.

Thế nhưng trên thực tế thì bất kỳ ai nói lời trái tai với Đảng, rất có thể đối mặt với cáo buộc hình sự.

Ngày 12-11-2020, trang web của VOA, trong bài viết Phạm Chí Dũng đối mặt án tù 10-20 năm, khẳng định ‘không vi phạm pháp luật’ (*), đã dẫn lời của luật sư Nguyễn Văn Miếng, rằng, “Trên tinh thần là ông Dũng không nhận tội, ông nói rằng những việc ông làm thì ông nhận – tức ông nhận hành vi, nhưng truy tố ông phạm tội theo Điều 117, khoản 2, với mức án từ 10 năm đến 20 năm tù, thì ông không đồng ý. Tôi nói với ông Dũng rằng ông bị truy tố theo khoản 2, ông nói lại là “Họ truy tố mình khoản mấy chẳng được”.

Câu “những việc ông làm thì ông nhận”, cho thấy ở đây công dân Phạm Chí Dũng đã tái xác nhận về độ minh bạch ở các bài báo mà ông đã viết, mà mới đây được phía Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có kết luận giám định là “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xâm phạm uy tín Đảng Cộng sản Việt Nam…” (trích Bút lục 23-39).

Phía cơ quan tố tụng đã cáo buộc công dân Phạm Chí Dũng là tác giả của 25 bài viết với nội dung có kết luận giám định như trên.

Giả dụ như kết luận ở trên là phù hợp theo một khung giám định tư tưởng nào đó từ cơ quan tố tụng, vậy thì vấn đề lớn hơn đặt ra: vì sao hành vi được cho là vi phạm pháp luật hình sự của công dân Phạm Chí Dũng lại không được nhà chức trách ngăn chặn ngay từ đầu?

Ông Phạm Chí Dũng đã viết báo và được các cơ quan truyền thông sử dụng công khai, có trả nhuận bút hợp pháp về quyền sở hữu theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Nếu cáo buộc trong số hơn cả ngàn bài viết đó của ông Phạm Chí Dũng có 25 bài là vi phạm pháp luật hình sự của Việt Nam, vậy thì cụ thể các tờ báo sử dụng – trả nhuận bút cho 25 bài viết này của ông Phạm Chí Dũng có được xem là phải tham gia tố tụng với tư cách bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên đới; thậm chí có xem xét vai trò đồng phạm?

Xét về mặt truyền thông, từng có các trang web như “Chân dung quyền lực” đăng tải rất nhiều thông tin dạng hậu trường chính trị – quân sự, và cả đời tư bê bối, tham nhũng của nhiều chính khách. Thế nhưng trên thực tế thì đã không có bất kỳ vụ án liên quan nào được khởi tố, và các bút danh trên những trang web đó đều thuộc dạng ẩn danh, chỉ có thể đoán già – đoán non.

Còn với ông Phạm Chí Dũng thì khác hẳn – đúng như lời kể của luật sư Nguyễn Văn Miếng với VOA: “Trên tinh thần là ông Dũng không nhận tội, ông nói rằng những việc ông làm thì ông nhận – tức ông nhận hành vi”.

Quan sát các bài báo với những bút danh mà ông Phạm Chí Dũng ký công khai, người đọc thấy rằng tác giả thật tâm muốn phản biện các chính sách, quyết sách. Có thể đôi lúc lời lẽ, văn phong không tiết chế được cảm xúc, song nhìn chung tất cả đều được góp ý thật lòng, và người viết hoàn toàn ý thức về những hậu quả mà những bài viết này có thể mang lại.

Niềm tin duy nhất ở đây của công dân Phạm Chí Dũng, có lẽ là vào niềm tin công lý, là người cộng sản luôn tâm niệm những huấn thị ở Tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này rất dễ kiểm chứng là trong số cả ngàn bài báo của tác giả Phạm Chí Dũng, không ai có thể tìm được một bài báo nào có nội dung xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với một người viết báo có trách nhiệm với đất nước như vậy, thì giờ đây nếu cáo buộc ông Phạm Chí Dũng phạm tội hình sự, thì xem ra quyền biểu đạt chính trị ở Việt Nam có quá nhiều giới hạn nằm ngoài Hiến định và cả luật định.

P.N.

_________

Chú thích:

(*) voatiengviet.com

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đàn áp xã hội dân sự, Phạm Chí Dũng. Bookmark the permalink.