Vân Khanh
Ký nhận Cáo trạng, có sự chứng kiến của luật sư, tiến sỹ Phạm Chí Dũng ghi: “Tôi không vi phạm pháp luật Việt Nam”.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, kể:
“Hôm nay ngày 10/11/2020, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã ra Cáo trạng số 543/CT-VKS-P1 dài 12 trang truy tố 3 thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam theo khoản 2 Điều 117 Bộ luật Hình sự:
Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Ký nhận Cáo trạng, có sự chứng kiến của luật sư, tiến sỹ Phạm Chí Dũng ghi: “Tôi không vi phạm pháp luật Việt Nam”.
Câu hỏi đặt ra: pháp luật Việt Nam có những quy định gì gọi là “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?
Trước tiên về mặt từ điển tiếng Việt, động từ “nhằm” được hiểu là “hướng vào một cái đích nào đó”.
Theo Điều 2, Hiến pháp 2013, thì “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Từ cách hiểu qua từ ngữ văn bản pháp luật, thì “nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là đồng nghĩa với “nhằm chống nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Tuy nhiên cho đến nay cần phải hiểu cụ thể như thế nào là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, thì chưa có bất kỳ văn bản dưới luật nào giải thích.
Lý thuyết hàn lâm nói rằng “Nhà nước pháp quyền là biểu hiện tập trung của chế độ dân chủ”.
Vậy thì đã là chế độ dân chủ song được ‘đính kèm’ thêm cụm từ “xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, sẽ mang ý nghĩa gì cho ưu thế lựa chọn của người dân? Rất tiếc điều này vẫn đang trong các bước hoàn thiện về cơ sở lập luận tại những văn kiện qua các lần đại hội Đảng, bao gồm cả Dự thảo Đại hội Đảng lần thứ 13.
Dẫn chứng: trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Lý luận Trung ương, hôm 05-08-2019 có bài “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế” (*), tác giả là GS.TS. Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Phần kết của bài viết, tác giả Trần Văn Phòng đề xuất:
“Từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Đồng bộ hoàn thiện pháp luật về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, đổi mới hoàn thiện quy trình lập pháp theo hướng: chú trọng đến chất lượng và tính khả thi của các dự án luật”.
Với đề xuất trên, cho thấy cách hiểu về “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” vẫn đang giai đoạn tìm kiếm sự hoàn thiện.
Do đó, nếu gọi ai đó là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì điều ấy là khiên cưỡng – thậm chí có thể là suy diễn cho hình sự hóa một quan hệ dân sự, vì luật Hiến pháp bảo hộ quyền đóng góp ý kiến của công dân trong xây dựng “nhà nước pháp quyền”; hơn nữa, Hiến pháp cũng bảo hộ “quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”:
“Điều 14.1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
“Điều 28.
1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Với những góc nhìn pháp lý cụ thể kể trên, cho thấy có cơ sở cho dòng ghi “Tôi không vi phạm pháp luật Việt Nam” của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng.
V.K.
_________
Chú thích:
VNTB gửi BVN